Dấu ấn Hà Nội qua những công trình
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội ngày nay vẫn giữ được nét cổ kính, thâm nghiêm rung động lòng người giữa đô thị phồn hoa, hội nhập.
Để làm nên bản sắc ấy không thể không kể đến những công trình mang đậm dấu ấn văn hóa, kiến trúc của mảnh đất ngàn năm văn hiến, văn vật.
Hoàng thành Thăng Long – giá trị nổi bật toàn cầu
Năm 1010, tại Kinh đô Hoa Lư, vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô để thiên đô về thành Đại La và đổi tên kinh thành này là Thăng Long. Lý Thái Tổ cùng các quần thần đã gấp rút xây dựng những công trình cơ bản của Kinh thành Thăng Long.
Đến đầu năm 1011 thì hoàn thành.Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử Kinh thành Thăng Long – Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Hoàng thành Thăng Long.
Ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam, Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám: Tôn vinh truyền thống hiếu học
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông (1054 -1072). Thời Nhà Lý, Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long là tổ hợp gồm hai di tích: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An – người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam; Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Khuê Văn Các ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12/5/2012. Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô theo Luật Thủ đô được, 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu.Văn Miếu có tường bao quanh xây bằng gạch. Bên trong cũng có những bức tường ngăn ra làm 5 khu, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng qua lại nhau. Khu thứ nhất bắt đầu với cổng chính Văn Miếu Môn đi đến cổng Đại Trung Môn, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn và Đạt Tài Môn.
Khu thứ hai từ Đại Trung Môn vào đến Khuê Văn Các. Khu thứ ba gồm hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), có hình vuông. Khu thứ tư là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu, gồm hai công trình lớn bố cục song song và nối tiếp nhau. Tòa nhà ngoài là Bái đường, Tòa trong là Thượng cung. Khu thứ năm là khu Thái Học. Từ những giá trị lịch sử, văn hóa – giáo dục to lớn đó mà ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Thủ đô, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Chùa Trấn Quốc – trung tâm Phật giáo của Kinh thành Thăng Long
Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), có lịch sử gần 1.500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Theo Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993), thì chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541 – 547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng.
Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý và nhà Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam.Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998.
Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Năm 2017, trang web du lịch wanderlust.co.uk xếp chùa Trấn Quốc vào vị trí thứ ba trong 10 ngôi chùa “đẹp nhất trên toàn thế giới” vì hài hòa với môi trường xung quanh.
Ô Quan Chưởng – kỳ quan quý giá
Ô Quan Chưởng là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ.
Ô Quan Chưởng nằm nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, mặt trước nhìn về phía Đông và sông Hồng, mặt sau nhìn về phía Tây và phố Hàng Chiếu kéo dài.
Về kiến trúc có vòm cửa trấn giữ, trên lại còn lưu giữ một lầu địch vọng là nơi canh gác. Qua bao thăng trầm, Ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đó, gìn giữ cho Hà Nội nghìn năm văn hiến một kỳ quan đơn sơ, dân dã mà quý giá đến vô cùng. Hiện nay, cửa ô còn nguyên một cửa chính và hai cửa phụ hai bên. Trên nóc cửa chính là một vọng lâu. Bên tường phía trái có gắn một tấm bia khắc năm 1882 ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu cấm bọn lính sách nhiễu những đám tang qua lại cửa ô. Phía trên cửa lớn có ba chữ Hán: “Thanh Hà Môn” nghĩa là cửa Thanh Hà (vì cửa này ở thôn Thanh Hà, cạnh cửa sông Tô Lịch xưa. Thanh Hà là tên gọi của một phường đời Lê bao gồm khu vực Hàng Chiếu, Thanh Hà, Đào Duy Từ).Diện mạo Ô Quan Chưởng như hiện nay là do lần sửa chữa lớn vào năm 1817.
Ô Quan Chưởng còn có tên là Ô Thanh Hà. Quan Chưởng là chức quan chỉ huy vệ binh. Ngày 20/11/1873, thực dân Pháp mở cuộc tấn công Hà Nội lần thứ nhất. Từng đoàn tàu chiến, tàu đổ bộ ngược sông Hồng, đổ quân ào ạt tiến vào Hà Nội qua cửa ô Đông Hà. Quan Chưởng cùng trên 100 vệ binh đã dàn trận dọc theo bờ sông, tại đây đã nổ ra cuộc chiến ác liệt và không cân sức, quân ta anh dũng chiến đấu tới người cuối cùng. Từ đó cửa ô Đông Hà được gọi là “Cửa ô Quan Chưởng”.
Tháp Bút – viết lên trời xanh
Đền Ngọc Sơn một không gian đền cổ kính trong lòng Hồ Gươm, được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Nổi bật trên nền trời là ngọn Tháp Bút vời vợi tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất, gợi lên không ít dư âm chan hòa giữa con người với thiên nhiên.Năm 1865, nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại ngôi đền và dần dần có diện mạo như ngày nay.
Đền Ngọc Sơn mới sửa được đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh. Đặc biệt, ông còn cho xây thêm đình Trấn Ba, bắc một cây cầu từ bờ Đông đi vào đền, gọi là cầu Thê Húc. Bên trái của đền ông cho dựng Đài Nghiên. Phía Đông trên núi Ngọc Bội ông cho xây Tháp Bút, tạo nên một thể hoàn chỉnh. Tháp Bút được dựng trên ngọn núi do đá xếp, đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông có năm tầng, cao 28m. Phần thân tháp, Nguyễn Siêu tạc ba chữ “Tả Thiên Thanh” với ý nghĩa là “viết lên trời xanh” theo chiều dọc.
Tháp Rùa – biểu tượng của Hà Nội
Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ nằm trên gò đảo giữa Hồ Gươm, lui về phía Nam hồ. Ngọn tháp được xây dựng trên một gò đất rộng khoảng 350m2, bình đồ hình chữ nhật có 4 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên. Hai mặt phía Đông và Tây có 3 cửa cuốn. Phía Nam và Bắc có 2 cửa cuốn nhọn ở đầu. Đỉnh 2 tầng có lan can chạy xung quanh. Bốn đầu đao đắp uốn cong dần lên vào giữa đỉnh, trên đỉnh có hình ngôi sao 5 cánh. Tầng dưới cùng xây trên móng cao 0,8m. Chiều dài là 6,28m trong khi chiều rộng là 4,54m.
Tháp Rùa – Hồ Gươm.
Video đang HOT
Tầng hai xây lùi vào một chút, chiều dài 4,8m, chiều rộng 3,64m, cũng chia ra ba gian, kiến trúc y như tầng một với 14 bộ cửa nhưng nhỏ hơn. Tầng ba thu nhỏ hơn nữa, dài 2,97m, rộng 1,9m, chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía Đông, đường kính 0,68m. Tầng đỉnh chỉ như một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2m. Trên tường mặt phía Đông, bên trên cửa tròn có đường kính là 0,68m của tầng ba có ba chữ Quy Sơn Tháp, nghĩa là Tháp Núi Rùa. Sự giao thoa giữa hai lối kiến trúc là kiến trúc Pháp và kiến trúc bản địa tạo nên nét đẹp độc đáo, riêng biệt của Tháp Rùa.
Đền Tản Viên Sơn Thánh – nơi lưu giữ giá trị văn hóa, kiến trúc Thủ đô
Đền Tản Viên Sơn Thánh nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội. Đền thờ Đức Thánh Tản Viên và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công).
Khu đền thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 21/2/2008, gồm có đền Hạ, đền Trung và đền Thượng.Đền Hạ còn có tên gọi là Tây cung. Ngôi đền cổ tọa lạc dưới chân núi Tản Viên, ven bờ sông Đà thuộc xã Minh Quang. Đền có từ đầu thế kỷ XVIII và được xây dựng lại vào thế kỷ XIX, được tu sửa vào năm 1998. Đền Hạ thờ Tam vị đức thượng đẳng thần: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương. Kiến trúc của đền Hạ gồm: Tam quan, Điện thờ, nhà thờ Mẫu và công trình phụ trợ.
Đền Trung còn gọi là Trung cung, tọa lạc ở lưng chừng núi phía Tây Ba Vì, cao độ khoảng 500m, thuộc địa phận xã Minh Quang. Đền được xây dựng từ triều Lý, đền triều Nguyễn, nhiều lần được trùng tu lại. Đây là ngôi đền có quy mô lớn và có vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên ở sườn Tây núi Ba Vì. Đền Thượng hay còn gọi là Chính cung Thần điện, nằm trên độ cao 1.227m, thuộc địa phận xã Ba Vì. Theo truyền thuyết, đền có từ thời An Dương Vương. Đền Thượng được khởi dựng lại vào năm 1993. Gần đây được trùng tu lớn để có diện mạo như ngày nay.
Cầu Long Biên – “Rồng sắt” bắc qua sông Hồng
Cầu Long Biên được khởi công xây dựng từ năm 1899 và hoàn thành năm 1902, nằm trong chương trình phát triển giao thông khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương. Từ khi ra đời, Long Biên đã được coi là biểu tượng của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc đầu thế kỷ XX. Vào thời điểm đó, Long Biên là cây cầu thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á, và là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ).
Cầu Long Biên.
Cầu Long Biên được thừa hưởng những tiến bộ kỹ thuật trong khoa học xây dựng đương thời ở châu Âu – đặc biệt là thể loại công trình kết cấu thép.
Hình thức kiến trúc và sơ đồ kết cấu rất hợp lý và khớp nhau để tạo nên một sức mạnh đủ vượt sông Hồng và một dáng hình trải dài nhấp nhô mà người ta đã ví von với rất nhiều hình ảnh đẹp: Cây cầu thân Rồng, dải lụa vắt qua sông Hồng hay tháp Eiffel nằm ngang trong lòng Hà Nội. Về sau, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long được xây dựng thì cầu Long Biên được chia sẻ gánh nặng và cũng trở nên lặng lẽ hơn. Cầu chỉ dành cho xe đạp và người đi bộ. Chất thăng trầm, lắng đọng của thời gian cũng như vẻ đẹp riêng có của cầu Long Biên đã thu hút khá đông khách du lịch nước ngoài cũng như giới trẻ.
Nhà hát Lớn Hà Nội – “ngôi đền” dành cho nghệ thuật cổ điển
Nhà hát Lớn Hà Nội tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí ở số 1A phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris.
Nhà hát Lớn Hà Nội.
Mặc dù là một công trình kiến trúc pha trộn nhiều phong cách nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp, có kiến trúc hoàn chỉnh và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của Hà Nội.
Nhà hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch. Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một “ngôi đền” dành cho nghệ thuật cổ điển. Cũng như nhiều công trình kiến trúc và cả những loại hình văn hóa phi vật thể khác, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của TP, thời kỳ mà các nền văn hóa giao thoa lẫn nhau.
Cầu Nhật Tân – cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam
Cầu Nhật Tân cùng với cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù được ghi danh là 7 cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Riêng cầu Nhật Tân là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng mới của Hà Nội.
Cầu Nhật Tân.
Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 9,17km trong đó phần cầu chính 3,9km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5km, phần cầu dẫn dài 5,27km), nối huyện Đông Anh bên kia sông với quận Tây Hồ bên này sông. Cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015 sau gần 6 năm thi công.Kết cấu của cây cầu thuộc loại hiện đại của thế giới với 5 trụ tháp chính kết nối các nhịp dây văng nâng đỡ toàn bộ phần chính của cây cầu.
5 trụ tháp này tượng trưng cho 5 cửa ô cổ kính của Hà Nội. Tên của cây cầu cũng mang nhiều ý nghĩa. Ban đầu khi lập dự án và khảo sát, đoàn khảo sát nhận thấy khu vực cây cầu được xây trên khu vực nổi tiếng nghề trồng đào ở phường Phú Thượng cũng như vườn đào Nhật Tân nên đã đặt tên dự án xây cầu là Nhật Tân.
Sau đó đã nổ ra một số tranh luận liên quan đến tên gọi này nhưng cuối cùng cái tên Nhật Tân vẫn là tên gọi cuối cùng được chọn để đặt tên cho cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam.Không chỉ đẹp bởi kiến trúc hiện đại và kỳ vĩ, cầu Nhật Tân được lắp đặt hệ thống chiếu sáng vô cùng hiện đại đẹp mắt. Đêm xuống cây cầu khoác lên mình một bộ áo mới đa sắc màu, ánh sáng thay đổi nhịp nhàng sáng rực cả một khúc sông. Nơi đây trở thành điểm hẹn hò của rất nhiều bạn trẻ ở Thủ đô.
10 địa điểm nhất định phải check in khi Hà Nội vào Thu
Hà Nội vào thu, mùa tuyệt vời nhất trong năm. Vì vậy, khách du lịch và cả người Hà Nội sẽ không thể tận hưởng hết được sự quyến rũ của Thu Hà Nội nếu chưa 'check in' tại 10 địa điểm đặc sắc nhất.
*Phố cổ Hà Nội
Ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây. Ảnh: TTXVN
Phố cổ Hà Nội là 36 phố phường Hà Nội xưa và thường bắt đầu bằng chữ "Hàng" như phố Hàng Lược, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Mã..
Vào mùa thu, phố cổ cũng bắt đầu khoác lên một diện mạo mới. Đi dạo phố cổ vào sáng mùa chắc chắn sẽ mang đến cho du khách nhưng trải nghiệm thú vị, nhất là những địa điểm nổi tiếng như: Chợ Đồng Xuân, nhà cổ 87 Mã Mây, Đền Bạch Mã...
*Thành cổ Hà Nội - Hoàng thành Thăng Long
Cổng thành Cửa Bắc, một trong những dấu tích còn nguyên vẹn của Hoàng thành Thăng Long xưa. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có diện tích 20ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích thành cổ Hà Nội như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con rồng, nhà D67 và cột cờ Hà Nội.
Cụm di tích này được bao bọc bởi 4 con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010, với những giá trị di sản, kiến trúc, văn hóa được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử.
Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây, đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội còn là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay.
Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một ngàn năm.
*Văn Miếu Quốc Tử Giám
Khuê Văn Các. Ảnh: TTXVN
Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối.
Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc. Sang thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Cho tới thời điểm hiện tại Văn Miếu đang có 82 bia tiến sĩ.
Quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Bao bọc khuôn viên là những bức gạch vồ. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học.
Nhà giảng dạy ở phía đông và tây hai dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người. Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn.
Phía trước Văn Miếu có một hồ lớn gọi là hồ Văn Chương, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trước đây có lầu để ngắm cảnh. Ngoài cổng chính có tứ trụ, hai bên tả hữu có bia "Hạ Mã", xung quanh khu vực xây tường cao bao quanh. Cổng Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ "Văn Miếu Môn" kiểu chữ Hán cổ xưa. Trong Văn miếu chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau.
Văn Miếu là niềm tự hào của người Hà Nội và là minh chứng hào hùng cho sự nghiệp giáo dục một thời.
*Nhà hát lớn
Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Nhà hát Lớn Hà Nội mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp và được xem là bản sao của Nhà hát Opera Garnier ở Paris. Nhà hát lớn là điểm dừng chân thú vị vào những ngày mùa thu Hà Nội.
*Trường Đại học Tổng Hợp
Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: https://vnu.edu.vn/
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (trước đây là Trường Đại học Tổng hợp) tại số 19 Lê Thánh Tông được xây dựng cách đây gần 1 thế kỷ (1927) do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ernest Hébrard thiết kế.
Cùng với bảo tàng của Viện Viễn Đông Bác cổ xây năm 1931 (nay là Bảo tàng Lịch sử) và Sở Tài chính Đông Dương xây năm 1931 (nay là Bộ Ngoại giao), Đại học Tổng hợp Hà Nội được xem là một trong 3 công trình lớn mang phong cách Đông Dương tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.
Cho đến ngày nay trường đại học Tổng Hợp là điểm check in cực đẹp của giới trẻ, nhất là các bạn sinh viên.
*Ô Quan Chưởng
Ô Quan Chưởng. Ảnh: https://luhanhvietnam.com.vn/
Ô Quan Chưởng hay còn gọi là Ô Đông Hà nằm ở ngã tư Hàng Chiếu - Đào Duy Từ. Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long xưa.
Ô Quan Chưởng còn được biết đến với cái tên Ô Đông Hà, được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long, cách bến sông Hồng xưa chỉ khoảng 80 mét nên thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán từ các vùng khác với kinh thành.
Tên gọi Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao và sự hi sinh cao cả của một viên quan Chưởng Cơ đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn quyết tâm chiến đấu chống quân Pháp đến cùng khi chúng tấn công Hà Nội ngày 20/11/1873 qua cửa ô Đông Hà.
Đến ngày nay, Ô Quan Chưởng vẫn còn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu theo lối kiến trúc đặc trưng của nhà Nguyễn thời bấy giờ. Đó là kiến trúc kiểu vọng lâu với cửa chính ở giữa và 2 cửa phụ 2 bên. Cổng cao 3m, vọng lâu với kiểu mái uốn cong được đặt trên tầng 2, có lan can bao quanh.
Trên tường phía trái cửa chính có một tấm bia đá ghi lệnh cấm người canh gác cửa ô không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881. Giữa phía trên cổng chính và dưới vọng lâu có đề ba chữ Hán lớn Đông Hà Môn.
Ô Quan Chưởng không chỉ mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc mà còn in đậm dấu ấn lịch sử Hà Nội xưa. Nơi đây mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, yên bình hiếm thấy của Hà Nội. Có lẽ vì thế mà Ô Quan Chưởng là địa điểm du lịch mùa thu Hà Nội được rất nhiều du khách nước ngoài ghé đến.
*Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây
Một góc Hồ Gươm. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) là địa điểm nổi tiếng của thủ đô với hàng liễu rủ bóng bên bờ, tháp Rùa cổ kính phong rêu.
Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô, được bao quanh bởi 3 con phố Hàng Khay - Lê Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng. Trước đây hồ còn có một số tên gọi khác như hồ Lục Thủy (hồ nước xanh) hay hồ Thủy Quân (bởi hồ từng là nơi để huấn luyện thủy binh chiến đấu). Đến thế kỉ thứ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (trả gươm), gắn liền với sự tích trả gươm báu cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ.
Hồ Hoàn Kiếm là địa điểm say đắm lòng người với những cành liễu rủ trong màn sương huyền ảo của mùa thu
Hồ Tây cuối thu trở nên lãng mạn, thanh bình hơn... Lúc này chút nắng hè gay gắt không còn nữa, tiết trời mát mẻ khiến nhiều người thích thú khi tản bộ quanh "lá phổi xanh" của Hà Nội.
Hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành thủ đô Hà Nội, nằm ở quận Tây Hồ. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi là khoảng 14,8 km. Hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy.
Dạo bước quanh Hồ Tây chẳng khó để bạn bắt gặp được những khoảnh khắc tuyệt đẹp từ không gian đến con người. Không còn là những ngôi nhà san sát, đường xá khói bụi. Một không gian trong lành, thoáng đãng đủ để bạn cảm thấy tâm hồn thư thái. Lang thang Hồ Tây một chiều thu sẽ khiến cảm thấy bình yên và yêu thêm những điều nhỏ xinh của Hà Nội.
*Chùa Trấn Quốc
Chùa Chấn Quốc là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, có lịch sứ lên đến 1500 năm tuổi. Chùa được xây dựng từ thế kỉ XV, trùng tu lại vào năm 1842. Mùa thu Hà Nội về trên ngôi chùa Trấn Quốc đẹp bình yên vô cùng. Đến tham quan chùa Trấn Quốc, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp bởi lối kiến trúc đỉnh cao của ngôi chùa.
*Cầu Long Biên
Cầu Long Biên. Ảnh: TTXVN
Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử và biểu tượng vô cùng ý nghĩa đối với người dân Thủ đô Hà Nội. Không những thế, cầu Long Biên còn là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng toàn cảnh Hà Nội từ trên cao và có những phút giây thư giãn thoải mái, bình yên nhất.
Cầu Long Biên được xem là nhân chứng lịch sử, xây dựng từ năm 1899 - 1902. Cầu dài 2.290 m và là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, được thiết kế bởi kiến trúc sư Gustave Eiffel - người thiết kế tháp Eiffel.
Ngày nay, cầu Long Biên thu hút rất nhiều du khách cả trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng cũng như tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử xưa. Khi đến đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh sông Hồng thơ mộng, ngắm nhìn sà lan nổi bên dưới hay dạo bộ, đạp xe thư giãn trên cầu.
Đặc biệt, bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm lý tưởng để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp từ trên cầu.
Ngoài ra, cạnh cầu Long Biên còn có bãi đá sông Hồng với khung cảnh rộng lớn, xanh ngắt là địa điểm quen thuộc được giới trẻ Hà Thành và khách du lịch đến chụp ảnh, tận hưởng không khí trong lành. Vào buổi chiều, du khách có thể ghé qua khu chợ trời ở gần cầu để mua rau xanh, hoa quả tươi ngon và đồ ăn nhanh.
Đêm đến, khi đi dọc cầu Long Biên, du khách sẽ bắt gặp người dân đang đi dạo, tập thể dục; những cặp đôi đang hẹn hò trên cầu hay ở thành cầu còn sót lại những ổ khóa, những dòng chữ trắng xóa chứng minh tình yêu đôi lứa...
Đồng thời, du khách còn cảm nhận từng cơn gió mát lạnh từ sông Hồng thổi vào xua tan đi những ưu phiền trong cuộc sống.
*Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN
Đến thăm thủ đô vào bất cứ mùa nào trong năm thì Lăng Bác là địa điểm bạn nên ghé đến. Nằm uy nghiêm, hoành tráng giữa quảng trường Ba Đình, khiến bất kỳ du khách nào đến đây cũng không khỏi bồi hồi xúc động.
Khi khám phá Lăng Bác, bạn có thể thăm quan những địa điểm trong quần thể lăng gồm: quảng trường Ba Đình, phủ Chủ tịch, nhà sàn bác Hồ... Đặc biệt con đường từ lăng dẫn đến nhà sàn Bác Hồ rất đẹp. Một không khí yên bình, vô cùng mát vẻ với hồ nước và vườn cây, ao cá./.
Đón Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long Du khách tham gia có thể chụp ảnh với đồ chơi truyền thống, làm bánh trung thu, đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi hay xem múa sư tử... Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tổ chức chương trình Vui Tết Trung thu 2020 với chủ đề "Lung linh trăng rằm". Bên cạnh việc mang đến một mùa Trung thu ý nghĩa...