Đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch ở Ninh Hòa
Nằm ở phía bắc thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Thời gian gần đây, thị xã Ninh Hòa đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch.
Tiềm năng đa dạng
Với địa hình từ miền núi đến đồng bằng và biển, Ninh Hòa là vùng đất ẩn chứa nhiều tiềm năng để đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch. Dốc Lết của Ninh Hòa từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển đẹp, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Không chỉ có bãi tắm đẹp, trải dài, đến với Dốc Lết, du khách còn có thể khám phá đời sống của ngư dân, thưởng thức hải sản tươi ngon. Những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đã và đang được triển khai ở khu vực Dốc Lết. Trong đó, dự án Khu du lịch TTC Resort Premium với 400 phòng nghỉ đang vào giai đoạn hoàn thiện hứa hẹn sẽ là điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn với du khách.
Khu du lịch Ba Hồ, một trong những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của thị xã Ninh Hòa.
Ngoài khu vực Dốc Lết, Ninh Hòa còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển ở Ninh Thủy, Ninh Phước, Ninh Vân. Trong đó, Ninh Vân đã có tên trên “bản đồ du lịch” với những resort đẳng cấp như: Six Senses Ninh Vân bay, An Lâm Retreats, L’Alya Ninh Vân bay. Con đường men theo núi với một bên là màu xanh của núi rừng trải dài, một bên là sắc xanh của mây trời hòa với sắc xanh của biển chạy từ Ninh Phước về Ninh Vân mở ra tiềm năng du lịch của xã đảo nằm khuất dưới chân núi Hòn Hèo. Nhiều công ty du lịch đã “nhanh chân” mở tour đưa khách đến Ninh Vân để khám phá vẻ đẹp làng quê yên bình với những ruộng tỏi đẹp mắt, bãi biển nguyên sơ, phiên chợ quê dân dã, những món ăn đậm hương vị biển, khám phá đời sống của ngư dân. Hiện nay, trên địa bàn Ninh Vân còn nhiều dự án du lịch đang được triển khai như: Ninh Vân A (đã đi vào hoạt động), Eden resort, Khu du lịch biển xanh, Khu du lịch sinh thái Gia Hân…
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Ninh Hòa còn có thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng khi sở hữu nhiều di tích như: Khu lưu niệm tàu C235 ở Ninh Vân, lăng Bà Vú, di tích Phủ đường Ninh Hòa… Ninh Hòa còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa mà nổi bật là lễ hội cầu ngư, nghề làm muối Hòn Khói, dệt chiếu Mỹ Trạch có thể khai thác để xây dựng thành các tour du lịch. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Diên Khánh (người có kinh nghiệm về tour du lịch chụp ảnh) cho rằng, Ninh Hòa nên kết hợp với các công ty lữ hành để tổ chức tour du lịch chụp ảnh kết hợp khám phá đời sống diêm dân ở Hòn Khói. Ninh Hòa còn có thể phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái khi có nhiều sông, suối, đồi núi. Ngoài khu du lịch sinh thái Ba Hồ đã được du khách biết đến, Ninh Hòa còn có thể xây dựng sản phẩm du lịch ở suối khoáng nóng Trường Xuân, tham quan rừng ngập mặn ở Ninh Ích, hồ Đá Bàn…
Sẽ đẩy mạnh khai thác du lịch
Những năm gần đây, du lịch Ninh Hòa đã có sự phát triển góp phần tăng tỷ trọng ngành dịch vụ – du lịch trong cơ cấu kinh tế của thị xã. Tuy nhiên, du lịch của Ninh Hòa vẫn chưa phát triển đúng kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, giá trị dịch vụ – du lịch chiếm 12,36% trong cơ cấu kinh tế thị xã.
Khách du lịch nước ngoài vui chơi tại bãi biển Dốc Lết.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Thạnh – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, thị xã đã đặt chỉ tiêu giai đoạn 2020 – 2025, giá trị ngành dịch vụ – du lịch tăng bình quân 15%/năm; đưa cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ – du lịch, nông – lâm – ngư nghiệp. Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục hỗ trợ xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển thêm các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mới như leo núi, khám phá các hồ chứa nước: Đá Bàn, Tiên Du, EaKrôngrou, Đá Xẻ và các di tích, thắng cảnh của địa phương; thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đồ lưu niệm của Ninh Hòa để phục vụ du khách. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng địa điểm du lịch, giới thiệu các sản phẩm du lịch của Ninh Hòa với du khách, tạo bước phát triển mạnh về chiều rộng cũng như chiều sâu (chất lượng dịch vụ).
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, các chuyên gia du lịch đánh giá cao tiềm năng du lịch của Ninh Hòa. Thời gian tới, thị xã Ninh Hòa cần phối hợp với Sở Du lịch và các sở, ban, ngành của tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng và xây dựng sản phẩm du lịch; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn. Đồng thời, thị xã cũng cần quan tâm hơn đến công tác truyền thông quảng bá du lịch. Bên cạnh thu hút khách trong nước và quốc tế từ Nha Trang, Ninh Hòa cần khai thác khách từ Đắk Lắk xuống vui chơi, nghỉ dưỡng.
Giá trị địa chất, cảnh quan mũi Dù, núi Cấm: Cần được nghiên cứu, bảo tồn
Khu vực mũi Dù - núi Cấm, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa có nhiều giá trị về địa chất, cảnh quan nhưng chưa được nghiên cứu kỹ để đưa vào bảo tồn, khai thác hợp lý.
Ý nghĩa địa chất, cảnh quan
Theo ông Mai Văn Thắng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa), khu vực mũi Dù - núi Cấm còn khá hoang sơ, cảnh quan tự nhiên, các vách đá được cấu tạo bởi các lớp đá trầm tích bị uốn nếp rất đặc trưng nhô ra sát biển, xen kẽ với các mũi, bãi đá và 2 bãi cát kéo dài vài trăm mét. Về giá trị địa chất, trong các điểm lộ đá có các hóa thạch gỗ hóa đá và cúc thạch (ammonite), sinh vật chỉ thị của kỷ Jura cách đây khoảng 100 triệu năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về địa chất khu vực này. Do chưa được quản lý, các hóa thạch gỗ hóa đá (và cúc thạch kích thước lớn) đã bị khai thác bừa bãi từ nhiều năm trước. Mặt khác, hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về lịch sử địa chất khu vực này. Về giá trị cảnh quan, các mũi, bãi đá khá rộng với các hình dạng, cấu trúc kỳ lạ, đa dạng như các lớp đá dày mỏng, màu sắc, độ cứng, cấu tạo khác nhau...
Đặc biệt, các lớp đá uốn lượn đứng, nghiêng hoặc nằm khác nhau, liên tục thay đổi, tạo sức hút lớn đối với người lần đầu nhìn thấy. Hai bên mũi, bãi đá khá rộng là hai bãi cát dài 300m và 500m. Phía sau là núi Cấm sừng sững, cao hơn trăm mét với thảm thực vật là cây trồng của người dân và cây bụi. Nơi đây có cả cây phong ba mọc tự nhiên được phát hiện trên bãi cát. Toàn bộ khu vực là một mũi đất liền nhô ra giữa vịnh Vân Phong, phân chia bắc và nam vịnh có tầm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp.
Núi Cấm tiềm ẩn nhiều giá trị cổ sinh vật học.
Ông Phạm Văn Thơm - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa cho biết, các nghiên cứu hóa thạch trong khu vực được phát hiện từ năm 1976 bởi Viện Hải dương học Nha Trang nhưng sau đó tạm dừng. Một thời gian sau, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung có nghiên cứu về vấn đề này. Hiện tại, khu vực mũi Dù được giao cho một doanh nghiệp khai thác du lịch, núi Cấm được Bộ Quốc phòng quản lý.
Cần có hướng khai thác, bảo tồn
Liên quan tới những giá trị cổ sinh vật tại khu vực mũi Dù - núi Cấm, mới đây, Viện Hải dương học Nha Trang đề xuất tỉnh xây dựng đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài có tầm vóc quốc gia nên Viện Hải dương học cần đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét.
Có thể nói, khu vực mũi Dù - núi Cấm đang sở hữu một tài sản vô giá. Trong đó, có 2 giá trị về hóa thạch và cảnh quan cần được nghiên cứu, bảo tồn. Nên chăng, tỉnh cần lấy ý kiến các nhà khoa học hay đề xuất với Trung ương nghiên cứu, có giải pháp hợp lý để bảo vệ, bảo tồn, khai thác hợp lý khu vực này nhằm phục vụ thế mạnh du lịch của tỉnh, cũng như ngăn chặn sự xâm hại từ bên ngoài đối với các giá trị cổ sinh vật hàng trăm triệu năm.
Cảnh đẹp nao lòng ở cánh đồng muối Ninh Diêm, Khánh Hòa Cánh đồng muối lúc thu hoạch cũng là điểm chụp ảnh lý tưởng cho những người săn ảnh, bạn trẻ mê chụp ảnh đẹp. Ninh Diêm cách thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa khoảng hơn 10 cây số về hướng đông bắc. Ninh Diêm địa danh mà trong lòng nhiều người Ninh Hòa luôn dâng trào niềm tự hào về một vùng quê...