Đấu giá cổ phiếu DNNN chưa thực sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài’
Thông tin về tình hình chung thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn DNNN qua Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN ( Bộ Tài chính) cho biết, theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ năm 2016 đến ngày 31/8/2018, có 225 DN cổ phần hóa (CPH), thoái vốn thực hiện đấu giá cổ phần trên SGDCK.
Đợt thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco tháng 12/2017 thu về 5 tỷ USD. ẢNh: Internet.
Tổng số cổ phần chào bán của 225 DN này là 5.781.874.005 cổ phần và tổng số cổ phần bán được là 3.259.205.328 cổ phần. Theo đó, tỷ lệ thành công đạt 56%. Tổng giá thực tế bán được là 178.200,91 tỷ đồng.
Đánh giá về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, giai đoạn 2016-2017, số DN thực hiện bán đấu giá cổ phần thấp hơn so với các năm trước, đặc biệt là năm 2017, tuy nhiên tổng giá trị thực tế bán được cao hơn gấp 5,5 lần so với năm trước do năm 2017 có các đợt thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco, của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam ( Vinamilk). Tỷ lệ thành công các đợt đấu giá năm 2017 đạt 57%.
Giai đoạn 8 tháng đầu năm 2018, số lượng các DNNN CPH và thoái vốn thực hiện bán đấu giá cổ phần qua hai SGDCK là 46 DN (bằng 59% so với năm 2017) với tổng giá trị tiền thu được là 27.400 tỷ đồng (tổng số cổ phần bán được là 1,5 tỷ cổ phần). Tỷ lệ thành công bình quân đạt 52% (trong đó có 34/46 phiên có tỷ lệ thành công đạt 100%).
Tuy nhiên, bên cạnh một số phiên đấu giá có tỷ lệ thành công đạt cao thì một số đợt đấu giá còn chưa thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư dẫn đến tỷ lệ cổ phần bán thành công còn ở mức thấp (chưa đến 3%) như đợt bán đấu giá cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp, Tổng công ty Phát điện 3.
“So với các năm trước đây, nếu không tính đến đợt thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco tháng 12/2017, tổng giá trị thu được từ đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn 8 tháng đầu năm 2018 đã vượt mức cao nhất trong các năm từ năm 2014 đến 2017″, ông Đặng Quyết Tiến cho biết.
Kết quả này chủ yếu là do có một số Tổng công ty lớn thực hiện cổ phần hóa thông qua bán đấu giá cổ phần qua hai SGDCK như: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam. Tiếp đến là cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực Miền Nam và thoái vốn của SCIC tại CTCP Nhựa Bình Minh…
Đánh giá về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, ông Tiến cho hay, các đợt đấu giá chưa thực sự thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
“Nhà đầu tư nước ngoài chỉ tham gia vào số ít các cuộc đấu giá các DN có quy mô vốn lớn như Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam”, ông Tiến nói.
Được biết, đợt đấu giá cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Lọc – Hóa dầu Bình Sơn có 4.079 nhà đầu tư đăng ký, trong đó có 115 nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là 74 nhà đầu tư nước ngoài.
Video đang HOT
Số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,7 lần so với khối lượng cổ phần chào bán. Kết quả đã bán được 100% số cổ phần chào bán với giá trúng giá bình quân (23.043 đồng/cổ phiếu) gấp 1,6 lần giá khởi điểm, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua trên 61% tổng giá trị cổ phần trúng giá, tương đương 3.703 tỷ đồng.
Còn đợt đấu giá cổ phần hóa Tổng công ty Dầu Việt Nam có 3.195 nhà đầu tư đăng ký, trong đó có 96 nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là 62 nhà đầu tư nước ngoài.
Số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,3 lần so với khối lượng cổ phần chào bán. Kết quả đấu giá bán được 100% số cổ phần chào bán với giá trúng giá bình quân (20.196 đồng/cổ phiếu) gấp 1,5 lần giá khởi điểm. Trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua trên 33% tổng giá trị cổ phần trúng giá, tương đương 1.357 tỷ đồng.
Hoài Anh
Theo baohaiquan.vn
Mở rộng quyền cho Uỷ ban chứng khoán trong thanh tra
Điểm nhấn đặc biệt dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) đó là bổ sung hành vi bị cấm, thay đổi quy định về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài; mở rộng quyền cho UBCKNN trong thanh tra chứng khoán; Siết chặt bán khống, thao túng giá nếu vi phạm thu lời từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự...
Sáng nay, 7/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi gặp mặt các công ty chứng khoán, nhà đầu tư công ty quản lý quỹ để lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi.
Đối tượng tham gia bao gồm Bộ Tài chính, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TPHCM (HOSE), Trung tâm Lưu ký Việt Nam, một số Bộ, ngành, công ty đã chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty niêm yết, công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán, báo chí, tổ chức, cá nhân có liên quan...
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Khánh Huyền
Trước đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố toàn văn toàn văn dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự thảo Tờ trình Chính phủ của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Bộ Tài chính cho biết Bộ đang lấy ý kiến các bộ ngành địa phương và ý kiến rộng rãi của dư luận. "Luật chứng khoán sửa đổi để Bộ Tài chính, UBCK và cơ quan soạn thảo có tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật đáp ứng yêu cầu mục đích để thị trường", ông Hải nói.
Theo bà Vũ Chân Phương, Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước, người trực tiếp tham gia vào quá trình dự thảo Luật sửa đổi này cho biết, do Luật chứng khoán đã xây dựng từ 2006 và áp dụng 2007, đến nay đã có nhiều điểm cần sửa đổi để bám sát thị trường theo quan điểm kinh tế thị trường cùng đáp ứng sự phát triển của thị trường vốn.
"Luật lần này sửa đổi để cập nhật những luật như Doanh nghiệp, Đầu tư cần sửa đổi để đồng bộ/ TTCK tiếp cận với thông lệ quốc tế, việc sửa đổi rất quan trọng. Sửa Luật cũng gồm 3 mục tiêu: hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý; nâng cao hiệu quả góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô; đảm bảo niềm tin nhà đầu tư khi xây dựng TTCK", bà Phương cho biết.
Theo bà Phương, bố cục dự án luật lần này: các chương đi theo từng vấn đề logic trên TTCK; có 10 chương và 137 điều (cũ 11 chương và 136 điều ghép 2 chương thanh tra và vi phạm TTCK vào 1 chương). Luật còn điều chỉnh những trường hợp chào bán ra công chúng. Quy định về điều kiện có lãi, 1 năm liền kề có lãi không thể hiện được tình hình tài chính DN có thể dùng thủ thuật không ổn định hoạt động nên sẽ quy định 2 năm liền kề có lãi. Nhiều DN tăng vốn rất nhanh, nhưng chưa đảm bảo sự hiệu quả tại các dự án, so sánh trên thế giới ví dụ ở Trung Quốc, nếu cổ phiếu bán ra được dưới 70% thì coi là không thành công, tổ chức chào bán phải trả lại và trả lại suất .
"Cho nên lần này chúng tôi dự kiến sửa đổi việc chào bán không có tổ chức bảo lãnh phát hành thì DN chỉ được phát hành tối đa 1:1 (có thể hơn nhưng phải có cam kết) ; khoảng cách lần chào bán thêm phải tối thiểu 1 năm sau lần chào bán trước; theo quy định phải sau 6 tháng kiểm toán thêm để thấy việc sử dụng vốn có hiệu quả, đợt chào bán được coi là thành công nếu bán được tối thiểu 70% và 30% còn lại DN phải có phương án bù đắp (vay ngân hàng hoặc từ vốn tự có)', bà Phương cho biết.
Ngoài các điều kiện trên, Phó chủ tịch UBCKNN cũng nhấn mạnh: dự thảo luật còn quy định về tính minh bạch của tổ chức phát hành, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến xử phạt hành chính và hình sự hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) có nhiều điểm mới so với Luật Chứng khoán trước đây, bao gồm:
Mở rộng nhiều định nghĩa
Luật Chứng khoán (sửa đổi) mở rộng định nghĩa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm công ty có vốn điều lệ đạt trên 1.000 tỷ đồng và có thời gian niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán tối thiểu 2 năm; cá nhân có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, cá nhân có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm và có giá trị giao dịch chứng khoán bình quân hàng tháng tối thiểu 2 tỷ đồng Việt Nam hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 5 tỷ đồng Việt Nam trong 12 tháng.
Dự thảo thay thế định nghĩa người biết tin nội bộ bằng người nội bộ. Cá nhân liên quan mở rộng thêm đối tượng con dâu, con rể, anh rể, em rể, chị dâu và em dâu.
Điểm mới về chào bán cổ phiếu ra công chúng và riêng lẻ
Dự thảo nâng điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty đại chúng là có vốn điều lệ 30 tỷ trở lên thay vì 10 tỷ trước đây, có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư (NĐT) không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ. Dự thảo bổ sung điều kiện cổ đông lớn phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Đối với doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần, dự thảo luật bổ sung điều kiện thời điểm chào bán phải cách tối thiểu 1 năm sau lần chào bán gần nhất, đợt chào bán được coi là thành công khi bán được tối thiểu 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán.
Việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Mua cổ phiếu quỹ giảm vốn điều lệ
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định công ty mua lại cổ phiếu của chính mình phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong vòng 10 ngày từ khi hoàn tất. Doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ phải có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua. Doanh nghiệp đang có nợ quá hạn căn cứ báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán, đang trong quá trình chào bán cổ phiếu để huy động thêm vốn không được mua cổ phiếu quỹ.
Bổ sung hành vi bị cấm, thay đổi quy định về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài
Về hành vi bị cấm, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) thêm nội dung về sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng; tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định.
Theo dự thảo, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là không hạn chế, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Xóa giấy phép "2 trong 1"
Dự thảo tách bạch giữa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; khắc phục sự phân tán và thiếu thống nhất trong giải thể thủ tục thành lập doanh nghiệp; bảo đảm tổ chức kinh doanh chứng khoán có điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, tuân thủ pháp luật.
Dự thảo nêu rõ công ty chứng khoán phải có vốn thực góp tối thiểu cho từng nghiệp vụ kinh doanh như môi giới và tự doanh vốn 50 tỷ trở lên, bảo lãnh phát hành chứng khoán vốn 300 tỷ trở lên, tư vấn đầu tư chứng khoán 10 tỷ.
Mở rộng quyền cho UBCKNN trong thanh tra chứng khoán
Dự thảo mới quy định thanh tra chứng khoán chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Chủ tịch UBCKNN và hướng dẫn về nghiệp vụ của thanh tra Bộ Tài chính (Luật cũ là chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của thanh tra Bộ Tài chính). Chủ tịch UBCKNN, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa cho trường hợp tái phạm gấp 2 lần lần đầu.
Ngoài ra, dự thảo cũng có quy định chi tiết về công bố thông tin, quỹ bảo vệ nhà đầu tư, sửa đổi mô hình tổ chức Sở giao dịch chứng khoán, đổi tên trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Khánh Huyền
Theo tienphong.vn
Tháng 10/2018, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 30 tỷ đồng Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tổng cộng 59,3 triệu cổ phiếu, tăng 0,3% so với tháng trước, giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 976 tỷ đồng, tăng 22,3% so với tháng trước, trong đó tổng giá trị giao dịch mua vào đạt hơn 474 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch bán ra đạt hơn 504 tỷ đồng....