Đẩy lùi tín dụng đen: Đã tới lúc phải có thị trường cho vay thực sự
Tín dụng đen không phải chuyện mới, thậm chí rất cũ; thế nhưng, mỗi vụ làm chết người, tra tấn… khiến dư luận rúng động nhất dường như đều có bóng dáng của các tổ chức tín dụng đen cho vay cắt cổ.
Tìm lời giải cho bài toán luẩn quẩn ấy cũng không phải là việc bây giờ mới nói tới. Dẫu vậy, như lời một vị chuyên gia, đã tới lúc Việt Nam nhìn sang các nước bạn, để học cách đẩy lùi nạn tín dụng đen bằng thị trường cho vay tiêu dùng.
Lãi 700% vẫn… thấp
Anh L.M.T, quê Phú Thọ làm thầu xây dựng đã nhiều năm. Công việc của anh đòi hỏi khoản tài chính dồi dào tuy nhiên cũng khó tránh khỏi có khi dòng tiền bị nghẽn.
Theo lời anh, Tết vừa rồi, để huy động gấp tiền, anh đã phải vay nóng hơn 40 triệu đồng với mức lãi 10.000 đồng/triệu/ngày. Điều này đồng nghĩa mỗi sáng thức dậy, anh phải trả khoản lãi là 400.000 đồng.
Tính ra, với mức trên, lãi suất mỗi tháng là 30% và 360%/năm, cao gấp vài chục lần lãi suất ngân hàng hiện tại.
Tuy vậy, anh cũng không giấu, mức vay nóng trên là khá hữu nghị và thường dành cho khách quen. Thời điểm sát Tết, tiền khan, lãi suất thường lên tới 15.000 đồng/triệu/ngày hoặc thậm chí là 20.000 đồng/triệu/ngày. Tức là, khách đi vay phải chấp nhận khoản lãi lên tới 45%-60% một tháng, tương đương 540%-720%/năm.
Đó là câu chuyện có thật mà chính anh L.M.T đã buộc phải trải nghiệm. Thế nhưng, có những vụ việc còn rúng động hơn như thế.
Hồi cuối năm 2018, dư luận được phen rúng động khi cơ quan công an công bố vừa triệt xoá tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh thành có tên Công ty tài chính Nam Long. Đây là công ty chuyên thực hiện giao dịch cho vay với lãi suất “cắt cổ”, có khách hàng phải trả “lãi mẹ, lãi con” lên tới hơn 1.000% một năm.
Tổng số tiền giao dịch tại công ty ước hơn 510 tỷ đồng. Khi các con nợ chậm trả, nhóm sẽ hành hung, đe dọa và cưỡng đoạt tài sản có giá trị gấp nhiều lần số tiền vay.
Mới đây, hồi tháng 1,300 cán bộ, chiến sỹ công an Thanh Hóa đã khám xét 5 công ty có hoạt động tín dụng đen và phát hiện, từ năm 2016 đến nay, đã có gần 7.000 người dân vay tiền của các công ty trên với tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có 56 vụ làm chết người và hàng trăm vụ cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm,…
Video đang HOT
Phải nghiêng về cho vay tiêu dùng
Nhìn lại những vụ việc ấy, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam hiện có thị trường cho vay tiêu dùng vô cùng nhỏ bé. Chính điều này đã khiến tín dụng đen có mảnh đất màu mỡ để nở rộ.
Theo ông Nghĩa, thống kê tại 16 nước châu Âu cho thấy, cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% tổng cho vay của hệ thống ngân hàng, sau đó mới đến tỷ lệ cho vay sản xuất, kinh doanh khoảng 25%.
Điều ông Nghĩa cảm nhận là, cách chỉ đạo tín dụng tại Việt Nam hiện vẫn hướng nhiều vào sản xuất, kinh doanh mà chưa thực sự chú ý tới cho vay tiêu dùng.
Cách làm ấy theo ông là chưa đúng bởi “sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đáng ra phải tự lo vốn, chỉ huy động một phần từ ngân hàng nhưng tại Việt Nam thì doanh nghiệp dựa nhiều vào vốn ngân hàng, hay nói cách khác là tay không bắt giặc”.
Nói về tín dụng đen, theo vị chuyên gia này, các nước Đông Nam Á hay Bắc Á đã từng có một thời như vậy. Dần dần, các nước này đã khắc phục được bằng cách phát triển hệ thống cho vay tiêu dùng chính thống.
Nói về giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng không phải là giải pháp tốt bởi điều này cũng không tạo được thị trường lành mạnh và người vay chưa hẳn có lợi. Hiện theo quy định, hoạt động cho vay của các công ty tài chính được phép thỏa thuận lãi suất. Có như vậy, các Công ty tài chính mới thiết kế nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng hữu ích, phù hợp với nhiều đối tượng người dân, giúp họ nâng cao được chất lượng đời sống cá nhân và gia đình.
Ông Lê Xuân Nghĩa cũng nghiêng về quan điểm này. Theo ông, lãi suất nên để tự thỏa thuận, mức này có thể cao nhưng nhằm gánh nợ xấu nếu có.
Ông cũng góp ý thêm, để thực sự có thị trường cho vay tiêu dùng hiện đại, các ngân hàng, công ty phải có cơ sở dữ liệu lớn về khách hàng. Việc này không những để phát triển số lượng khách hàng mà còn để quản lý rủi ro. Chính điều này sẽ tạo nên một thị trường bền vững.
NAM ANH
Theo vtc.vn
Tìm chế tài kiểm soát tín dụng đen
Tín dụng đen ngày càng hoành hành và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, gây nhiều hệ lụy cho xã hội và bức xúc cho người dân.
Tình trạng lừa đảo từ tín dụng đen ngày càng gia tăng. Nguồn: Internet
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề tín dụng đen phải có chế tài phạt đủ mạnh, đồng thời có giải pháp kinh tế, đó là đa dạng hóa các kênh tín dụng chính thức.
Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, có khoảng 70% dân số Việt Nam chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng. Trong khi đó, nếu tính riêng, số doanh nghiệp (DN) có khả năng tiếp cận tín dụng chính thức chỉ mới chiếm 1/3 tổng số DN.
Hoành hành mọi ngóc ngách
Trong khi người dân khó tiếp cận vốn ngân hàng thì nguồn tín dụng phi chính thức lại luôn "rộng cửa" chào đón người có nhu cầu vay vốn, với thủ tục vay rất đơn giản, linh hoạt, không cần tài sản thế chấp, người vay muốn vay bao nhiêu cũng được đáp ứng đầy đủ.
Điều này lý giải vì sao tín dụng đen ngày càng bùng phát dù ngành công an đẩy mạnh điều tra, truy quét, xét xử tội phạm cho vay nặng lãi.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tín dụng phi chính thức đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng (khoảng 1,2 triệu tỷ đồng). Nếu cho vay theo hình thức tín dụng đen thì thu được nguồn lợi lớn nhưng không một đồng thuế nào được đóng vào ngân sách.
Trong kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, vấn nạn tín dụng đen là chủ đề "nóng" được nhiều đại biểu quan tâm và đưa ra chất vấn trước Quốc hội.
Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 26/10, đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) nêu thực trạng tín dụng đen hoành hành từ thành thị đến nông thôn, tới từng ngóc ngách, bản làng, gây bất an xã hội.
Đại biểu cho rằng: "Với cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay, họ đẩy nhiều gia đình vào cảnh nghèo đói. Nhiều người trong vòng vây nợ lãi cao trở thành những "chị Dậu mới". Thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội".
Trong khi đó, có đại biểu cho rằng trong quá trình thực hiện tín dụng cho vay giữa hai người cùng thỏa thuận cho vay thì pháp luật không cấm. Lợi dụng điều này, nhiều người phạm pháp như việc lừa đảo, vỡ hụi, đến lúc này mới nhờ đến công an can thiệp thì đã quá muộn.
Hầu hết các đại biểu cho rằng những quy định của pháp luật còn lỏng lẻo và chưa đủ sức răn đe nên tình trạng lừa đảo từ tín dụng đen ngày càng gia tăng và hoạt động cho vay nặng lãi rất ngang nhiên.
Giải trình chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay tín dụng đen là quan hệ vay mượn, tự thỏa thuận, thường với lãi suất cao và không có quy định. Đây là hoạt động dân sự nhưng đằng sau thường là tổ chức tội phạm.
Theo thống kê, trong 4 năm (2015-2018), toàn quốc xảy ra 7.624 vụ liên quan tới tín dụng đen, trong đó có 56 người thiệt mạng, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.
Cần giải pháp đồng bộ
Hiện nay, lực lượng công an đang đấu tranh với 124 băng nhóm, với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức trong hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Bộ trưởng Bộ Công an chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Thứ nhất, là do kinh tế còn khó khăn, nhiều cá nhân, tổ chức gặp khó khăn về vốn nên tìm đến các cơ sở cho vay tín dụng đen, cơ sở cho vay nặng lãi.
Thứ hai, là một bộ phận thanh niên không chịu làm ăn, ham mê cá độ, cờ bạc, game online nên vay nặng lãi để thỏa mãn thú ăn chơi, khi cần thì bất kể lãi suất nào cũng vay.
Thứ ba, là các chế tài xử lý các đối tượng này chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Sự quan tâm vào cuộc của chính quyền cơ sở, một số cơ quan chức năng chưa đúng mức.
Từ phân tích trên, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng tín dụng đen. Bộ trưởng nêu ra 5 giải pháp, đó là:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn cũng như các phương thức, thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.
Thứ hai, cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý chặt chẽ nhân viên các cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ tạm trú trên địa bàn Các đối tượng bất minh về kinh tế nghi vấn có liên quan tới hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê Phát hiện xử lý nghiêm các DN, cơ sở, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện liên quan đến đòi nợ, cầm đồ vi phạm.
Thứ ba, cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm, nhất là đường dây nóng về tội phạm liên quan đến tín dụng đen.
Thứ tư, phải mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm, đường dây lợi dụng hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi, vi phạm pháp luật.
Thứ năm, rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý.
Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn
Ngân hàng nào kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam? Tín dụng bán lẻ là "chìa khóa" của nhóm dẫn đầu, tuy nhiên không phải ngân hàng nào cũng giống nhau. VPBank tập trung vào phân khúc cho vay tiêu dùng có lãi suất cao vượt trội. Techcombank và Vietcombank tập trung phân khúc cho vay cá nhân nhưng hầu như không cho vay tín chấp. Còn MB thì tận dụng hầu hết...