Để ẩm thực miền trung đến gần hơn với thế giới
Văn hóa ẩm thực đặc sắc của miền trung từ lâu đã gây ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước.
Để giúp giá trị ẩm thực miền trung nổi bật hơn, đặc biệt trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 là vấn đề đã được các chuyên gia bàn thảo tại hội thảo trực tuyến “Giá trị thực dụng – Nền văn hóa ẩm thực miền Trung” vừa diễn ra cuối tuần qua.
Ẩm thực – tài nguyên quý giá của du lịch Việt Nam
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận nhất với 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể, 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản Tư liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được ghi danh thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO. Đặc biệt, với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực Việt Nam luôn được coi là di sản văn hóa, cũng là tài nguyên du lịch quý giá của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, ẩm thực Việt Nam đã tạo ra tiếng vang và nhận được giải thưởng lớn của thế giới như Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á năm 2019, gỏi cuốn và phở của Việt Nam cũng được CNN bình chọn trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới năm 2019. Nhiều chính trị gia hàng đầu thế giới như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama hay những nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng trên thế giới khi đến Việt Nam đều dành thời gian thưởng thức các món ăn tinh hoa của ẩm thực Việt Nam.
Thời gian qua, các di sản văn hóa và ẩm thực của Việt Nam đã làm tốt vai trò như một đại sứ du lịch, góp phần thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tổng cục trưởng khẳng định “Con đường di sản miền Trung” là một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, du lịch đang làm cho các giá trị của di sản văn hóa và ẩm thực Việt Nam được tôn vinh và tỏa sáng.
Nhưng để quảng bá hơn nữa giá trị của ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực miền trung nói riêng tới bạn bè quốc tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, cần có sự chuẩn bị ngay lúc này. Đó là sự chuẩn bị về mặt kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp… trong việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực, gắn với sản phẩm “Con đường di sản miền Trung”, tạo sức lan tỏa tới các vùng miền khác trong cả nước, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mở cửa, đón khách quốc tế khi đại dịch được đẩy lùi.
Đưa ẩm thực miền trung gần hơn với thế giới
Video đang HOT
Câu hỏi làm cách nào để ẩm thực miền trung thực sự tới gần hơn với bạn bè, du khách quốc tế được các chuyên gia trong lĩnh vực thảo luận sâu. Trong đó, các chuyên gia tập trung vào vấn đề chuẩn hóa cơ sở ẩm thực, áp dụng công nghệ cao, gia tăng kết nối giữa nghệ nhân và doanh nhân, chính sách tạo điều kiện,…
Cần chuẩn hóa các cơ sở ẩm thực để du khách đến miền trung có thể dễ dàng tìm kiếm để thưởng thức là yếu tố được TS Đoàn Minh Phú – Tổng Giám đốc chuỗi nhà hàng Thế giới Hải sản Việt Nam nhấn mạnh. Theo TS Phú, cần nghiên cứu khẩu vị tùy theo vùng miền, gia giảm gia vị cho phù hợp để khách ở khắp nơi có thể thưởng thức các món ăn ngon của miền trung.
Với 30 năm kinh nghiệm trong ngành ẩm thực, TS Huỳnh Đạt – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ông Bếp đề cao việc áp dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản để mang lại giá trị cao hơn và lâu bền hơn cho sản phẩm ẩm thực miền trung.
TS Huỳnh cho rằng, cần có giải pháp chế biến các nguyên liệu thô thành các sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao, mà ở đó công nghệ hiện đại đóng vai trò quan trọng.
Ông khẳng định, bằng kiến thức, tầm nhìn, đam mê và công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể thành công trong việc phát huy các giá trị ẩm thực miền trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ đó hình thành thương hiệu và quảng bá rộng rãi thương hiệu ẩm thực du lịch Việt Nam ra thế giới.
Món ăn miền trung dân dã nhưng vô cùng ấn tượng, đặc sắc (Ảnh: Vietnamtourism)
Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của kết nối “4 nhà” (Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh), ông Đinh Hài, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, Hội viên Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam đề nghị về phía chính quyền cần có chính sách tạo nhận thức chung về hỗ trợ phát triển văn hóa ẩm thực, tạo điều kiện hình thành các vùng nguyên liệu sạch, các đường phố ẩm thực sạch đẹp, đồng thời khuyến khích nhà nông tạo ra nguồn nguyên liệu sạch cung cấp đầu vào cho các cơ sở kinh doanh ẩm thực.
Các nghệ nhân cần tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về ẩm thực để phát huy ngày càng tốt các giá trị ẩm thực Việt Nam. Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, liên kết các bên, chuẩn hóa về đào tạo chế biến món ăn.
Đồng tình với quan điểm này của ông Đinh Hài, TS Đoàn Minh Phú khẳng định, cần phải tạo ra được mối kết nối giữa nghệ nhân ẩm thực với doanh nhân. Mà ở đây, vai trò của Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam rất quan trọng trong việc tổ chức kết nối nghệ nhân và doanh nhân, quảng bá sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả…
Chia sẻ quan điểm ở yếu tố liên kết “4 nhà”, ông Lã Quốc Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh mong muốn trong thời gian tới sẽ hình thành các sản phẩm ẩm thực tốt và được quảng bá rộng rãi, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các nghệ nhân ẩm thực và doanh nhân.
Ông đề nghị các sở quản lý văn hóa, thể thao và du lịch ở các địa phương miền trung tiếp tục hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực này thông qua xây dựng chính sách, tạo điều kiện hình thành các hội văn hóa ẩm thực ở địa phương để bảo tồn và phát huy ngày càng tốt các giá trị ẩm thực.
Nêu bật vai trò của mô hình kinh doanh tốt, ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn nêu thực tế, hiện doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này ở Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức nhất định trong việc nghiên cứu, xác định thị trường, chuẩn hóa quy trình, đào tạo nhân sự, phát triển thương hiệu, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng chi phí… Do vậy, cần có sự phối hợp các nguồn lực nhà nước và tư nhân nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhấn mạnh tới hiệu quả của hình thức quảng bá trực tuyến, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, chưa mở cửa thị trường quốc tế thì xúc tiến quảng bá trực tuyến là cách thức đem lại hiệu quả nhất, đưa du lịch, văn hóa, ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá để giới thiệu du lịch ra thế giới thông qua các kênh truyền hình, website, mạng xã hội.
Ông Phương cho rằng, với những hiệu quả đạt được, kể cả sau dịch bệnh, hoạt động trực tuyến vẫn sẽ là một xu hướng chủ đạo của tương lai. Do vậy, trong thời gian tới, cần có các chương trình trực tuyến giới thiệu cụ thể về các món ăn đặc sắc của miền trung cũng như tất cả vùng miền trong nước.
Ẩm thực ba miền trên đất Đồng Nai
Với đặc thù là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai được xem là mảnh đất lành thu hút người nhập cư đến sinh sống và làm việc của vùng Đông Nam bộ.
Cùng với dòng người này, nhiều phong tục, tập quán và phong cách ẩm thực đặc trưng của từng vùng miền cũng được mang đến Đồng Nai, tạo nên bức tranh về văn hóa, ẩm thực đa dạng, độc đáo.
Các món ăn được chế biến từ cá, đặc sản hồ Trị An
Theo thời gian, những nơi tập trung đông dân nhập cư từ vùng nào thì sẽ có các phong tục, văn hóa sinh hoạt cũng như các món ăn mang phong vị đặc trưng vùng miền đó. Chẳng hạn như khi nói đến những món ăn miền Bắc tại Đồng Nai, người ta sẽ nhớ ngay tới TP.Biên Hòa với khu vực Hố Nai, Tân Mai, hay như H.Thống Nhất có các xã Gia Tân, Gia Kiệm và vùng Phương Lâm của H.Tân Phú. Những món ăn miền Trung tập trung nhiều tại các vùng H.Xuân Lộc, H.Định Quán. Còn muốn thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị miền Nam thì tìm đến các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và các phường phía Tây của TP.Biên Hòa như Tân Vạn, Hiệp Hòa, Tân Hạnh...
Đến chợ Bắc, ăn món Bắc
Trong dòng người nhập cư vào đất Đồng Nai, người miền Bắc chiếm số lượng khá lớn. Một số nơi người miền Bắc sinh sống tập trung từ nhiều năm nay đã hình thành nên vùng dân cư mang đậm nét văn hóa, phong tục cũng như phong vị ẩm thực của miền Bắc. Chỉ cần đến đây, bất kỳ ai cũng có cảm giác như đang sống giữa miền Bắc, bởi từ những mối quan hệ láng giềng, những sinh hoạt còn giữ nguyên phong cách Bắc. Thú vị nhất là khi đến những ngôi chợ sẽ được nghe những tiếng chào hỏi, những mặc cả mua bán từ mớ cá, bó rau, cân thịt hoặc dễ dàng mua được những món đặc trưng miền Bắc như trà Bắc, nón lá Bắc, chổi rễ, nhang Bắc, thúng, mủng, dần, sàng...
Để thưởng thức các món ăn miền Bắc, chợ cũng là nơi dễ dàng tìm thấy các món bánh cuốn, xôi xéo, xôi khúc, những nồi cháo lòng thơm phức hay những mâm bánh đúc miền Bắc vừa giòn vừa dai, những chiếc bánh gai còn thơm mùi lá chuối khô. Đối với ẩm thực miền Bắc thì Đồng Nai không chỉ có các món ăn ngon mà còn có những làng nghề truyền thống được du nhập từ miền Bắc như: làm miến, bánh đa và các món bánh tại khu vực các phường Hố Nai, Tân Biên, Tân Mai của TP.Biên Hòa. Ngược dòng lên vùng trung du khu vực H.Thống Nhất sẽ được "lạc" hẳn vào xứ sở người Bắc với các món ăn truyền thống dân dã như món bánh dày dẻo mịn trắng phau làm từ bột nếp, hay món bánh giò bột gạo bên trong có nhân làm từ thịt, mộc nhĩ (nấm mèo). Để tìm những món ăn này không khó bởi bất kỳ một ngôi chợ nào tại khu vực xã Gia Tân, Gia Kiệm cũng có người bán. Đặc biệt, đây cũng là vùng có nhiều hộ gia đình sản xuất các loại bánh từ nếp, chả lụa theo phương thức thủ công truyền thống với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường TP.HCM và các vùng lân cận. Bà Phạm Thị Thúy, người bán chả lụa tại chợ Phúc Nhạc (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) cho biết, gia đình bà theo nghề làm chả lụa, đậu hũ gần 20 năm nay, ngoài bán lẻ tại chợ vào mỗi buổi sáng, bà Thúy còn cung cấp số lượng lớn cho khách đặt từ trước, các đám cưới, tiệc liên hoan. Dịp Tết, nhiều khách hàng từ TP.HCM hoặc những huyện khác cũng đặt hàng chả lụa của gia đình bà. Nghề làm chả lụa tại xã Gia Kiệm còn có những thương hiệu uy tín lâu năm như chả lụa Bà Tần, Bà Trí...
Phong phú ẩm thực miền Trung - Nam
Mì quảng được nhiều người biết đến là đặc sản nổi danh của người dân miền Trung rất được ưa chuộng. Tai Đồng Nai, nếu có dịp đi các tuyến quốc lộ 1 khu vực H.Xuân Lộc, Thống Nhất và quốc lộ 20 khu vực H.Định Quán, quan sát hai bên đường sẽ gặp khá nhiều quán mì quảng lớn nhỏ nằm lẫn trong khu dân cư. Theo ghi nhận, những địa bàn nói trên cũng có số lượng lớn người dân miền Trung sinh sống từ hàng chục năm nay. Tuy các món ăn miền Trung không đa dạng bằng các vùng miền khác tại Đồng Nai nhưng với món mì quảng nổi tiếng cũng góp phần làm phong phú cho ẩm thực Đồng Nai .
Các món ăn được chế biến từ nguồn hải sản vùng nước lợ trên địa bàn H.Nhơn Trạch
Bà Trần Thị Tám, một người bán mì quảng tại xã Phú Ngọc cho biết, mì quảng truyền thống có những nguyên liệu chính là mì, tôm và thịt heo. Mì quảng dễ chế biến nhưng để có được hương vị đặc trưng của người miền Trung thì không phải ai cũng làm được. Mì quảng thường có hai vị là mì quảng gà và mì heo. Khác với những món ăn có nước khác, một tô mì quảng không cho quá nhiều nước lèo khi ăn giống như bún hay hủ tiếu. Nhưng ngược lại, những miếng thịt phải có độ mặn vừa phải. Mì quảng ăn kèm với rau sống gồm nhiều loại như: lá cải non, xà lách, húng lủi, quế xanh, giá... Đặc biệt, đậu phộng rang và bánh tráng nướng giòn sẽ làm tăng thêm hương vị độc đáo cho tô mì quảng. Tô mì quảng sẽ không tròn vị nếu thiếu một chén nước mắm chanh, tỏi, ớt để nêm cho vừa ăn.
Nếu món Bắc - Trung được du nhập vào Đồng Nai thì tại vùng Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu... sẽ đại diện cho món miền Nam chính thống với những người dân địa phương sinh sống từ bao đời nay. Trong danh sách các món đặc sản Đồng Nai, nổi bật là những món như gỏi bưởi, chè bưởi và các món đặc sản vùng sông nước. Nhơn Trạch là một trong những địa danh nổi tiếng với các món ngon từ vùng nước lợ. Vùng nước lợ Nhơn Trạch được ví như miền Tây thu nhỏ bởi sự ưu ái từ thiên nhiên với các sản vật trù phú trải dài ở các xã ven sông Thị Vải, Lòng Tàu... gồm Phước An, Phước Khánh và Long Thọ. Đặc sản vùng này nức tiếng thơm ngon bởi nó có sự hòa quyện giữa vị ngọt của nước ngọt và vị mặn mòi của biển cả. Những con tôm chì, tôm sú, tôm càng xanh, cá nâu, cá đối... được chế biến thành các món hấp, nướng hoặc dùng nấu lẩu, chưng tương... sẽ khiến người ta ăn một lần nhớ mãi. Hay như các món có thể mua về làm quà cho bạn bè, gia đình như tôm chì ngâm chua Long Thọ, các loại cá, tôm, mực khô, trà Phú Hội. Để thưởng thức trực tiếp các món ngon ngay tại địa phương và do người địa phương chế biến, thực khách có thể tìm đến các quán ăn hải sản, hoặc ngồi lênh đênh trên bè vừa trải nghiệm cảm giác sông nước, vừa thưởng thức đặc sản địa phương.
Khác với vùng nước lợ Nhơn Trạch, vùng nước ngọt của Đồng Nai cũng sẽ cho thực khách những trải nghiệm thú vị từ những món ăn đặc sản của sông Đồng Nai và hồ Trị An hoặc mua những món cá khô do người dân tự làm từ những con cá cơm, cá kìm còn tươi vừa kéo được...
Cách làm mì quảng chay ngon chuẩn vị miền trung Bạn đang tìm công thức nấu mì quảng chay miền trung chuẩn vị? Hãy để chúng tôi gợi ý công thức giúp bạn nhé! Mì quảng chay là một trong những món ăn được tín đồ ăn chay yêu thích. Để biết thêm về cách nấu món ăn ngon vị này. Mời bạn đọc cùng xem qua cách làm mì quảng chay ngon...