Đầu tư tiền tỷ, nhận… rủi ro
Nhiều dự án căn hộ sau khi đã bán cho khách hàng nhưng chủ đầu tư vẫn “vô tư” đem “cắm” ngân hàng. Thực trạng này khiến nhiều người đang sở hữu căn hộ, dù đã đầu tư tiền tỷ lại phải nhận… rủi ro, thậm chí có nguy cơ mất tài sản bất cứ lúc nào. Đây là một trong những kẽ hở của pháp luật khiến thị trường bất động sản chưa thể phát triển bền vững.
Nhiều căn hộ tại chung cư The Harmona bị chủ đầu tư “cắm” cho ngân hàng.
Bỗng dưng… mất nhà
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Sài Gòn (BIDV Bắc Sài Gòn) bất ngờ gửi thông báo đến cư dân chung cư The Harmona do Công ty CP Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) làm chủ đầu tư với nội dung: Ngày 29-11-2011, Tamexim đã sử dụng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ số 33, Trương Công Định, Phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh (dự án chung cư The Harmona) để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay của Công ty CP Thanh Niên tại BIDV Bắc Sài Gòn. Theo thông báo này, hiện khoản nợ vay của Công ty CP Thanh Niên đã quá hạn, vì vậy BIDV Bắc Sài Gòn sẽ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm trên để thu hồi nợ. Thời gian bàn giao tài sản được BIDV Bắc Sài Gòn ghi rõ là ngày 9-6-2016.
Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Sơn, thành viên Ban quản trị chung cư The Harmona tỏ ra khá bất ngờ với thông báo trên từ phía BIDV Bắc Sài Gòn. Ông Sơn cho biết, nhiều hộ ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư từ năm 2013 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được chủ đầu tư làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà. Căn cứ vào thông báo trên từ BIDV Bắc Sài Gòn, Tamexim thế chấp chung cư The Harmona ngày 29-11-2011, cho thấy Tamexim bán căn hộ sau khi đã đem đi thế chấp ngân hàng. “Điều này chẳng khác nào chúng tôi bị chủ đầu tư lừa.
Video đang HOT
Căn nhà có nguy cơ bị ngân hàng thu hồi”, ông Nguyễn Văn Sơn bức xúc. Cũng là “nạn nhân” của vụ việc, ông Phạm Hoàng T. (cư dân The Harmona) cho biết, căn hộ mà ông đang ở đã bị chủ đầu tư đem đi cầm cố tại BIDV Bắc Sài Gòn. Ông T. đã yêu cầu chủ đầu tư giải trừ thế chấp ngân hàng nhưng chủ đầu tư lấy lý do tài sản hiện không đủ để làm việc đó nên xin khất lại đến ngày 12-6-2016. Tại buổi làm việc với các bên liên quan do UBND Phường 14, quận Tân Bình đứng ra chủ trì, Công ty CP Thanh Niên cam kết sẽ tất toán toàn bộ khoản vay tại BIDV Bắc Sài Gòn trước ngày 15-6-2016. BIDV Bắc Sài Gòn sẽ tiến hành giải chấp tài sản của Tamexim là dự án The Harmona sau khi Công ty CP Thanh Niên thanh toán hết toàn bộ khoản vay tại chi nhánh ngân hàng này.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trường hợp trên không phải là cá biệt, 800 hộ dân chung cư Phú Thạnh (Tân Phú) cũng đứng ngồi không yên vì chung cư này đã bị chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng công trình 585 đem “cắm” ngân hàng để vay tiền. Tương tự, dự án chung cư The Rubyland (Tân Phú) với 180 căn hộ cũng bị chủ đầu tư là Công ty CP Tân Hoàng Thắng đem thế chấp ngân hàng. Hiện tình trạng trên vẫn đang dùng dằng, chưa được giải quyết dứt điểm, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà không có, người mua nhà có nguy cơ mất nhà bất cứ lúc nào.
Nhiều kẽ hở pháp lý
Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp dự án nhà đất đã bán cho khách hàng mà chủ đầu tư còn đem đi thế chấp ngân hàng thì giao dịch thế chấp đó vô hiệu. Luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, tài sản đã bán cho khách hàng là thuộc quyền sở hữu của khách hàng, chủ đầu tư không còn quyền để thế chấp tài sản đã bán. “Còn về phía ngân hàng, anh không thể lấy cớ là không biết tài sản đó đã bán cho người dân, bởi khi thẩm định tài sản để nhận thế chấp thì nhiều dự án người dân đã vào ở rồi, chưa kể khâu thẩm định tài sản của ngân hàng rất chặt chẽ”, luật sư Huỳnh Văn Nông nhấn mạnh. Trường hợp ngược lại, nếu dự án đã được thế chấp ngân hàng rồi mà chủ đầu tư còn bán cho khách hàng thì hợp đồng giao dịch mua bán này là vô hiệu. Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, cả hai trường hợp trên đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Chẳng hạn, từ cuối năm 2015, nhiều cơ quan công chứng tại TP Hồ Chí Minh đã từ chối công chứng các hợp đồng giao dịch thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai với lý do chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Tuy vậy, do chưa có “hướng dẫn” nên nhiều cơ quan công chứng vẫn thực hiện công chứng, “giúp” một số chủ đầu tư kinh doanh không chân chính cố tình cầm cố, thế chấp tài sản đã bán cho khách hàng để thu lợi bất chính. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (Horea) cho biết, nhằm giải quyết những bất cập trên, Horea đã đề xuất Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành thông tư hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện đăng ký thế chấp nhà ở theo đúng quy định của Luật Nhà ở 2014.
Theo_Hà Nội Mới
Dân "chết đứng" vì dự án bị siết nợ
Mua nhà dự án ở hơn 3 năm và chờ nhận sổ hồng, dân không hề biết chủ đầu tư đã âm thầm mang dự án đi cầm cố nhiều năm trước. Đến khi ngân hàng thông báo siết nợ, hàng trăm hộ dân tá hỏa.
Chuyện xảy ra tại dự án The Harmona (đường Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM). Dự án do Công ty Cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình và Công ty Cổ phần Thanh Niên làm chủ đầu tư.
Chung cư The Harmona đang bị ngân hàng thông báo siết nợ
Ngày 24.5, Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn phát đi thông báo về việc thu hồi tài sản là dự án The Harmona. Theo văn bản của BIDV, Công ty Cổ phần Vật tư Xuất nhập khẩu Tân Bình đã cầm cố quyền sử dụng đất và tài sản trên đất vào ngày 29.11.2011 cho ngân hàng để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của Công ty Cổ phần Thanh Niên. Hiện tại, khoản nợ vay của công ty này đã quá hạn nhưng vẫn chưa trả.
Dù phía ngân hàng đã tạo điều kiện nhưng Công ty Cổ phần Thanh Niên vẫn chưa thanh toán nợ như cam kết. Vì vậy BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn sẽ thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm là dự án The Harmona.
Văn bản này khiến khoảng 600 hộ dân bên trong dự án "choáng váng". Hàng nghìn con người bên trong dự án này đã mua nhà nhiều năm, sống ổn định. Không hề hay biết chủ đầu tư một mặt bán nhà cho dân, một mặt mang cả dự án đi cầm cố.
Chị T.T.K.H, một hộ dân bên trong dự án cho biết: Gia đình chị ký hợp đồng mua nhà tại dự án vào năm 2010. Đến năm 2013 thì nhận nhà vào ở. Công an cũng đã cho làm hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, việc làm sổ hồng chứng nhận quyền sở hữu cho các hộ dân đến nay vẫn chưa ai được nhận. "Khi chúng tôi bức xúc đòi sổ hồng thì họ hẹn giải quyết trong tháng này. Chưa giải quyết thì nhận được văn bản của ngân hàng. Hàng nghìn người dân đã mua bán hợp pháp có nguy cơ bị đẩy ra đường vì động thái mờ ám của chủ đầu tư", chị H nói.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn không chỉ thông báo cho chủ đầu tư mà còn gửi văn bản cho Ban Quản lý chung cư này và yêu cầu các bên phải bàn giao lại dự án nguyên trạng như trước, khi chưa có người vào sử dụng, cư trú.
Ngân hàng này cũng đồng thời nhờ công an và chính quyền hỗ trợ cuộc bàn giao, dự tính diễn ra vào ngày 9.6 tới. Có nghĩa là hàng trăm hộ dân bên trong dự án có thể sẽ bị "cưỡng chế" dọn ra ngoài để trả lại tài sản cho ngân hàng.
Tất cả các hộ dân bên trong dự án đang ngồi trên đống lửa. Tuy nhiên, chủ đầu tư hiện tại vẫn chưa lên tiếng giải thích gì. Tại sao một dự án, chủ đầu tư có thể dễ dàng vừa bán cho dân, vừa cầm cố ngân hàng? Có gì khuất tất trong thương vụ cầm cố tài sản đầy bí ẩn này? Phóng viên Dân Việt liên hệ với ông Nguyễn Văn Liêm - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Thanh Niên, đơn vị chủ đầu tư dự án. Nhưng hai ngày qua, vị này khóa máy và chặn chiều gọi đến.
Theo Danviet
BIDV lên tiếng sau thông tin 'ngừng cho vay mua nhà' BIDV khẳng định không dừng việc cho vay, nhưng cũng thừa nhận đang gặp một số vướng mắc. BIDV cho biết đang gặp một số vướng mắc trong quá trình cho vay và phải chờ hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố thông tin liên quan đến việc "một...