Đạt doanh thu 2 tỷ USD, TGDĐ thành nhà bán lẻ số một VN
So với mức doanh thu 26.000-27.000 tỷ của năm 2015, Thế Giới Di Động bứt phá ngoạn mục để cán đích 2016 với mốc doanh thu 44.000 tỷ đồng.
“Năm 2016, chúng tôi đã làm nhanh, làm nhiều hơn so với mục tiêu ban đầu”, ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc Thế Giới Di Động (TGDĐ) tóm tắt hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ này trong năm qua.
Trong năm vừa qua, TGDĐ đạt mức doanh thu 44.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 26.000-27.000 tỷ đồng của năm 2015. Con số này cũng đưa họ trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Trước đó, công ty này cũng gây xôn xao giới đầu tư với tuyên bố đặt mục tiêu doanh thu 63.000 tỷ đồng.
“Đơn vị bán lẻ lớn thứ nhì ở Việt Nam đạt doanh số đâu đó ở mức 30.000 tỷ đồng”, ông Doanh cho hay. Đơn vị lớn thứ 2 được nhắc đến ở đây là Co.op Mart.
Ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc Thế Giới Di Động cho hay công ty này còn rất nhiều việc phải làm chứ không phải đang một mình đi một con đường khi bỏ qua các đối thủ quá xa như nhiều người vẫn nói. Ảnh: Thành Duy.
Video đang HOT
Vị đại diện TGDĐ cho hay động lực tăng trưởng lớn của công ty trong năm 2016 chính là hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh. Ông Doanh gọi đây là “bất ngờ thú vị” của năm 2016. Bất ngờ ở chỗ mặc dù chính thức xuất hiện từ năm 2011 nhưng phải đến đầu năm 2015, hệ thống bán lẻ điện máy này mới được đầu tư thực sự mạnh mẽ và sau 2 năm, nó trở thành chuỗi bán lẻ điện máy số một Việt Nam về cả số điểm bán, thị phần và phần nào là dịch vụ khách hàng.
Tính đến tháng 11/2016, Điện Máy Xanh đã có 211 siêu thị, trong đó 142 điểm mở bán mới chỉ riêng năm 2016. Sau 11 tháng đầu năm, chuỗi bán lẻ này mang về cho TGDĐ hơn 11,6 nghìn tỷ đồng. “Cứ 4 TV bán ra tại Việt Nam thì Điện Máy Xanh chiếm 1 chiếc”, ông Doanh chia sẻ.
Theo vị này, thách thức lớn nhất của TGDĐ trong năm 2017 là công thức chiến thắng của Bách Hóa Xanh và năng lực bứt phát của Điện Máy Xanh chứ không phải mức doanh thu 63.000 tỷ gây xôn xao dư luận. Điều này đồng nghĩa lãnh đạo TGDĐ tự tin sẽ đạt, thậm chí vượt mức doanh thu đề ra.
Bách Hóa Xanh được xem là “startup” mới của TGDĐ, hướng đến chinh phục nhóm hàng nhu yếu phẩm cho các gia đình. Công ty này đã tiến hành thử nghiệm trong giai đoạn cuối 2015 và cả 2016 để tìm ra phương thức tối ưu cho chuỗi cửa hàng này và hiện mở khoảng 50 siêu thị mini tại TP.HCM.
“Nói tìm công thức chiến thắng không phải nói cho vui bởi thực sự chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, tất cả các khâu từ tìm kiếm nguồn hàng, chất lượng phục vụ, giá bán đều tốt nhưng hiện tại Bách Hóa Xanh chưa có lãi”, ông Doanh thẳng thắn chia sẻ.
2017 cũng là năm TGDĐ chính thức xuất ngoại. Campuchia là thị trường được doanh nghiệp này lựa chọn. “Sẽ có một tên gọi khác nhưng nếu đặt chân vào một cửa hàng của TGDĐ tại Phnompenh, bạn sẽ thấy nó vẫn là hình bóng của cửa hàng ở Việt Nam”. Đại diện doanh nghiệp cho hay, sẽ có khoảng 10-15 siêu thị bán lẻ điện thoại được TGDĐ mở mới tại Phnompenh trong năm 2017.
Ngoài ra, công ty này cũng vừa chính thức ra mắt trang thương mại điện tử vuivui.com. Trang này bán hàng theo hình thức B2C. TGDĐ cam kết “3 click để mua 1 sản phẩm” và hoàn tiền 200% nếu người dùng mua phải hàng giả.
Thành Duy
Theo Zing
2 ông lớn bán lẻ ôm gọn thị trường laptop Việt Nam
Tính đến tháng 9 năm nay, FPT Shop và Thế Giới Di Động chiếm tổng cộng 46% thị phần laptop tại Việt Nam.
Thị trường laptop trong nước năm vừa qua sụt giảm hơn 10%. Ảnh: Thanh Phong.
Không chỉ là những nhà bán lẻ di động hàng đầu trong nước, Thế Giới Di Động (bao gồm chuỗi cửa hàng thegioididong.com và dienmayxanh.com) và FPT Shop còn đang ôm gọn thị trường laptop tại Việt Nam. Cụ thể, mỗi nhà bán lẻ này đang chiếm khoảng 23% thị phần laptop trong nước tính đến tháng 9 năm nay, theo số liệu của GfK.
Năm 2016 đánh dấu sự đi xuống của thị trường laptop tại Việt Nam, khi doanh số sụt giảm 11% trong khi doanh thu giảm 7%. Tuy nhiên, cả 2 ông lớn bán lẻ này đều có mức tăng trưởng ấn tượng. FPT Shop thông báo tăng trưởng 37,8% về số lượng và 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Thế Giới Di Động tăng trưởng 38%.
Phía FPT Shop cho biết họ đang là nhà bán lẻ đứng đầu về thị phần máy tính Apple chính hãng tại Việt Nam với 30% tổng thị phần. Trong khi đó, Thế Giới Di Động bán ra hơn 50% laptop cài sẵn Windows bản quyền.
Tại Việt Nam, laptop thương hiệu Asus và Dell vẫn được người dùng ưa chuộng nhất. Trong top 10 laptop bán chạy nhất tháng 11 (số liệu của FPT Shop), laptop của Asus chiếm 6 vị trí, trong khi 4 cái tên còn lại thuộc về Dell. Với sản phẩm Apple, MacBook Air 13 inch là model bán chạy nhất.
Không chỉ dừng ở thị trường di động và laptop, 2 ông lớn này đều đang muốn vươn mình ra các lĩnh vực mới.
Chẳng hạn, Thế Giới Di động muốn mở rộng mạng lưới kinh doanh thực phẩm thiết yếu với chuỗi Bách Hóa Xanh, cùng với đó là một trang thương mại điện tử có tên Vuivui, trong khi FPT Shop đã ký hợp tác với Vinamilk để bán sữa, đồng thời không giấu tham vọng phát triển thêm nhiều mảng bán lẻ khác.
Đức Nam
Theo Zing
Loạn khái niệm iPhone chính hãng ở Việt Nam Sự thiếu minh bạch của các trang thương mại điện tử cùng với sự đa dạng nguồn hàng của nhà phân phối khiến nhiều người mua iPhone qua mạng nhầm lẫn tai hại. Trong những ngày qua, nhiều người dùng phản ánh việc đặt mua iPhone 6S, iPhone 7 được rao "chính hãng" qua mạng, nhưng đến khi nhận, trên máy lại ghi...