Đầu năm thăm làng đóng tàu 700 tuổi
Trong chiến tranh, thợ đóng tàu Trung Kiên tự hào góp phần đóng gần chục con tàu không số vận chuyển vũ khí vào Miền Nam. Chiến tranh kết thúc, lớp lớp thợ Trung Kiên đóng những con tàu lớn, giúp ngư dân vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền.
Làng đóng tàu cho Vua
Chúng tôi về làng đóng tàu Trung Kiên (xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An) trong ngày đầu tiên của năm mới. Nắng vàng ươm trải trên vùng đất cửa biển. Hòn Rồng vẫn hiên ngang, như vươn thân mình che chở làng nghề trên 700 năm tuổi trong sự bình yên và hưng vượng. Tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa vang cả một vùng cửa sông. Thợ đóng tàu Trung Kiên đang hối hả hoàn thành nốt những đơn hàng cuối năm để kịp bàn giao cho khách vào vụ lưới mới.
Làng Trung Kiên xưa có tên là làng Kẻ Lau. Làng Kẻ Lau thủa ấy có người thợ thuyền đi lính cho vua Lê Trung Hưng. Trong một lần tuần du, thuyền Rồng của Vua gặp cạn, không thể quay đầu để về. Người lính thợ thuyền Kẻ Lau đã có sáng kiến để thuyền quay đầu trên dòng sông hẹp. Người này cũng được xem là thủy tổ của làng đóng tàu Trung Kiên.
Làng đóng tàu Trung Kiên có lịch sử hình thành và phát triển 700 năm.
Ông Nguyễn Gia In – Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên tự hào: “Làng này ngay từ khi có nghề đóng tàu hầu như được giao nhiệm vụ đóng thuyền Rồng cho vua và đóng tàu chiến cho binh lính. 700 năm lịch sử, những người thợ “tay rìu, tay búa” ở đây đã đóng hàng ngàn, hàng vạn chiếc thuyền. Tàu, thuyền của làng nghề Trung Kiên đóng đã tỏa đi khắp, từ Quảng Ninh cho đến Kiên Giang”.
Người làng nghề đóng tàu còn có một niềm tự hào rất lớn, dẫu rằng niềm tự hào của họ chưa được công nhận. Nhưng có hề gì? Miễn là với họ, lòng kiên trung của làng Trung Kiên đã góp phần rất nhiều vào cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Ngày 25/11/2014, Làng nghề Trung Kiên được Ban chấp hành TW Hiệp hội làng nghề Việt Nam vinh danh là “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”; HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên được tặng danh hiệu “Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam”; ông Nguyễn Trọng Nhỏ – nghệ nhân của làng được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”.
“Năm 1959 – 1960, một đơn vị thủy văn Trung ương có về làng, nhờ đóng hoặc sữa chữa những con tàu &’&'lạ”. Những con tàu đó không có số hiệu gì cả, mãi đến sau này chúng tôi mới biết đó là những con tàu trong đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí vào Miền Nam. Có 6 con tàu được chính những người thợ làng Trung Kiên đóng tại đây. Ngoài ra, thợ Trung Kiên còn được điều vào Hà Tĩnh đóng tàu không số ở trong đó. Tính ra, người làng Trung Kiên phải đóng và sửa chữa được cả chục chiếc tàu không số phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường Miền Nam qua đường Hồ Chí Minh trên biển”, ông Nguyễn Gia In cho biết.
Đóng tàu lớn để bám biển, bảo vệ chủ quyền
Hòa bình lập lại, nền kinh tế có nhiều biến động, cung cách làm ăn thay đổi nhưng làng đóng tàu Trung Kiên vẫn vững vàng với nghề cha ông để lại. Từ chỗ manh mún, mạnh ai nấy làm, năm 2003 HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên được thành lập. Đến nay, HTX có 39 thành viên với hơn 300 lao động.
Những người thợ Trung Kiên luôn tự hào vì đây là nơi đóng thuyền Rồng cho Vua và đóng những con tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Áp dụng kỹ thuật mới cộng với kinh nghiệm cha truyền con nối, người làng Trung Kiên mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất. Những xưởng đóng tàu quy mô lớn hình thành ngay bên cửa sông, quy tụ nhiều người thợ có tay nghề cao.
&’&'Trên thực tế chưa có một trường nào đào tào nghề đóng tàu vỏ gỗ nên hầu hết anh em ở đây đều kế thừa kinh nghiệm, kỹ thuật của cha ông để lại rồi tìm tòi, sáng tạo thêm. Ở đây hầu hết các công đoạn đều làm bàng thủ công, chỉ khi sử dụng những thân gỗ lớn chúng tôi mới sử dụng tời để đưa gỗ lên. Tàu của thợ Trung Kiên đóng gần như một lời đảm bảo cho mỗi chuyến vươn khơi”, anh Nguyễn Gia Quảng – một chủ xưởng đóng tàu trong HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên cho biết.
Video đang HOT
Chỉ với kinh nghiệm nhưng nay những người thợ Trung Kiên đã đóng được những con tàu tới 1.200 mã lực, có khả năng bám biển dài ngày. Trung bình, mỗi năm có khoảng 80 – 100 con tàu từ đây tỏa ra các vùng biển kéo dài từ Bắc chí Nam. Những con tàu đè sóng vươn ra khơi xa, vững vàng trước giông tố để khai thác nguồn lợi hải sản, góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những chiếc tàu do làng Trung Kiên đóng luôn là lời bảo đảm cho những chuyến ra khơi an toàn và thắng lợi.
Từ khi có chủ trương đóng tàu vỏ sắt, làng nghề đóng tàu vỏ gỗ Trung Kiên cũng đứng trước không ít thách thức. Tuy nhiên, với “thương hiệu” từ 700 năm trong nghề, thợ đóng tàu ở đây vẫn yên tâm sống với nghề cha ông. Để từ đây, những con tàu lớn vẫn thẳng tiến ra khỏi…
Trăn trở làng nghề 700 năm tuổi
Trong khi việc đóng tàu vỏ sắt chưa được triển khai rộng rãi thì HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên vẫn làm không hết việc. Hơn nữa, thời điểm này, ngư dân vẫn &”nặng lòng” với những còn thuyền gỗ. Mặc dù tin tưởng vào sức sống bền bỉ và mạnh mẽ của làng nghề có 700 năm tuổi nhưng ông Nguyễn Gia In vẫn không dấu được những trăn trở trong lòng.
Hiện, việc đóng những con tàu lớn nhất thiết phải có những cây gỗ lớn vậy nhưng nguồn nguyên liệu này ở Nghệ An đã cạn kiệt. Những người thợ đóng tàu phải nhập gỗ từ Lào về với chi phí đắt đỏ và tốn kém hơn. Tuy nhiên đây không phải là trăn trở lớn nhất mà ông Chủ nhiệm HTX canh cánh trong lòng.
Một mô hình hoàn chỉnh về mẫu tàu do thợ Trung Kiên đóng.
Với những người thợ đóng tàu giỏi, mức tiền công là 300-350 nghìn đồng/ngày. Tính ra thu nhập của họ cũng xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng làng nghề truyền thống này lại đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trẻ và lớp lao động kế cận.
“Đặc thù của nghề đóng tàu là nghề nặng nhọc. Thu nhập tính theo tháng so với mặt bằng chung của nhiều nghề khác thì cao nhưng thợ vừa làm, vừa ứng tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình nên thành ra cũng chẳng có mấy đồng tích lũy. Trong khi đó, xuất khẩu lao động lại giúp họ “tròn vốn” khi trở về. Bởi vậy nhiều người, đặc biệt là thanh niên vẫn thích xuất khẩu lao động sang nước ngoài hơn là gắn bó với nghề &”tay rìu, tay búa” của cha ông”, ông Nguyễn Gia In đau đáu.
Cũng theo ông In, làng nghề đóng tàu Trung Kiên đã góp phần không nhỏ trong việc đóng mới, sữa chữa những con tàu không số vận chuyển vũ khí vào chiến trường Miền Nam thế nhưng hiện nay &”công trạng” này vẫn chưa được ghi nhận. Trong khi đó, những người thợ trực tiếp đóng tàu ngày xưa đều đã lớn tuổi, có người không còn…
Những chiếc tàu 1.200 sức ngựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Hôm rồi ra Hà Nội nhận giải thưởng &”Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam” tôi có đề cập đến vấn đề này với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nghe xong, Chủ tịch khá trầm tư và cho biết sẽ lưu tâm về vấn đề này. Vừa rồi, có một đoàn cán bộ bên Quân đội có về tìm hiểu. Hiện chưa có thông tin cụ thể về kết quả xác minh của họ. Chúng tôi mong mỏi những đóng góp của làng nghề Trung Kiên đối với đoàn tàu không số sớm được ghi nhận”, ông In cho biết thêm.
Biển vẫn thao thiết vỗ từng đợt sóng vào bờ. Tiếng rì rào của sóng, của gió, của những tiếng đục đẽo hòa vào nhau như bản nhạc trầm hùng ca ngợi sức sống của làng nghề 700 năm tuổi nơi cửa biển xứ Nghệ…
Hoàng Lam
Theo Dantri
Phát huy sức mạnh toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc
Đón bắt thời cơ, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đưa đất nước tiếp tục tiến lên
LTS: Kết thúc năm 2014, đất nước ta, dưới ngọn cờ của Đảng, tiếp tục giành được những thành tựu quan trọng, đưa công cuộc đổi mới không ngừng phát triển toàn diện và ngày càng vững chắc. Trước thềm Năm mới 2015, những dự cảm lớn, những công việc lớn đang đặt ra trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cổ vũ dân tộc ta kiên định vững bước đi lên. Nhân dịp chào Năm mới 2015, VOV trân trọng giới thiệu bài viết của Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Cùng nhân loại chúng ta tạm biệt năm 2014, năm Giáp Ngọ. Đối với chúng ta, năm 2014, một năm với biết bao cam go, sóng gió và những khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã vượt qua. Dù ngoảnh nhìn lại, vẫn còn đó những ấm lạnh, buồn vui xen lẫn, vẫn còn nhiều điều canh cánh bên lòng mà không ai không thấy và đang đồng tâm, nỗ lực khắc phục, sửa chữa. Khi mùa xuân năm mới 2015 đang tới trước thềm, cả dân tộc Việt Nam ta lại phấn khởi, có thêm sinh lực mới, quyết tâm mới, tiếp tục cố gắng vì những thành công trong Năm của những sự kiện lớn: 85 mùa xuân Đảng ta ra đời, 70 mùa thu cách mạng và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm giải phóng miền Nam và thống nhất nước nhà, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, 30 năm đất nước đổi mới trên con đường xã hội chủ nghĩa, tiến tới Đại hội XII của Đảng... với tầm nhìn mới, sứ mệnh mới, thực lực mới, phương cách hành động mới và niềm tin vào những thành công mới.
Trước thềm Xuân mới, nhìn lại chặng qua, chúng ta soát xét lại mình, ngẫm thời cuộc lớn, mở rộng tầm nhìn, chuẩn bị hành trang, tiếp tục chủ động và kiên định đi tới.
Phát triển bền vững - sự lựa chọn mang tầm chiến lược
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ, vận hội và thách thức đan xen, chuyển hóa khôn lường; hoặc là tụt hậu, tức là bị bỏ rơi hoặc là bứt phá, vươn lên để bắt nhịp cùng thời cuộc, làm chủ vận mệnh của mình, mà nếu dừng lại chính là tụt hậu. Mà tụt hậu, nhất là về kinh tế, đó là nguy cơ mà tròn hai mươi năm trước, tháng 1-1994, Đảng ta đã cảnh báo và suốt hai thập niên cả dân tộc nỗ lực không ngừng để vượt qua.
Do đó, hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng đắn là chúng ta phải vươn lên, đưa đất nước phát triển bền vững, khi nhịp chân nhân loại không chờ đợi bất cứ ai, cuộc cạnh tranh toàn cầu luôn tiềm ẩn nguy cơ "mất còn", không quốc gia, dân tộc nào là ngoại lệ, làm cho tương quan lực lượng giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới thường xuyên thay đổi. Tụt hậu là bị toàn cầu hóa lướt qua, nhấn chìm, tất yếu khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành "sân sau" của người khác, sẽ không thể nào cải thiện, nâng cao được đời sống của nhân dân. "Thực túc, binh cường", nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước, khó có thể có được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, huống chi là vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu.
Phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, là trách nhiệm không thể thoái thác, sứ mệnh thiêng liêng, là danh dự của mỗi chúng ta, con Lạc cháu Hồng hôm nay. Vì thế, trong năm 2015 và những năm tới, với bản lĩnh, trí tuệ, tiềm năng đất nước và con người Việt Nam, chúng ta phải tập trung xử lý, tháo gỡ những cản trở, ách tắc, khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhanh chóng đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng suy giảm đã kéo dài mấy năm nay, phục hồi lại đà tăng trưởng; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đầy sáng tạo và hiệu quả; hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo ra một chất lượng mới, trình độ mới, cao hơn cho nền kinh tế đất nước, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Phát triển bền vững là sự lựa chọn mang tầm chiến lược của đất nước ta hiện nay. Phát triển là thước đo bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu vì mục tiêu phát triển đất nước. Phát triển sẽ quyết định hình ảnh tương lai của đất nước ta, sẽ định vị vai trò, vị thế của Việt Nam trên thế giới trong những thập niên tới.
Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng
Trải qua đã mấy ngàn năm, ông cha ta, dẫu cho trước bất cứ ai, dù trong bất cứ tình huống nào, bao giờ cũng quyết lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu tối thượng trong mọi hành xử của mình cho nên mới tạo dựng được cơ đồ vững vàng để lại cho con cháu hôm nay. Lịch sử từng cho thấy, làm trái đi là tự rước lấy tai họa, không mất nước, trở thành nô lệ thì cũng đẩy đất nước, đẩy nhân dân vào cảnh thống khổ, lầm than.
Trong thời đại ngày nay, giữa biển rộng toàn cầu hóa tranh đua sinh tử, chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", hơn bao giờ hết, càng tỏa sáng. Đất nước ta hội nhập với thế giới, với bạn bè năm châu, bốn bể là để học hỏi, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, của thời đại, làm giàu thêm, phong phú hơn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; để tranh thủ ngoại lực, khơi dậy nội lực, biến ngoại lực thành nội lực, xây dựng đất nước ta hùng cường, giàu mạnh, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, chứ quyết không đánh mất mình, không rơi vào tụt hậu, lệ thuộc.
Giang sơn, xã tắc mấy nghìn năm ông cha ta truyền lại, thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mãi mãi sau này có nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng là phải giữ gìn, quyết không để tổn thất một ly lai. Dân tộc ta đã mấy nghìn năm nối đời dựng nước, giữ nước, đã đi qua hàng trăm cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống xâm lăng, ở mọi quy mô, với biết bao hy sinh, xương máu; trong những giờ phút hiểm nghèo, đã nêu cao ý chí "dù phải tát cạn biển Đông", "dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn" cũng quyết giành lại và giữ gìn vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày nay, hơn 90 triệu đồng bào ta nguyện làm hết sức mình, nguyện đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, sẵn sàng hiến dâng tới giọt máu cuối cùng vì những điều thiêng liêng vô giá đó.
Lợi ích quốc gia - dân tộc của chúng ta là cụ thể: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; chế độ xã hội chủ nghĩa, sự giàu mạnh, hùng cường của đất nước, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây là mục tiêu mà chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi chông gai, quyết phấn đấu thực hiện cho bằng được, cũng là cơ sở để chúng ta phân định những việc cần phải làm và những việc cần phải tránh, như lời Bác Hồ dạy: Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì phải hết sức tránh; là tiêu chuẩn để chúng ta nhận diện ai là bạn, ai là thù, ai là đối tác, ai là đối tượng trong từng lĩnh vực, từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể; những quan điểm của Đảng ta: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập quan hệ hữu nghị và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta; bất kỳ thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Làm trái thế, xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc là vong thân, hại quốc, là có tội với tổ tiên, các thế hệ cha ông, là phụ lại lòng tin và sự ủy thác của hơn 90 triệu đồng bào!
Phát huy Quốc bảo lòng dân là bài học gốc rễ
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như lịch sử của các quốc gia, dân tộc đông, tây, kim, cổ trên thế giới đều xác nhận và khẳng định chân lý: Nhân dân là người làm nên lịch sử, sức dân là vô địch. Chính những người dân chân lấm, tay bùn, biết bao đời lao động cần cù, hai sương một nắng đã khai sơn, phá thạch dựng nên hình hài Tổ quốc và đã biết bao lần mang xương máu của mình tạo nên bức tường thành vững chắc để giữ gìn, bảo vệ quê hương, đất nước, bảo vệ những thành quả do mình tạo dựng nên. Ông cha ta, từ sự hưng vong của các triều đại, từ các cuộc kháng chiến oanh liệt chống ngoại xâm đã đúc rút, khẳng định và nhắc nhở các thế hệ cháu con: chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân; khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách để giữ nước; nước phải lấy dân làm gốc, gốc có vững thì cây mới bền. Có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả.
Và, nguyên vẹn hôm nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng dân là gốc, sức dân là vô địch, dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong, được thấm nhuần, vận dụng nhuần nhuyễn và phát huy đến đỉnh cao đã tạo sức mạnh làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam gần 85 năm qua. Cách mạng mùa Thu năm 1945 là cuộc tổng khởi nghĩa của toàn dân. Các cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta, tưởng chừng như "châu chấu đá voi", nhưng đã đánh bại những đội quân xâm lược tàn bạo, hùng mạnh nhất trên thế giới. Đó là những cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân tham gia, toàn dân đánh giặc mà lực lượng chủ lực, nòng cốt là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Những thành tựu to lớn mà đất nước ta đạt được trong 30 năm đổi mới vừa qua là do công lao đóng góp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thuyền lớn ra biển xa thì tất yếu sẽ gặp phải sóng to, gió lớn. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới tiếp tục xây dựng đất nước ta "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" và bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo mà cha ông ta đã để lại, bảo vệ thành quả cách mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thời gian tới, có thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng khó khăn, thách thức cũng vô cùng gay gắt, quyết liệt. Vẫn có kẻ muốn kìm chân, cản phá làm ta suy yếu để dễ bề chi phối; có kẻ lăm le lấn đất, lấn biển, chiếm đảo của ta. Chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc mới là sức mạnh vô địch để chúng ta vượt qua mọi sóng to, gió lớn của thời cuộc.
Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chăm lo việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta, là bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chúng ta, như lời Bác Hồ dạy: "Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo"(1); "Chế độ ta là chế độ dân chủ, là Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân"(2), "Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi"(3).
Mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải ghi sâu, thực hiện tốt lời Bác dạy; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, ức hiếp nhân dân, vô cảm với những bức xúc của nhân dân thì nhất định sẽ được nhân dân tin yêu, hết lòng ủng hộ, khối đại đoàn kết toàn dân sẽ được củng cố, tăng cường. Chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào dù là hung bạo nhất, chỉ sợ mất lòng dân. Lòng dân, đó là Quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam!
Hành xử chân thành, giữ gìn và nâng niu hòa bình, hòa hiếu là đạo lý Việt Nam
Dân tộc ta yêu hòa bình, luôn mong muốn được sống trong hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước; luôn mong muốn hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng và tất cả các nước trên thế giới. Dân tộc ta chỉ buộc phải cầm súng để chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ tự do, độc lập, chủ quyền quốc gia của mình. Các chiến công oanh liệt của dân tộc ta, được thế giới ngưỡng mộ, đều là chiến công trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh với biết bao đau thương, biết bao hy sinh xương máu, chúng ta mong muốn tắt mọi ngọn lửa chiến tranh để hòa bình đến với mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới. "Thương người như thể thương thân", điều gì chúng ta không muốn đến với mình thì cũng không muốn xảy ra với người khác và chúng ta lại càng không làm với người khác. Đó là đạo lý Việt Nam, nhân nghĩa Việt Nam. Ngay đối với giặc xâm lăng bại trận, ông cha ta còn cấp lương cho ăn, cấp ngựa, cấp thuyền cho mà về nước. Hài cốt những người lính trong đội quân xâm lăng vùi trong đất Việt Nam, chúng ta tạo mọi điều kiện và tham gia tìm kiếm kỳ công suốt mấy chục năm nay để trao trả, gửi về nơi "chôn nhau cắt rốn", về cho người thân của họ. Hỏi ở nơi đâu và mấy ai làm được như thế nếu không sống có đạo lý, vị tha, nhân nghĩa như dân tộc ta? Tấm lòng hòa hiếu, nhân nghĩa ấy gieo những "quả lành" cho nền độc lập tự do, cho "non sông ngàn thuở vững âu vàng" của dân tộc ta.
Ngày nay, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc, phù hợp với tính chất của thời đại, đất nước ta, nhân dân ta hội nhập thế giới, luôn mong muốn có quan hệ hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ chính trị của nhau, cân bằng lợi ích, các bên cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định và phát triển của Việt Nam, của khu vực và của toàn thế giới. Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, chúng ta lên án các cuộc chiến tranh xâm lược, các hoạt động khủng bố, gây bạo loạn, lật đổ, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia có chủ quyền; ủng hộ các cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đặc biệt là, trước những diễn biến phức tạp trong khu vực, những âm mưu và hành động xâm chiếm, gây nên tranh chấp trên Biển Đông, đe dọa chủ quyền biển, đảo của đất nước ta, chúng ta kiên quyết phản đối. Với chúng ta, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là tài sản vô giá của cha ông ta để lại, thế hệ chúng ta hiện nay có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ để truyền cho các thế hệ con cháu. Kế thừa truyền thống yêu hòa bình, hòa hiếu, nhân nghĩa của dân tộc, chúng ta kiên trì giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước ta, hòa bình, ổn định trong khu vực; bảo đảm tự do, an ninh, an toàn trên tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. Chính nghĩa, lẽ phải thuộc về dân tộc ta. Chúng ta nêu cao chính nghĩa sáng ngời để đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài; để tranh thủ, thu hút sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của các nước, của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Đồng thời chúng ta luôn tích cực chuẩn bị cho những giải pháp phù hợp khác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với sức mạnh Phù Đổng, hào khí Đông A, tinh thần Bạch Đằng, Đống Đa bất diệt, bằng sự quật khởi của Cách mạng Tháng Tám, của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và khí thế thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dân tộc Việt Nam kiên định, tự tin và mạnh mẽ vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới của chúng ta tới bến vinh quang, cập bờ hạnh phúc, cùng nhân loại tiến bộ chung sức xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phồn vinh, thịnh vượng.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 10, tr. 463 - 464
(2), (3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 7, tr. 368, 572
TRƯƠNG TẤN SANG - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam
Theo Dantri
Việt Nam gửi lời chia buồn tới thân nhân hành khách máy bay QZ8501 Việt Nam gửi đến Chính phủ, nhân dân các quốc gia có hành khách trên chuyến bay QZ8501 và gia đình những người bị nạn lời chia buồn sâu sắc và hy vọng những nỗ lực tìm kiếm sẽ giúp sớm tìm thấy những nạn nhân đang mất tích. Trước những thông tin mới liên quan đến chuyến bay mang số hiệu QZ8501...