Để nâng hiệu quả cấp cứu trước viện
Cấp cứu người bệnh tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế an toàn để tiếp tục điều trị là vấn đề quan trọng trong công tác cấp cứu trước viện.
Qua đó, nhằm giúp người bệnh được chăm sóc y tế kịp thời, giảm thiểu nguy cơ tử vong, giảm mức độ thương tật, đặc biệt là các trường hợp nguy kịch. Từ đó, giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong giờ làm việc. Ảnh: Hạnh Dung
BS CKII Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, Khoa Cấp cứu phụ trách số điện thoại cấp cứu ngoại viện 115, trực tiếp đến hiện trường, cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên thời gian qua, bên cạnh những cuộc gọi cần sự giúp đỡ thật sự, còn rất nhiều cuộc gọi đến 115 chỉ để quấy phá, báo động giả, làm ảnh hưởng đến công tác điều trị và chăm sóc người bệnh tại Khoa Cấp cứu.
* Hơn 88% số cuộc gọi là quấy phá
Video đang HOT
Theo Quyết định số 01/2008 của Bộ Y tế, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có nhiệm vụ phụ trách số điện thoại cấp cứu ngoại viện 115. Tức là có nhiệm vụ từ tiếp nhận điện thoại yêu cầu trợ giúp y tế, điều xe cấp cứu, trực tiếp đến hiện trường, tiếp cận người bệnh hoặc nơi xảy ra tai nạn trong địa bàn TP. Biên Hòa để đưa ra chẩn đoán và xử trí cấp cứu, vận chuyển người bệnh nhanh chóng, an toàn về bệnh viện.
Nhóm cấp cứu ngoại viện cần đảm bảo sinh hiệu cho người bệnh, giúp đường thở thông suốt, hô hấp hiệu quả, tuần hoàn ổn định, hạn chế các nguy cơ ngưng tim, ngưng thở, trụy tim mạch hoặc suy hô hấp, nguy cơ yếu liệt thần kinh, giảm thiểu đau đớn cho người bệnh. Nhân lực cấp cứu ngoại viện tại Khoa Cấp cứu là các bác sĩ, điều dưỡng đang trực tại khoa chứ không phải một nhóm y, bác sĩ riêng biệt.
Theo thống kê trong 8 tháng của năm 2020, có tổng số hơn 1,3 ngàn lượt cuộc gọi đến số điện thoại cấp cứu 115. Tuy nhiên, hơn 88% trong tổng số các cuộc gọi này là quấy phá, báo động giả. Chỉ có 112 lượt gọi là đúng người bệnh có nhu cầu cấp cứu thật sự. Những trường hợp cần được hỗ trợ y tế bao gồm các bệnh nội khoa, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn đả thương.
Sau khi tiếp cận người bệnh, nhóm y, bác sĩ cấp cứu ngoại viện của khoa cấp cứu đã khẩn trương thăm khám và thực hiện các phương pháp, thủ thuật nhằm cấp cứu người bệnh qua cơn nguy hiểm như: lấy sinh hiệu, cấp cứu ngưng tuần hoàn hô hấp, đặt ống nội khí quản, cho thở oxy, xét nghiệm đường mao mạch, truyền dịch, cho thuốc, băng ép, xử trí vết thương, nẹp cố định gãy chân/tay. Khi tình hình bệnh nhân qua cơn nguy kịch, nhóm cấp cứu nhanh chóng đưa bệnh nhân về bệnh viện để tiếp tục cấp cứu và điều trị.
* Cần thiết có một trung tâm cấp cứu ngoại viện riêng
BS CKII Nguyễn Xuân Hoàng cho hay, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận khoảng 150-200 trường hợp, tập trung vào một số khung giờ nhất định chứ không phải rải rác suốt 24 giờ trong ngày. Với một kíp trực cấp cứu từ
12-13 người thì đây là khối lượng công việc rất lớn, dễ xảy ra sai sót, đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ. Khi có một bệnh nhân nặng nhập viện, toàn bộ nhân lực của kíp trực đều được huy động, nhất là trong trường hợp cấp cứu ngưng tuần hoàn ngoài hô hấp.
Trong khi đó, các cuộc gọi cấp cứu ngoại viện 115 thường vào thời gian ngoài giờ hành chính, đặc biệt vào khoảng thời gian từ 22 giờ đêm hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau hoặc thời điểm bệnh nhân tại khoa đang đông, các y, bác sĩ đang phải tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân tại khoa.
“Bất kể ngày đêm, khi nào có cuộc gọi 115, điều dưỡng đều nhanh chóng tiếp nhận cuộc gọi. Với tinh thần trách nhiệm, đã rất nhiều lần xe cấp cứu của bệnh viện phải chạy về không vì không đón được người bệnh do các cuộc gọi là giả. Mỗi lần điều xe cấp cứu đi từ 30-60 phút, nếu các cuộc gọi giả cứ lặp lại như thế thì cơ hội của những người bệnh gặp sự cố sức khỏe hay nạn nhân gặp tai nạn thật sự bị giảm đi nhiều. Các cuộc gọi ngoài giờ hành chính cũng ảnh hưởng đến việc sắp xếp, điều động xe cứu thương của bệnh viện vì vừa phải thực hiện công tác chuyển tuyến, công tác chuyên môn và phục vụ cấp cứu ngoại viện. Hành động vô ý thức của một vài cá nhân đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Khoa Cấp cứu và sức khỏe của người bệnh” – BS Hoàng tâm sự.
Các bác sĩ cho rằng, để công tác cấp cứu trước viện đạt kết quả cao, cần thiết phải triển khai tổ cấp cứu ngoại viện riêng, độc lập với hoạt động và nguồn nhân lực của Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Đồng thời, cần phải có cơ chế tài chính rõ ràng cho việc vận hành, hoạt động của các trung tâm 115. Bởi lẽ, với đặc thù công việc, các trung tâm 115 không thể là một cơ sở tự chủ tài chính hoàn toàn.
GS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, cả nước hiện mới có 11 tỉnh, thành phố có trung tâm cấp cứu 115 công lập, 18 bệnh viện đa khoa tỉnh có tổ cấp cứu 115, 7 tỉnh có trung tâm cấp cứu tư nhân 115. Cả nước còn 27 tỉnh chưa có hệ thống cấp cứu ngoại viện.
Cứu sống bệnh nhân 2 lần bị ngưng tim, ngưng thở
Ngày 15-10, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đặng Hà Hữu Phước cho biết, bệnh nhân N.Đ.T. (40 tuổi, ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) - người 2 lần bị ngưng tim, ngưng thở đã được bệnh viện cứu sống, bình phục tốt.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 tháng, bệnh viện cứu sống ngoạn mục bệnh nhân bị ngưng tim bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động.
BS Đoàn Quốc Duy thăm khám cho bệnh nhân
Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Đoàn Quốc Duy cho hay, bệnh nhân bị hen từ nhỏ. Chiều 2-10, xưởng nơi bệnh nhân làm việc tiến hành phun sơn, bệnh nhân thấy khó chịu nên xin về trước. Dọc đường về, bệnh nhân gục bên vệ đường, được người dân phát hiện và đưa vào Phòng khám Đa khoa Long Bình cấp cứu.
Sau khi bệnh nhân được cấp cứu, có tim đập trở lại, phòng khám ngay lập tức chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở lần thứ 2. Sau 15 phút cấp cứu liên tục, bệnh nhân có tim đập trở lại nhưng vẫn hôn mê.
Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, cho bệnh nhân thở máy, sử dụng thuốc điều trị hen. Đồng thời, sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt ngoài cơ thể để cứu bệnh nhân. Bệnh nhân được mặc một bộ đồ hạ thân nhiệt có các mạch lưu thông nhỏ, bên trong có các loại dịch, được gắn vào máy hạ thân nhiệt chỉ huy để hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống 33 độ C, duy trì nhiệt độ này trong 24 giờ, rồi tiếp tục nâng dần 0,25 độ C mỗi giờ đến khi cơ thể bệnh nhân đạt 37 độ C.
Song song với đó, bệnh nhân vẫn được thở máy, sử dụng thuốc an thần để giãn cơ. Vài ngày sau, khi bệnh nhân tỉnh táo, các bác sĩ ngưng sử dụng máy hạ thân nhiệt, rút ống nội khí quản, ngưng thuốc an thần và tiếp tục chăm sóc tích cực cho bệnh nhân. Đến nay, sau 13 ngày được cấp cứu, chăm sóc, bệnh nhân tỉnh táo gần như hoàn toàn, tiếp xúc tốt, có thể ăn cháo, uống sữa.
Theo BS Duy, nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, não bệnh nhân thiếu oxy sẽ bị tổn thương dẫn đến tử vong, hoặc phải sống đời sống thực vật nếu được đưa vào bệnh viện cấp cứu trễ. Do đó, bên cạnh việc mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật mới trong điều trị, đòi hỏi cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa cơ sở cấp cứu ban đầu, chuyển viện an toàn và công tác hồi sức cấp cứu tại cơ sở tiếp nhận.
Cứu bé trai bị ngừng tim 3 lần Sau một tháng điều trị, bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, cai thở máy, chuẩn bị xuất viện. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, vừa cứu bé trai 9 tháng tuổi 3 lần ngừng tim trong quá trình điều trị đa bệnh lý. Đó là bé V.B.H. (trú...