Đặt lên bàn cân Cánh Diều Vàng ‘Cô Ba Sài Gòn’ và Bông Sen Vàng ‘Em chưa 18′
Khi Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng là hai giải thưởng điện ảnh lớn, nhận nhiều quan tâm nhất hiện nay thì hai tác phẩm được vinh dự xướng tên cũng được khán giả đặt lên bàn cân so sánh.
Tối ngày 15/04, L ễ trao giải thưởng điện ảnh Cánh Diều Vàng 2017 chính thức diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong sự trông đợi của người hâm mộ. Với tiêu chí: “đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”, Cánh Diều Vàng 2017, hạng mục điện ảnh đã gọi tên phim xuất sắc nhất là Cô Ba Sài Gòn do đạo diễn Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn cầm trịch.
Cùng tham gia tranh giải với Cô Ba Sài Gòn và nhận về Cánh Diều Bạc là Em chưa 18 - bộ phim của đạo diễn Lê Thanh Sơn từng thắng giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX. Khi Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng là hai giải thưởng điện ảnh lớn, nhận nhiều quan tâm nhất hiện nay thì hai tác phẩm được vinh dự xướng tên cũng được khán giả đặt lên bàn cân so sánh.
“Cô Ba Sài Gòn” và “Em chưa 18″: Bộ phim nào có sức nặng doanh thu hơn?
Em chưa 18 là bộ phim điện ảnh tình cảm – hài do đạo diễn Lê Thanh Sơn hợp tác cùng Charlie Nguyễn và hãng phim Chánh Phương thực hiện. Phim xoay quanh chuyện tình dở khóc dở cười giữa Hoàng ( Kiều Minh Tuấn) và cô gái chưa đủ 18 tuổi Linh Đan ( Kaity Nguyễn). Tác phẩm xuất sắc thắng giải thưởng danh giá Bông Sen Vàng, đem về giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Kaity Nguyễn tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX và giành giải Cánh Diều Bạc.
Kaity Nguyễn trong “Em chưa 18″.
Tại “cuộc chiến phòng vé”, Em chưa 18 thành công ngoài mong đợi, trở thành phim Việt có doanh thu chiếu sớm cao nhất lịch sử: 13,2 tỷ đồng sau ba ngày ra rạp. Tự tin đối đầu với hai tác phẩm Hollywood ra mắt cùng thời điểm là Vệ binh dải Ngân Hà 2 và Xì Trum: Ngôi làng kỳ bí, đồng thời phim còn đánh đổ những kỉ lục trước đó, đạt nhiều thành tích như: Phim Việt có doanh thu một ngày cao nhất lịch sử điện ảnh Việt (15,6 tỷ đồng/ngày); Phim Việt đạt doanh thu 100 tỷ đồng nhanh nhất (sau 7 ngày công chiếu chính thức); Phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử (đạt 107 tỷ đồng sau 8 ngày công chiếu chính thức); Phim có doanh thu cao nhất Việt Nam (đạt 169 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu chính thức).
Trong khi đó, dù là dự án phim nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khán giả, Cô Ba Sài Gòn không gây ấn tượng về doanh thu như Em chưa 18 đã từng làm. Đặc biệt, số lượng vé bán ra khá cao, gấp đôi bộ phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân trước đó là Tấm Cám: Chuyện chưa kể, thì con số doanh thu vẫn không như nhà sản xuất mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu do một số yếu tố khách quan như các chương trình giảm giá vé cho học sinh, sinh viên – đối tượng chủ yếu ra rạp, cũng như sự cố bị livestream làm giảm lượng khách mua vé xem phim.
Trailer “Cô Ba Sài Gòn”.
Không thể phủ nhận, khi đời sống tinh thần của khán giả ngày càng được nâng cao, thì doanh thu phim điện ảnh trong lâu dài góp phần nhiều thể hiện chất lượng tác phẩm đó. Sức nặng doanh thu từng được minh chứng bằng giải thưởng Bông Sen Vàng, Cánh Diều Bạc mà bộ phim “ăn khách” Em chưa 18 giành được. Đồng thời một lần nữa được khẳng định đối với Cô Ba Sài Gòn và giải Cánh Diều Vàng. Tuy nhiên, nếu đem ra cân đo đong đếm, dự án phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vẫn khó vượt qua kỷ lục của hiện tượng Em chưa 18.
“Em chưa 18″ có truyền tải nhiều thông điệp như “Cô Ba Sài Gòn”?
Có thể nói, Em chưa 18 trở thành một hiện tượng năm 2017, phù hợp với thị hiếu người xem, dễ dàng đáp ứng nhu cầu ra rạp để giải trí của khán giả. Đồng thời, tác phẩm khẳng định sức nặng của doanh thu khi giành về giải thưởng Bông Sen Vàng. Tuy nhiên, phim chưa thực sự là một dấu ấn sáng tạo nổi bật, chỉ khai thác đề tài thường gặp, dễ làm, dễ xem.
Trailer “Em chưa 18″.
Bên cạnh đó, Em chưa 18 là một bộ phim giải trí đơn thuần, không mang quá nhiều ý nghĩa nhân văn, khiến khán giả dễ xem, dễ cười và cũng… dễ quên. Thậm chí, một số ý kiến tiêu cực cho rằng tác phẩm không chân thực, làm xấu đi hình ảnh học sinh Việt Nam: đi bar, tình một đêm…
Trong khi đó, cũng mang nhiều yếu tố giải trí, gây cười, nhưng Cô Ba Sài Gòn để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Được thực hiện bởi nhà sản xuất Ngô Thanh Vân – người mang hoài bão lớn lao xây dựng nền điện ảnh nước nhà, luôn mong muốn khai thác triệt để chất liệu dân tộc, phim Cô Ba Sài Gòn mang đậm bản sắc Việt Nam, tôn vinh tà áo dài dân tộc và những thứ thuộc về gốc rễ, nguồn cội qua câu chuyện về Như Ý ( Ninh Dương Lan Ngọc) và mẹ Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) – chủ tiệm may Thanh Nữ.
Chính vì thế, so với Em chưa 18, Cô Ba Sài Gòn có chủ đề độc đáo, sáng tạo hơn, với ý nghĩa nhân văn, giá trị dân tộc được lồng ghép tài tình trong từng chi tiết, nhân vật, cảnh quay, đặc biệt là những hình ảnh “rất Việt Nam” như tà áo dài, đường phố Sài Gòn xưa… Đây cũng là điều giúp phim đọng lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem.
Nhận Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng, tác phẩm nào tầm cỡ hơn?
Bên cạnh yếu tố doanh thu và sự đón nhận từ phía truyền thông, dư luận, những giải thưởng điện ảnh cũng trở thành động lực và mục tiêu của các dự án phim Việt Nam. Nhờ Bông Sen Vàng hay Cánh Diều Vàng, những tác phẩm thắng giải như Em chưa 18 (Bông Sen Vàng) và Cô Ba Sài Gòn (Cánh Diều Vàng) được nâng tầm, có cái mác đảm bảo danh giá.
Tuy nhiên, dù có không ít tương đồng, Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng vẫn có những khác biệt và tính chất riêng, tạo nên các giá trị khác nhau đối với mỗi bộ phim và cá nhân thắng giải. Trong khi Liên hoan phim Việt Nam là liên hoan do Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Cục Điện ảnh tổ chức, thì Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng.
Đặc biệt, theo bản dự thảo phương án quy đổi giải thưởng khi xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp, Cánh Diều Vàng có giá trị bằng một phần hai Bông Sen Vàng. Điều này cũng tạo ra sự khác biệt mà hai giải thưởng mang lại cho Em chưa 18 và Cô Ba Sài Gòn. Ngoài ra, từ trước đến nay, Cánh Diều Vàng luôn được xem là giải thưởng điện ảnh nhiều thị phi, khi không ít lần gây ra tranh cãi về kết quả, cũng như khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp, không hợp lý.
Dù vậy, tạm bỏ qua những cân đo đong đếm, bộ phim nào nhỉnh hơn về doanh thu, hay giá trị giải thưởng điện ảnh nhận được, thì sự ủng hộ từ khán giả vẫn sẽ là phần thưởng xứng đáng nhất cho mỗi tác phẩm.
Theo Saostar
Cánh diều vàng 2017: Phim truyền hình thoả đáng nhưng điện ảnh chưa thuyết phục
Là 2 tác phẩm trên tầm so với mặt bằng và được kỳ vọng lên ngôi ở 2 hạng mục Truyền hình và Điện ảnh, nhưng "Thương nhớ ở ai" và "Đảo của dân ngụ cư" nhận 2 kết cục khác nhau tại lễ trao giải Cánh diều vàng tối ngày 15.04.
Ở khu vực giải thưởng dành cho phim truyền hình, bộ phim Thương nhớ ở ai của đạo diễn kỳ cựu Lưu Trọng Ninh chiến thắng giòn giã với 4 chiếc cúp. Ngoài giải Phim hay nhất, phim còn mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất (cho Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh), giải Quay phim xuất sắc nhất (cho NSƯT Hoàng Tích Thiện) và giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (cho Jimmy Khánh). Đó là một sự tưởng thưởng rất xứng đáng cho tài năng và tâm sức của ekip, mà theo như lời đạo diễn chia sẻ lúc lên nhận giải tối qua là "đoàn phim đã phải đi tới 7 tỉnh, thành để ghi hình".
Đạo diễn Thương nhớ ở ai nhận giải thưởng lớn.
Trong khi đó, ở lãnh địa dành cho các bộ phim chiếu rạp, tác phẩm xuất sắc nhất đã không có được sự ghi nhận tương tự. Bộ phim đầu tay Đảo của dân ngụ cưcủa Hồng Ánh chỉ được BGK trao giải Bằng khen, thua cuộc trước một tác phẩm đơn giản hơn khá nhiều là Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Kay Nguyễn - Trần Bửu Lộc) và thậm chí xếp sau 2 bộ phim giải trí đơn thuần là Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) và Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh).
Phim chỉ được trao giải cá nhân ở 2 hạng mục quá nổi bật, vốn không có đối thủ là giải Quay phim (dành cho tay máy Lý Thái Dũng) và Nam phụ (dành cho Nhan Phúc Vinh). Lý Thái Dũng, không phải nói nhiều, chính là nhà quay phim xuất sắc nhất của điện ảnh Việt trong 20 năm qua. Việc năm ngoái anh bị tuột giải này (cho Cha cõng con) tại Cánh diều là một cú sốc lớn với những người am hiểu nhiếp ảnh và quay phim. Và năm nay, anh đã được đền bù xứng đáng.
Nhan Phúc Vinh, như đã nhận định ở bài trước, đã có một màn diễn xuất sắc thể hiện một nhân vật quá hay. Việc Vinh dành giải là điều biết trước, nhưng đáng lẽ anh phải được ghi nhận với giải Nam chính thì hợp lý hơn. Vì vai của anh vừa độc đáo vừa sâu sắc so với vai diễn của Kiều Minh Tuấn trong Em chưa 18.
Nhan Phúc Vinh tại lễ trao giải.
Sẽ là hợp lý và lý tưởng hơn, khi "đôn" vai Miên của Nhan Phúc Vinh lên vai chính và dành cho anh giải Nam chính xuất sắc. Còn vai Nam phụ dành cho NSƯT Lê Bình trong Có căn nhà nằm nghe nắng mưa (đạo diễn Mai Thế Hiệp - Bình Nguyên) hoặc NSƯT Trung Dân trong Ngày mai Mai cưới (đạo diễn Nguyễn Tấn Phước).
Giải Biên kịch cho Kay Nguyễn (Cô Ba Sài Gòn) tạm chấp nhận được, dù nó chỉ ngang bằng với kịch bản Em chưa 18 (về ý tưởng sáng tạo, cách thức triển khai câu chuyện) và thua một bậc về độ sâu sắc so với Đảo của dân ngụ cư.
Kay Nguyễn nhận giải Biên kịch cho Cô Ba Sài Gòn.
Trong khi đó, giải Đạo diễn dành cho Lê Thanh Sơn cũng là một tiếc nuối rất lớn cho Hồng Ánh. Vị đạo diễn Em chưa 18 có công chỉ đạo diễn xuất tốt, điều Hồng Ánh làm không kém nếu không muốn nói là tốt hơn. Nhưng đạo diễn Lê Thanh Sơn thua Hồng Ánh ở việc xây dựng ngôn ngữ điện ảnh cho tác phẩm, khi Em chưa 18 chỉ là kể chuyện đơn thuần còn Đảo của dân ngụ cư là sự kết hợp nhuần nhị quay phim, âm nhạc, âm thanh... như những ngôn ngữ biểu đạt "vẽ" nên nhân vật, tình huống.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất.
Giải Âm nhạc cũng là một hạng mục đáng nói. Đức Trí trong Dạ cổ hoài lang (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) cũng là một trong những phim có âm nhạc tốt kỳ này, bên cạnh nhạc phim Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Nhưng, những ca khúc có phần dễ nghe ấy khi đặt bên cạnh phần nhạc không lời chất chứa của nhạc sĩ tài năng Nguyễn Mạnh Duy Linh trong Đảo của dân ngụ cưthì "trẻ con" hơn hẳn.
Hai giải dành cho diễn viên nữ cũng không mấy thuyết phục. Nhã Phương có khả năng diễn xuất, nhưng nhân vật của cô không hay so với nhiều vai diễn thú vị hơn mà diễn xuất cũng không kém như Diệu Nhi (Ngày mai Mai cưới), NSƯT Kim Xuân (Có căn nhà nằm nghe nắng mưa), Minh Hằng (Sắc đẹp ngàn cân), Ninh Dương Lan Ngọc (Cô Ba Sài Gòn) hay Kaity Nguyễn (Em chưa 18).
Nhã Phương nghẹn ngào nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Trong khi đó, Midu có màn thể hiện dễ dàng (chỉ "vác" vẻ ngây thơ của cô ngoài đời) vai Tuyết Mai vốn quá đơn giản. Giải Nữ phụ cho cô không chính xác, khi cô thậm chí chưa so được với Kiều Trinh (Có căn nhà nằm nghe nắng mưa), Cát Phượng (Ngày mai Mai cưới) hay Hồng Vân (Cô Ba Sài Gòn) chứ chưa nói đến vai diễn ám ảnh của Ngọc Hiệp (Đảo của dân ngụ cư).
Nhan Phúc Vinh và Midu nhận giải Nam nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Giải thưởng Cánh diều vàng 2017 đã khép lại, dẫu cho vẫn có nhiều điều chưa được giới chuyên môn và khán giả hài lòng, thế nhưng nhìn chung thì đây vẫn là một đêm trao giải khá ổn nhất so với những năm trước đây, khi không có nhiều phát sinh sai sót bất ngờ trên sân khấu. Hy vọng rằng năm sau, Cánh diều sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa, vinh danh những cái tên xứng đáng trong lĩnh vực phim ảnh Việt Nam.
A. Hạng mục phim truyền hình:
1. Nữ diễn viên nữ phụ xuất sắc:
- Thanh Hương (vai Hương - Người phán xử)
- Thanh Vy (vai bà Tư Mai - Lẩn khuất một tên người)
2. Nam diễn viên phụ xuất sắc:
- Jimmi Khánh (vai Đột - Thương nhớ ở ai)
- NSUT Trung Anh (vai Lương Bổng - Người phán xử)
- Đinh Mạnh Phúc (vai Sáu Thái - Lẩn khuất một tên người)
3. Nữ diễn viên chính xuất sắc:
- Phương Oanh (vai Sùng Thị Súa - Lặng yên dưới vực sâu)
- Xuân Văn (vai Di - Lẩn khuất một tên người)
3. Nam diễn viên chính xuất sắc:
- Quốc Cường (vai Tâm Xe Ôm - Sống trong bóng đêm)
- Trương Minh Quốc Thái (vai Dương - Tử thi lên tiếng)
4. Quay phim xuất sắc: NSUT Hoàng Tích Thiện (Thương nhớ ở ai)
5. Đạo diễn xuất sắc: NSUT Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh (Thương nhớ ở ai)
6. Biên kịch truyền hình: Lê Anh Thúy (Tử thi lên tiếng)
7. Phim xuất sắc
- Tử thi lên tiếng (đạo diễn Dũng Nghệ)
- Thương nhớ ở ai (đạo diễn NSUT Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh)
- Lặng yên dưới vực sâu (đạo diễn Đào Duy Phúc)
- Sống trong bóng đêm (đạo diễn Nguyễn Phương Điền)
B. Hạng mục phim ngắn:
- Câu chuyện về ông tời (đạo diễn Trương Minh Nhựt) - Cánh diều bạc
- Vô diện (đạo diễn Nguyễn Phan Thảo Đan) - Cánh diều vàng
- Lẫn (đạo diễn Nguyễn Ngọc Mai) - Cánh diều bạc
- Buông (đạo diễn Trần Minh Ngân - Bùi Ngọc Anh Quân) - Cánh diều bạc
C. Hạng mục phim điện ảnh:
1. Diễn viên trẻ triển vọng: Bé Hà Mi (vai Tiểu Ly - Cô gái đến từ hôm qua)
2. Nhạc phim xuất sắc: Đức Trí (Dạ cổ hoài lang)
3. Âm thanh xuất sắc: Võ Trung Nhân - Nguyễn Trọng Thanh (Ngày mai mai cưới)
4. Biên kịch xuất sắc: Kay Nguyễn (Cô Ba Sài Gòn)
5. Nữ diễn viên phụ xuất sắc:
- Ngọc Hiệp (vai Xiếm Hoa - Đảo của dân ngụ cư)
- Midu (vai Mợ Tuyết Mai - Mẹ chồng)
6. Nam diễn viên phụ xuất sắc
- Trung Dân (vai Tư Cào - Ngày mai Mai cưới)
- Nhan Phúc Vinh (vai Miên - Đảo của dân ngụ cư)
7. Quay phim xuất sắc: NSND Lý Thái Dũng (Đảo của dân ngụ cư)
8. Thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Họa sĩ Trịnh Thiên Thanh (Yêu đi đừng sợ)
9. Đạo diễn xuất sắc: Lê Thanh Sơn (Em chưa 18)
10. Nữ diễn viên chính xuất sắc:
- Nhã Phương (vai Phương - Yêu đi đừng sợ)
- Kaity Nguyễn (vai Linh Đan - Em chưa 18)
11. Nam diễn viên chính xuất sắc:
- Ngô Kiến Huy (vai Tùng - Yêu đi đừng sợ)
- Kiều Minh Tuấn (vai Hoàng - Em chưa 18)
12. Phim xuất sắc nhất:
- Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) - Cánh diều bạc
- Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) - Cánh diều bạc
- Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn) - Cánh diều vàng
- Dạ cổ hoài lang (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) - Bằng khen
- Mẹ chồng (đạo diễn Lý Minh Thắng) - Bằng khen
- Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh) - Bằng khen
Theo Saostar
Nhiều nhà làm phim từ chối gửi tác phẩm tham gia Cánh Diều vàng Nhiều nhà làm phim từ chối gửi tác phẩm tham gia, chất lượng phim không đồng đều... là thực trạng giải thưởng của Hội Điện ảnh. Năm nay, ở lần thứ 16 tổ chức, Cánh Diều tiếp tục bị nhận xét chưa phản ánh toàn diện bộ mặt điện ảnh quốc gia. Ban tổ chức đã mời tất cả phim góp mặt nhưng...