Đề cử Văn hóa Óc Eo là Di sản thế giới
Khu vực đề cử Văn hóa Óc Eo là Di sản văn hóa thế giới sẽ gồm 3 khu vực: Khu di tích Óc Eo-Ba Thê (An Giang).
Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) và Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp). Đây là một gò đất trên cánh đồng phía Đông Nam núi Ba Thê, thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Nắp đậy nồi, hủ thế kỷ V-VII
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 3 địa phương gồm An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đang rất tích cực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh di sản văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo.
Được biết, văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.
Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước, con người ở vùng đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Mekong; đồng thời, nó còn có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á thời cổ.
Vùng này phân bố trên một khu vực rất rộng ở miền châu thổ sông Cửu Long, trong miền đất trũng Tây sông Hậu bao gồm nhiều vùng sinh thái khác nhau của các tỉnh An Giang (Óc Eo-Ba Thê), Kiên Giang (Đá Nổi, Nền Chùa, Tân Long), Đồng Tháp (vùng Đồng Tháp Mười), vùng ven biển Tây Nam (U Minh, Năm Căn) kéo đến vùng rừng Sác duyên hải (Cần Giờ, Giồng Am…) và vươn ra tận Biển Đông (khu vực từ cửa sông Tiền đến Cà Mau).
Ngoài ra, khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích, di vật thuộc văn hóa Óc Eo ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, một phần Long An, Bình Thuận và TPHCM.
Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia – giá trị của nền văn hóa Óc Eo là phát triển thịnh vượng trên diện rất rộng, không gian lớn, loại hình di tích rất đa dạng và phong phú, bao gồm nơi cư trú, mộ táng, đô thị cổ, một trung tâm thương mại hàng đầu của Đông Nam Á.
Các hiện vật khai quật đã cho thấy có sự giao thương rộng với nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, hồ sơ vinh danh Văn hóa Óc Eo cần làm rõ các tiêu chí về giao thoa văn hóa của di sản cũng như những nét độc đáo, đặc biệt về truyền thống văn hóa, giá trị nổi bật về hình thức lưu trú truyền thống đang bị tổn thương do những tác động theo thời gian, làm rõ tính bản địa về sự phát triển liên tục, đa dạng tiêu biểu…
Theo viettimes.vn
Video đang HOT
Lạc vào xứ sở những ngôi chùa độc đáo ở Sóc Trăng
Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hội tụ cư dân nhiều dân tộc sinh sống, tạo nên nét văn hóa đa dân tộc đặc sắc.
Hệ thống các chùa chiền mang nét văn hóa của dân tộc Khmer, Hoa, Kinh cũng theo đó mà được xây dựng khang trang, uy nghi thể hiện niềm tin, tín ngưỡng của các Phật tử, tín đồ. Mỗi chùa có một kiến trúc riêng biệt, phong cách độc đáo làm nên nét văn hóa đặc sắc của "xứ chùa" Sóc Trăng.
Chùa Khleang - ngôi chùa cổ nhất tỉnh Sóc Trăng
Chùa Khleang - ngôi chùa cổ nhất Sóc Trăng
Tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, thuộc khóm 5, phường 6, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ngày 27/4/1990, chùa Khleang được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Được xem là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Sóc Trăng.
Quần thể kiến trúc chùa Khleang bao gồm: ngôi chính điện, sa la, nhà tăng, hội trường,... được bố trí hài hòa trên nền đất cao, bao quanh bởi nhiều cây xanh, đặc biệt là cây thốt nốt, với tổng diện tích 3.825 m2. Ngôi chính điện nằm ở vị trí trung tâm cao hơn mặt đất gần 2m, gồm ba cấp, mỗi cấp có vòng rào xây bằng gạch bao quanh.
Bộ mái chính điện được xây theo kiểu tam cấp, mỗi cấp chia thành ba nếp. Bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẽ quạt, đuôi cong. Trên các đầu cột ở hành lang bao quanh chính điện đều có tượng Krud dang tay chống đỡ. Ngoài ra, ở các bậc thang dẫn lên chính điện còn trang trí các tượng thần Teahu và tượng chằn (Yeak).
Tượng Phật ngồi trên tòa sen cao 6,8m được đúc vào năm 1916 trong chính điện chùa Khleang
Mười hai cột được làm bằng gỗ quý, được sơn mài đen, vẽ hình rồng và hoa lá bằng nhũ vàng. Các cửa của chánh điện được làm bằng gỗ khắc cảnh giao đấu giữa giữa tiên nữ và chằn (Yeak) trên nền khung được trang trí hoa văn đến từng chi tiết. Trong chánh điện còn có các nhạc cụ được sử dụng cho các lễ hội, sinh hoạt văn hóa mang đậm phong cách truyền thống của người Khmer.
Chùa Khleang là một công trình kiến trúc nghệ thuật cao, từng chi tiết đều mang một ý nghĩa nghệ thuật tinh xảo, tỉ mỉ, thể hiện sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong quá trình sinh sống và học tập lẫn nhau.
Ngôi chùa có hàng ngàn pho tượng bằng đất sét
Chẳng biết từ khi nào Chùa Đất Sét đã trở thành một biểu tượng đẹp, độc đáo của Sóc Trăng. Mọi người truyền tai nhau nếu đến Sóc Trăng mà không ghé qua chùa Đất Sét coi như chưa đến Sóc Trăng.
Chùa Đất Sét (tên chính thức là Bửu Sơn Tự) tọa lạc tại 286 đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào ngày 10/12/2010. Đây là cơ sở thờ tự thuộc hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, do ông Ngô Kim Tây khởi dựng vào năm 1906.
Chùa Đất Sét mang vẻ đẹp có một không hai, toàn bộ các pho tượng đều được tạo ra do bàn tay con người nhào nặn.
Ban đầu chỉ là cái am đến thời ông Ngô Kim Đính mở rộng thành ngôi chùa nhỏ, bằng vật liệu cây, lá đơn sơ. Ông Ngô Kim Tòng (con ông Ngô Kim Đính) ăn chay trường từ nhỏ, đam mê dựng tượng, nghiên cứu kinh Phật và từng bước tu học. Đến năm 20 tuổi bệnh tật liên miên tưởng không qua khỏi, gia đình đưa ông vào chùa cầu khẩn trời Phật. Kỳ diệu thay, sau đó ông hết bệnh và nhanh chóng hồi phục. Để trả ơn trời Phật, ông ở lại tu và có ý định trùng tu lại chùa.
Một hôm nằm chiêm bao thấy có người mách cách nặn tượng bằng đất sét, thế là ông Tòng theo đó thực hiện. Chưa được học qua bất kỳ trường lớp nào nhưng ngày nối ngày, ròng rã 42 năm ông miệt mài, kiên nhẫn nặn, gọt, sơn vẽ tạo nên hàng ngàn pho tượng sống động, độc đáo. Khi ngôi chùa được trùng tu hoàn tất, ông Tòng viên tịch, thọ 62 tuổi. Để lại ngôi chùa cho dòng họ Ngô trực tiếp quản lý, chăm sóc, bảo tồn hiện vật.Ngày 21/9/2017 Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục công nhận "Bửu Sơn tự Tháp Đa Bảo và Bỏa Tòa Liên hoa bằng đất sét lớn nhất".
Trong nội điện không rộng nhưng có trên ngàn tượng pho tượng các vị Phật, Tiên, Thánh, Thần...và linh thú do ông Ngô Kim Tòng làm ra để thờ và trang trí.
Tất cả được làm từ đất sét, pha bột hương (nhang)với keo ô dước để không bị nứt nẻ và đều được sơn phết tinh tế. Trong chánh điện, có thờ Diêu Trì Kim Mẫu là vị nữ thần từ bi rất nổi tiếng trong truyền thuyết Đạo giáo Trung Quốc. Phía sau chùa là tượng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, khói hương nghi ngút. Du khách tin tưởng cành dương liễu cùng nước cam lồ sẽ giúp họ cầu gì được nấy, toại lòng mong ước. Nên ai nấy đều muốn hứng lấy rửa mặt để cầu mong gặp nhiều may mắn.
Chính nhờ vào nét đặc sắc có một không hai này, dù bên ngoài trông nhỏ như ngôi nhà nhưng bên trong là kho báu quý giá cần được bảo tồn và phát huy. Hứa hẹn sẽ luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương khi đến với thành phố Sóc Trăng.
Đặc sắc chùa Dơi hơn 400 tuổi
Du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa với lịch sử hơn 400 năm tuổi và ngắm nhìn hàng trăm ngàn con dơi đang cư trú trong khuôn viên chùa.
Chùa Dơi nổi tiếng là một quần thể kiến trúc đẹp và độc đáo của tỉnh Sóc Trăng
Chùa Dơi cách trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 3km được bao bọc bởi một cánh rừng với đủ loại cây. Có hàng ngàn con Dơi tá túc. Có những con lớn, sải cánh dài cả mét treo đen kịt trên các nhánh cây.
Trên mỗi đầu cột là những bức tượng tiên nữ Kemnar với nụ cười huyền bí, chấp tay trước ngực. Phía trên mái chánh điện có kết cấu đặc biệt với 4 hệ thống mái chồng lên nhau, các góc được trang trí hình rồng uốn lượn. Một phần mái tiếp giáp với cột trang trí hình tượng chim Cay-no, ưỡn ngực đỡ lấy mái chùa, cong vút đầy kiêu hãnh.
Chánh điện thờ Phật Thích Ca với lối kiến trúc độc đáo
Ngoài những kiến trúc độc đáo mang đặc trưng văn hóa truyền thống của người Khmer, đến với chùa Dơi du khách dễ dàng nhìn thấy bảng trưng bày bản đồ cổ khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Khi đến đây, ngoài nghe tiếng dơi kêu ríu rít, du khách còn được lắng nghe những giai điệu ngũ âm trong truyền thống của người dân tộc Khmer.
Chùa Dơi không chỉ là quần thể kiến trúc đẹp, cổ kính mà còn là nơi sinh hoạt tôn giáo, hướng người dân đến cái nhìn chân - thiện - mỹ, sống có ích và hòa nhập với cộng đồng.
Ngôi chùa đá tảng giữa lòng thành phố
Dạo quanh thành phố, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều ngôi chùa, đền cổ kính, nguy nga và tất cả đều mang một đặc trưng riêng độc đáo. Nếu như Bửu Sơn tự (Chùa Đất Sét) được công nhận là khu di tích nghệ thuật cấp tỉnh nổi tiếng với các pho tượng Phật làm bằng đất sét; Chùa Sro Luon (Chùa Chén Kiểu) với những vách tường được ốp bằng những mảnh ghép chén kiểu, dĩa... thì Chùa Vĩnh Hưng (còn được gọi là chùa Đá) được xây dựng tất cả bằng đá nguyên khối và đặc trưng của kiến trúc Nhật Bản.
Chùa Vĩnh Hưng tọa lạc tại số 110 Trần Hưng Đạo, khóm 2, phường 2, TP Sóc Trăng được xây dựng bằng đá nguyên khối
Xưa kia gọi là chùa Cây Điệp, còn bây giờ được gọi là chùa Đá bởi vì chùa được xây dựng bằng đá nguyên khối, mỗi khối có kích thước 30 x 20 x 20 cm. Ngôi chánh điện có không gian rộng lớn được bao bọc bởi những tảng đá nguyên khối xếp chồng lên nhau, giữ nguyên màu sắc tự nhiên, phía trên mỗi góc mái được trang trí hình hổ phù đặc trưng theo họa tiết hoa văn của Nhật Bản.
Tổng thể kiến trúc của ngôi chùa gồm có: cổng tam quan, chánh điện, nhà thờ tổ, tháp, hòn non bộ... Qua Tam quan đề hàng chữ Chùa Vĩnh Hưng, phía dưới đề tên dòng chữ Hán là đến sân chùa. Phía bên tay trái thờ Quan thế âm Bồ tát, bên phải là cổng phụ đi thẳng vào là nhà chay đường. Khuôn viên chùa bày trí rất nhiều cây xanh, hoa kiểng làm tăng thêm cảnh sắc thiên nhiên cho ngôi chùa.
Chùa Đá do một tín đồ giàu có thời bấy giờ dày công sáng tạo, Chùa theo phái Bắc Tông, tọa lạc trên diện tích khoảng 6.800m2
Nằm giữa lòng TP Sóc Trăng, chùa Vĩnh Hưng mang vẻ đẹp kiến trúc rất riêng, bố cục hài hòa giữa kiến trúc Nhật bản và Việt Nam, gần gũi với môi trường thiên nhiên. Chùa luôn là địa điểm tâm linh tín ngưỡng cho các Phật tử và du khách gần xa trong tỉnh Sóc Trăng đến chiêm bái và cầu quốc thái dân an.
Từ nét độc đáo của những ngôi chùa tiêu biểu trên, phần nào thấy được sự đặc sắc trong văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc ở Sóc Trăng. Chúng hòa nhập và đan cài vào nhau tạo nên những nét riêng, đặc sắc làm say lòng du khách thập phương.
Đình Thương
Theo baophapluat.vn
Hang cá thần Văn Nho - thắng cảnh ẩn mình giữa non cao Cách trung tâm xã Văn Nho chưa đầy 10km, hang cá thần Văn Nho được xem là một trong những thắng cảnh nổi bật nhất của huyện Bá Thước. Vẻ đẹp thiên nhiên, dấu ấn lịch sử cùng những giai thoại truyền đời xung quanh hang cá này hứa hẹn đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị và độc đáo....