Dấu hiệu sớm phát hiện ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường dễ nhầm lẫn với các căn bệnh ở đường tiêu hóa, việc phát hiện sớm bệnh rất khó khăn, bên cạnh đó người dân chưa có ý thức để tự phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả.
Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, mỗi năm tại Mỹ có khoảng 20.000 phụ nữ mắc ung thư buồng trứng, là nguyên nhân gây tử vong thứ 5 trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ, sau ung thư phổi, phế quản, vú, đại trực tràng và ung thư tuyến tụy.
Đây là loại ung thư nguy hiểm nhất trong hệ sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những tiến bộ trong việc phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, ngày nay số phụ nữ chết vì ung thư buồng trứng đang giảm nhanh hơn bao giờ hết.
Theo một nghiên cứu kéo dài 10 năm tại 47 quốc gia trên thế giới (từ năm 2002 đến 2012) đăng trên tạp chí Oncology cho biết, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì ung thư buồng trứng thấp nhất là Hàn Quốc, Brazil, trong khi các nước có tỷ lệ cao là Lithuania, Ireland và cao nhất là Latvia.
Một trong những yếu tố quan trọng là người bệnh cần được phát hiện bệnh sớm để có can thiệp kịp thời. Hiện nay việc điều trị ung thư buồng trứng đã đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt trên những bệnh nhân được phát hiện sớm, cơ hội sống rất cao.
Hầu hết các trường hợp phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn. Khi thấy một trong những dấu hiệu dưới đây, phụ nữ cần đi khám tầm soát ung thư buồng trứng.
Một số dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng
- Đầy hơi hoặc tăng áp lực trong ổ bụng
- Đau ở vùng bụng hoặc vùng chậu
- Cảm thấy chán ăn hoặc ăn nhanh no mặc dù ăn rất ít
- Đi tiểu thường xuyên hơn
Mặc dù đây chưa phải là triệu chứng chắc chắn báo hiệu bạn bị ung thư buồng trứng, nhưng nếu những dấu hiệu trên xảy ra trong một thời gian dài, khoảng vài tuần, bạn nên nghĩ tới căn bệnh nguy hiểm này và nên đi khám sớm.
Có một số đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng:
Tiền sử gia đình có người mắc bệnh
Video đang HOT
Có một số loại ung thư đã được chứng minh có tính di truyền như ung thư vú, đại tràng và buồng trứng. Nếu trong gia đình có người mắc ung thư buồng trứng thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt những phụ nữ mang gen BRCA1 và BRCA2, có liên quan đến ung thư vú và ung thư buồng trứng, những người này cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ và kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.
Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng nhiều
Các nghiên cứu đã chứng minh phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng nhiều, nhất là sau thời kỳ mãn kinh. Nếu người phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Béo phì
Người béo phì có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng hơn so với những phụ nữ khác, tỷ lệ phụ nữ béo phì tử vong do ung thư buồng trứng cao hơn đối với những người có cân nặng thấp.
Nguy cơ bị ung thư buồng trứng giảm nếu người phụ nữ trải qua những giai đoạn sau:
Mang thai
Những phụ nữ đã sinh con ít có khả năng bị ung thư buồng trứng hơn so với những người chưa bao giờ sinh con. Nguy cơ mắc bệnh giảm với mỗi kỳ mang thai, cho con bú.
Sử dụng thuốc tránh thai
Các nghiên cứu gần đây cho biết, ung thư buồng trứng ít xuất hiện ở những phụ nữ uống thuốc tránh thai. Những phụ nữ dùng thuốc trong ít nhất 5 năm giảm 50% nguy cơ mắc bệnh. Bởi cũng giống như khi mang thai, thuốc tránh thai có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng rụng trứng ít hơn có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư buồng trứng. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên cũng có một số rủi ro nhất định.
Cũng giống như việc cắt bỏ buồng trứng, thắt ống dẫn trứng cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Các chuyên gia sản phụ khoa thường khuyên những người có nguy cơ, như trong gia đình có người mắc bệnh, nên cắt buồng trứng và ống dẫn trứng. Thậm chí trong nhiều trường hợp, nhất là ở phụ nữ lớn tuổi, hoặc có tiền sử bệnh nào đó ở bộ phận này, bác sĩ thường tư vấn cắt bỏ để phòng tránh mắc bệnh.
Chế độ ăn kiêng giảm béo
Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào khẳng định chế độ ăn uống phòng được bệnh ung thư buồng trứng. Nhưng có bằng chứng chỉ ra rằng những phụ nữ có chế độ ăn ít chất béo ít có khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng hơn. Hay ở những phụ nữ ăn nhiều rau, hoa quả, giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Các giai đoạn của ung thư buồng trứng
Khi mắc bệnh ung thư buồng trứng, phẫu thuật là lựa chọn đầu tiên. Ngoài việc loại bỏ khối ung thư, nó còn có tác dụng giúp bác sĩ xác định chính xác giai đoạn của bệnh, hay ung thư đã di căn hay chưa.
Ung thư buồng trứng có 4 giai đoạn:
Giai đoạn I: Tế bào ung thư ở một hoặc cả hai buồng trứng
Giai đoạn II: Lây lan đến tử cung hoặc các cơ quan lân cận khác
Giai đoạn III: Lan đến các hạch bạch huyết hoặc ở tử cung
Giai đoạn IV: Lây lan đến các cơ quan xa như phổi hoặc gan
Như trên đã nói, ung thư buồng trứng là một dạng ung thư cực kỳ nguy hiểm nhưng nếu được chẩn đoán sớm, khả năng điều trị khỏi là vô cùng khả quan. Theo các nghiên cứu trên thế giới, nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, tùy thuộc vào loại ung thư buồng trứng, tỷ lệ sống trên 5 năm đạt từ 90% – 98%. Như vậy, việc phát hiện sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh, đòi hỏi bản thân mỗi người phụ nữ phải có ý thức bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho mình.
Theo Nguyễn Mai Hoàng/Suckhoedoisong.vn
Ung thư phụ khoa: Những điều phụ nữ cần biết
Ung thư phụ khoa là nói về bất kỳ loại ung thư nào xuất hiện bên trong cơ quan sinh sản của phụ nữ.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), ung thư phụ khoa là căn bệnh "giết người thầm lặng" bởi ít có biểu hiện Hàng năm tại Mỹ có trên 80.000 người mắc bệnh, nhất là nhóm mãn kinh.
Ung thư phụ khoa là gì?
Ung thư phụ khoa là nói về bất kỳ loại ung thư nào xuất hiện bên trong cơ quan sinh sản của phụ nữ. Trong đó có 5 loại ung thư chính, gồm: ung thư cổ tử cung, bắt đầu ở cổ tử cung, phần dưới của tử cung (hoặc tử cung). Hai, ung thư buồng trứng, bắt đầu ở buồng trứng, nằm ở hai bên của tử cung. Ba, ung thư dạ con, xuất hiện trong tử cung có hình quả lê bên trong khung xương chậu phụ nữ, nơi lưu giữa bào thai. Bốn, ung thư âm đạo, xuất hiện trong khoang âm đạo hình ống rỗng hay còn gọi là ống dẫn sinh; và năm, ung thư ruột kết, thường bắt đầu ở âm hộ, phần ngoài cơ quan sinh dục nữ, bao gồm cả môi trong và môi ngoài âm đạo, âm vật, và các tuyến của các bộ phận này.
Nguy cơ mắc bệnh ung thư phụ khoa
Âm đạo chảy máu bất thường: chảy máu âm đạo bất thường xảy ra ở hơn 90% phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung (loại ung thư xuất phát từ lớp lót trong của dạ con). Đối với nhóm mãn kinh, nếu chảy máu, kể cả ít hay nhiều cũng nên đi khám. Đối với phụ nữ tiền mãn kinh, chảy máu âm đạo diễn ra giữa các chu kỳ kinh nguyệt, hoặc trong khi giao hợp cần đi khám để đánh giá nguyên nhân vì đây là dấu hiệu có liên quan đến căn bệnh ung thư nguy hiểm.
Ung thư buồng trứng
Sút cân không rõ nguyên nhân: duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý là điều tốt nhất để ngăn ngừa các loại bệnh ung thư phụ khoa. Trường hợp sút cân đột ngột trong khi vẫn ăn uống bình thường, luyện tập đều đặn, nhất là sút khoảng 10 pounds (4,5kg) trở ra thì rất có thể là đấu hiệu của bệnh ung thư. Nên đi khám và tư vấn càng sớm càng tốt.
Mệt mỏi triền miên: hầu hết phụ nữ khi làm việc nhiều, bận rộn tại nơi công sở, lo lắng việc nhà, con cái.. thường mệt mỏi nhưng khi nghỉ ngơi sức khỏe sẽ hồi phục. Tuy nhiên, nếu mệt mỏi diễn ra triền miên mà ăn uống, nghỉ ngơi không giảm thì rất có thể là dấu hiệu của sức khỏe bất an.Thời gian mệt mỏi thường xuyên kéo dài trên hai tuần, kể cả khi giảm công việc hàng ngày mà không đỡ thì nên đi khám, tư vấn bác sĩ, bởi nó là dấu hiệu của nhiều chứng bệnh nan y, không loại trừ ung thư.
Tiết dịch âm đạo có màu máu, tối sẫm hoặc có mùi tanh: dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc bệnh ung thư cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung. Nên liên hệ với bác sĩ để được khám và tư vấn sớm.
Sưng chân: nếu một chân bị sưng hoặc cảm thấy bị sưng không rõ lý do thì nên đi khám bởi theo chuyên môn, một khi chân sưng có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung giai đoạn cao. Nếu xuất hiện triệu chứng này nhưng không gây đau cũng là dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung
Đi tiểu liên tục: hãy thận trọng nếu tự nhiên phải đi vệ sinh liên tục, hoặc cần vào nhà tắm ngồi do bàng quang căng đầy muốn đi tiểu hay đại tiện. Đây là dấu hiệu của bệnh ung thư nếu liên tục thấy chướng hơi, đầy bụng và đau bụng.
Đau xương chậu hoặc vùng bụng: liên tục đau xương chậu hoặc đau bụng thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phụ khoa ở phụ nữ. Bất kỳ kiểu đau bất thường nào nếu kéo dài hơn hai tuần thì không thể xem thường, cần đi khám ngay.
Đầy hơi, chướng bụng: một khi thấy khó ăn, ăn không ngon miệng hoặc lúc nào cũng cảm thấy no là triệu chứng phổ biến liên quan đến ung thư buồng trứng. Hãy nhận biết các dấu hiệu bất thường này, nếu kéo dài liên tục hơn hai tuần thì nên đi khám ngay. Hầu hết phụ nữ thường cảm thấy cồng kềnh sau khi ăn hoặc uống quá nhiều, nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu đầy hơi, căng bụng kéo dài hơn hai tuần mà không khỏi hoặc sau khi đã hết chu kỳ kinh nguyệt không biến mất thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư buồng trứng.
Khó tiêu hoặc buồn nôn: cùng với các dấu hiệu kể trên, nếu có dấu hiệu khó tiêu hoặc buồn nôn kéo dài là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư phụ khoa. Đặc biệt khi thấy nôn nao nhiều hơn bình thường hoặc liên tục buồn nôn. Bác sĩ sẽ tư vấn, khám và kiểm tra những thay đổi bất thường khác trên cơ thể để có kết luận chính xác.
Làm gì để phòng tránh?
Ung thư phụ khoa là căn bệnh thường gặp, có tỉ lệ tử vong cao nhất trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ. Để phòng ngừa thì ngoài các khuyến cáo nói trên, chị em nên tăng cường vệ sinh, khám bệnh, không nên e ngại, xấu hổ và xem thường là "bệnh của phụ nữ" để phát hiện ra là lúc quá muộn.
Tiêm phòng vắcxin HPV là cách tốt nhất để phòng tránh ung thư phụ khoa ở phụ nữ
Không nên kết hôn, sinh đẻ quá sớm, sinh nhiều con, quan hệ tình dục với nhiều người . Duy trì lối sống khoa học, không hút thuốc lá, uống rượu, ăn quá nhiều mỡ, đường, tăng cường luyện tập, hạn chế cuộc sống tĩnh tại. Nên đi khám bệnh định kỳ, nhất là nhóm phụ nữ trung cao tuổi đã mãn kinh. Trong thời kỳ mang thai cũng nên chú ý đến khám phụ khoa, phụ nữ trẻ cần tiêm phòng vắcxin ngừa bệnh phụ khoa trong đó có vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung HPV.
Theo KHẮC NAM/Suckhoedoisong.vn
3 bệnh ung thư bộ phận sinh dục phổ biến ở phụ nữ Ung thư buồng trứng, tử cung, cổ tử cung là 3 bệnh ung thư phổ biến ở bộ phận sinh dục nữ, với triệu chứng điển hình là chướng bụng, thay đổi thói quen đi vệ sinh. Trong bài viết "Lời khuyên về việc duy trì sức khỏe của hệ sinh sản phụ nữ", đăng trên tạp chí Cancer Focus của Hiệp hội...