Đầu cơ tên miền không phải là “kẻ cướp”
Nhiều nhà đầu cơ tên miền Việt Nam nhanh tay “ẵm” những tên miền trùng với thương hiệu doanh nghiệp để bán lại với giá cao đã bị coi như “kẻ cướp tên miền”. Song theo luật hiện hành thì họ đang kinh doanh lành mạnh.
Không thể kiện nhà đầu cơ tên miền
Gần đây, dư luận có nhiều ý kiến xung quanh vụ việc luật sư Phạm Thành Long thuộc Văn phòng Luật Gia Phạm cho rằng Ngân hàng Đại chúng Việt Nam ( PVcombank) hoàn toàn có thể kiện “ông trùm tên miền” Việt Nam Nguyễn Trọng Khoa khi ông Khoa đã đăng ký 3 tên miền quốc tế gồm VietnamPublicBank.com, VPComBank.com, NganHangDaiChungVietnam.com, gần giống với website chính thức của Ngân hàng là PVcombank.com.vn. Hệ lụy của việc tên miền tương tự nhau có thể ảnh hưởng rất xấu tới hoạt động kinh doanh của PVcombank, chẳng hạn, tên miền do ông Khoa đăng ký được chuyển nhượng cho một đối tượng cố tình dùng để làm xấu thương hiệu ngân hàng, thậm chí dùng để lừa đảo, khai thác thông tin khách hàng của ngân hàng để rút tiền.
Tuy nhiên, luật sư Phạm Thành Long lưu ý muốn khởi kiện được ông Khoa, PVcombank phải thỏa mãn điều kiện đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho thương hiệu của mình tại Việt Nam cũng như thế giới, phải chứng minh việc ông Nguyễn Trọng Khoa chiếm hữu tên miền thương hiệu trùng lắp gây nhầm lẫn với thương hiệu mình là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu.
Trên thực tế, việc khởi kiện ông Nguyễn Trọng Khoa là bất khả thi vì PVcombank đã tuyên bố 3 tên miền ông Khoa đăng ký không có liên quan tới mình và ngân hàng này không có ý định lấy 3 tên miền dù ông Khoa có nhã ý tặng lại.
Video đang HOT
Tên miền quốc tế giống như hàng hóa, có thể thương mại hóa, tự do buôn bán. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trao đổi với ICTnews về vấn đề liệu các nhà đầu cơ tên miền quốc tế như ông Khoa có thể bị khởi kiện tại Việt Nam hay không, ông Nguyễn Trọng Thơ, Tổng Giám đốc Công ty iNet cho biết: “Theo pháp luật hiện hành, tên miền quốc tế được phép rao bán tự do. Nếu chủ thể không làm gì để ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu thì không thể khởi kiện”.
Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam ( VNNIC) cũng chia sẻ: “Tên miền quốc tế giống như hàng hóa, có thể thương mại hóa, buôn bán thoải mái. Đây là khoản đầu tư đúng nghĩa. Thời gian tới, các cơ quan quản lý ở Việt Nam muốn quản chặt việc kinh doanh tên miền quốc tế thì có thể áp dụng các phương thức như đánh thuế thu nhập chứ không cấm được việc mua bán, chuyển nhượng tên miền quốc tế”.
Doanh nghiệp Việt hổng kiến thức về tên miền thương hiệu
Từ vụ việc PVcombank nêu trên, có thể thấy ngân hàng này cũng giống như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác vẫn chưa nhận thức đúng mức giá trị và tầm quan trọng của tên miền thương hiệu.
Bà Lê Thúy Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Micronet, một nhà đầu tư đang sở hữu khoảng 3.000 tên miền đẹp, đã từng than phiền với ICTnews rằng ý nghĩa và giá trị của tên miền thương hiệu chưa được đánh giá tốt tại Việt Nam trong khi chỉ cần 1 tên miền đúng ngành nghề cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí quảng cáo đi rất nhiều, đồng thời định vị thương hiệu của doanh nghiệp trên Internet sẽ thay đổi hoàn toàn. Vừa rồi, hãng bảo hiểm Insurance đã phải đấu giá tới 16 triệu USD để mua tên miền Insurance.com, bởi khi nền kinh tế khủng hoảng thì ngành bảo hiểm lại tăng trưởng, số lượng lượt search trên Google với từ khóa “insurance” rất nhiều và ai nắm được tên miền Insurance.com thì có thể nắm toàn bộ thị trường bảo hiểm toàn cầu. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhầm tưởng tên miền và thương hiệu có liên quan đến nhau, chỉ cần đầu tư cho một loại là ổn.
Về bản chất, tên miền và thương hiệu là hai yếu tố hoàn toàn khác nhau, việc mua lại tên miền trùng với thương hiệu không hề dễ dàng, đơn giản.
“Thay vì việc coi các nhà đầu tư tên miền ( domainer) là những “kẻ cướp tên miền”, cộng đồng cần có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ thương hiệu của mình. Đầu tư tên miền tại Việt Nam đã đến lúc phải theo xu hướng của thế giới, đó là được nhìn nhận như một lĩnh vực, một nghề được tôn trọng giống như các lĩnh vực đầu tư khác. Nếu không nhận thức sớm, doanh nghiệp Việt Nam còn tiếp tuc bị mất nhiều tên miền vào tay người nước ngoài, lúc đó sẽ khó có thể đòi lại được”, ông Nguyễn Trọng Thơ khuyến cáo.
Theo ICTnews
CEO INET "mách nước" cách kiếm tiền từ đầu tư tên miền
Các ý kiến chia sẻ tại Gala Domainer 2013 cho thấy, đầu tư tên miền Internet có thể kiếm siêu lợi nhuận, nhưng cũng gặp nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư cứ mua xong rồi để đấy. Do đó, các nhà đầu tư nên đưa ngay tên miền vào kinh doanh để kiếm tiền duy trì cũng như tăng giá trị của tên miền.
Các ý kiến chia sẻ đều cho rằng, các nhà đầu tư nên đưa ngay tên miền vào kinh doanh để kiếm tiền duy trì cũng như tăng giá trị của tên miền. Ảnh: M.Q
Chia sẻ tại Gala Domainer 2013 diễn ra tại Hà Nội vào tối 19/12/2013, ông Nguyễn Trọng Thơ - Tổng giám đốc Công ty CP INET cho rằng, nhu cầu sử dụng tên miền còn rất lớn nhưng nhiều tên miền đẹp, gắn với thương hiệu của nhiều doanh nghiệp lại bị đăng ký trước. Vì thế, ông Thơ khuyến cáo, các doanh nghiệp phải tìm cho mình những tên miền gần giống với thương hiệu hoặc mua lại tên miền trước khi công bố thương hiệu của mình ra ngoài. Bên cạnh đó, không nên chỉ sử dụng tên miền duy nhất cho một thương hiệu mà phải đăng ký luôn cả các tên miền bao vây trước khi công bố thương hiệu rộng rãi.
Cũng theo ông Thơ, đầu tư tên miền là một trong những ngành nghề siêu lợi nhuận đã tồn tại và phát triển trên thế giới. Do vậy, tên miền chính là thương hiệu số và là tài sản quý giá đối với nhiều đoanh nghiệp, nhà kinh doanh và đầu tư tên miền là một nghề khá phát triển. Tại Việt Nam, có rất nhiều người quan tâm và tham gia loại hình đầu tư này. Một doanh nghiệp có hệ thống tên miền đẹp và phù hợplà một lợi thế rất lớn khi kinh doanh trên Internet. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này không phải là vô hạn. Theo thời gian, giá trị tích lũy của tên miền càng lớn tương ứng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet. Mặt khác, một số doanh nghiệp, nhà kinh doanh lại chưa thực sự chú trọng và quan tâm đến việc đầu tư bảo vệ "thương hiệu số".
Ông Thơ còn cho biết, INET từng mua lại nhiều tên miền của các nhà đầu tư với giá đắt hơn giá ban đầu hàng chục lần. "Mỗi tên miền chỉ có một chủ thế, nhưng nhiều người lại cùng có nhu cầu đến khi chuyển nhượng có thể nâng giá gấp nhiều lần. Nhưng các nhà đầu tư tên miền không nên mua rồi để đấy mà khi mua rồi nên đưa tên miền vào sử dụng, tăng lượng truy cập vào trên miền đó rồi, sau đó mới cho thuê lại hoặc bán lại website đó sẽ sinh lợi nhiều hơn", ông Thơ chia sẻ.
Nhiều ý kiến tại Gala cũng cho rằng, nếu bị đăng ký tên miền rồi thì doanh nghiệp nên liên hệ ngay với người sở hữu để mua lại ngay. Việc kinh doanh tên miền cũng có nhiều rủi ro, bởi thực tế có nhiều nhà đầu tư tên miền mua rồi để đó, qua một thời gian không đủ tiền duy trì nên phải hủy bỏ, rất lãng phí. Do đó, mặc dù đầu tư tên miền mang lại siêu lợi nhuận nhưng khi đầu tư rồi phải đưa tên miền vào kinh doanh để tăng giá trị tên miền cũng như dùng lợi nhuận để duy trì tên miền.
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho biết, ngày 15/07/2013 Chính phủ ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định nhiều chính sách mới đối với quản lý tên miền Internet. Theo đó, tài nguyên tên miền được thừa nhận về giá trị sử dụng và quyền sở hữu, nhờ đó nâng cao được giá trị tên miền. Tài nguyên tên miền luôn nhận được sự bảo hộ của nhà nước và được quan tâm nhiều hơn về giá trị sử dụng, điều này giúp người sử dụng tên miền yên tâm hơn về tính pháp lý.
Theo ICTnews
Hét giá 10 tỉ đồng, "vua tên miền Việt Nam" có nguy cơ hầu tòa? Theo luật sư Phạm Thành Long: Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcombank) hoàn toàn có thể kiện người sở hữu 3 tên miền gây nhầm lẫn nếu thỏa mãn 3 điều kiện. PVcombank đang quản trị thương hiệu theo kiểu "Made in Vietnam"? Có thể nói, thương hiệu được xem là tài sản vô hình, nó có thể chiếm hơn 60% giá...