‘Đảo quân’ chi viện TP HCM
19 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên Quảng Ninh chi viện tại Bệnh viện dã chiến số 12 đã rút về tỉnh, 17 người khác vào thay thế, tối 30/9.
Đây là đợt rút quân thứ hai trong 10 ngày qua của đoàn thầy thuốc Quảng Ninh hỗ trợ TP HCM. Hôm 22/9, đã có 26 người gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 12 rút về, theo kế hoạch “đảo quân”, thay người.
Bác sĩ Bùi Hải Nam, trưởng đoàn, cho biết gần 3 tháng qua có hơn 70 thầy thuốc Quảng Ninh chi viện TP HCM, tham gia chăm sóc, điều trị gần 4.500 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến quận 12. Tổng cộng 3.300 bệnh nhân đã được chữa khỏi, ra viện.
Hiện, do yêu cầu của địa phương, trong khi vẫn đảm bảo nhân lực điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến quận 12, Quảng Ninh bắt đầu điều phối lực lượng thay thế. Đội y tế chia thành nhiều đợt để rút và thay quân. Tuy nhiên, 29 người gồm bác sĩ, điều dưỡng đã viết đơn xin được ở lại TP HCM tiếp tục tham gia chống dịch.
Về lý do xin ở lại tiếp tục chi viện, bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, trưởng đoàn Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, nói: “Chúng tôi đã có hai tháng thành thạo công việc tại đây, rất nhớ nhà nhưng thương bệnh nhân nên mong muốn ở lại để chung tay chống dịch”.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM, thời gian qua nhân lực tham gia phòng chống dịch tại thành phố là trên 180.000 người. Trong đó, thành phố đã tiếp nhận trên 24.400 người từ các bộ ngành và các tỉnh thành tăng cường, hỗ trợ. Tổng lực lượng chi viện chiếm gần 14% nhân lực chống dịch tại thành phố.
Đến nay, sau thời gian dài chống dịch, cũng như Quảng Ninh, một số đơn vị bắt đầu các đợt thay quân.
Các bác sĩ Quảng Ninh chụp hình lưu niệm với lãnh đạo bệnh viện dã chiến số 12 trước khi trở về. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 30/9, khoảng 30 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai từ Hà Nội vào TP HCM chi viện cho Trung tâm Hồi sức Tích cực (ICU) tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7). Họ có nhiệm vụ thay quân, tiếp quản công việc từ lực lượng chống dịch chi viện hai tháng qua. Dự kiến vài ngày tới, thêm 50 người nữa vào thay thế.
Đã có tổng cộng khoảng 500 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai, gần 1.000 thầy trò Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đang chống dịch tại TP HCM, chịu trách nhiệm vận hành Trung tâm ICU ở Bệnh viện dã chiến số 16. Trung tâm hoạt động từ ngày 7/8, quy mô 500 giường, đang điều trị hơn 300 bệnh nhân Covid-19 nặng.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm đánh giá công tác điều trị bệnh nhân có những tiến triển tốt, số ca tử vong giảm rõ rệt.
Tuần trước, 30 nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, đã vào thay quân tại Bệnh viện dã chiến số 6 TP HCM. 33 nhân viên khác, đã thực hiện nhiệm vụ tại đây từ tháng 7, sẽ trở về Hà Nội vào ngày 2/10. Trong tuần tới, bệnh viện điều phối thêm 40 người vào đảo quân cho 40 nhân viên y tế khác tại Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) do Bệnh viện Việt Đức đảm nhiệm. Một đoàn 20 nhân viên y tế khác được điều vào Bình Dương, đảo quân cho nhân viên bệnh viện tại tỉnh này. Tổng số lượng thay người là khoảng 90.
Video đang HOT
Theo Phó giáo sư Trần Danh Cường (Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương), tổng quân số bệnh viện hỗ trợ cho TP HCM là khoảng 260 người. Tất cả đều được tập huấn và chuẩn bị đầy đủ trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ. Về kế hoạch rút hoặc đảo quân, phó giáo sư khẳng định bệnh viện sẽ phối hợp linh hoạt với các đoàn và chỉ đạo chung của Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM, chứ không tự động quyết định, mục tiêu chung tay vì thành phố chống dịch.
Hôm 25/9, 84 y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế , sau hơn một tháng chống dịch tại TP HCM đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Cùng ngày, đoàn công tác gồm 115 nhân viên y tế khác vào hỗ trợ thành phố. Đây là đợt thứ 3, bệnh viện điều động cán bộ, nhân viên y tế vào TP HCMlàm việc tại Trung tâm ICU người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, quy mô 600 giường.
Đến nay, trung tâm có 400 y, bác sĩ, chủ yếu là nhân lực của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam – Cuba Quảng Bình, Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa …
Một số các bệnh viện khác như Việt Đức, Bưu điện (Hà Nội); các bệnh viện tại Bắc Giang, Bắc Ninh cũng chuẩn bị kế hoạch đảo quân cho nhân viên y tế đang tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện hồi sức, bệnh viện dã chiến TP HCM.
Trả lời VnExpress sáng 1/10, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng chống Covid-19 tại TP HCM) cho biết, kế hoạch rút các lực lượng chi viện sẽ căn cứ vào tình hình dịch, và phù hợp với tiến độ tái cơ cấu hệ thống bệnh viện dã chiến cũng như hồi sức của thành phố.
Theo đó, thành phố sẽ có kế hoạch đảm bảo sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch. Trước mắt, ngành y tế phải tái cơ cấu lại hệ thống các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến. Tiếp theo, phải tính toán kỹ bệnh viện nào có thể “rút quân”, theo Thứ trưởng Sơn, từ từ và trong quá trình rút quân phải chuyển giao cho các bệnh viện tại thành phố như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh Nhiệt đới, Nhân dân Gia Định…
Một số ít lực lượng đang tham gia công tác điều trị ở các bệnh viện dã chiến, do tình hình địa phương của họ đang phức tạp nên sẽ rút trước. Còn lại các đơn vị khác, Bộ Y tế vẫn đang thực hiện nguyên tắc đảo quân – tức là “ai đã chi viện quá lâu thì rút về để người khác vào thay thế” chứ không rút toàn bộ.
“Kế hoạch rút lực lượng chi viện được xây dựng một cách tuần tự, từ từ, không rút một cách đột ngột gây ảnh hưởng công tác phòng chống dịch”, thứ trưởng Sơn nói.
Sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai chuẩn bị lên đường vào TP HCM chi viện chống dịch. Ảnh: Giang Huy
TP HCM trải qua hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau. Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 26/5, đến nay thành phố đã ghi nhận hơn 380.000 ca nhiễm (gần 50% tổng ca nhiễm ca nước), đang điều trị khoảng 35.000 bệnh nhân; hơn 14.000 người tử vong vì Covid-19.
Tình hình TP HCM có dấu hiệu tích cực, số ca mắc mới giảm dù đang thực hiện chiến lược xét nghiệm thần tốc, tỷ lệ dương tính trên số mẫu xét nghiệm giảm rõ rệt. Số lượng bệnh nhân tiếp cận với dịch vụ y tế sớm tăng lên cao trong thời gian qua với sự tham gia của các trạm y tế lưu động. Tỷ lệ tử vong ở các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến đang giảm dần và “hy vọng tiếp tục giảm trong thời gian tới”. Các loại thuốc kháng virus dành cho F0 từ nhẹ đến trung bình, nặng, bên cạnh thuốc kháng đông, kháng viêm được bổ sung ngày càng đầy đủ, giúp giảm hiệu quả tỷ lệ trở nặng.
Từ 0h ngày 1/10, các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, dịch vụ y tế, kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế được phép hoạt động trở lại.
Sở Y tế đang xây dựng lộ trình thu hẹp, giải thể, chuyển đổi công năng, hoặc biến đổi hơn 80 bệnh viện tại tầng 1 và 2 của tháp điều trị Covid-19 ba tầng, giữ lại 10 trung tâm hồi sức ở tầng 3 để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân nặng.
Xúc động câu chuyện bệnh nhân COVID-19 xin được ở lại bệnh viện: "Tôi chỉ về nếu đi cùng bố tôi"
Bệnh nhân COVID-19 tên T cầu xin bác sĩ cùng đôi mắt đỏ hoe: "Tôi chỉ về nếu đi cùng ba tôi".
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện đang chi viện cho TP HCM, mới đây chia sẻ câu về bệnh nhân N.V.T (45 tuổi, TP HCM).
Được biết, sau 10 ngày điều trị COVID-19, bệnh nhân T nhận được kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và anh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện.
Tuy nhiên trái lại với cảm xúc vui mừng như các bệnh nhân khác. Anh T tỏ ra rất buồn bã. Thậm chí, anh còn xin bác sĩ "đừng cho tôi ra viện".
"Tôi chỉ về nếu đi cùng bố tôi", anh T nói, nước mắt trực trào ra.
Bệnh nhân COVID-19 cầu xin ở lại viện
Kíp của bác sĩ Thiệu tăng cường vào miền Nam từ ngày 9/9, làm việc trong Khu chăm sóc và điều trị COVID-19 lầu 3, Bệnh viện 30/4, nơi có khoảng 150 bệnh nhân COVID-19. Sau đó đúng 1 ngày, anh tiếp nhận bệnh nhân N.V.T và ba của anh T - cụ N.V.L.
Bác sĩ Thiệu cho hay anh T và ba nhập viện chiều ngày 10/9, đúng thời điểm mưa gió lớn. Khi ấy, anh T có triệu chứng ho khan, còn ông L sốt nhẹ, mất khứu giác. Hai ba con được sắp xếp nằm cùng buồng bệnh.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân COVID-19.
Khoảng 5 ngày sau, tình trạng phổi của người cha xấu đi, cần can thiệp thở oxy, chuyển sang phòng cấp cứu. Mỗi ngày, trừ thời gian phải nằm truyền thuốc, anh T đều sang phòng bên cạnh để chăm sóc ba, vỗ rung giúp phổi ông lưu thông tốt hơn.
Đến ngày 20/9, người con đủ thời gian không xuất hiện triệu chứng bệnh, 2 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính; trong khi người cha vẫn dương tính, chưa cai được oxy. Bác sĩ Thiệu thông báo anh T sẽ được xuất viện vào hôm sau. Tuy nhiên, anh tha thiết xin ở lại.
Hỏi ra mới biết, anh T trước đó vẫn cố gắng đi làm và không may mắc bệnh, sau đó lây cho cả gia đình. Các thành viên khác không có triệu chứng nên điều trị tại nhà, còn anh và người cha phải nhập viện. Anh rất ân hận và lo lắng cho ba nên muốn được ngày ngày theo dõi, chăm sóc ông.
"Nếu đồng hồ quay ngược, tôi sẽ không ra đường nữa. Gia đình tôi cũng không đến nỗi khó khăn, công việc cũng không đến nỗi vất vả. Giữa lúc dịch bệnh bùng phát tôi vẫn cảm thấy nó ở đâu đó xa lắm, không phải nhà mình. Tôi vẫn cố đi làm đơn giản chỉ là để chấm công vì bắt đầu dịch bệnh công viêc của tôi cũng ít hơn. Và chuyện không muốn đến cũng xảy đến với gia đình tôi. Cả gia đình nhập viện, tôi may mắn không triệu chứng gì nhưng bố tôi đang thở oxy. Xin bác sĩ chưa cho tôi ra viện vội để tôi ở lại chăm sóc ông", người đàn ông 45 tuổi nói.
Bác sĩ Thiệu nói: "Tôi rất hiểu và thấy thương bệnh nhân. Làm lây bệnh cho chính người thân của mình, nhất là khi người thân diễn tiến nặng, anh ấy chắc chắn sẽ áp lực và lo lắng".
Bác sĩ Thiệu sau đó giải thích kỹ cho bệnh nhân T về tình trạng của người cha. Theo đó, ông L gần tới ngày thứ 14 tính từ ngày khởi phát bệnh nên có thể coi đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất, tiên lượng cai được oxy. Hơn nữa, dù có người nhà bên cạnh hay không, các nhân viên y tế vẫn chăm sóc trọn vẹn cho bệnh nhân, từ vấn đề ăn uống, vệ sinh, lau người... Sau khoảng 15 phút trò chuyện cùng bác sĩ, anh T đã bình tĩnh và yên tâm hơn.
Buồng bệnh tại Khu chăm sóc và điều trị COVID-19 lầu 3, Bệnh viện 30/4.
Nhiều câu chuyện tương tự
Những câu chuyện tương tự không hiếm gặp tại các bệnh viện điều trị COVID-19 những ngày này, cả ở miền Bắc và miền Nam. Theo bác sĩ Thiệu, đa số các bệnh nhân Covid-19 đều có vấn đề về tâm lý.
Ngoài lo lắng cho sức khỏe của chính bản thân mình, áp lực vì nằm viện lâu dài, kinh tế bị ảnh hưởng..., họ thường rất day dứt vì lây cho người khác. Nếu bị trách hoặc biết tin người mình làm lây bệnh trở nặng, họ càng mặc cảm, phiền muộn.
"Chúng tôi thường phải động viên bệnh nhân rất nhiều, rằng mắc bệnh là điều không ai muốn, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của dịch bệnh. Chúng ta bị lây từ ai đó rồi lại lây tiếp cho người khác, không ai muốn rơi vào mắt xích vô tận đấy cả", bác sĩ Thiệu nói.
Rất nhiều bệnh nhân COVID-19 xin ở lại sau khi bác sĩ thông báo đủ tiêu chuẩn xuất viện, bởi họ muốn được trực tiếp theo dõi diễn tiến của người thân, chăm lo cho người thân. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải trường hợp nào cũng có thể được đáp ứng mong muốn.
Bình Định đưa đoàn y bác sĩ thứ 2 tiếp viện TP.HCM chống dịch Ngày 31-8, Sở Y tế tỉnh Bình Định tổ chức buổi ra quân đưa 14 y bác sĩ của tỉnh này chi viện cho TP.HCM chống dịch COVID-19. Đoàn y bác sĩ tỉnh Bình Định chi viện cho TP.HCM chống dịch COVID-19 - Ảnh: LÂM THIÊN Theo ông Lê Quang Hùng, giám đốc Sở Y tế Bình Định, đây là lần thứ hai...