Đất nền quanh Dự án Sân bay Long Thành đang sốt ảo
Sau khi thông tin xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) được công bố, người dân các nơi đã đổ về đây săn đất, tạo ra cơn sốt ảo bất động sản quanh khu vực huyện Long Thành.
Thời gian qua, rất nhiều thửa đất tại 6 xã thuộc huyện Long Thành giáp Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, đặc biệt là hai xã Long An và Long Đức, đã được các môi giới và nhà đầu cơ chào bán. Chẳng hạn, một lô đất 80 m2 nằm ngay liền kề trục chính đường vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cách sân bay khoảng 5 km, được rao bán với 3,5 triệu đồng/m2.
Được biết, những lô đất đang chào bán này được các môi giới và nhà đầu cơ mua lại của người dân địa phương. Trước đây, những lô đất này là đất ruộng, vườn, sau đó được giới đầu cơ chia nhỏ ra bán theo từng nền, nên giá có phần mềm hơn so với đất thổ cư riêng lẻ.
Gần Dự án Sây bay Quốc tế Long Thành xuất hiện ngày càng nhiều khu đất nền chào bán. Ảnh: G.H
Các nhà đầu tư về đây thường là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, với vốn liếng chừng vài trăm triệu đồng – mức vốn không đủ mua đất ở thành phố. Theo một số chuyên gia bất động sản tại TP.HCM, việc người dân ít tiền đầu tư kiểu chạy theo thị trường lúc sốt nóng rất dễ gặp rủi ro, đặc biệt là khi tính pháp lý của những bất động sản này còn khá mù mờ, thị trường chưa được định hình rõ nét.
Trong năm 2015, quanh khu vực huyện Long Thành cũng đã xuất hiện khá nhiều dự án trọng điểm, như Khu đô thị phức hợp Long Thành, khu chung cư, chợ đầu mối, khu tái định cư, nhà ở thương mại…, với tổng cộng 69 dự án, trong đó có 34 dự án đang trong quá trình thực hiện triển khai. Điều này khiến nhiều người sẵn sàng lao vào cuộc chơi, bất chấp những rủi ro đã được cảnh báo.
Video đang HOT
Tại Hội nghị Tổng kết tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Nai năm 2015, khi được hỏi về tình hình thực hiện Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây có hiện tượng “sốt nóng” đất Long Thành và việc mua bán này ẩn chứa rất nhiều rủi ro, vì đất quanh khu vực đang trong quá trình quy hoạch, nên còn nhiều thay đổi, điều chỉnh.
“Hiện tại, chúng tôi cũng nghe nhiều về vấn đề giá đất gần Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành đang sốt nóng, tuy nhiên đây là chiêu trò của các nhà đầu cơ đất. Tôi cho rằng, đất quanh Dự án sân bay mà người dân đang đổ xô tới mua sau này sẽ chỉ để “thối”, bởi vì khi sân bay được xây dựng thì các hoạt động diễn ra trong sân bay, còn các hoạt động bên ngoài sẽ không hưởng lợi hay liên quan gì tới dịch vụ trong sân bay. Đặc biệt, khi sân bay được xây dựng thì đường cao tốc sẽ được xây dựng theo và vành đai đường cao tốc cũng được vây kín, tức là, người dân không thể buôn bán hay kinh doanh được gì”, ông Vĩnh cho biết.
Cũng theo ông Vĩnh, UBND tỉnh đã có nhiều thông báo kêu gọi người dân cẩn thận, không nên vì hiện tượng sốt ảo mà đua nhau mua đất quanh Dự án. “Trong khu vực sân bay, chúng tôi nghiêm cấm việc mua bán, còn ngoài khu vực Dự án, chúng tôi không thể nào cấm được việc mua bán đất của người dân. Tuy nhiên, người dân nên coi chừng trước việc mua bán này, bởi sau này, đất đó có thể nằm trong quy hoạch dự án phụ của sân bay”, ông Vĩnh cảnh báo.
Theo phân tích của một chuyên gia quy hoạch và phát triển thị trường địa ốc, việc Long Thành phát triển theo hướng đô thị hóa là thay đổi tích cực, nhưng việc hình thành đô thị nhanh chóng mà chưa đi đôi với thay đổi cơ cấu kinh tế phù hợp, sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường cần phải giải quyết sau này, như bộ mặt quy hoạch đô thị bị phá vỡ do quá trình phát triển tự phát, người dân thiếu việc làm, tạo sức ép đối với xây dựng nhà tái định cư…
Đáng nói là, hiện tượng đầu cơ thổi giá đất sẽ tác động đến kinh tế địa phương. Khi đất đai sốt nóng qua đi, thị trường “xẹp” xuống thì không chỉ nhà đầu tư chịu thiệt, mà chắc chắn người dân sinh sống tại khu vực này cũng sẽ phải gánh chịu những tác động không hề nhỏ.
Theo Báo Đầu Tư
Khởi công xây cầu gần 3.000 tỷ trên cao tốc Bến Lức - Long Thành
Với tổng mức đầu tư hơn 2.844 tỷ đồng, gói thầu J3 thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được động thổ sáng nay (18/7), tại Km29 264, ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM.
Cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu, có tổng mức đầu tư hơn 2.844 tỷ đồng
Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, cầu Phước Khánh thuộc gói thầu xây lắp J3 của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (hợp phần do JICA tài trợ), có lý trình bắt đầu từ Km 29 264 đến Km32 450 có tổng chiều dài 3,186km, gồm cầu Phước Khánh và cầu cạn qua huyện Cần Giờ của TP. HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cầu Phước Khánh có chiều rộng 21,75m là cầu dây văng 2 mặt phẳng, do Liên danh Liên danh Sumitomo - Cienco4 thi công trong 42 tháng.
Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát và Nhà thầu đã cam kết và sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thi công để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa gói thầu vào khai thác đảm bảo chất lượng và các mục tiêu đã đề ra.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là Dự án trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2014. Dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam Bộ; khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của TP.HCM, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai.
Dự án có chiều dài 57,1km, đi qua các tỉnh Long An (2,7km); TPHCM (26,4km) và tỉnh Đồng Nai (28km). Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h. Do Dự án qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20km cầu và cầu cạn, trong đó đặc biệt có 2 cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) dài 2,76km nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TP.HCM; cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) dài 3,18km nối huyện Cần Giờ, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Cầu Phước Khánh có 2 nhịp dây văng
Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD); trong đó vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách nhà nước.
Về hình thức quản lý dự án, chủ đầu tư trực tiếp quản lý Dự án và đại diện Chủ đầu tư là Ban QLDA đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hình thức lựa chọn nhà thầu: đấu thầu quốc tế rộng rãi.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành sẽ giúp cho giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TPHCM, tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và với Sân bay quốc tế Long Thành.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, giảm thiểu tai nạn giao thông; rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa; rút ngắn hành trình từ tỉnh Long An đến tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại từ đó thúc đẩy phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển do các Nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại các tỉnh phía Nam.Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Pênh, TPHCM - Vũng Tàu.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bức thư dài 5 trang đề xuất về "sân bay quốc tế Võ Nguyên Giáp" Nhấn mạnh vai trò, tầm ảnh hưởng to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với đất nước và thế giới, một người dân ở tỉnh Nam Định đã gửi thư tới lãnh đạo Quốc hội bày tỏ ý kiến và đề xuất đổi tên sân bay Long Thành thành sân bay quốc tế Võ Nguyên Giáp. Người viết bức thư dài...