Đề nghị ‘tấn công’ nhanh, mạnh vào tín dụng đen
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng là từ các đại gia, chứ không phải do mấy khoản nợ “bèo” của những người nghèo, công nhân, nông dân mà ra.
“Làm chính sách cần có trái tim biết rung động vì người nghèo” – đó là khẳng định của ông Trương Văn Phước, thành viên của Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, đưa ra tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng và tác động của tín dụng đối với công nhân tại các tỉnh phía nam” do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Ngân hàng LienVietPostBank và ĐH KHXH&NV phối hợp tổ chức vào chiều 1-11.
Khốn khổ vì thấp cổ bé họng
Theo ThS Phạm Thanh Thôi, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, thu thập phiếu khảo sát của khoảng gần 200 công nhân tại bảy tỉnh phía nam gồm: TP.HCM, Hậu Giang, An Giang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai cho thấy nhu cầu về tín dụng của họ là rất cao. Cụ thể, có đến 98,7% công nhân được hỏi cho rằng các yếu tố về kinh tế, văn hóa, xã hội trong đời sống của công nhân đang có xu hướng gia tăng mức phụ thuộc vào các hợp đồng vay nợ. Do thu nhập 5-10 triệu/tháng chiếm tới 95% số người tham gia điều tra khảo sát. Trong khi số lượng người có tài sản thế chấp là nhà, đất chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Mỗi khi gia đình có nhu cầu gấp về tiền mặt để giải quyết cho mục đích chi tiêu gia đình, giáo dục, sửa chữa nhà ở thì thường tìm đến vay “ nóng” từ hội bạn cùng nghề, nhóm hụi với lãi suất cho vay ở mức chấp nhận được”.
Cũng theo ông Thôi, trong năm năm qua mỗi khi cần tiền gấp người công nhân chọn hình thức vay tín chấp từ công ty tài chính chiếm 71,3%, vay từ cá nhân trong cộng đồng là 88,7%, vay thế chấp từ ngân hàng chỉ có 8,7%.
Đối với quy mô hợp đồng vay và lãi suất vay tín chấp cho thấy trong vòng năm năm qua số tiền vay nhiều nhất trong một lần với công ty tài chính từ 10-50 chiếm khoảng hơn 70%, từ 50-80 triệu đồng là 27%.
“Đáng chú ý là cách tính lãi của các công ty tài chính gồm dư nợ đầu kỳ, phí bảo hiểm khoản vay với lãi suất 3%-5%/tháng, tương đương 36%-60%/năm. Còn khi vay tại tín dụng đen thì lãi suất “thân quen” cũng đã là 50.000/1 triệu/ngày. Những nơi “chặt chém”, lãi suất có thể lên tới 80.000-100.000 thậm chí 150.000/1 triệu đồng/ngày” – ông Thôi cho biết.
Tương tự, ông Trương Văn Phước, chia sẻ: “Từng có nhân viên công ty tài chính đã “chào” cho tôi mức lãi suất 40%/năm”.
Lãi suất cho vay tín dụng đen cao “cắt cổ”.
Video đang HOT
Cho vay người nghèo là cho vay an toàn nhất
Dù dễ thở hơn so với lãi suất tín dụng đen nhưng không phải người công nhân nào cũng tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng hay công ty tài chính. Bằng chứng là có tới 89% số công nhân than phiền thủ tục nhiều quá, cần tài sản thế chấp, chậm giải ngân và đặc biệt là có tới 90,2% số người được hỏi kêu than rằng họ không thể có thời gian chạy đi đến các ngân hàng để cung cấp đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ theo yêu cầu.
Từ đó, nhóm nghiên cứu đề tài cho rằng các đơn vị tham gia xây dựng chính sách cần tạo ra các giải pháp nhằm giúp thị trường tài chính năng động hơn, hệ thống tín dụng vi mô đáp ứng được nhu cầu vay nợ chính đáng và hợp pháp của người công nhân để sinh tồn và tạo dựng cuộc sống ổn định.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostbank, cho biết: Đây mới chỉ là khảo sát đối với công nhân, vậy còn với những người nông dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa còn khó khăn thì sao? Để giải quyết được vấn đề này thì cần có sự chung tay của nhiều ban, ngành, chứ không chỉ riêng ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho rằng đối với vay tiêu dùng thì quan trọng nhất là phải đánh giá được nhân thân của người đi vay , xác định xem họ có cờ bạc, có tiền án, tiền sự không, có sử dụng, buôn bán m-a túy không… Khi những yếu tố tiêu cực đó được loại trừ thì rủi ro đối với ngân hàng cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Ngoài ra, chính sách nhà nước thì nên xem xét cái nào có thể xóa được, cái nào có thể sử dụng bằng quỹ dữ phòng… đồng thời đưa nợ xấu gây ra từ những khoản cho vay của người nghèo ra ngoài nhóm nợ xấu nói chung của ngân hàng. Bởi hỗ trợ cho người nghèo, đẩy lùi tín dụng đen mà lại bị cộng dồn với rủi ro chung của TCTC để đánh giá hạ hạn mức tín dụng thì nhiều ngân hàng sẽ chùn tay”.
Ông Trương Văn Phước nhấn mạnh: Để tối đa hóa lợi nhuận, ngân hàng phải ưu tiên các hợp đồng mấy trăm tỉ, rồi mới tới hợp đồng vài triệu hay vài chục triệu. Hơn nữa cũng phải thẳng thắn với nhau là nợ xấu của hệ thống ngân hàng không phải là do mấy người nghèo, người công nhân, nông dân vay tiền, mà là do các đại gia gây nên. Cho nên chúng ta có thực lòng giúp đỡ những người yếu thế hay không? Chúng ta cần “tấn công” nhanh vào tín dụng đen, bởi nó đã xâm thực người yếu thế trong xã hội. Có những cái giúp căn cơ song có những cái phải giúp bằng thực tiễn. Đó chính là thiết lập trần lãi suất cho vay đối với các công ty tài chính và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thành lập nên các công ty tài chính. Đồng thời, cơ quan nhà nước đảm bảo rằng nếu họ làm ăn đàng hoàng, không móc ngoặc để trục lợi thì không hình sự hóa khi phát sinh nợ xấu. Sự mất mát trong trường hợp này sẽ được bù đắp bằng các quỹ của tổ chức tín dụng”.
“Để xử lý ở tầm quốc gia thì cần phải có chính sách tương thích với nó, có độ bao quát lớn mới có thể giải quyết được vấn đề. Cần xem quy mô tín dụng đen là bao nhiêu để từ đó có cái nhìn rõ ràng hơn về mặt chính sách” – ông Phước nhấn mạnh.
Theo Thùy Linh
Theo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh
Trám lỗ thủng tạo mục tiêu kép
Từ ngày 1/11/2019, Thông tư 58/2019/TT-BTC có hiệu lực. Mục tiêu của Thông tư vừa giúp Bộ Tài chính chủ động trong điều hành ngân sách, vừa giúp Ngân hàng Nhà nước thuận lợi hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.
Thế nhưng, Thông tư này cũng làm "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Nhà nước nhờ hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) có lãi suất rẻ tại đây.
Vòng luẩn quẩn gây thiệt đơn, thiệt kép
Tình trạng tồn dư ngân quỹ nhà nước treo trên tài khoản tiền gửi của KBNN tại các NHTM cổ phần Nhà nước luôn ở mức hàng trăm nghìn tỷ đồng liên tục trong nhiều năm qua nhưng Bộ Tài chính thường xuyên phải phát hành trái phiếu chính phủ vay nợ. Tệ hơn, nguồn vay nợ từ trái phiếu chịu lãi suất thị trường nhưng sử dụng chậm buộc phải tạm gửi vào tài khoản KBNN tại ngân hàng với lãi suất rất thấp.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Lienvietpostbank Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Các ngân hàng lại sử dụng một phần nguồn tiền gửi của ngân sách nhà nước để mua trái phiếu chính phủ, tức cho ngân sách nhà nước vay lại. Mặc dù số lượng trúng thầu đã giảm từ 77,1% (cuối năm 2015) xuống còn 40,4% (30/9/2019) nhưng các NHTM vẫn là nhóm khách hàng quyết định phần lớn sự thành công và mức lãi suất trái phiếu chính phủ từng đợt phát hành.
Tại sao hình thành vòng luẩn quẩn nói trên gây thiệt đơn, thiệt kép cho ngân sách nhà nước? Ngân sách nhà nước có tồn quỹ phải đi vay chịu lãi là thiệt đơn; vay phải trả lãi cao nhưng chôn vốn vào tài khoản hưởng lãi thấp là thiệt kép. Có lý do cả khách quan trong nội tại kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước và chủ quan trong điều hành đầu tư ngân sách của Chính phủ và chức năng quản lý ngân quỹ của KBNN.
Từ nhiều năm nay, kế hoạch thu chi tài chính quốc gia hàng năm luôn có mức bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3 - 4%. Phát hành trái phiếu chính phủ vay nợ bù đắp bội chi là tất yếu. Xét từng thời điểm cụ thể bất kỳ, do các khoản thu ngân sách có thể lệch pha các khoản chi ngân sách nhưng nguyên tắc của thu chi ngân sách nhà nước là có nguồn ngân quỹ mới có chi. Cho nên, tài khoản tiền gửi KBNN tại ngân hàng luôn có số dư, thậm chí số dư rất lớn. Đó là cơ chế khách quan.
Nhưng tại sao Bộ Tài chính chưa thể sử dụng tối đa nguồn dư ngân quỹ trên tài khoản KBNN hàng trăm nghìn tỷ đồng rồi mới phát hành trái phiếu chính phủ theo lịch thời gian phù hợp, hạn chế rủi ro chi phí trả lãi cho ngân sách T.Ư? Thực tế để khắc phục điều này đòi hỏi phải dự báo được dòng tiền trong thu chi ngân quỹ và quản lý ngân quỹ nhà nước một cách chủ động. Đây là vấn đề thuộc chức năng của KBNN đang hạn chế trong thực tiễn, cần có cơ chế hỗ trợ thực thi sau:
Thứ nhất, để chủ động trong dự báo dòng tiền ngân quỹ nhà nước vấn để bức thiết hiện nay là phải quyết liệt khắc phục cho được tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nguyên nhân chậm chủ yếu do khâu chuẩn bị dự án đầu tư, khâu giải phóng mặt bằng và khâu giao kế hoạch vốn đầu tư chậm. Không thể chấp nhận việc Bộ KH&ĐT nhấc lên đặt xuống câu giờ đến cuối quý II và sang quý III mới giao kế hoạch vốn hàng năm cho các dự án đầu tư.
Thứ hai, KBNN được quyền quản lý ngân quỹ nhà nước chủ động, hiệu quả. Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước cho phép KBNN thực hiện quyền này. Theo đó, KBNN được sử dụng nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi vào 4 mục đích khác nhau. Trong đó, sử dụng tạm ứng cho ngân sách T.Ư sẽ hạn chế việc phát hành trái phiếu; sử dụng gửi có kỳ hạn tại các NHTM tốt sẽ tăng nguồn lãi tiền gửi bù đắp phần trả tiền lãi cho trái phiếu chính phủ.
Thứ ba, số dư ngân quỹ cuối ngày trên hệ thống tài khoản tiền gửi của KBNN tại NHTM và Ngân hàng nhà nước (NHNN) phải được chuyển tập trung vào một tài khoản thanh toán tổng hợp duy nhất tại Sở giao dịch NHNN. Chính Thông tư 58/2019/TT-BTC nói trên đã quy định cơ chế đó. Từ đây số dư trên tài khoản đó được KBNN sử dụng đảm bảo khả năng thanh toán của hệ thống KBNN và giao dịch sử dụng ngân quỹ nhà nước theo Nghị định 24/2016/NĐ-CP.
NHTM mất lớn lợi nhuận nhưng NHNN được lợi
Thông tư 58/2019/TT- BTC có hiệu lực đã làm giảm khá lớn nguồn vốn huy động có chi phí rẻ của 4 NHTM cổ phần Nhà nước vì dường như KBNN chủ yếu mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng này. Đứng đầu bảng là NHTM Ngoại thương (Vietcombank), đến NHTM Đầu tư (VIDB), tiếp đến 2 NHTM là VietinBank và Agribank.
Có thể nói lợi nhuận trước thuế của từng ngân hàng trong nhóm NHTM nói trên tự dưng bị "bốc hơi" hàng nghìn, hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, số dư tài khoản thanh toán của KBNN tại Vietcombank cuối năm 2017 là 165.081 tỷ đồng và cuối năm 2016 là 42.752 tỷ đồng, tính số dư bình quân cả năm 2017 khoảng 100.000 tỷ đồng. Lãi suất tiền gửi dưới 1% nhưng tính là 1%/năm bao gồm chi phí nghiệp vụ.
Giả sử ngân hàng sử dụng 90.000 tỷ đồng (90%) mua trái phiếu chính phủ lãi suất bình quân khoảng 5%/năm (tại thời điểm 2017). Khi đó tổng lợi nhuận Vietcombank được hưởng là 3.500 tỷ đồng (90.000 x 5%) - (100.000 x 1%). Đương nhiên từ năm 2018 đến nay số dư trên tài khoản thanh toán KBNN tại các NHTM liên tục giảm đáng kể (do KBNN chuyển số dư ngân quỹ từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn để hưởng lãi cao hơn theo Nghị định 24/2016/NĐ-CP nói trên).
Tiền gửi thanh toán của KBNN bên cạnh đưa lại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho từng ngân hàng cũng có thể gây rủi ro nhất định cho hệ thống ngân hàng. Việc cùng lúc các NHTM lớn quản lý hàng trăm nghìn tỷ đồng nguồn vốn thanh toán của KBNN đã đè nặng áp lực đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Nên nhớ ngay cả bối cảnh không có quản lý nguồn vốn thanh toán của KBNN thì như một sứ mệnh sắp đặt, các NHTM lớn đóng vai trò chủ đạo trong điều phối duy trì cân đối nguồn dự trữ đảm bảo khả năng thanh khoản cho cả hệ thống, trước khi xuất hiện công cụ can thiệp của NHNN. Huống chi khi các NHTM đó đang ôm trách nhiệm gánh nặng rủi ro thanh khoản cho riêng mình.
Số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán được chủ tài khoản rút hết bất cứ lúc nào. Chính đó là tuyệt tác tạo công nghệ tiền đẻ ra tiền cho hệ thống ngân hàng phát triển. Đó cũng là xác quyết quyền không được mặc cả chủ tài khoản được hưởng. Do đó, việc KBNN đột ngột rút một số lượng lớn tiền trên tài khoản sẽ là mối đe dọa rủi ro cho các NHTM.
Thực tế không hiếm lần KBNN đột ngột rút một số lượng lớn ngân quỹ từ tài khoản tiền gửi thanh toán tại các NHTM không báo trước cho ngân hàng đã đe dọa khả năng thanh khoản của hệ thống và do đó tác động tiêu cực tới lãi suất thị trường liên ngân hàng. Chẳng hạn, đợt rút đột ngột số dư tài khoản thanh toán của KBNN đầu tháng 4/2019 đã đẩy lãi suất liên ngân hàng từ 1/4 đến 20/4 tăng mạnh từ 4 - 4,5%/năm nhưng từ sau 20/4 giảm xuống dưới 3%/năm.
Giờ đây cuối mỗi ngày số dư trên tài khoản thanh toán của KBNN tại các NHTM không còn số dư, các NHTM lớn mất nguồn lợi nhuận lớn. Thông tư 58/2019/TT-BTC sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NHNN trong thực thi chính sách tiền tệ.
Ngân sách nhà nước có tồn quỹ phải đi vay chịu lãi là thiệt đơn; vay phải trả lãi cao nhưng chôn vốn vào tài khoản hưởng lãi thấp là thiệt kép. Có lý do cả khách quan trong nội tại kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước và chủ quan trong điều hành đầu tư ngân sách của Chính phủ và chức năng quản lý ngân quỹ của KBNN.
TS.PHAN VĂN THƯỜNG
Theo kinhtedothi.vn
Giải vây công nhân khỏi tín dụng đen Nhiều chuyên gia tài chính đề xuất ban hành trần lãi suất cho vay tín chấp tiêu dùng để hỗ trợ công nhân vay vốn, góp phần đẩy lùi tín dụng đen Ngày 1-11, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) tổ chức tọa đàm "Thực trạng...