Đạo diễn Trần Thanh Huy: Ròm ra rạp giữa dịch để nhà đầu tư còn đường sống, bạn không thích thì không xem, đừng kêu gọi tẩy chay!
Trong lúc người ta còn mải miết tranh cãi Ròm chiến thắng vì điều gì, rốt cuộc bộ phim đã bị cắt ghép bao nhiêu phần trăm so với phiên bản ở LHP Busan thì Trần Thanh Huy lại mải miết “chạy” trên một cuộc hành trình rất mới và rất khác.
Trailer ròm
Cách đây 4 tháng, tôi gặp đạo diễn Trần Thanh Huy khi phim Ròm vừa vượt qua vòng kiểm duyệt và nhận được giấy phép công chiếu của cục điện ảnh Việt Nam. Thời điểm ấy, Trần Thanh Huy đến buổi phỏng vấn với một tâm trạng háo hức và đầy mong chờ “chặng đua cuối cùng” của Ròm ngay tại quê nhà. Nhưng tới ngày hôm nay, khi Ròm cán mốc 1,5 triệu đô doanh thu phòng vé, Trần Thanh Huy gặp lại tôi với một tâm thế hoàn toàn khác. Chắc chắn không phải dáng vẻ rạng rỡ đầy tự hào của một đạo diễn trẻ vừa giành chiến thắng với phim đầu tay, cũng không hề phẫn nộ bởi những bình luận khen chê trái chiều.
Trong lúc người ta còn mải miết tranh cãi Ròm chiến thắng vì điều gì, rốt cuộc bộ phim đã bị cắt ghép bao nhiêu phần trăm so với phiên bản ở LHP Busan thì Trần Thanh Huy lại mải miết “chạy” trên một cuộc hành rất mới và rất khác. “ Không được đứng, không được dừng, đừng đứng lại“, đúng như Wowy đã rap trong ca khúc Chạy, nhạc phim chủ đề của Ròm, đạo diễn Trần Thanh Huy đang chuẩn bị “chạy trốn” cơn bão truyền thông và lên đường tới hội chợ dự án LHP Busan năm 2020 cho dự án phim điện ảnh thứ 2.
Cuối cùng sau 9 năm “chạy” cùng Ròm, vô vàn ồn ào và lận đận, anh đã về đích với mức doanh thu kỷ lục. Cảm xúc hiện tại của anh như thế nào?
Đây là điều mà cả tôi và ê-kíp đều không nghĩ tới. Tất cả những chuyện ồn ào hay dời lịch chiếu hoàn toàn không nằm trong mong muốn của bất kỳ ai. Hiệu ứng mà Ròm nhận được không tới từ tiền PR, vì chúng tôi hoàn toàn không có tiền làm chuyện đó mà đã dành toàn bộ chi phí cho việc sản xuất. Mọi người ra rạp sẽ thấy poster phim Ròm không được treo ở vị trí nổi bật mà chỉ xuất hiện tại 1, 2 khung treo poster nhỏ mà thôi.
Vậy doanh thu của Ròm đã ở mức “huề vốn” với chi phí sản xuất chưa?
Doanh thu hiện tại đã về mức an toàn cho bộ phim, huề vốn thì tôi có lương rồi. (cười) Thực ra trong suốt quá trình làm phim, tôi biết kinh phí bị đội lên quá cao nhưng đến bây giờ vẫn không biết rõ tổng kinh phí là bao nhiêu. Tôi đã gặp được những nhà đầu tư thiên thần. Người khác đầu tư cho mình không phải vì dự án này tiềm năng như thế nào, hay ho ra sao và nghĩ rằng làm nó sẽ thu lại được bao nhiêu tiền trong tương lai, mà họ nhìn vào việc nhà làm phim có đủ quyết tâm để làm nên tác phẩm đó hay không.
Nhưng có khá nhiều ý kiến cho rằng Ròm thắng lớn nhờ vào những “drama” về án phạt sau LHP Busan, câu chuyện kiểm duyệt và cắt ghép chứ không phải bản thân tác phẩm đó xứng đáng?
Chuyện đó hết sức bình thường với một nhà làm phim như tôi. Một bộ phim ra đời sẽ có đời sống riêng, có người thích thì phải có người không thích. Việc của tôi là dùng hết sức mình để làm ra bộ phim. Tôi sẽ cố gắng làm sao để phim ra rạp và đi tới các liên hoan phim. Làm phim cũng là câu chuyện cá nhân mà, nếu bản thân mình cảm thấy thoải mái, vui vẻ thì được rồi!
Tức là dù Ròm ra rạp Việt Nam với một phiên bản bị cắt ghép, chỉnh sửa sau kiểm duyệt, anh vẫn thoải mái và vui vẻ?
Khi đã là một người đạo diễn đứng tên cùng tác phẩm, dù bản ra rạp tại Việt Nam hay bản công chiếu ở LHP Busan, tôi vẫn luôn hài lòng. Tôi sẽ không phản hồi chuyện Ròm được cắt ghép, chỉnh sửa như thế nào. Mình phải qua vòng kiểm duyệt ở Việt Nam vì đó là quy định cần tuân thủ. Nhưng tôi vẫn có những biến tấu phù hợp với góc nhìn của khán giả Việt. Thật ra chuyện bất công hay không, tự bản thân tôi biết chuyện đó là đủ. Không một người làm phim nào mong muốn bản gốc của mình bị cắt, nhưng vì rất nhiều lý do, mình phải chấp nhận.
Liệu việc chỉnh sửa đó có phải là lý do khiến Ròm tồn tại những tình tiết khó hiểu và gây hoang mang cho người xem sau khi ra khỏi rạp?
Cũng một phần là như vậy. Không thể nào tránh khỏi chuyện đó khi trong một sợi dây xích gồm nhiều mắt xích lại có một mắt xích bị rời ra ngoài. Nhưng tôi đã cố gắng để lại một vài chi tiết thú vị để kích thích trí tưởng tượng của mọi người. Việc Ròm bị mất chỗ này, thiếu chỗ kia đã tạo ra những tranh luận, lý giải mạnh mẽ trên mạng xã hội còn gì? Tôi có dụng ý và mắt nhìn riêng đối với bản phim này.
Một YouTuber đình đám đã bất ngờ tuyên bố: “Khán giả đã bị bắt đi xem phim Ròm thay vì họ được đi xem phim Ròm”. Anh nghĩ như thế nào về nhận định này?
Đầu tiên, tôi cảm ơn YouTuber đó vì đã tới xem phim và làm clip review. Nhưng tôi không đồng tình với clip đó ở thời điểm này. Ê-kíp làm phim Ròm trong 8, 9 năm không quan trọng việc chiếu phim hay doanh thu hàng tỷ đồng. Chúng tôi chấp nhận thỏa thuận để bộ phim ra mắt tại Việt Nam vì lý do hết sức đơn giản: để các nhà đầu tư có con đường sống. Trong giai đoạn Covid-19, các cụm rạp và nhà sản xuất phim đều gặp khó khăn. Không có phim chiếu, những người lao động tại hơn 200 cụm rạp trên toàn quốc sẽ như thế nào?
Một vé xem phim khán giả mua, chúng tôi lời được mấy chục ngàn nhưng các cụm rạp có thêm tiền bắp, nước để chi trả tiền nhân công, vệ sinh, soát vé, điện nước, mặt bằng… Đó là lý do tôi quyết định Ròm phải là bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên trở lại rạp. Tôi đã đi một hành trình rất dài và kỳ quặc rồi, nên thôi, tôi cũng là người tiên phong lôi kéo khán giả ra rạp vì tôi tin chất lượng của bộ phim sẽ thuyết phục được họ.
Vậy còn nhận định người Việt Nam sẽ không bao giờ được xem một tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang tầm cỡ quốc tế, chỉ có người nước ngoài được xem mà thôi có đúng với trường hợp của Ròm tại LHP Busan và tại quê nhà?
Thời điểm này, chúng ta hãy bỏ qua vụ kiểm duyệt đi! Còn nói về điều này tức là đẩy những người lao động ở Việt Nam vào chỗ chết, ngành công nghiệp điện ảnh sẽ sụp đổ. Nếu Ròm không ra rạp thì có phim Việt nào dám ra không? Tất cả các bộ phim tháng 10, tháng 11 đều lùi lịch hết. Tôi không tin rằng khán giả sẽ quay lưng với điện ảnh Việt Nam nên tôi mới trở thành người bước ra đầu tiên.
Ở đây, tôi không kêu gọi mọi người phải đi xem phim, nếu không thích thì không xem, nhưng đừng kêu gọi mọi người tẩy chay bộ phim. Tôi đã bỏ ra 8 năm để làm phim nên tôi biết chắc chất lượng tác phẩm của mình như thế nào. Không có lý do gì để Ròm không giữ “vai” giải cứu phòng vé Việt Nam, giải cứu nhà phát hành phim và những người lao động.
Anh có vẻ rất tự tin rằng chất lượng của Ròm mới là thứ kéo khán giả ra rạp?
Đúng. Tôi tin rằng Ròm có những phân đoạn không thể tìm thấy ở phim Việt Nam nào khác. Có một cảnh chúng tôi làm cách nhau 6 năm nhưng vẫn cùng một cỡ cảnh, một tốc độ chạy, một ánh sáng và bối cảnh, chỉ là diễn viên lúc lớn và lúc nhỏ. Có phim điện ảnh Việt Nam nào làm được hay không?
Và cũng không một phim điện ảnh Việt Nam nào nói về người lao động đầy tăm tối, gai góc tới mức bị bảo là xa rời đời thực như Ròm?
Đây là phim điện ảnh chứ không phải phim tài liệu. Điện ảnh rất thật, rất đời nhưng chữ “đời” đó phản ánh sự hư cấu, sáng tạo của người đạo diễn. Tôi góp nhặt câu chuyện từ những mảnh đời có thật để làm nên nhân vật Ròm và Phúc. Họ là biểu tượng cho những người thật, việc thật tôi từng chứng kiến.
Ngay cả cái kết cũng vậy. Tôi chọn một cái kết mở vì bộ phim của mình rất đời thường, gần gũi với cuộc sống của con người. Đã là vòng quay cuộc đời thì chẳng bao giờ tìm được điểm kết. Chúng ta không bao giờ biết rằng ngày mai chúng ta sống hay chúng ta chết, chúng ta giàu hay chúng ta nghèo. Mọi thứ đều đến rất bất ngờ và phim của tôi cũng vậy.
Nhưng anh đã tìm được một điểm kết viên mãn cho tác phẩm đầu tay của mình chưa?
Tới bây giờ, tôi cũng không biết có nên nói rằng mình đã chiến thắng hay không. Tôi có nhiều điều trăn trở về nền điện ảnh Việt Nam. Trong 1 tuần qua, khi tôi đi tới những cụm rạp ở Sài Gòn, tôi thấy sự vui sướng của những người lao động tại các cụm rạp, từ anh quản lý tới cô lao công. Tất cả những điều đó làm cho tôi xúc động và hy vọng rằng tương lai sắp tới, mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ phim Việt. Nếu thị trường Việt Nam ổn định để những bộ phim khác nối đuôi nhau ra rạp thì tôi mới thực sự yên tâm.
Dành tới 9 năm để theo đuổi chỉ một tác phẩm điện ảnh, khi cuộc hành trình với Ròm khép lại, anh có cảm thấy trống rỗng?
Hiện tại, tôi khá bận với dự án thứ hai của mình. Dự án này đã lọt vào Top 20 của hội chợ dự án LHP Busan năm 2020. Cuối tháng 10, tôi sẽ có một số buổi thuyết trình với các nhà sản xuất quốc tế. Tôi nghĩ mình cần dành thời gian nhiều hơn cho dự án thứ hai của mình. Đương nhiên mình phải cố gắng vẽ ra một bức tranh mới hơn, khác lạ hơn và thử thách độ bền, độ kiên trì nhiều hơn. Chắc chắn làm dự án thứ hai sẽ khó hơn dự án thứ nhất rất nhiều lần.
Tác phẩm đầu tay có doanh thu triệu đô, đoạt giải quốc tế, dự án tiếp theo phải dễ dàng hơn với anh chứ?
Mỗi lần làm dự án mới, tôi sẽ lại bắt đầu từ con số 0. Tôi sẽ lại tiếp tục đi thuyết trình, chứng minh, nói với người ta rằng dự án của tôi tốt, hãy giúp tôi đi, tôi muốn làm phim, cho tôi tiền đi. Tất cả những điều đó sẽ luôn đưa tôi quay trở lại điểm xuất phát. Hôm nay mình đứng ở đỉnh nhưng ngày mai mình sẽ rớt xuống đáy. Nếu muốn thành công với dự án thứ hai thì mình phải đi từ đáy.
Anh có nghĩ đến trách nhiệm của mình với khán giả, nền điện ảnh nước nhà sau thành công của Ròm?
Mấy ngày gần đây, có một số bạn bình luận trên mạng rằng tôi nổi tiếng rồi đi dạy kiếm tiền, nhưng tôi xin đính chính rằng từ trước tới giờ, tôi đi dạy không lấy tiền. Tôi được truyền cảm hứng từ chú Trinh Hoan – nhà sản xuất chính của bộ phim Ròm rằng hãy ủng hộ, giúp đỡ những người trẻ không đủ điều kiện để làm phim, để đi học. Tôi hi vọng rằng sau này, các bạn sẽ trở thành nhiều người làm phim cho Việt Nam và thay đổi cuộc sống của chính các bạn. Ngày xưa, tôi đã từng được nhiều người giúp đỡ nên bây giờ, tôi quay lại giúp đỡ các bạn. Đó là chuyện rất sòng phẳng.
Theo anh, khó khăn lớn nhất mà một người trẻ làm phim tại Việt Nam phải đón nhận là gì?
Các bạn trẻ phải vượt qua bản thân họ. Đừng bao giờ nghĩ tới chuyện tiền bạc hay kiểm duyệt. Hãy nghĩ tới 2 yếu tố: vượt qua bản thân mình và ai là người đi cùng với mình. Bạn có thực sự đủ quyết tâm với dự án của mình để người khác cho tiền làm phim hay không? Khi tôi làm phim ngắn 16:30 và Ròm, chính nhà đầu tư quan trọng nhất đã bảo đọc kịch bản không hiểu gì hết nhưng vẫn tài trợ thiết bị, tiền bạc cho tôi làm chỉ vì một lý do: tôi chỉn chu trong từng câu chữ của mình.
Vậy bài học lớn nhất anh học được từ Ròm – tác phẩm đầu tay của mình là gì?
Làm sao để mình bớt lười (cười). Nếu tôi cố gắng nhiều hơn thì chắc chắn tôi sẽ không làm phim mất 8 năm. Ngày xưa, tôi cố gắng một thì giờ tôi nghĩ mình phải cố gắng mười để đi nhanh hơn.
Cám ơn những chia sẻ của đạo diễn Trần Thanh Huy!
Phim Ròm: 8 năm thực hiện, 27 bản dựng, 89 ngày quay, tổng dữ liệu có thể dựng tới tận 3 phim điện ảnh!
Đạo diễn Trần Thanh Huy đã chia sẻ những thông tin thú vị về phim Ròm trong chương trình Khoảnh Khắc Cuộc Đời.
Ròm - bộ phim điện ảnh Việt đặc biệt nhất năm vừa chính thức ra rạp. Sự kiện nhanh chóng nhận được sự chú ý lớn của giới chuyên môn cũng như khán giả. Trong tập 118 của Khoảnh Khắc Cuộc Đời vừa được lên sóng tối ngày 25/9 trên HTV9, đạo diễn của bộ phim Trần Thanh Huy đã có những chia sẻ đầy thú vị xoay quanh quá trình thực hiện bộ phim. Bên cạnh đó còn có những khoảnh khắc xúc động khi chia sẻ về xuất thân của mình.
Đạo diễn Trần Thanh Huy nói suốt 8 năm thực hiện Ròm chưa từng khóc mặc dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng khi nhắc về hình ảnh của bản thân trong phim, nam đạo diễn đã rơi nước mắt.
8 năm thực hiện, 27 bản dựng, 89 ngày quay là những con số ấn tượng mà khán giả đã được biết về bộ phim đang gây sốt Ròm. Tuy nhiên, đến với chương trình, nam đạo diễn sinh năm 1990 chia sẻ những thông tin hậu trường thú vị cùng những con số lần đầu được tiết lộ.
Là phim Việt đầu tiên đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan, một trong những liên hoan phim lớn nhất châu Á, Ròm khai thác chủ đề người lao động nghèo, đặc biệt các thiếu niên đường phố. Trần Thanh Huy tiết lộ một shot hình quay ít nhất 8 lần, dữ liệu của bộ phim lên đến 36TB (1TB tương đương khoảng 200.000 bài hát 5 phút, 310.000 hình ảnh hoặc 500 giờ phim, 24TB = số lượng dữ liệu video được tải lên YouTube mỗi ngày hồi năm 2016). Ngoài ra, với dữ liệu hiện có, anh có thể dựng thành 3 bộ phim điện ảnh khác nhau.
Trong suốt quá trình thực hiện Ròm, Trần Thanh Huy đã trải qua nhiều khoảnh khắc vui buồn lẫn lộn. Nam đạo diễn tiết lộ ngày đầu đi thuyết trình phim Ròm, anh gặp thất bại. Từ đó anh rút ra được bài học cho bản thân.
Như đã chia sẻ, một shot hình quay của phim ít nhất được quay 8 lần. Tuy vậy, nam đạo diễn không nghĩ dừng lại ở lần quay thứ 8 mà có thể là 10, 15 lần nếu cảnh quay chưa đạt được ý đồ như anh mong muốn: "Bao nhiêu bản dựng không quan trọng, quan trọng bộ phim được dựng một cách tốt nhất, chỉn chu nhất".
Để đạt được hiệu quả hình ảnh cao nhất, ê-kíp thực hiện đã quay ròng rã trong nhiều năm. Có những cảnh Trần Thanh Huy và ê-kíp phải chờ đến 2 tháng rưỡi cho nước ngập đầy thành phố để cảnh quay được thực hiện đẹp nhất. Vậy mới thấy công sức và tâm huyết của Trần Thanh Huy và ê-kíp bỏ ra cho bộ phim Ròm nhiều như thế nào. Về mặt âm thanh, nam đạo diễn quyết định mang qua Pháp xử lý để mỗi khán giả bước vào rạp xem phim sẽ cảm nhận bộ phim một cách trọn vẹn nhất.
Nói về những lời dị nghị khi em trai làm diễn viên chính bộ phim Ròm, Trần Thanh Huy chia sẻ đã cân nhắc rất kỹ việc lựa chọn diễn viên. Nhiều người cũng từng nói không nên để người nhà đóng vì dễ bị tình cảm chi phối, chính vì thế nam đạo diễn cũng tổ chức casting nhưng chưa thấy ai thật sự phù hợp. Mỗi lần đi quay dựng thử trước khi bấm máy, anh đều dắt Khoa đi theo và nhờ em trai diễn thử. Sau đó, đạo diễn hình ảnh và ê-kíp gợi ý mời Khoa vì hợp vai hơn những diễn viên khác. Từ đó, anh quyết định để em trai đóng phim của mình.
Hiện tại, sau khi hoàn tất bộ phim, Trần Anh Khoa đang du học tại Canada về làm phim. Mặc dù em trai rất muốn về nước để tham gia sự kiện quảng bá của bộ phim thế nhưng anh ngăn cản với lý do: "Hiện tại chính là quá khứ, tương lai mới là quan trọng. Nếu về mà ảnh hưởng tương lai thì không cần phải về. Hơn là việc em về dự sự kiện, em lên báo, em được mọi người chúc tụng, mọi người vui vẻ, ăn mừng. Tất cả những thứ đó chỉ là quá khứ".
Sau cùng, nam đạo diễn của Ròm gửi lời cảm ơn ê-kíp làm phim, đội ngũ diễn viên và cảm ơn em trai vì dành tuổi thiếu niên đồng hành cùng anh làm phim.
Đạo diễn RÒM giải đáp thắc mắc vì sao chị đại Mỹ Tâm ủng hộ hết mình, còn đến dự cả họp báo Hóa ra Mỹ Tâm đến với Ròm chỉ vì tình yêu đặc biệt dành cho bộ phim này. Là bộ phim hot nhất màn ảnh Việt thời điểm hiện tại, dù đến từ một đạo diễn trẻ nhưng Ròm lại nhận được sự "hậu thuẫn" nhiệt tình của các "dân anh chị" showbiz Việt, trong đó có cả chị đại Mỹ Tâm. Việc...