Đâu là giới hạn cho viền màn hình?
Viền màn hình càng mỏng là càng đẹp? Năm 2012 được coi là thời kỳ phát triển cực nóng của smartphone trên toàn thế giới, chứng kiến những cuộc chạy đua cấu hình và kích thước màn hình không khoan nhượng giữa các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, khi mà phần cứng smartphone, đặc biệt là các điện thoại Android dần trở nên bão hòa thì người dùng lại quan tâm, chú trọng hơn đến kiểu dáng thiết kế. Chính vì vậy, sang đến năm 2013, nhu cầu thẩm mỹ từ một chiếc điện thoại được đưa ra cân đo đong đếm rất nhiều trước mỗi một quyết định mua hàng.
Để thỏa mãn người dùng, ngoài việc chọn các loại vật liệu vỏ sang trọng, các hãng di động còn chú trọng tới một yếu tố khác đó là viền bezel của smartphone. Theo cách hiểu nôm na thì viền bezel là phần diện tích bao quanh màn hình khi người dùng nhìn vào mặt trước của thiết bị. Một chiếc điện thoại với phần viền bezel mỏng gây ấn tượng rất tích cực đối với thị giác của người dùng.
Đó cũng là lý do các hãng sản xuất smartphone luôn muốn hướng tới một thiết kế “edge-to-edge” (màn hình sát cạnh) hay chính xác hơn là gần như không có viền quanh màn hình. Vậy một mẫu điện thoại có viền bezel siêu mỏng sẽ có lợi thế và điểm yếu như thế nào?
Lợi thế
Video đang HOT
Ý tưởng về một chiếc điện thoại không viền màn hình thường chỉ xuất hiện trong các sản phẩm phim ảnh viễn tưởng, nhưng càng ngày con người càng cho thấy việc họ có thể biến điều này thành sự thật. Trước đây, Motorola đã từng trình làng chiếc điện thoại Droid Razr M với viền 2 bên màn hình cực mỏng, tất nhiên nó gây ấn tượng mạnh cho đại đa số người dùng ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Dần dần, có cầu thì ắt sẽ có cung, đến thời điểm này, thiết kế smartphone viền mỏng trở thành một xu hướng thời thượng được rất nhiều nhà sản xuất hướng tới. Bởi xét cho cùng, ngoài khía cạnh tăng tính thẩm mỹ, nó còn giúp smartphone giảm bớt đáng kể kích thước cũng như trọng lượng.
Vào đầu năm nay, Samsung trình làng chiếc điện thoại Galaxy S4 với không nhiều thay đổi về mặt kiểu dáng so với người tiền nhiệm S3. Tuy vậy, một sự cải tiến lớn mang tính chiều sâu chính là việc dù sở hữu kích thước màn hình 5 inch, lớn hơn 0,2 inch so với S3 nhưng Galaxy S4 lại có chiều ngang hẹp hơn và thậm chí mỏng hơn S3. Để làm được điều này, không thể không nhắc tới nỗ lực lớn của Samsung khi cố gắng giảm kích thước viền màn hình S4 xuống rất nhiều.
Viền màn hình của Galaxy S3 (bên trái) dày gấp đôi so với S4 (bên phải).
Tương tự như vậy, với lợi thế là kẻ đi sau, chiếc LG G2 vừa ra mắt luôn tự hào về phần viền bezel chỉ mỏng 2,65 mm. Song, không phải LG hay Samsung mới là những đại gia công nghệ chịu chơi nhất hiện nay. Pantech, cũng là một hãng điện thoại của Hàn Quốc đã từng phát hành mẫu smartphone Vega Iron với viền màn hình chỉ dày chưa đầy 2,4 mm. Tuy nhiên, cuộc chạy đua giảm kích thước viền bezel trên smartphone có lẽ vẫn chưa thể có hồi kết bởi chiếc Galaxy Note 3 sắp xuất hiện có thể chỉ sở hữu viền bezel 2,2 mm, còn đầu tháng này, LG cũng đã hé lộ về việc hãng đang phát triển màn hình 5,5 inch siêu nét với độ phân giải lên tới 1.440×2.560 pixel cùng với viền bezel mỏng 1,2 mm.
Con số ấn tượng trên có thể giúp màn hình chiếm tới gần 90% diện tích phần mặt trước của điện thoại, từ đó giảm kích thước cũng như trọng lượng tổng thể xuống rất nhiều. Bên cạnh đó, việc trải nghiệm những thú vui giải trí như xem video hay chơi game trên một smartphone viền mỏng cũng thú vị hơn rất nhiều, bạn có thể suy ra điều này ngay từ việc quan sát những chiếc TV viền siêu mỏng đem lại cảm giác thích thú hơn hẳn những mẫu TV viền dày cộm của vài năm trước.
Nhược điểm
So với những ưu điểm mang lại thì nhược điểm của điện thoại viền mỏng không thực sự rõ rệt. Nhưng chúng ta sẽ vẫn phải đề cập đến để người dùng có được sự lựa chọn phù hợp nhất với thói quen sử dụng của bản thân. Một rào cản được đưa ra nhiều nhất bởi những người dùng không thích smartphone viền mỏng đó là nó sẽ làm họ có quá ít không gian để cầm thiết bị mà không bị chạm vào màn hình cảm ứng. Họ cho rằng nếu cầm nắm như vậy sẽ dẫn đến những thao tác không chuẩn xác khi điều hướng hoặc có thể vô tình chạm vào các điểm không mong muốn.
Lý do trên đưa ra không hẳn là sai nhưng có lẽ các nhà sản xuất đều đã tính đến trường hợp này và họ hoàn toàn có thể khắc phục nó. Gác lại chuyện viền bezel mỏng trên smartphone, chúng ta sẽ chuyển vấn đề này ứng với tablet. Apple có lẽ là nhà sản xuất tablet đầu tiên dám tung ra một mẫu máy tính bảng có viền màn hình 2 bên mỏng như iPad mini. Khi đó, thiết kế lạ lẫm này thậm chí bị coi là một hiện tượng khó hiểu và nhận được khá nhiều lời chỉ trích lo sợ người dùng khi cầm iPad mini có thể chạm một phần bàn tay vào màn hình.
iPad mini (bên trái) và Nexus 7 2012 (bên phải).
Tuy vậy, Apple cũng dễ dàng khắc phục vấn đề này bởi không lâu sau hãng đã phát triển một bản vá phần mềm có thể phát hiện và bỏ qua các yếu tố đầu vào có tính “nghỉ ngơi” trên màn hình, nghĩa là nó có thể hiểu được đó chỉ là thao tác cầm máy. Mặc dù các nhà phát triển Android chưa thực sự chú trọng tới điều mà Apple đã làm nhưng với tốc độ phát triển phần mềm hiện nay thì việc họ áp dụng một công nghệ nhận biết giống Apple sử dụng trên iPad mini có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.
Ngoài ra, còn một lý do khác cũng khiến nhiều người dùng lo lắng đó là viền bezel có thể sử dụng như là một công cụ bảo vệ cho màn hình di động, do đó, một số thiết bị có thiết kế viền mỏng sẽ đối diện với nguy cơ vỡ/nứt màn hình cao hơn khi bị rơi.
Tạm kết
Xét cho cùng cả 2 nhược điểm kể trên của một smartphone viền mỏng là chưa đủ sức thuyết phục so với những ưu điểm đáng giá mà nó mang lại. Tiếp tục tối ưu viền bezel chính là cơ hội vàng để chúng ta có thể sở hữu những chiếc smartphone màn hình lớn hơn mà không lo sợ kích thước của máy khó nhét vừa túi quần hay quá khổ với lòng bàn tay. Rõ ràng đây thực sự là một xu hướng tiến bộ mang tính cách mạng trong khâu thiết kế di động.
Theo VNE