Đây là những chiếc máy ảnh không gương lật tốt nhất trong năm 2021
Bạn quay phim hay chỉ chụp ảnh, cần cảm biến Crop, Full-frame hay Medium Format? Danh sách dưới đây có những lựa chọn cho tất cả nhu cầu.
Máy ảnh không gương lật dường như đã ’soán ngôi’ hoàn toàn máy ảnh DSLR truyền thống nhờ vào việc đem những công nghệ mạnh mẽ nhất hiện nay ‘nhét’ vào một thiết kế nhỏ gọn, nhẹ nhàng để dễ dàng đem đi khắp mọi nơi. Hiện nay trên thị trường đã rất nhiều những dòng máy ảnh không gương lật với nhiều tầm giá, loại cảm biến và mục đích sử dụng khác nhau, vì vậy mà việc lựa chọn lấy một sản phẩm phù hợp cho riêng mình trở thành một công việc tốn thời gian.
Trang tin chuyên về nhiếp ảnh Petapixel mới đây đã công bố danh sách những chiếc máy ảnh không gương lật tốt nhất hiện nay, bao gồm cả những dòng máy có cảm biến Crop, Full-frame, cao cấp hơn cả là Medium Format; dành cho những nhiếp ảnh gia truyền thống hoặc có sử dụng quay phim, qua đó bất cứ ai cũng có một chiếc máy tốt nhất cho mình.
Máy ảnh không gương lật tốt toàn diện: Sony Alpha 1
Nếu như tiền không là vấn đề và bạn muốn có chiếc máy ảnh không gương lật với nhiều tính năng mạnh mẽ nhất hiện nay, có thể làm được bất cứ điều gì thì Sony Alpha 1 là lựa chọn dành cho bạn. Chiếc máy này sở hữu cảm biến Full-frame độ phân giải cao 50.1-megapixel, hơn 15 bước sáng, ISO lên tới 32,000, khả năng chụp tốc độ cao 30 khung hình trên giây bên trong một thân máy chống chịu thời tiết. Đây cũng là một chiếc máy rất mạnh mẽ cho mục đích quay phim, với khả năng quay 8K và rất nhiều lựa chọn khung hình khi quay 4K và FullHD.
Với mức giá lên tới 6500 USD (150 triệu Đồng), đây là một trong những chiếc máy ảnh Full-frame có giá bán đắt nhất hiện nay và chỉ dành cho những người có ‘hầu bao’ rộng rãi. Tuy vậy những ai may mắn sở hữu được nó chắc chắn sẽ không bao giờ cảm thấy thiếu bất cứ một tính năng nào cả, xứng đáng với mức giá cao cấp.
Máy ảnh không gương lật dành cho cả quay phim và chụp hình: Canon EOS R5
Canon EOS R5 là sản phẩm flagship trong năm 2020 của Canon, hội tụ tất cả những tính năng mà hãng máy ảnh Nhật Bản có thể làm được. Máy sở hữu cảm biến Full-frame 45-megapixel Dual Pixel, quay phim 8K, khả năng chụp liên tục lên tới 20 khung hình trên giây, thân máy chống nước ngang với dòng EOS 5D Mark IV cùng kính ngắm điện tử chất lượng cao.
Ưu điểm của Canon EOS R5 là hệ thống lấy nét theo pha Dual Pixel II AF nổi tiếng của Canon, cho khả năng lấy nét nhanh ở cả chụp hình và quay phim. Máy còn có thể lấy nét theo mắt con người và động vật. Ngược lại thì nhược điểm khá lớn của EOS R5 là khả năng tản nhiệt, khi máy có thể xảy ra hiện tượng quá nhiệt nếu như quay phim quá lâu trong điều kiện thời tiết nóng.
Máy ảnh không gương lật quay phim tốt nhất: Sony a7S III
Đối với những nhà làm phim bán chuyên, thậm chí là chuyên nghiệp muốn tìm một chiếc máy không gương lật nhỏ gọn thì lựa chọn tốt nhất hiện nay là chiếc Sony a7S III. Máy sở hữu cảm biến Full-frame 12 MP được tối ưu hóa cho mục đích quay video, với khả năng quay 4K 120p, 16-bit Raw 10-bit 4:2:2 được chống rung bởi hệ thống 5 trục. Đây cũng là một chiếc máy Alpha hiếm hoi sở hữu màn hình lật đa hướng, giúp cho việc quay ở những góc khó trở nên dễ dàng.
Một lựa chọn cũng không hề tệ là Panasonic S1H được thiết kế dành riêng cho những người làm về video. Máy có khả năng quay 6K 4:2:2 10-bit với hệ màu V-Log. S1H sẽ mạnh mẽ hơn a7S III trong khả năng chụp ảnh tĩnh vì sở hữu cảm biến 24MP, nhưng lại thua về hệ thống lấy nét cũng như những lựa chọn về việc thu video trong thân máy (không cần phải gắn với bộ thu ngoài).
Máy ảnh không gương lật với cảm biến Medium Format: Fujifilm GFX100S
Bước tiến về chất lượng ảnh sau Full-frame là những chiếc máy ảnh với cảm biến Medium Format lớn. Lựa chọn máy ảnh không gương lật Medium Format từ Petapixel là chiếc Fujifilm GFX100S với giá bán 6000 USD.
Máy sở hữu cảm biến 102-megapixel BSI-CMOS được hỗ trợ bởi hệ thống chống rung, khả năng quay phim 4K 30p, chụp ảnh liên tiếp 5 hình trên giây và cả một chế độ chụp siêu nét, cho những bức ảnh có độ phân giải lên tới 400 MP. Điểm đáng nói nhất của chiếc máy này đó là nó sở hữu thiết kế tương đối nhỏ gọn mặc dù chứa một cảm biến lớn hơn Full-frame, trái ngược với chiếc GFX100 trước đó.
Trong thời gian gần đây, đối thủ duy nhất của Fujifilm trong thị trường máy ảnh Medium Format là chính họ, khi mà những dòng máy như GFX50R, 50S hay GFX100 đều là những lựa chọn đáng để tâm. Hãng duy nhất có thể phát triển để cạnh tranh với Fujifilm là Hasselblad, nhưng thời điểm hiện tại thì hãng máy ảnh Nhật Bản vẫn đang giữ vị trí đứng đầu.
Máy ảnh không gương lật với cảm biến Crop tốt nhất: Fujifilm X-T4
Cảm biến Crop (hay APS-C) không đồng nghĩa với chất lượng kém hơn, thậm chí trong nhiều trường hợp việc trang bị cảm biến nhỏ gon còn giúp những chiếc máy ảnh Crop có tốc độ xử lý cao hơn, kèm theo đó là mức giá ‘nhẹ nhàng’. Chiếc máy ảnh Crop tốt nhất theo bình chọn từ Petapixel là Fujifilm X-T4 với mức giá 1700 USD. Máy có cảm biến X-trans 26-megapixel với khả năng chống rung, chụp liên tiếp 20 hình trên giây và một viên pin lớn hơn sản phẩm tiền nhiệm.
Những tính năng khác của máy bao gồm quay phim 4K60p, slo-mo FullHD 240p, màn hình xoay lật đa hướng, 2 khe thẻ nhớ SD UHS-II, ống ngắm 3.68 triệu điểm ảnh và không thể không kể tới là 12 màu giả lập phim đã làm nên tên tuổi của những chiếc máy Fujifilm X-Mount. Với danh sách tính năng này, X-T4 là chiếc máy Crop không gương lật với tiêu chí ‘không thỏa hiệp’, rất xứng đáng với số tiền người dùng bỏ ra.
Máy ảnh không gương lật cho những nhiếp ảnh gia mới: Fujifilm X-T30
Nếu như mới bước vào Thế giới nhiếp ảnh và chưa sẵn sàng bỏ ra số tiền quá lớn cho thiết bị, chiếc máy mà bạn nên nhắm tới là Fujifilm X-T30. Với mức giá khá rẻ chỉ 900 USD, X-T30 vẫn không thua kém quá nhiều so với những lựa chọn cao cấp hơn với cảm biến X-trans 26-megapixel, màn hình lật 3 inch, chụp liên tiếp 20 khung hình trên giây, Wifi cùng Bluetooth để chuyển ảnh tới smartphone, máy tính bảng. Về khả năng quay phim, X-T30 có thể quay 4K30p ở dạng DCI hoặc UHD, hỗ trợ bởi hệ thống lấy nét theo pha 425 điểm.
Theo những chuyên gia từ Petapixel, trải nghiệm sử dụng thực tế X-T30 không quá ‘thiếu thốn’ nếu so với sản phẩm cao cấp hơn là X-T4, trừ khi bạn cần những tính năng chụp hình và quay phim tốt nhất hiện nay. 2 lựa chọn cũng đáng để tâm cho những người mới là chiếc X-S10 cùng hãng và Sony a6400, nhưng X-T30 vẫn sẽ là chiếc máy tốt hơn cho đa số người dùng mới.
Sony Alpha 1 ra mắt: Một chiếc máy cho tất cả
Sony Alpha 1 là một chiếc máy hội tụ đủ những thứ cao cấp nhất trên 3 mẫu Alpha 9 Mark II, Alpha 7R Mark IV và Alpha 7S Mark III đồng thời là đối thủ cứng cựa của Canon EOS R5.
Mới đây, Sony đã công bố mẫu máy ảnh mirrorless cao cấp nhất của họ đó là Alpha 1 trị giá 6.500 USD với cảm biến full-frame 50,1MP mới, bộ xử lý hình ảnh Bion ZR rất mạnh có khả năng chụp ảnh liên tục với tốc độ 30 ảnh mỗi giây và có thể quay video 8K ở tốc độ 30 khung hình / giây. Cảm biến mang đến hiệu quả chống rung lên tới 5.5 stop và dải ISO tiêu chuẩn từ 100-32.000 (có thể mở rộng lên 50-102.400 cho ảnh tĩnh). Từ đó, máy cung cấp các chế độ chụp ghép hình (4 hoặc 16 tấm) để cho ra bức ảnh cuối độ phân giải siêu cao lên đến 199MP nhờ vào phần mềm Sony Imaging Edge trên máy tính.
Mẫu máy này có giá cao hơn đáng kể so với những chiếc máy ảnh không gương lật cao cấp nhất của Canon và Nikon, nhưng Sony hứa hẹn rằng những khách hàng mua máy sẽ được hưởng "chiếc máy ảnh có công nghệ tiên tiến nhất" mà hãng từng sản xuất.
Mặc dù sở hữu cảm biến lớn nhưng những phóng viên thể thao cũng như chụp hành động vẫn thoải mái chụp với bộ đệm cho phép bạn chụp "lên đến 155 ảnh RAW nén hoặc 165 ảnh JPEG toàn khung với tốc độ tối đa 30 khung hình / giây màn trập điện tử trong khi vẫn đầy đủ AF và AE".
Hệ thống tự động lấy nét và phơi sáng tự động có thể thực hiện tới 120 phép tính mỗi giây. Sony cho biết Alpha 1 tăng tốc độ Eye AF hơn nữa khi lấy nét vào con người và vật nuôi kể cả trên các loài chim.
Một số ảnh chụp từ Sony Alpha 1:
So với Sony A9, chiếc Alpha 1 giảm đến 1,5 lần quá trình rolling shutter, từ đó cho phép đồng bộ tốc độ đánh Flash lên đến 1/200s (đối với màn trập điện tử) và 1/400 (màn trập cơ). Bên cạnh đó, người dùng vẫn có tùy chọn chụp ảnh 10-bit màu và nén lại thành tập tin HEIF.
Đến với khả năng quay video, Sony đã bị Canon vượt mặt trong năm 2020 với mẫu EOS R5 có khả năng quay vieo 8K RAW và Alpha 1 là lời đáp trả. Máy có thể quay 8K30 và 4K120 - cả ở 10 bit - và quay 4K ở tốc độ lên đến 60 khung hình / giây trên toàn bộ cảm biến. Sử dụng chung cơ chế tản nhiệt của chiếc A7S III mới ra mắt gần đây nên máy có thể quay 8K liên tục trong 30 phút theo lý thuyết. Nếu sử dụng bộ nhớ ngoài thông qua cổng HDMI thì máy còn có thể ghi được video RAW lên đến 16-bit. Các định dạng RAW được Alpha 1 hỗ trợ bao gồm: S-Log 3, S-Gamut 3 và S-Gamut3.Cine. Thiết bị cũng có thể dùng chung với Xperia Pro, một chiếc smartphone kiếm màn hình rời cho máy ảnh, máy quay vừa được Sony ra mắt. Đặc biệt hơn Alpha a1 còn có cả cổng Ethernet.
Về thiết kế bên ngoài, Alpha 1 được làm bằng hợp kim magnesium cứng cáp, sử dụng pin hệ Z mới, hỗ trợ cả thẻ SD UHS-I và UHS-II cùng với đó là chuẩn thẻ mới CFexpress Type A, cổng cắm HDMI Type-A và USB Type-C với khả năng sạc nhanh USB PD (Power Delivery). Kính ngắm điện tử OLED với 9,44 triệu điểm ảnh và tốc độ làm tươi lên đến 240Hz. Ở chế độ chụp nhanh, độ phân giải sẽ giảm còn 1600 x 1200 (5,76 triệu điểm ảnh). Cuối cùng, độ phóng đại là 0.9x và tầm nhìn mắt 25mm sẽ giúp kính ngắm khả dụng ngay cả khi đang đeo cận/viễn.
Sony Alpha 1 sẽ được bán ra từ tháng 3 với mức giá 6500 USD (khoảng 155 triệu đồng).
Nikon sẽ tập trung vào sản xuất máy ảnh không gương lật sau đợt lỗ lịch sử trị giá 720 triệu USD Cả thị trường máy ảnh đang đi xuống, nhưng có vẻ Nikon là 1 trong những hãng bị ảnh hưởng nặng nhất. Khoảng 1 tuần trước, ta đã có những số liệu về việc thị trường máy ảnh đi xuống rõ rệt trong năm 2020 bởi đại dịch COVID-19. Một trong những hãng bị chịu ảnh hưởng nặng nhất là Nikon, và hãng...