Đạo diễn Hải Ninh qua đời
Cây đại thụ của làng điện ảnh Việt Nam với những tác phẩm như ‘ Vĩ tuyến 17 ngày và đêm’, ‘ Em bé Hà Nội’… trút hơi thở cuối cùng sáng 5/2.
Con trai đạo diễn Hải Ninh – đạo diễn Nguyễn Thanh Vân – cho biết bệnh tình của bố anh kéo dài nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây ông khỏe mạnh và tỏ ra hào hứng khi Tết đến. Ông đã giục con cái mua đào sớm, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy bên con cháu. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 ngày, đạo diễn Hải Ninh đột nhiên tụt huyết áp dẫn tới hôn mê sâu và phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội). Do tuổi già sức yếu, đạo diễn không qua khỏi. Ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc 5h50 sáng nay (5/2), thọ 82 tuổi.
Lễ viếng và lễ đưa tang đạo diễn Hải Ninh sẽ được cử hành từ 10h đến 11h15 phút ngày 7/2 (tức 27/12 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Đạo diễn Hải Ninh.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang – vợ của Nguyễn Thanh Vân và con dâu đạo diễn Hải Ninh – cho biết mặc dù bệnh tật nhiều năm nhưng sự ra đi của bố chồng chị vẫn là bất ngờ lớn đối với gia đình, vì gần đây đạo diễn Hải Ninh rất khỏe khoắn. Nhớ về đạo diễn Hải Ninh, đạo diễn Nhuệ Giang cho biết ông là một người rất nồng nàn với cuộc sống, phim ảnh. Mặc dù đã hơn 80 tuổi nhưng đạo diễn Hải Ninh luôn sống tích cực, mong muốn được làm việc. Ông đọc sách, xem tất cả phim điện ảnh của thế hệ trẻ và chưa bao giờ nghĩ rằng mình già mà không quan tâm, suy nghĩ về đời sống văn nghệ nước nhà. Còn trong gia đình, ông sống rất tình cảm với con cháu.
Theo Phạm Nhuệ Giang, ảnh hưởng lớn mà đạo diễn Hải Ninh để lại với chồng chị – đạo diễn Nguyễn Thanh Vân – là tình yêu điện ảnh. Từ bé, Nguyễn Thanh Vân đã được bố dẫn tới trường quay, chứng kiến và nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật. Từ khi về làm dâu, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cũng có một người cha, một người đồng nghiệp để thường xuyên trao đổi về kịch bản, về đời sống phim ảnh. Theo Nhuệ Giang, có lúc họ có tranh cãi, có lúc đồng cảm nhưng đó là điều tốt cho nghệ thuật và sự nghiệp của chị.
Đạo diễn Nhuệ Giang cho biết bố chồng chị là một người sống tình cảm, tích cực, yêu cuộc sống và phim ảnh.
Còn đạo diễn Đặng Nhật Minh – một người làm điện ảnh cùng thời với đạo diễn Hải Ninh – trích dẫn câu thơ của Evtushenko để nói về cảm xúc trước mất mát này: “Quy luật thiên nhiên thẳng thừng, khắc nghiệt / Mỗi con người ra đi – một thế giới mất đi”.
Video đang HOT
NSND Hải Ninh tên thật là Nguyễn Hải Ninh, sinh ngày 31/12/1931 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nguyên Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam. Ông học lớp đạo diễn đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam và là một trong những người đặt viên gạch cho nền điện ảnh Việt. Bộ phim đầu tiên của Hải Ninh là “Một ngày đầu thu” với vai trò phó đạo diễn. Sau đó, ông ghi dấu ấn khó quên với những tác phẩm như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”, “Đêm hội Long Trì”…
Nhiều bộ phim của đạo diễn gạo cội giành được những giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim trong và ngoài nước như: “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm” – giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần hai, giải thưởng Hòa bình thế giới của Liên Bang Xô Viết tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva năm 1973; “Em bé Hà Nội” – giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1973; giải đặc biệt của LHP quốc tế Matxcơva 1975.
Đạo diễn Hải Ninh và con trai Nguyễn Thanh Vân.
Năm 2007, đạo diễn Hải Ninh đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm: “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Người chiến sĩ trẻ”, Mối tình đầu” và “Thành phố lúc rạng đông”. Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1984.
Nối nghiệp cha, con trai ông là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng có nhiều đóng góp với nền điện ảnh Việt qua các tác phẩm “Đời cát”, “Cây bạch đàn vô danh”, “Trái tim bé bỏng”… Con dâu ông – Phạm Nhuệ Giang – nổi tiếng với các phim “Thung lũng hoang vắng”, “Tâm hồn mẹ”…
Hà An
Theo VNE
Những bộ phim Việt được thế giới biết đến
Đối với nền điện ảnh còn non yếu như Việt Nam, một bộ phim được thế giới chú ý luôn là niềm tự hào với mỗi người dân.
Sau đây là 5 bộ phim tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam được thế giới biết đến.
Cánh đồng hoang
Đây được xem là tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam, được bạn bè nhiều nước trên thế giới biết đến. Giới làm nghề cũng như công chúng hâm mộ điện ảnh đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến. Bởi khi xem phim, người ta cảm nhận rõ nét về sự đấu tranh kiên cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Ngoài ra, phim còn gây ấn tượng mạnh vì ngôn ngữ điện ảnh rất cô đọng.
Bộ phim "Cánh đồng hoang"
Cánh đồng hoang còn giúp khán giả thế giới nhìn thấy điện ảnh Việt Nam có rất nhiều nhân tài trong môn nghệ thuật thứ 7 như: Hồng Sến, Lâm Tới, Thúy An, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng... - những nghệ sĩ đã góp phần làm nên thành công của kiệt tác này.
Con chim vành khuyên
Rất nổi tiếng tại nước Nga, Con chim vành khuyên được một nhà phê bình điện ảnh xứ Bạch Dương phát hiện ra "là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam làm theo phong cách thơ".
Phim do hai đạo diễn Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ thực hiện có độ dài chưa đầy 60 phút nhưng giàu ý tứ và súc tích, dung dị và sâu sắc.
NSƯT Tố Uyên thời bé vào vai Nga trong "Con chim vành khuyên"
Tuy là bộ phim tốt nghiệp của hai đạo diễn nhưng Con chim vành khuyên vẫn có sức sống lâu bền theo thời gian và được xem là tác phẩm mẫu mực của điện ảnh nước nhà. Hình ảnh bé Nga hy sinh vì đất nước đã khiến bao thế hệ người xem xúc động. Và chính bộ phim này cũng đưa tên tuổi NSƯT Tố Uyên trở thành một diễn viên nhí bất tử của màn ảnh nước nhà.
Vĩ tuyến 17 ngày và đêm
Ra đời từ năm 1972 nhưng đến nay bộ phim này vẫn còn được nhắc đến như một dấu mốc đáng nhớ của lịch sử điện ảnh nước nhà nói chung và của đạo diễn Hải Ninh nói riêng. Tác phẩm có sức sống lâu bền bởi phản ánh chân thực cuộc đấu tranh anh hùng của dân tộc ta, mà tiêu biểu trong phim là hình ảnh chị Dịu kiên cường bất khuất, đã hy sinh mọi hạnh phúc cá nhân để góp hết sức mình cho cuộc giải phóng dân tộc.
Nữ diễn viên huyền thoại của Mỹ Jane Fonda từng rất xúc động khi xem Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Bộ phim này rất nổi tiếng tại Liên Xô cũ và từng giành giải thưởng tại Liên hoan phim Moscow. Phim cũng được trình chiếu nhiều lần tại nước Nhật và một số quốc gia Ả Rập.
Bao giờ cho đến tháng Mười
Cốt truyện dung dị, ngôn ngữ điện ảnh tiêu biểu và giàu tính nhân văn, Bao giờ cho đến tháng Mười là bộ phim Việt Nam được nhiều nước trên thế giới biết đến. Phim nêu bật hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam với tính chịu thương chịu khó, hy sinh thầm lặng vì chồng vì con. Diễn xuất tinh tế và tự nhiên của NSƯT Lê Vân đã biến nhân vật Duyên trở thành nữ nhân vật đắt giá trên màn ảnh nước nhà. Đây cũng là vai diễn tốt nhất trong sự nghiệp của nữ diễn viên này.
NSƯT Lê Vân vào vai Duyên trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười"
Bao giờ cho đến tháng Mười được trình chiếu nhiều nơi trên thế giới, được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá. Năm 2008, kênh CNN của Mỹ bầu chọn tác phẩm này vào danh sách 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.
Đời cát
Đây là một bộ phim đậm chất văn hóa và hơi thở con người Việt Nam nhưng cách kể chuyện mang tầm thế giới. Phong cách kể chuyện của Đời cát dễ hiểu, khán giả nước ngoài dễ xem và dễ dàng tiếp nhận nội dung, thông điệp, ý tứ... của tác phẩm. Thành công đáng chú ý của bộ phim này chính là việc tác giả đã tìm ra được những ý tưởng nghệ thuật, đong đầy tính nhân văn với đề tài chiến tranh vốn được khai thác rất nhiều trong phim Việt Nam.
Đời cát được cộng đồng yêu phim nước ngoài đánh giá rất cao. Nó được vinh danh bằng nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá tại các Liên hoan phim quốc gia lẫn quốc tế. Bộ phim cũng đã giúp điện ảnh nước nhà khai sinh ra một ngôi sao điện ảnh, đó là nữ diễn viên Mai Hoa.
Theo TTVN
Phim chiến tranh Việt Nam khó "hút" khán giả Khán giả chờ đợi sự đột phá mới ở dòng phim mà trong khoảng thời gian gần đây thiếu vắng những tác phẩm thực sự hấp dẫn. Thiếu tính triết lý Kịch bản sâu sắc, chân thực là chất liệu tạo dựng nên một bộ phim chiến tranh hay. Để viết được những kịch bản như vậy, nhà biên kịch không thể dễ...