Đậu Rùa Món ăn ngon đậm nét hồn quê Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc)
Nếu có dịp về thăm xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, bạn sẽ được chủ nhà nồng hậu thết đãi món ăn đặc sản của vùng quê này: đậu Rùa. Món đậu Rùa thường xuyên có mặt trong mâm cơm hàng ngày cũng như trong mâm cỗ của các gia đình nơi đây.
Nguồn gốc cái tên đậu Rùa
Món ăn mang đậm nét hồn quê này không phải được làm từ nguyên liệu thịt rùa hay có hình con rùa, mà đơn giản, đậu Rùa được gọi theo tên địa phương làm ra nó – làng Rùa, xã Tuân Chính. Làng Rùa bao gồm 3 thôn: thôn Trung, thôn Thượng và thôn Táo. Đặc biệt, đậu Rùa chỉ được làm phổ biến ở thôn Trung và thôn Thượng, là 2 thôn liền kề nhau ở cùng một dải đất. Sau năm 1945, dù tên địa danh làng xã đã dược thay đổi nhưng người ta vẫn quen gọi với cái tên đậu Rùa.
Làm đậu Rùa là nghề cha truyền con nối
Nghề làm đậu được coi như nghề thủ công truyền thống của làng Rùa trước đây. Ở làng Rùa có nhiều gia đình năm, sáu đời gắn bó với nghề làm đậu. Nhiều cụ cao tuổi trong làng chẳng thể nhớ nổi nghề làm đậu có từ bao giờ, chỉ biết khi lớn lên đã thấy cha mẹ làm, rồi đời này qua đời khác cứ thế truyền nghề cho nhau
Đậu Rùa bao giờ cũng có hai loại: đậu nướng và đậu trắng. Cách làm đậu Rùa cũng tương tự cách làm đậu phụ của nhiều nơi, có khác chăng là hình dáng chiếc đậu làm ra nhỏ nhắn, vừa miệng và hương vị của nó. Mỗi cái đậu Rùa chỉ to hơn bao diêm, vì vậy khăn vải dùng gói đậu cũng chỉ to hơn bàn tay một chút.
Theo các cụ cao niên trong làng, yếu tố chính làm cho món đậu Rùa có vị ngon khác biệt với đậu phụ ở các nơi khác là nguồn nước ở dải đất này. Điều này trả lời cho câu hỏi vì sao con gái ở làng Rùa đi lấy chồng đem theo nghề làm đậu, nhưng khi đậu làm ra vẫn không ngon được như đậu được làm tại làng Rùa. Thêm nữa là do cái tâm của người làm ra đậu Rùa, họ luôn trân trọng nghề truyền thống của quê hương, luôn tuân thủ các bước từ khâu đầu tiên là chọn đỗ nguyên liệu, đến khâu cuối cùng là nướng đậu, bán đậu. Họ không quá thiên về mục đích lợi nhuận mà làm mất đi hương vị riêng của món đậu Rùa.
Người làng Rùa làm đậu bao giờ cũng chọn loại đỗ tương hảo hạng, hạt tròn mẩy đem ngâm nước. Thời gian ngâm đỗ phải được cân nhắc cẩn thận, trời nóng chỉ ngâm 5-6 giờ nhưng nếu trời lạnh phải ngâm lâu hơn. Khi đỗ nở hết ra thì đem xay nhuyễn rồi đổ vào túi vải, vắt và lọc vài lần bỏ bã, chỉ lấy phần nước sữa đậu.
Phần nước này sẽ được đun trên bếp than, khi sôi phải nhấc ra thật nhanh nếu không nước đậu sẽ trào ra ngoài và đậu dễ có mùi khê. Khi nước đậu còn nóng, phải nhanh tay hòa nước giống vào (loại nước được lên men chua từ phần nước đậu đã vớt hết cái của ngày hôm trước), khua nhẹ tay tới khi thấy có mảng cái đậu nổi lên thì dừng. Sau đó gạn bỏ bớt nước trong, dùng bát con múc từng bát cái đậu đổ vào khuôn (bên trên đã rải một miếng vải sạch) rồi gói lại. Cứ làm như thế tới khi đầy khuôn gỗ thì dùng vật nặng ép lên trên đến khi ráo nước, nhấc ra là xong xuôi món đậu trắng. Còn đậu Rùa nướng thì sau khi ép xong, đậu trắng sẽ được dỡ ra và đưa lên phên nướng trên than hồng. Khi nướng phải nhanh tay lật đậu để đậu có màu vàng đều và không bị cháy. Đậu Rùa khi nướng xong sẽ rắn hơn và dậy mùi thơm của đỗ tương rang.
Video đang HOT
Ban đầu, đậu Rùa chỉ bán ở chợ Táo của xã, nhưng dần dà một thời gian sau đậu Rùa đã theo chân các bà các chị ra các chợ xa hơn như chợ Vĩnh Yên, chợ Việt Trì, chợ Bạch Hạc, chợ Kiệu, chợ Dưng, chợ Chùa, chợ Giang, chợ Bồ Sao… Tên đậu Rùa được nhiều nơi biết đến và đã trở thành món ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Vì thế người làng Rùa đi xa lâu lâu lại thèm về quê hương để được nếm vị thơm mát, bùi ngậy của đậu Rùa.
Món ăn ngon cho tất cả mọi người
Đậu Rùa là món dễ ăn, đặc biệt vào mùa hè, có thể ăn đậu trắng, đậu nướng, đậu rán, chấm với tương quê, nước mắm hoặc mắm tôm. Đậu Rùa ăn lúc còn nóng là ngon nhất. Đậu Rùa cũng rất có duyên khi kết hợp với nhiều món ăn khác: Ngoài cách ăn trực tiếp, đậu Rùa còn dùng để chế biến kèm nhiều món ăn khác như nấu xáo, nấu om cùng với lươn, ốc, ếch, ba ba; món “Bún chả đậu”; “đậu nhồi thịt”; “nộm hoa chuối đậu phụ”, Đậu Rùa kho tương cùng nhiều món ăn chay sử dụng nguyên liệu chính từ đậu. Ngoài ra, món canh óc đậu, sữa đậu cũng vô cùng hấp dẫn.
Món đậu Rùa tồn tại được đến ngày hôm nay cũng là nhờ có sự trân trọng, gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống của những người đã và đang làm ra nó. Đậu Rùa là thực phẩm đặc biệt “sạch”, thực sự là món ăn ngon, bổ, rẻ dành cho tất cả mọi người./.
Mộc mạc hồn quê
Nhắc đến Vĩnh Phúc hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến cá thính Lập Thạch, bánh hòn Hương Canh và loại bánh tẻ đặc trưng đã có mặt thường xuyên tại những bữa cơm hàng ngày và những dịp cưới hỏi, lễ Tết.
Bánh tẻ đặc trưng đã có mặt thường xuyên tại những bữa cơm hàng ngày. Ảnh: Văn Quyết
Sinh ra tại miền quê nghèo nơi trung du Bắc bộ, tuổi thơ tôi gắn liền với những rừng cọ đồi chè cùng những món ăn dân dã nhưng đậm vị.
Người ta thường kháo nhau, về đến đất Vĩnh Phúc mà không ăn miếng bánh tẻ thì thật uổng phí. Thật vậy, món quà quê bình dị này luôn để lại ấn tượng cho những ai đã từng thưởng thức bởi sự mộc mạc và thân thương.
Nhắc đến Vĩnh Phúc hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến cá thính Lập Thạch, bánh hòn Hương Canh và loại bánh tẻ đặc trưng đã có mặt thường xuyên tại những bữa cơm hàng ngày và những dịp cưới hỏi, lễ Tết.
Bánh tẻ cũng là món ăn khiến tôi luôn cảm thấy tự hào trong mỗi bữa tiệc gia đình, là món quà chân thành dành tặng bạn bè, đồng nghiệp trong những dịp đặc biệt.
Chị Lê Thanh Bình-chủ quán bánh tẻ lâu năm tại Vĩnh Phúc cho biết, để làm được chiếc bánh tẻ hoàn hảo điều đầu tiên phải chọn được gạo ngon và dẻo. Chính vì vậy, loại gạo tám thơm thường là ưu tiên hàng đầu cho loại bánh này.
Một nguyên liệu góp phần làm nên thành công của chiếc bánh là loại nước nẳng được dùng từ hỗn hợp cành cây si, cành cây xoan, cây đỗ tương, cây vừng, cây gai, chã ngô... đốt lên thành tro sau đó đem ngâm khoảng một tháng.
Muốn biết nước vừa hay không, theo chị Lê Thanh Bình các cụ thường dùng miếng trầu để thử.
Do đó, chuẩn nhất là khi miếng trầu nhúng vào nước có màu vàng đỏ đẹp chứ màu sậm là nước đã bị già nắng và ngược lại nếu ít nắng thì miếng trầu cũng sẽ nhạt màu.
Ngoài ra, lá dùng để gói bánh cũng phải chọn loại lá dong nếp có kích thước nhỏ để gói bánh cho vừa vặn. Hơn nữa, khi sử dụng loại lá này gói bánh sẽ dẻo tay hơn, nhất là lá sẽ kèm thêm vị thơm tự nhiên.
Sau khi ngâm gạo chừng 5-7 tiếng sẽ được đem ra nghiền mịn và trộn đều với nước nẳng đã ngâm lâu ngày theo một tỷ lệ tương ứng một bát bột thì một bát non nước. Kế đó cho lên bếp đun lửa liu riu, tay khuấy liên tục để tránh bị bén nồi bằng hai chiếc đũa cả to.
Tuy nhiên, để làm được điều này phải là người có kinh nghiệm và đôi tay khoẻ để đảo bánh nhịp nhàng và đều tay cho bột mịn, dẻo nhất là không để nồi trượt ra khỏi bếp. Bột sẽ được khuấy liên tục như vậy cho đến khi đảo thấy nặng tay, đũa cả nhấc lên không còn bột dính nữa là đã chín.
Thông thường, mỗi gia đình có thể lựa chọn nhân bánh cho hợp khẩu vị, nhưng được lựa chọn nhiều nhất vẫn là thịt lợn xay nhỏ trộn với mộc nhĩ và hành lá với tỷ lệ vừa phải cùng với mắm muối tiêu để tạo nên vị bánh thơm, đậm đà.
Trong tiết trời se lạnh bóc miếng bánh nóng chấm chút mắm ớt cay nồng là lựa chọn của nhiều người dân địa phương. Ảnh: Văn Quyết
Cũng giống như gói nem, kích thước bánh thường dài ngắn khác nhau và dao động từ 14-18 cm, hai đầu bẻ gọn nhìn rất đẹp mắt. Kinh nghiệm từ các cụ xưa để lại, bánh sau khi cho vào hấp khoảng một tuần hương là bánh chín.
Khi bóc ra bánh phải có màu xanh của lá, mùi thơm của gạo xen lẫn mùi nước nẳng và vị ngọt của thịt pha chút vị mặn của muối, vị cay của tiêu tạo nên một hỗn hợp hoàn hảo.
Nhớ đến hồi còn bé khi còn ở quê, mỗi khi Tết đến, bố tôi từ Hà Nội về, mẹ và hai chị lại sửa soạn làm bánh tẻ. Trong tiết trời se lạnh bóc miếng bánh nóng chấm chút mắm ớt cay nồng khiến mắt tôi se se chợt nhớ về gia đình và những kỷ niệm ấm áp thủa ấu thơ.
Giờ đây, khi đời sống phát triển, bánh tẻ không còn là loại bánh chỉ dành riêng cho mỗi dịp lễ, Tết. Hàng ngày, bánh tẻ được bán tại chợ vào những buổi chiều khi vừa được vớt ra và được các bà các chị chở xuống chợ phục vụ người dân.
Hơn nữa, bánh tẻ cũng đã trở thành món quà quê ý nghĩa đối với những người xa quê mang về cho bạn bè, người thân. Cũng không biết từ khi nào, món bánh tẻ là món ăn không thể thiếu trên những mâm cỗ cưới, giỗ chạp tại Vĩnh Phúc.
Hộ kinh doanh bánh tẻ của Hoàng Văn Vũ chuyên gói bánh phục vụ đám cỗ trong thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Cách đây hơn 10 năm, gia đình anh đã nhận được đơn hàng đầu tiên.
Tai truyền tai, sau này các đơn hàng ngày một nhiều hơn. Vì thế mà mô hình cũng được nhân rộng và tuyển thêm nhân công để đủ lượng người phục vụ các đơn hàng.
Theo anh Hoàng Văn Vũ, trung bình mỗi năm gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng từ việc gói bánh tẻ. Với việc làm thời vụ, chủ yếu vào cuối năm và không phải đầu tư vốn nhiều thì khoản thu này đối với gia đình anh không phải là nhỏ.
Dù vậy, hiện nay nguyên liệu làm bánh ngày càng khan hiếm do dân chuyển đổi mô hình sản xuất và đất canh tác. Vì vậy, lá dong cũng không nhiều như trước, đặc biệt là nguồn nguyên liệu để làm nên thứ nước "nẳng" cũng dần cạn kiệt.
Hơn nữa, bánh tẻ hiện nay chủ yếu phục vụ người dân trong tỉnh và dành cho khách thập phương mua về làm quà là chính chứ chưa vươn xa ra các tỉnh ngoài. Đây cũng là những hạn chế đáng kể đối với lao động địa phương.
Chính vì vậy, mới đây đã có đơn vị tư nhân đề xuất xây dựng một cơ sở chuyên sản xuất kinh doanh bánh tẻ để món bánh đã in sâu trong tiềm thức, lớn lên cùng tuổi thơ của những người con nơi đây được nhiều người biết tới và không bao giờ phai nhạt bởi nét truyền thống đậm đà bản sắc quê hương.
Ăn gì ở Vĩnh Phúc: Top 5 đặc sản làm mê mẩn du khách thập phương Là một trong những tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc trù phú và tươi đẹp. Ngoài Tam Đảo thu hút khách du lịch thì nền ẩm thực Vĩnh Phúc cũng rất đặc sắc. Dưới đây, VeXeRe.com sẽ thông tin cho bạn biết ăn gì ở Vĩnh Phúc. Với 5 món đặc sản làm mê mẩn khách thập phương này, chắc chắn...