Để đảm bảo khách quan, Tòa án không phải là cơ quan buộc tội!
Khi đề cập tới dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi (dự kiến được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII). PGS. TS. Trung tướng Trần Văn Độ nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Toà án quân sự TW đã nêu quan điểm: “Tòa án không phải là cơ quan buộc tội!”.
Vì sao lại như vậy? Để hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan buộc tội, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Trung tướng Trần Văn Độ về vấn đề này.
PGS. TS. Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.
Tòa án có vai trò trung gian giữa bên buộc tội và gỡ tội
Thưa ông, vì sao ông cho rằng Tòa án không phải là cơ quan buộc tội và nếu đúng như vậy thì cơ quan nào là cơ quan có quyền buộc tội?
Để bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người thì Tòa án không thể vừa là cơ quan xét xử vừa là cơ quan buộc tội. Nếu Tòa án có chức năng buộc tội sẽ không đảm bảo khách quan, không chính xác bởi các lẽ sau: Trong cơ chế tố tụng hình sự gồm ba bên.
Thứ nhất, bên buộc tội là cơ quan thực hiện quyền công tố. Cụ thể đó là Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện Kiểm sát nhân dân (VKS), trong một số vụ án cụ thể thì người bị hại cũng là bên buộc tội.
Thứ hai, bên gỡ tội gồm luật sư bào chữa, bị can, bị cáo.
Thứ ba, cơ quan xét xử đó là Tòa án, chỉ Tòa án có quyền xét xử và xét xử độc lập.
Bên có nhiệm vụ buộc tội đó là CQĐT, VKS đưa ra những căn cứ để truy tố, buộc tội bị can trong quá trình điều tra, bị cáo trước tòa. Bên gỡ tội đưa ra những minh chứng, lập luận, đối đáp lại bên buộc tội. Khi đó Tòa án đóng vai trò trung gian và Tòa phải lắng nghe cả hai bên, bên buộc tội và bên gỡ tội. Do đó Tòa không thể thiên vị bên nào, nếu bên nào chứng cứ thuyết phục hơn thì Tòa sẽ phán quyết theo bên đó. Để đảm bảo bản án được khách quan đúng người, đúng tội, Toà án phải là vai trò trung gian giữa bên buộc tội và bên gỡ tội.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khi Toà án đưa ra phán quyết bằng một bản án, Tòa phải xem xét đầy đủ tính khách quan toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng (bên buộc tội). Chứng cứ thu thập của bên gỡ tội. Có như vậy Toà án mới thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.
Vì theo quy định, Tòa án có toàn quyền xét xử và xét xử độc lập, phán xét sự việc phạm tội hành vi phạm tội của các bị cáo. Tòa án là cơ quan xét xử, do đó giành quyền tư pháp. Sự việc phạm tội của các bị can, bị cáo là do cơ quan buộc tội đưa ra.
Chính vì những lẽ nêu trên, nên Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi lần này phải coi Tòa án là trung tâm của hệ thống tư pháp, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Cho nên, cần có những quy định rất rõ về nguyên tắc tổ chức hoạt động của Tòa án, đặc biệt là những nguyên tắc cơ bản không thể thiếu như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc xét xử độc lập.
Các bên tham gia tố tụng, kể cả bên buộc tội lẫn bên gỡ tội, phải có quyền điều tra, quyền thu thập chứng cứ, quyền chứng minh. Thẩm phán, hội thẩm phải được làm việc độc lập, không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được quyền can thiệp vào việc xét xử của Toà án.
Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi sắp tới sẽ có những sửa đổi, bổ sung để tránh sự hiểu nhầm Tòa án là cơ quan buộc tội (Ảnh minh họa).
Cần thấy rằng Bộ luật Tố tụng Hình sự đang có những vấn đề không ổn như: Xác định địa vị tố tụng thiếu công bằng, coi CQĐT, VKS (là một bên tố tụng có nhiệm vụ buộc tội) là cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan xét xử (Tòa án), trong khi bên gỡ tội chỉ là người tham gia tố tụng; Giao cho Tòa án một số nhiệm vụ thuộc chức năng buộc tội; Quy định về giới hạn xét xử thiếu hợp lý và vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án; Quy định các thủ tục tố tụng, nhất là thủ tục phiên tòa tạo ra nhận thức Tòa án cũng là cơ quan buộc tội.
Thưa ông, trong thực tế một số luật sư bào chữa thường lập luận rằng: Một người chỉ bị coi là có tội khi bị Tòa tuyên án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu Toà án không chỉ có quyền buộc tội mà thậm chí còn là cơ quan duy nhất được tuyên một người là có tội hay không có tội?
Đó là quy định trước kia, nay đã thay đổi theo nguyên tắc suy đoán vô tội: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật được chứng minh của Tòa án.
Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bố một người có tội. Tuy nhiên, khi Toà tuyên một người là có tội hay không có tội thì Tòa án phải có những căn cứ để chứng minh, những căn cứ này do bên buộc tội đưa ra và cả bên gỡ tội đưa ra. Và phải tuân thủ theo trình tự tố tụng chứ không thể tuyên một cách tuỳ tiện được. Chính vì vậy nên chỉ Toà án có quyền xét xử, xét xử độc lập và tuân theo quy định của pháp luật và hiến pháp là như vậy.
Chức năng của Tòa án: Không thể hiểu sai hoặc… ngầm hiểu
Đồng tình với quan điểm của PGS. TS. Trung tướng Trần Văn Độ, ông Thân Quốc Hùng, Chánh án, thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Để hiểu rõ cơ quan nào là cơ quan buộc tội thì cần phải phân tích chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan tố tụng.
Bộ máy Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập trung quyền lực có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: Chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Thực hiện quyền tư pháp mà chủ yếu là quyền xét xử là một trong những chức năng rất quan trọng của Nhà nước Việt Nam và được giao cho Toà án nhân dân. Do đó, khi sửa đổi bổ sung cần nêu rõ, chi tiết cụ thể tránh hiểu sai hoặc ngầm hiểu.
Bởi lẽ, Toà án nhân dân có vị trí rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước và là chỗ dựa, bảo vệ quyền con người, bảo vệ pháp chế… Trong phiên toà, trách nhiệm của Tòa án đưa ra phán quyết, trên cơ sở tranh tụng tại phiên tòa, giữa bên buộc tội (VKS) hoặc người bị hại, bên gỡ tội là luật sư bào chữa, bị cáo.
Trong một số trường hợp, nếu bên buộc tội đưa ra những chứng cứ còn yếu, thiếu thuyết phục thì Tòa có quyền trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung hoặc có thể Tòa tự điều tra độc lập nếu thấy cần thiết để tránh oan sai và đảm bảo tính khách quan trong giải quyết vụ án. Chính vì các lẽ nêu trên, nên trong tố tụng hình sự, Tòa án không thể vừa là cơ quan buộc tội vừa kết tội được.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013, tại Điều 102 đã ghi rõ chức năng nhiệm vụ của Tòa án nói chung (Tòa Tối cao, Tòa cấp tỉnh, Tòa cấp quận huyện theo luật định) rằng: Tòa án là cơ quan xét xử. Toà án nhân dân là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm.
Luật sư TRỊNH Quang Chiến: Cơ quan buộc tội là cơ quan thực hiện quyền công tố Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) là cơ quan Nhà nước duy nhất được giao trách nhiệm thực hành quyền công tố. Nội dung cơ bản của chức năng công tố là truy tố bị can ra trước Toà án (đưa ra những căn cứ để buộc tội, nhân danh Nhà nước thể hiện trong cáo trạng và duy trì buộc tội trước Toà án) để truy cứu trách nhiệm hình sự của người đó, bảo đảm nguyên tắc tội phạm không tránh khỏi hình phạt của Bộ luật Hình sự. Hoạt động công tố luôn là hoạt động chủ đạo của VKS đã được quy định.
LƯƠNG LIỄU
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Sóc Trăng khắc phục án oan sai
Thời gian qua, hoạt động của các cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng còn sai sót, dẫn đến khởi tố, bắt giam người vô tội, gây ra hậu quả nặng nề cho người bị oan. Để không còn án oan sai xảy ra, trong khi tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự (TTHS), việc khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan tư pháp Sóc Trăng.
Anh Thạch Sô Phách ở ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân, huyện Trần Đề đang thất nghiệp chờ nhận tiền bồi thường oan sai.
Trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Sóc Trăng có nhiều cố gắng trong việc tuân thủ pháp luật hình sự, TTHS, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động TTHS ở Sóc Trăng còn nhiều sai sót. Theo Công an Sóc Trăng, ba năm qua, toàn tỉnh đã đình chỉ điều tra 40 vụ án với 52 bị can: năm 2012 có 16 vụ án với 18 bị can, năm 2013 có 12 vụ án với 13 bị can, năm 2014 có 12 vụ án với 21 bị can. Nhiều vụ án đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm, phải đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện hành vi phạm tội.
Làm việc tại Sóc Trăng về khắc phục án oan sai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết, căn cứ đình chỉ điều tra một số vụ án có dấu hiệu không đúng, chưa chính xác, có thể dẫn tới việc oan sai. Việc xử lý tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố còn để tình trạng quá hạn theo luật định, tỷ lệ giải quyết đạt thấp; tỷ lệ án đình chỉ, tạm đình chỉ cao, cho thấy công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác trinh sát điều tra và tuân thủ pháp luật trong quá trình điều tra chưa được tăng cường và đề cao đúng mức. Vẫn còn tình trạng người bị bắt, tạm giữ, tạm giam sau đó trả tự do vì không chứng minh được hành vi phạm tội. Một số trường hợp áp dụng khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự để đình chỉ điều tra chưa chính xác. Bên cạnh nguyên nhân về năng lực, kinh nghiệm, thì trách nhiệm điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra chưa được tăng cường đúng mức trước yêu cầu cải cách tư pháp và quy định của Hiến pháp năm 2013.
Viện kiểm sát thực hành quyền công tố còn sai sót, truy tố sai tội danh, sai pháp luật, dẫn đến oan sai. Kiểm sát hoạt động tư pháp chưa được tăng cường đúng mức, hiệu quả chưa cao, nhất là về trách nhiệm chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra. Có dấu hiệu của việc bức cung, nhục hình tại một số vụ án nhưng chưa kịp thời xem xét, phát hiện, xử lý. Đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng còn nhiều nhưng các cơ quan điều tra chưa kịp thời phân tích, làm rõ. Viện kiểm sát không thực hiện đúng quy định của Bộ luật TTHS trong việc đình chỉ điều tra một số vụ án mà chuyển trách nhiệm này sang cơ quan điều tra thông qua việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm kéo dài việc giải quyết, gây bức xúc cho người được đình chỉ và dư luận. Việc tham gia của luật sư ngay từ đầu quá trình điều tra vụ án còn hạn chế. Trong một số trường hợp, các luật sư chưa được tạo điều kiện trong việc tham gia tố tụng, nhất là giai đoạn điều tra. Còn để xảy ra tình trạng tòa án cấp trên hủy án do lỗi của thẩm phán trong đánh giá chứng cứ và vi phạm thủ tục tố tụng. Việc tranh tụng góp phần hạn chế oan sai chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp. Bồi thường thiệt hại cho người bị oan do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra chậm trễ, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, chưa kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Vụ oan sai gây bức xúc dư luận ở Sóc Trăng thời gian qua là vụ bắt, tạm giam bảy người oan sai tại huyện Trần Đề gồm: Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Trần Văn Đở, Trần Hol, Trần Cua, Khâu Sóc, Nguyễn Thị Bé, bị khởi tố với tội danh giết người - che giấu tội phạm. Công an Sóc Trăng cho rằng, bảy người bị bắt, tạm giam oan sai là do điều tra viên sơ xuất, chủ quan, nóng vội, áp lực điều tra án, không xem xét hết các tình tiết gỡ tội cho các đối tượng...
Để hạn chế mức thấp án oan, sai, các cơ quan hữu quan cần nghiêm khắc thực hiện chế độ trách nhiệm trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát giữa các cấp và giữa các cơ quan chức năng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giáo dục cán bộ, thanh tra nội bộ, xử lý nghiêm minh cán bộ khi có vi phạm cần được quan tâm, quán triệt, triển khai thường xuyên và có hiệu quả. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm chấp hành và tuân thủ pháp luật nghiêm minh, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Các cơ quan tư pháp Sóc Trăng cần quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và những quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định của pháp luật hình sự, TTHS để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và có các giải pháp cụ thể về tổ chức cán bộ, kiểm tra, thanh tra, chính trị nội bộ, khắc phục ngay các vụ việc oan sai, không để tái diễn. Việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng cần được tiến hành khẩn trương theo đúng quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục các hậu quả do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Luật sư chưa được tạo điều kiện thuận lợi tham gia tố tụng, nhất là ở giai đoạn điều tra. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn trên thực tế giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án, giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng, chính xác, đúng pháp luật, khắc phục án oan sai.
BẠCH SỸ CHẤT
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sóc Trăng
MINH TRƯỜNG
Theo_Báo Nhân Dân
7 thanh niên được minh oan, 25 cán bộ chiến sĩ bị kỷ luật, khiển trách Sáng 14/1, đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng đã chi trả bồi thường cho hai trong số bảy thanh niên ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bị bắt oan do nghi ngờ tham gia giết người cướp của. Báo Tuổi trẻ thông tin, hai thanh niên nhận tiền bồi thường là Trần Văn Đỡ và Khâu Sóc. Trần Văn Đỡ được bồi...