Đầu nhũ hoa bị tụt
Bầu ngực vẫn to lên, trong khi đó đầu ngực lại thụt vào trong mà không nhô lên như những bạn nữ khác. Điều này khiến cô thấy mặc cảm, mất tự tin, không dám nhận lời yêu ai.
15 tuổi, cơ thể Vy (Hà Nội) phát triển hoàn toàn bình thường, ngực nở nang, phổng phao, “núi đôi” cũng dần nhú lên. Thế nhưng, đợi mãi cũng không thấy “đỉnh núi” nhú lên, lấy tay nặn ra cũng không khá hơn.
Từ năm 12 tuổi, cơ thể cô bé bắt đầu ra dáng một thiếu nữ. Bầu ngực ngày một phát triển to lên, căng tròn nhưng nhũ hoa thì không thấy đâu. Lấy tay nặn thử ra cũng không thấy đầu vú nhô lên là mấy. Nó chỉ hơi lồi ra khi cô bị kích thích hay trời lạnh làm nổi da gà. Đến năm 15 tuổi vì sợ con gái phát triển không bình thường, mẹ mới đưa Vy đi khám.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Thái Hà (Hà Nội) cho biết, bình thường, người phụ nữ nào về cấu tạo 2 vú đều có núm vú, loại trừ có dị dạng về vú, trường hợp này rất hiếm. Nhũ hoa có thể dài ngắn, to nhỏ khác nhau.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, ở một số chị em sau khi tuyến vú phát triển đầy đủ mà núm vú không nhô ra khỏi quầng vú, bị tụt vào trong như trường hợp của Vy. Vấn đề nội tiết của cô bé hoàn toàn bình thường, vẫn có kinh nguyệt, lông mu, ngực phát triển…”, bác sĩ Dung nói.
Cũng theo bác sĩ, những phụ nữ gặp cảnh ngộ như cô bé không phải là ít. Có những cô gái ở độ tuổi 20, 23, bầu ngực đã phát triển hoàn chỉnh nhưng lại không thấy đầu vú đâu như trường hợp của Hà (Phương Mai, Hà Nội).
20 tuổi, cơ thể cô vẫn phát triển giống như bao nhiêu thiếu nữ khác, chỉ có bộ ngực có hiện tượng rất lạ. Bầu ngực vẫn to lên, trong khi đó đầu ngực lại thụt vào trong mà không nhô lên như những bạn nữ khác. Điều này khiến cô thấy mặc cảm, mất tự tin, không dám nhận lời yêu ai.
“Mặc áo nịt ngực vào thì chả ai thấy mình có sự khác biệt gì mấy. Nhưng mà bỏ ra thì lộ ngay, trong khi các bạn khác thấy lấp ló đầu vú còn của mình thì cứ phẳng lặng. Sau này lấy chồng, có con thì không biết cho con bú bằng cách nào”, Hà tâm sự.
Theo bác sĩ Dung, chị em cũng không cần quá lo lắng khi “đỉnh núi” không nhô lên được. Với những trường hợp bị tụt nhẹ, không có bất thường gì về núm vú có thể dùng những cách đơn giản để kéo.
Như trường hợp của Vy, cô bé đang ở tuổi dậy thì, cơ thể vẫn tiếp tục phát triển. Hơn nữa, tình trạng tụt núm vú chỉ ở mức độ nhẹ. Vì thế, biện pháp khắc phục hết cũng hết sức đơn giản. Hằng ngày, Vy chỉ cần lấy xi lanh hoặc dụng cụ hút sữa (của một số bà mẹ đang cho con bú) áp vào và tìm cách kéo nó lên dần.
“Ngoài ra, có thể dùng tay đẩy đầu vú ra thường xuyên để lau và day ấn nhẹ nhàng. Cứ làm như thế dần dần đầu vú sẽ nhô ra như bình thường”, bác sĩ Dung nói.
Ngoài ra, cũng theo bác sĩ, nếu đã lập gia đình thì chị em có thể nhờ ông xã giúp vấn đề tế nhị này. Ở một số phụ nữ, đến thời kỳ mang thai có thể nhờ sự thay đổi nội tiết mà núm vú nhô ra ngoài. Việc cho con bú cũng có thể tạo ra lực cơ học liên tục để kéo núm vú ra ngoài.
Với những trường hợp bị tụt sâu vào trong nặng thì có thể cần phải phẫu thuật thẩm mỹ để kéo nhũ hoa ra.
Bác sĩ Dung cũng khuyến cáo, đầu vú bị tụt có thể do sẹo ngay núm vú hoặc tổ chức xơ dưới núm vú từ khi còn nhỏ gây co kéo, khiến núm vú bị tụt vào trong. Vì thế, nếu thấy đầu vú bị tụt vào trong, chị em nên đi khám để xác định nguyên nhân và mức độ tụt. Từ đó, sẽ có cách xử trí phù hợp, có cần phải phẫu thuật hay không.
Theo Phương Trang
Vnexpress