Đề nghị tăng mức phạt đối với tội phạm mua bán người
Theo UBND TPHCM, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố vẫn còn rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân chính là do việc xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Bán người Việt ra nước ngoài làm nô lệ
Theo báo cáo của UBND TPHCM gửi Bộ Công an, điểm đáng chú ý của tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố trong năm qua là tình trạng lừa bán phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng hoặc kinh doanh tình dục, chủ yếu tập trung vào địa bàn Trung Quốc và Malaysia.
Trong năm 2012, Công an Thành phố đã khởi tố 1 vụ, bắt 2 đối tượng mua bán người qua Malaysia nhằm mục đích hoạt động mại dâm. Hiện vẫn đang tiến hành điều tra truy xét 9 vụ; trong đó có 5 vụ đưa phụ nữ Việt Nam sang Malaysia hoạt động mại dâm, 3 vụ đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc (nghi bị bán), 1 vụ lừa phụ nữ Việt Nam sang Nga hoạt động mại dâm.
Ngoài ra, Công an Thành phố còn phát hiện điều tra xử lý 5 vụ môi giới phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc) trái phép, xử lý 11 đối tượng người Việt Nam, 2 người Hàn Quốc và 6 người Trung Quốc.
Nếu vụ môi giới hôn nhân trái phép này không bị cơ quan công an triệt phá, những cô gái nhẹ dạ này rất có thể bị bán ra nước ngoài làm nô lệ tình dục (ảnh: Trung Kiên)
Cũng trong báo cáo này, UBND TP thừa nhận TPHCM hiện nay vẫn còn là địa bàn phức tạp về tổ chức môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài. Hành vi môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài tiềm ẩn nguy cơ bị đối tượng lợi dụng để hoạt động mua bán người, đưa phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài rồi buộc làm gái mại dâm, khống chế làm nô lệ tình dục…
Gần đây, trên địa bàn thành phố lại xuất hiện thêm phương thức tuyển lao động vị thành niên từ các gia đình nghèo khó ở các tỉnh phía Bắc để ép buộc làm việc trong điều kiện kham khổ trong các cơ sở thủ công cách ly. Thậm chí còn có tình trạng tuyển lao động thành niên sang Nga rồi lừa bán cho các xí nghiệp ở đó, bắt lao động như nô lệ.
Video đang HOT
Trong năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố cũng đã tiếp nhận 73 trường hợp phụ nữ bị mua bán từ nước ngoài trở về, 55 trẻ em bị bóc lột sức lao động.
Khó bắt, khó xử, mức phạt lại quá nhẹ
Theo báo cáo của UBND TP, các đối tượng hoạt động môi giới hôn nhân trái phép ngày càng tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động liên tục nhằm đối phó với cơ quan công an. Các đối tượng này không tập trung nhiều phụ nữ đi xem mắt tại 1 địa điểm cho người nước ngoài chọn lựa mà mỗi lần chỉ đưa từ 1 – 2 cô gái đến nhà trọ, khách sạn nằm ở những khu vực vắng vẻ, lúc đêm khuya…
Ngoài ra, hoạt động này được chúng tổ chức rất nhanh, có bố trí canh gác nhiều tầng, nhiều trạm và địa điểm tổ chức được thay đổi liên tục. Do đó, việc bắt quả tang được các đối tượng này hết sức khó khăn.
Công tác nắm địa bàn để phát hiện tội phạm cũng rất khó vì các đối tượng tham gia hoạt động này chủ yếu là người ngoại tỉnh, các cô gái bị lừa bán cũng là người ngoại tỉnh, TPHCM chỉ là địa bàn “tập kết” cho hoạt động này.
Khi phát hiện, công tác điều tra truy xét của cơ quan công an cũng gặp rất nhiều khó khăn vì các nạn nhân hầu hết là chị em phụ nữ nhận thức kém, trình độ văn hóa thấp nên thiếu cảnh giác, không nắm được nhân thân của tội phạm.
Việc xử lý các vụ lừa bán phụ nữ ra nước ngoài hoạt động mại dâm hiện cũng còn gặp rất nhiều trở ngại. Bởi các đối tượng phạm tội đang ở nước ngoài và thông tin về tội phạm do các nạn nhân được giải cứu trở về cung cấp cũng rất mờ nhạt, rất khó điều tra.
Ngoài ra, dù điều tra có kết quả rồi nhưng vẫn còn bất cập rất lớn là việc xử lý hành vi vi phạm, nhất là hành vi của những đối tượng tổ chức môi giới kết hôn trái phép còn ở mức xử phạt hành chính. Mức xử phạt hành chính lại quá nhẹ, chỉ từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng. Theo UBND TPHCM, chế tài phạt tiền hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. UBND TPHCM đề nghị tăng mức phạt tiền cao hơn, có thể tính theo giá trị thu lợi bất chính của người vi phạm.
Theo Dantri
Làm "nô lệ" trên cao nguyên đại ngàn
Mấy ngày nay, buôn hẻo lánh Tun Chách nằm sau đập xả lũ Thủy điện Sông Hinh (Phú Yên), bỗng trở thành tâm điểm dư luận.
Cha mẹ già yếu và con gái Hờ Thư (5 tuổi) đang ngày đêm mong ngóng chị Mí Chi trở về (ảnh chụp chiều 18.10).
Miếng mồi lương cao
Đến lúc này, ông Ma Dút (người Ê Đê) - Phó buôn Tun Chách, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh - vẫn còn 3 người con (cả trai lẫn gái) chưa có tiền chuộc về, thông tin liên lạc không được, cả nhà như ngồi trên đống lửa.
Ông nói: "Dân trong buôn đều tin tưởng bà Đỗ Thị Xuân Thao (người cùng buôn). Bà Thao nói tiền công mỗi người 3,6 triệu đồng/tháng, ai mà không ham! Thôi thì kiếm ít tiền lo qua mùa mưa. Tưởng là làm cho ông chú của bà, ai dè bị bán đi bán lại, hành hạ bầm giập, lại tốn thêm tiền... Vợ chồng tui bó tay, chớ tiền đâu mà chuộc con...".
Theo ông Ma Dút, buôn Tun Chách có 12 người đi theo "tiếng gọi" của bà Thao, hiện vẫn còn 5 người chịu cảnh lao động khổ sai, vì gia đình không thể chạy tiền chuộc. Riêng lao động Mí Chi (đang một mình nuôi 3 con nhỏ từ 4-10 tuổi) thì lúc này vẫn không biết tung tích. Mí Chi lại là người không biết chữ, không có điện thoại, vốn tiếng Kinh ít.
Anh Đặng Tiến Cường (người Dao, ở buôn Tun Chách) vừa được 2 người em chuộc về ngày 8.10, vẫn còn thất thần sau những ngày bị đày ải. Chúng tôi chắp nối sự việc qua lời kể anh Cường. Bắt đầu từ sự rủ rê ngon ngọt của người hàng xóm là bà Đỗ Thị Xuân Thao, nói có ông chú ruột trên Lâm Đồng đang cần người hái cà phê, trả lương 3,6 triệu đồng/người/tháng, chu cấp ăn ở "thoải mái". "Nghe vậy, ai mà không ưa! Tui háo hức cùng một đứa con gái và một đứa cháu trai soạn đồ đạc lên đường, mong kiếm mớ tiền..." - anh Y Cường chua chát.
Ngày 28.9.2012, một chiếc xe "khá sang" đến tận buôn đón 15 người (thêm 3 người ở xã Suối Trai, Sơn Hòa, Phú Yên) theo hướng Tây Nguyên thẳng tiến. Giữa đường, mọi người được chuyển sang một xe khách, đi gần một ngày thì tới Lâm Đồng. Đón họ là hàng chục gã "đầu gấu" và bà "cai" với thông báo lạnh lùng: "Lương tụi bay 2,1 - 2,4 triệu đồng/người/tháng!".
Nhiều người lờ mờ nhận ra đã bị lừa, lén gọi điện thoại cho người thân thì bị nhóm đầu gấu tịch thu đồ đạc, dọa dẫm, đánh đập dã man, lùa tất cả vô một căn nhà kho kín bưng. Họ bị giam cầm, có camera theo dõi, phải ăn mì tôm sống, uống nước lã cầm hơi, chỉ biết cùng nhau than khóc... Còn đám đầu gấu bên ngoài thì canh gác chặt chẽ ngày đêm. Có người khóc lóc muốn về nhà thì bị đòi nộp đến hơn 2 triệu đồng "tiền tàu xe, tiền ăn, tiền ở..." nhưng các lao động không có.
Sống và làm việc như nô lệ
Sau hai ngày bị biệt giam, nhóm người Phú Yên và một số nhóm khác (cũng dân miền Trung) được các "tổng quản" chia về các điểm hái, rang, xay cà phê nhóm khác thì vận chuyển gỗ, đá, vật liệu xây dựng... Ngoài một miếng giấy nhỏ ghi ký hiệu cá nhân, không ai được giữ một loại giấy tờ nào khác. Theo anh Y Thuối (vừa được chuộc về), anh vào nhóm hái cà phê, quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, bất kể nắng mưa. Do đau bệnh, sức yếu nên Y Thuối luôn bị phạt đánh.
Anh Đặng Tiến Cường thì được "phân công" vào một xưởng rang xay cà phê. Phải đứng canh lửa rang sấy, xay cà suốt ngày, chưa quen việc, nhà xưởng lại nóng bức, anh không thể nào chịu đựng nổi, nhiều khi ngủ gục trong lúc đứng máy... Anh Cường cho biết, nhiều đêm chỉ ngủ được 30 phút đến một giờ, còn lại là làm và làm như trâu ngựa. Lương mỗi tháng của anh được "ấn định" là 3 triệu đồng, với điều kiện phải làm suốt ngày (tương đương 50.000 đồng) và suốt đêm (50.000 đồng). Anh cho biết: "Khi kiệt sức, tôi xin nghỉ thì bị dọa đánh ngay. Thôi đành cắn răng cam chịu...". Còn LMô Y Thứ (15 tuổi) thì bị đưa về lao động tại một cơ sở sản xuất nấm khô, vận chuyển gỗ. Y Thứ phải khiêng vác nặng nhọc từ sáng sớm đến 9-10 giờ đêm mới được nghỉ...
Theo Công an huyện Sông Hinh (Phú Yên), đến chiều 18.10, đã có 22 trong số 26 người ở xã Ea Bia (Sông Hinh) và xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) được chuộc, giải thoát về nhà sau khi bị lừa bán vào những vườn rẫy ở Lâm Đồng. Trong số 26 người lên Lâm Đồng, có 13 người đến làm thuê ở Công ty TNHH Đức Hoàng, số còn lại làm công trong vườn rẫy cà phê tư nhân khác.
Dù bị theo dõi gắt gao nhưng họ vẫn tìm cách liên lạc kêu cứu về gia đình. Anh Cường cho hay, 2 người em của anh đã phải bán rẫy lấy 14 triệu đồng để tìm đường giải cứu anh đang "khổ sai" tại thôn Đoàn Kết, xã NThôn Hạ, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) vào ngày 8.10. Riêng tiền chuộc của anh là 1,8 triệu đồng.
"Họ tính tiền phòng ngày đầu nhốt tôi là 200.000 đồng, một gói mì tôm là 50.000 đồng, tiền xe "đón" từ Phú Yên lên là 1,1 triệu đồng..." - anh Cường nói. Còn con gái và đứa cháu anh Cường thì được một người bác ruột đến chuộc với giá 1,3 triệu đồng/người. Riêng Y Thứ được người anh ruột chuộc với giá 2,1 triệu đồng.
Đau xót hơn cả là chị Mí Chi, phải bỏ lại 3 con để theo đoàn "hành hương" ngày 28.9, đến giờ vẫn biệt tung tích. Hai con trai (13 và 10 tuổi) và con gái út 5 tuổi đang phải gửi lại nhà người chị ruột, cuộc sống cũng thiếu thốn đủ đường. Nhà Mí Chi chỉ còn cha mẹ già yếu, anh em họ tộc đều quá nghèo, không thể lấy đâu tiền để tìm chuộc chị về.
Ngày 17.10, đoàn công tác của huyện Sông Hinh và tỉnh Phú Yên đã vào tỉnh Lâm Đồng để phối hợp giải cứu các lao động bị đày ải, tuy nhiên đến chiều 18.10 vẫn chưa có thông tin về kết quả hoạt động của đoàn.
Theo xahoi
Những vụ án nô lệ tình dục Kỳ 7 Những vụ án khó tin: "tình nguyện" làm nô lệ tình dục hay "đàn ông" cũng bị ép thành nô lệ tình dục. Vụ án 1: Nô lệ "tự nguyện". Tanya Nicole Kach kể chuyện với ông chủ cửa hàng thức ăn ngon Joe Sparico rằng cô đã từng bị bắt cóc 10 năm trước bởi vì một người đàn ông tên là...