Dấu vân tay oan nghiệt
Từ dấu vân tay thu được tại hiện trường trong một vụ án giết người, cướp tài sản, một người đã bị đẩy vào con đường không lối thoát bởi thân phận pháp lý chơi vơi, không rõ ràng…
“Điều tôi mong mỏi nhất là mọi việc được rõ ràng để tôi có thể sống đúng nghĩa một công dân VN” – Ông Trương Bá Nhàn (SN 1962, ngụ Bình Phước) đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu nói ấy trong suốt buổi trò chuyện hơn 2 giờ với tôi về vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra gần 9 năm về trước mà ông bị xem là hung thủ.
Cuộc đời sang trang buồn
Theo cáo trạng, khoảng 12h ngày 12/12/2001, em Nguyễn Thị Ngọc P. (SN 1988) đi học về thì phát hiện bà Hoàng Thị Kim A. nằm chết dưới nền nhà trong phòng ngủ, đầu và mặt có nhiều máu, đồ đạc trong phòng bị lục tung, hai cánh cửa tủ mở, hộc tủ bị kéo bung ra. Theo trình bày của chồng nạn nhân, tài sản bị mất khoảng 60-80 triệu đồng và 5-6 lượng vàng SJC. Qua khám nghiệm hiện trường, Công an TPHCM thu giữ dấu vân tay để lại tại mặt trong hộc tủ.
Tiến hành lấy mẫu vân tay của nhiều người, tổ chức giám định kỹ thuật hình sự Công an TPHCM kết luận “dấu vân tay phát hiện bên trong hộc tủ bằng gỗ ở trong phòng ngủ nạn nhân tại hiện trường với dấu tay ngón “nhẫn phải” trên chỗ bản mẫu so sánh mang tên Trương Bá Nhàn là do ngón tay của cùng một người in ra”. Ngày 3/1/2002, ông Nhàn bị bắt giữ. Tại nơi ở của ông Nhàn, CQĐT thu giữ 62 triệu đồng và 5 lượng vàng.
Kể từ đó, cuộc đời ông Nhàn sang trang khác, mà như ông nói: “Tất cả đã chấm hết từ sau khi tôi bước chân vào trại tạm giam”.
Video đang HOT
Ông Trương Bá Nhàn.
Tại CQĐT, ông Nhàn một mực kêu oan. Ông với chồng nạn nhân là anh em bà con bạn dì, thường qua lại như người một nhà. Cách hôm xảy ra vụ án khoảng một tuần, ông có vào phòng ngủ kê giùm tủ cho bà A. nhưng không để tay vào hộc tủ đựng tiền.
“Tôi không hiểu vì sao lại có dấu vân tay oan nghiệt đó trong hộc tủ, cũng không biết có nhầm lẫn gì không, nhưng tôi dám khẳng định, tôi không giết chị A. để cướp tài sản” – ông Nhàn phân trần
Kiểm tra việc sử dụng thời gian của ông vào sáng 12/12/2001 qua các nhân chứng cho thấy, 8h30″, ông Nhàn đi bỏ mối khẩu trang với ông P.C.C và cùng về đến nhà ông này vào khoảng 10h15″, sau đó ông C. đi đón con, ông Nhàn trở về nhà mình ở đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, gần nhà ông C.).
Khoảng 11h30″, ông đến phòng răng ở Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, nơi ông thường đến chữa răng), chờ đến 12h vào làm răng. Khoảng thời gian từ 10h15″ đến 11h30″, CQĐT cho rằng ông Nhàn không chứng minh được trong khi dấu vân tay của ông để lại tại hộc tủ đựng tiền nhà nạn nhân. “Do vậy, căn cứ vào tài liệu chứng cứ đã thu thập được đủ cơ sở để kết luận Trương Bá Nhàn đã thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản”.
Chưa đủ chứng cứ
Trong vụ án này, ngoài chứng cứ buộc tội là dấu vân tay để lại hiện trường, CQĐT không thu thập được một chứng cứ nào khác. Số tiền thu giữ ở nhà ông Nhàn sau khi điều tra, CQĐT đã trả lại cho mẹ vợ ông vì đó là tiền bà bán đất, gửi con gái giữ giùm. Khoảng thời gian được cho là bất minh thì vẫn không khó để kiểm chứng nếu thử thực hiện và tính toán thời gian đi xe máy từ nhà ông Nhàn (đường Nơ Trang Long) đến nhà nạn nhân ở đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình) và kết thúc là phòng răng ở Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), cộng thêm thời gian thực hiện hành vi giết người, lục tung đồ đạc, phi tang vật chứng…
Ông Nhàn bị tạm giam 3 năm 8 tháng 1 tuần, với 3 lần nhận giấy triệu tập của tòa nhưng cả 3 lần đều không thể đưa ra xét xử.
Ngày 8/6/2006, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông vì đã hết thời hạn điều tra mà chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Ông được trả tự do. Nhưng nỗi thống khổ của ông chưa kết thúc ở đó…
“Cả đời tôi không thể quên được cảm giác khi bước chân ra khỏi cánh cổng trại tạm giam Chí Hòa lúc ấy. Đầu óc trống rỗng, người nhẹ tênh. Chỉ cách một bức tường mà cứ ngỡ như đang sống ở một nơi xa lắm” – ông nhíu mày, hồi tưởng. Cầm quyết định trong tay, ông hiểu, vụ án vẫn chưa được đình chỉ, cũng có nghĩa người ta sẽ phục hồi điều tra bất cứ lúc nào và ông vẫn chưa phải là người thoát khỏi vòng nghi vấn.
Nhưng ông không lường hết được những khó khăn, khổ ải mà ông phải đối mặt trong tương lai. Ngày ông bị bắt, vợ ông đang mang thai đứa con đầu lòng được 6 tháng (họ cưới nhau hơn một năm thì xảy ra chuyện), 4 mẫu đất trồng cà phê đang chuẩn bị thu hoạch.
Không đủ sức lo và cũng để có tiền thăm nuôi ông, cha mẹ ông đành bán tống bán tháo 4 mẫu đất đã cho vợ chồng ông. Việc này khiến vợ ông và gia đình bên ấy hiểu lầm. Đã thế, ông lại mang mặc cảm của một người vừa trở về từ trại giam, không việc làm, thân phận pháp lý không rõ ràng nên hạnh phúc gia đình thêm chênh vênh.
Đó là chưa kể người xung quanh không phải ai cũng hiểu, có người ác miệng còn nói thẳng “do chạy chọt mới được thả ra”. Buồn, mất phương hướng, ông bỏ nhà lang thang lên Bình Phước, tá túc ở nhà người em họ rồi đượcgiới thiệu vào bán rau câu, sinh tố trong trường học. Một thời gian sau, hiểu hoàn cảnh của ông lại thấy ông cần cù, chịu khó, nhà trường nhận ông vào làm bảo vệ nhưng dướitên của một người khác, cho mãi gần đây ông mới được danh chính ngôn thuận…
Nghiệt ngã, không lối thoát
“Từ người có gia đình, việc làm, tài sản, phút chốc trở thành người trắng tay với một lý lịch không minh bạch… Nhiều lúc cùng quẫn quá, tôi muốn tự tử cho xong. Nhưng nếu tôi chết, nỗi oan vẫn còn đó, gia đình tôi vẫn bị mang tiếng… Vậy là,phải nuốt nước mắt mà sống. Đau lắm cô ạ… Có lúc tôi nghĩ, nếu lúc đó họ tiếp tục giam tôi để điều tra, khi nào kết luận tôi vô tội thì thả ra, minh oan, có lẽ sẽ dễ chịu hơn phải sống trong cảnh “treo” như thế này”. Ông Nhàn thở dài, nói như trút hết nỗi lòng phải kìm nén, chịu đựng suốt một thời gian dài.
Từ khi được trả tự do đến nay, ông Nhàn nhiều lần gửi đơn, thư khiếu nại đến các cơ quan tố tụng địa phương và Trung ương kêu oan, đòi được bồi thường, xin lỗi công khai… Mãi đến ngày 20/2/2008, ông nhận được giấy triệu tập của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM yêu cầu lên lấy lời khai liên quan đến vụ án.
Sau đó là những lần lấy lời khai khác, thậm chí tiến hành thử máu, xét nghiệm ADN… Ngày 10/3/2009, ông nhận được giấy báo tin của VKSND TPHCM cho biết hiện vụ án đang được CQĐT tiến hành điều tra, xác minh. Từ đó đến nay đã hơn một năm, mọi việc vẫn rơi vào im lặng. Mới đây, ông Nhàn lại làm đơn gửi viện trưởng VKSND TPHCM với mong muốn được giải thích những vấn đề liên quan đến vụ án.
Không nói đến việc ông Nhàn có tội hay vô tội, nhưng số phận pháp lý của một người cứ chơi vơi, không được rõ ràng thì quả là sự thống khổ đã đi đến mức nghiệt ngã, không lối thoát. Lại nghĩ, ngay sau khi vụ án xảy ra mà không thể tìm ra hung thủ, không đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh tội phạm thì liệu đến hôm nay, mọi việc có khả dĩ? Cho dù là thế, cũng không thể bắt ông Nhàn chờ đợi mà chưa biết đợi đến bao giờ.
Theo luật sư Trịnh Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư người nghèo), Bộ Luật Tố tụng Hình sự có quy định về việc phục hồi điều tra vụ án, đối với trường hợp đình chỉ bị can do hết thời hạn giam giữ không chứng minh được hành vi phạm tội (như ông Nhàn), nếu có tình tiết hoặc chứng cứ mới cần thiết phải phục hồi điều tra.
Do đó, trường hợp này không thuộc nghĩa vụ phải bồi thường và không được đưa vào Luật Trách nhiệm bồi thường (trước đây khi ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường cũng đã có ý kiến đề xuất đưa trường hợp như thế vào luật).
Tuy nhiên, Bộ Luật Tố tụng Hình sự cũng quy định nguyên tắc trách nhiệm xác định sự thật thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì thế, các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ nhanh chóng điều tra, làm rõ có tội hay không có tội, bởi người bị nghi ngờ còn phải hòa nhập cộng đồng, sống và làm việc.
Theo Người Lao Động