Dấu hiệu điển hình phân biệt Covid-19 và sốt xuất huyết
Trong khoảng một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tại Hà Nội gia tăng nhanh, trong đó có nhiều ca bệnh nặng.
Bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng nhanh
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố chỉ trong một tuần (4 – 10/10) đã ghi nhận hơn 440 ca mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân rải rác tại 28 quận/huyện, 166 xã/phường.
Từ cuối tháng 8, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong giai đoạn nửa sau của tháng 9. Trong số các bệnh nhân đến thăm khám, có nhiều trường hợp diễn biến vừa tới nặng, phải nhập viện điều trị nội trú.
Một bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: BVCC).
Tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai , từ cuối tháng 9 đã bắt đầu gia tăng số bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu…
Hai tuần trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận hơn 20 trường hợp trẻ sốt xuất huyết. Đặc biệt, có một bệnh nhi 9 tuổi rất nguy kịch do nhập viện muộn.
Một tuần trước khi nhập viện, trẻ sốt cao liên tục (39 – 41độ C), dùng hạ sốt không đáp ứng nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà để thăm khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết. Bệnh nhi được theo dõi sức khỏe và truyền nước tại nhà, đến ngày thứ 6 của bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, co giật, sốt cao liên tục, li bì.
Sốt xuất huyết do virus Dengue được truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang mầm bệnh (Ảnh minh họa).
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Bệnh viện đa khoa Hà Đông cũng đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Trường hợp bệnh nhân nam N.V.Đ. (60 tuổi, Phú La, Hà Đông) nhập viện trong tình trạng sốt nóng, đau mỏi người, đau đầu, nôn, họng xung huyết, xét nghiệm Dengue virus dương tính. Hay như trường hợp bệnh nhân N.T.N.L. (58 tuổi, Kiến Hưng, Hà Đông) cũng nhập viện với biểu hiện tương tự, xét nghiệm Dengue virus dương tính.
Đáng nói, có hiện tượng nhiều bệnh nhân khi có triệu chứng khởi điểm sốt thì ngại đi khám vì ngại Covid-19, hoặc có đi khám thì chỉ vào sàng lọc Covid-19 rồi về nhà, khiến nhiều người diễn biến rất nặng ở thời điểm nhập viện điều trị.
Cách phân biệt Covid-19 và sốt xuất huyết
Video đang HOT
Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh nguy hiểm do virus gây ra. Trong khi tác nhân gây bệnh của Covid-19 là SARS-CoV-2, thì sốt xuất huyết lại do virus Dengue được truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, 2 căn bệnh này lại có một số triệu chứng tương đối giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn.
Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong đại dịch Covid-19, cần đặc biệt lưu ý chẩn đoán phân biệt giữa sốt xuất huyết Dengue và Covid-19:
Giống nhau
BS Thư chỉ ra rằng, Covid-19 và sốt xuất huyết Dengue có sự giao thoa về một số biểu hiện lâm sàng. Cụ thể, điểm giống nhau ở đây là tình trạng: sốt, đau cơ, đau đầu. Bên cạnh đó, cả 2 bệnh đều có thể gây ra tình trạng giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu và rối loạn chức năng gan.
Khác nhau
Một trong những triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết là nổi ban xuất huyết (Ảnh minh họa).
Theo BS Thư, mặc dù có sự giao thoa về một số biểu hiện lâm sàng nhưng Covid-19 và sốt xuất huyết vẫn có các triệu chứng đặc trưng riêng để giúp phân biệt. Cụ thể:
Với sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân thường có tình trạng đau hốc mắt, ban xuất huyết, thường có đau bụng hoặc nôn.
Với Covid-19 lại có một số bệnh cảnh khác, thường ít gặp ở sốt xuất huyết điển hình như triệu chứng đường hô hấp.
“Cần lưu ý rằng ở sốt xuất huyết Dengue, các biểu hiện đầu tiên rất ít gặp tình trạng về đường hô hấp, trừ giai đoạn bệnh nhân có tràn dịch, ứ dịch hoặc suy hô hấp (giai đoạn sốc)”, BS Thư phân tích.
Trong khi đó, bệnh nhân mắc Covid-19 có các triệu chứng ban đầu lại thường là suy hô hấp, ho, khó thở, đau ngực, hội chứng xanh tím da do thiếu oxy, chảy nước mũi, hắt hơi và mất vị giác, khứu giác.
Bên cạnh đó, chuyên gia này khuyến cáo, ngay cả khi bệnh nhân đã có xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính nhưng nếu có các triệu chứng về đường hô hấp nghi ngờ Covid-19, vẫn cần tiếp tục làm sàng lọc Covid-19 vì không loại trừ trường hợp bệnh nhân mắc đồng thời cả 2 bệnh.
Các chuyên gia cảnh báo, sốt xuất huyết không phải là bệnh thông thường, mà là bệnh nhiễm trùng cấp tính có thể diễn biến nặng và tử vong nên phải có sự theo dõi của nhân viên y tế. Do đó, khi ghi nhận những dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần đến bệnh viện để thăm khám trong 3 ngày đầu.
Dịch sốt xuất huyết vào mùa cao điểm, khi sốt có kèm theo 5 dấu hiệu dưới đây, rất có thể bạn đã mắc sốt xuất huyết và cần đến bệnh viện sàng lọc ngay:
- Đột nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì;
- Nôn tăng;
- Đột nhiên đau bụng hoặc tăng cảm giác đau;
- Tiểu ít, số lần đi ít hơn, số lượng giảm hơn;
- Chảy máu bất kỳ chỗ nào: chân răng, máu cam…
Bé gái 9 tuổi nguy kịch vì sốt xuất huyết, em trai cũng mắc bệnh
Hai tuần trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 22 trường hợp trẻ sốt xuất huyết. Đặc biệt, một bệnh nhi 9 tuổi đang rất nguy kịch do nhập viện muộn.
Diễn biến nặng do nhập viện muộn
Ths.BS Nguyễn Trọng Dũng - Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi này là bé gái 9 tuổi ở Long Biên, Hà Nội.
Một tuần trước khi nhập viện, trẻ sốt cao liên tục (39- 41độ C), dùng hạ sốt không đáp ứng nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà để thăm khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết. Bệnh nhi được theo dõi sức khỏe và truyền nước tại nhà, đến ngày thứ 6 của bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, co giật, sốt cao liên tục, li bì.
Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 22 trường hợp trẻ sốt xuất huyết. Hình minh họa.
Ngày 4/10, trẻ được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám và điều trị, nhưng do chuyển biến nặng, tối cùng ngày, bệnh nhi được chuyển đến Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy tuần hoàn, viêm não, tổn thương cơ tim.
"Bệnh nhi đã được xử trí thở máy, kiểm soát suy tuần hoàn, điều trị tăng áp lực nội sọ và cân bằng nước điện giải nhưng tình trạng của bệnh nhi rất nặng, nguy cơ tử vong cao trên nền sốt xuất huyết", BS điều trị cho biết.
Em trai của bệnh nhi mới 7 tuổi, 2 ngày sau đó cũng được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị do sốt xuất huyết. Các bác sĩ cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định tuy nhiên trẻ vẫn cần được chăm sóc và theo dõi thêm.
Một trường hợp khác hiện đang nằm điều trị tại khoa Nội tổng quát - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương là bé trai H.M (13 tuổi, ở Hà Nội).
Người nhà bệnh nhi cho biết, quanh xóm có nhiều hộ gia đình mắc sốt xuất huyết, đồng thời trước đó trong nhà có hai em bé và người giúp việc cũng vừa mắc sốt xuất huyết nên gia đình cho bé H.M theo dõi và điều trị tại nhà. Đến ngày thứ 6 của bệnh, trẻ xuất hiện sốt cao liên tục, chảy máu cam gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám và điều trị. Tuy đã điều trị gần 1 tuần nhưng đến nay trẻ vẫn mệt nhiều, dưới da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết, ăn uống kém...
Sốt xuất huyết rất nguy hiểm
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Trưởng khoa Nội tổng quát - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, và giai đoạn phục hồi.
Ở giai đoạn đầu: Trẻ thường sốt cao đột ngột, liên tục và thêm các biểu hiện các nhau theo từng độ tuổi như sau:
- Với trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc.
- Trẻ lớn hơn thì có biểu hiện đau đầu, đau người, buồn nôn, chán ăn, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam...
Giai đoạn nguy hiểm:
Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da...
Giai đoạn phục hồi:
Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, trình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn...
Theo bác sĩ Hải, sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, vì vậy cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ: đảm bảo sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn...
Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện.
Trong trường hợp chăm sóc trẻ tại nhà, cần cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), nước trái cây... Đặc biệt đối với việc dùng thuốc hạ sốt: chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các sơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong.
Nguy hiểm khi trẻ sốt xuất huyết nhưng cha mẹ tưởng mắc Covid-19 Các bác sĩ cho biết nếu cha mẹ nhầm tưởng con tái nhiễm Covid-19 mà để ở nhà tự theo dõi thì khi bệnh sốt xuất huyết nặng, trẻ có thể rơi vào sốc, suy đa cơ quan và nguy hiểm tính mạng. Bệnh nhi vừa mắc sốt xuất huyết và Covid-19 Ngày 14/10 trao đổi với Dân trí , TS.BS Nguyễn Minh...