Đạo diễn Danh Dũng: ‘Về nhà đi con’ thành công vượt xa mọi sự tưởng tượng
Nguyễn Danh Dũng – đạo diễn ‘ Về nhà đi con’ và êkíp dự đoán phim sẽ thu hút khán giả nhưng những gì phim đạt được qua 85 tập đã vượt mọi mong chờ.
Đạo diễn Danh Dũng (bìa phải) cùng êkíp ‘Về nhà đi con’ tại buổi họp báo đầu tháng 4/2019. Ảnh: Thành Đạt
“Chúng tôi như một gia đình làm phim về gia đình”
- ‘Về nhà đi con’ thành công thế nào so với những dự tính của anh khi nhận dự án này?
- Khi quyết định làm một bộ phim lấy cảm hứng từ Khi người đàn ông góa vợ bật khóc, chúng tôi có đôi chút áp lực nhưng cũng tự tin vì từ năm 2013 đến 2019, xã hội đã có nhiều thay đổi và cách tiếp cận của khán giả với một bộ phim đã khác đi nhiều. Ngay từ đầu, chúng tôi xác định làm một bộ phim gia đình thì phải tạo được sự gần gũi, ấm áp và khiến cho khán giả thấy có hình bóng của mình trong đó. Với cách tiếp cận ấy, chúng tôi dự liệu đây sẽ là bộ phim kéo được khán giả. Tuy nhiên, sự thành công mà bộ phim có được đã vượt xa tất cả những gì chúng tôi tưởng tượng.
Đạo diễn Danh Dũng. Ảnh: Thành Đạt
- Anh nghĩ đâu là yếu tố tạo nên thành công cho ‘Về nhà đi con’?
- Với phim này, tôi không thể nói đâu là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công và sự hấp dẫn với khán giả. Có lẽ đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Thứ nhất là đạo diễn – NSƯT Đỗ Thanh Hải đã quyết định rất nhanh việc xây dựng một bộ phim lấy cảm hứng từ Khi người đàn ông góa vợ bật khóc. Thứ hai là kịch bản không đi theo lối mòn, tận dụng rất ít chi tiết của bộ phim cũ và xác định làm mới nhân vật ngay từ đầu. Tất cả các nhân vật đều có đời sống mới, có hoàn cảnh khác nhau và được đặt vào những nhọc nhằn mà nhiều người ở đời thường có thể gặp phải. Thứ ba là cách thể hiện và sự sáng tạo của các diễn viên – những người đóng vai trò như bộ mặt của phim. Thứ tư là các thành phần đoàn đã biết gắn kết với nhau, chúng tôi như một gia đình làm phim về gia đình.
- Là người có quyền lực cao nhất ở trường quay, anh đã làm gì để gắn kết các thành viên trong đoàn làm phim của mình?
- Một đoàn làm phim trước hết phải chuẩn chỉ về giờ giấc, thứ hai là tất cả đều đặt công việc lên hàng đầu, coi trọng tính hiệu quả bao gồm tiến độ và chất lượng của cảnh quay. Tôi luôn tạo ra không khí thoải mái trong đoàn vì hiểu rằng chỉ khi cảm thấy thoải mái, mọi người mới có thể hưng phấn với công việc, gắn kết với nhau và cao hơn là phát huy tính sáng tạo. 6 tháng quay phim là 6 tháng anh em ở với nhau nhiều hơn ở với gia đình. Mọi người luôn gắn kết, tương tác và hỗ trợ nhau trong công việc.
- Bảo Thanh từng chia sẻ, cô ấy rất tâm đắc với câu hỏi “Làm sao để cái này ấm áp nhỉ?” mà anh dành cho các diễn viên trong mỗi phân đoạn. Anh nghĩ gì về điều đó?
- Không chỉ phim này mà từ trước đến giờ, tôi đều chú ý đến hoàn cảnh để đặt nhân vật vào sao cho hợp lý nhất và tận dụng được tối đa sự sáng tạo của tất cả các thành phần. Kịch bản đã có sẵn nhưng tôi luôn tự hỏi nó đã đủ sáng tạo chưa, đủ để khiến diễn viên cảm thấy thoải mái nhất khi bước vào cảnh quay và có thể thoại những câu chữ đấy chưa. Cách làm việc của tôi không như công thức 1 1=2, răm rắp tuân theo kịch bản mà coi đó là gốc rễ để mọi người cùng nhau sáng tạo. Điều đó giúp cho diễn viên hoàn toàn hóa thân vào vai diễn, D.O.P (đạo diễn hình ảnh) thăng hoa trong cách đặt góc máy sao cho đúng với tâm lý và hoàn cảnh của nhân vật….
Mỗi cảnh quay trong chuỗi cảnh quay của 85 tập phim đều được vun đắp bởi tất cả êkíp bao gồm đạo diễn, diễn viên… Từ đó, những câu thoại đắt giá, đúng với văn hóa và hoàn cảnh của nhân vật được sáng tạo ngay tại phim trường, khiến mỗi cảnh quay trở nên sinh động hơn. Đấy chính là hiệu quả của sự tương tác và sáng tạo với kịch bản.
Hệ thống nhân vật trong ‘Về nhà đi con’.
“Chúng tôi đã cắt đi chục tập so với kịch bản ban đầu”
Video đang HOT
- Phim được rất nhiều người yêu thích nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến tâm lý của anh cũng như êkíp trong quá trình hoàn thiện các tập tiếp theo?
- Bắt tay vào làm Về nhà đi con, tôi chỉ đặt mục tiêu tạo ra một sản phẩm văn hóa gần gũi, ấm áp, có sự lôi cuốn nhất định chứ không dám nghĩ đến việc phim sẽ được khán giả trông đợi nhiều đến thế khi lên sóng. Kỳ vọng của khán giả đôi khi khiến những người làm phim rất mệt nhưng cũng là động lực để chúng tôi làm tốt hơn.
Trước khi bấm máy, tôi đã ngồi mổ xẻ cùng biên kịch, biên tập Thủy Nguyễn. Từ đó, chúng tôi đã tính toán và lên đề cương rất chặt chẽ cho phim từ đầu đến cuối. Mỗi tình tiết trong phim như những con sóng, con này vỗ ào, con kia vỗ nhẹ và tất cả tạo ra sự hài hòa, cân đối cũng như nhiều màu sắc, sắc thái cho tổng thể câu chuyện. Chúng tôi trân trọng ý kiến khán giả nhưng mạch chuyện, số tập hay dung lượng của phim đều đã được định hướng rất kỹ ngay từ đầu nên chỉ biết tiếp tục làm theo điều đó để phục vụ đại đa số khán giả. Chúng tôi tiếp thu mọi đóng góp và sẽ áp dụng cho những phim sau.
- Anh giải thích thế nào về việc phim được định hướng rất kỹ ngay từ đầu nhưng lại có 85 tập thay vì 66 tập như dự kiến?
- Kịch bản của Về nhà đi con từ đầu đến cuối chỉ có 66 tập, không có chuyện viết thêm nhưng có 2 yếu tố dẫn đến việc số tập của phim nhiều hơn dự hơn. Thứ nhất là do sự hưng phấn, sáng tạo của các diễn viên và êkíp trên trường quay. Chỉ cần mỗi người như ông Sơn, cô Huệ hay cô Thư… muốn phát triển nhân vật của mình thêm một tí để tạo sức thuyết phục, bộc lộ mạnh nhất tính cách nhân vật là các phân đoạn đã dài thêm so với dự kiến. Thứ hai là do biên kịch lần đầu chuyển từ viết phim 45 phút sang 25 phút nên chưa thể định lượng đúng. Hai yếu tố đó kết hợp lại đã khiến cho số tập của Về nhà đi con tăng lên tới 85 tập. Khán giả bảo chúng tôi cố tình bôi ra nhưng thực tế không phải vậy. Nếu so đi tính lại thì chúng tôi đã thêm rất nhiều và cũng cắt đi khoảng chục tập so với kịch bản ban đầu.
- Anh đã cắt đi những gì trong kịch bản gốc?
- Đây là phim ngắn với thời lượng 25 phút nên tôi muốn đưa ra nhiều thông tin nhất có thể trong mỗi tập, mạch chuyện cuốn hút liên tục để khán giả đỡ chán. Vì thế, tôi quán triệt ngay từ đầu là sẽ lược bỏ hết những phân đoạn dẫn dắt người xem, để nhân vật ngồi một mình. Nếu không có sự va đập hay tương tác gì trong 2-3 phút thì chắc chắn khán giả sẽ không còn hứng thú với phim. Một tập phim có 25 phút mà để một ông ngồi ủ ê 5 phút thì làm gì còn cái gì để xem nữa.
- ‘Về nhà đi con’ quy tụ dàn diễn viên gồm nhiều người nổi tiếng từ các bộ phim gây sốt gần đây như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh… Tiêu chí chọn diễn viên của anh là gì?
- Chúng tôi lựa chọn diễn viên dựa trên tiêu chí của VFC. Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải luôn xác định mỗi phim của VFC đều phải chỉn chu, cầu toàn từ yếu tố đầu tiên là kịch bản. Khuôn mặt của diễn viên cũng phải phù hợp, ấn tượng và mang được sắc thái riêng cho từng dòng phim. Không chỉ Về nhà đi con có sự đầu tư về diễn viên, tất cả các phim thực hiện song song và trước đó cũng đều kỹ càng như vậy.
- NSƯT Trung Anh nhận vai ông Sơn khi ‘Về nhà đi con’ đã bấm máy được một tháng. Tại sao anh và đoàn phim kiên định chờ đợi lâu đến thế?
- Từ khi đọc kịch bản, chúng tôi đã nghĩ ngay đến anh Trung Anh. Đấy là một hình mẫu ăn vào đầu của đoàn phim. Thế nhưng thời điểm đó NSƯT Trung Anh đang rất bận với một dự án khác nên không thể tham gia được. Vì áp lực trước việc lịch ghi hình phải đảm bảo lịch phát sóng nên chúng tôi đã tính đến phương án khác. Tuy nhiên, sau 2-3 lần trao đổi, chúng tôi thấy đó không phải lựa chọn phù hợp nên quay trở lại phương án đầu và quyết định chờ bằng được anh Trung Anh.
NSƯT Trung Anh là người nghệ sĩ tuyệt vời. Tôi rất trân trọng anh ấy khi có nhiều ý tưởng để phát triển vai diễn vượt ra khỏi hình mẫu trong kịch bản. Chúng tôi đã đàm thoại, trao đổi với nhau để cùng hướng đến nhân vật ông Sơn chất chứa nhiều dằn vặt nhưng có nhiều điều chân thật, gần gũi như mang từ đời sống vào phim.
- Làm việc với những ngôi sao truyền hình như Thu Quỳnh hay Bảo Thanh, anh thấy thế nào?
- Thu Quỳnh, Bảo Thanh hay mọi người trong đoàn đều có điểm chung là sự đam mê, cách làm việc nghiêm túc và luôn muốn làm mới mình. Trước Về nhà đi con, tôi mới chỉ xem Thu Quỳnh diễn chứ chưa từng có cơ hội hợp tác với cô ấy. Sau thành công của vai My Sói trong Quỳnh búp bê, cô ấy rất muốn bước sang vai hiền dịu. Nhân vật Huệ thuộc tuýp phụ nữ của thế hệ trước, luôn chịu đựng, hy sinh, nhẫn nại và khác hẳn với My Sói nên có thể nói đây là thử thách mới của Thu Quỳnh. Ngay từ đầu, chúng tôi đã cùng nhau thống nhất xây dựng Huệ chỉn chu theo đúng kịch bản đưa ra nên khi thực hiện không có gì trở ngại cả.
Với Bảo Thanh, tôi đã làm việc với cô ấy ở nhiều phim rồi. Anh Thư là nhân vật lúc nào dễ thì rất dễ nhưng lúc nào khó thì rất khó vì nó trải qua nhiều giai đoạn từ Xính Lao, thảo mai, thực dụng, chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, lấy Vũ rồi yêu Vũ và tự dằn vặt mình… Để nhân vật này thoát hẳn lên, tạo ra sự ấn tượng và thuyết phục được khán giả trong cả 85 tập phim thì Bảo Thanh là sự lựa chọn tối ưu và tuyệt vời nhất. Ở Thanh có sự sáng tạo rất lớn và những cái riêng để luôn cuốn hút người xem, khiến khán giả cảm thấy bị thuyết phục. Thanh rất thông minh, luôn có sự đối thoại với êkíp khi làm chứ không áp đặt cái tôi cá nhân của bản thân lên bất kỳ điều gì.
- Với Bảo Hân, anh làm thế nào để tìm thấy cô gái 19 tuổi chưa bao giờ đóng phim?
- Cô gái này không phải do tôi mà bên bộ phận sản xuất đi tìm và đưa ra như một trong nhiều phương án để tất cả cùng chọn. Từ lần đầu tiếp xúc, tôi đã rất ấn tượng với cô. Chúng tôi không nhìn Bảo Hân để viết ra kịch bản cho Ánh Dương nhưng cô rất phù hợp với hình dung của đoàn làm phim. Thời gian đầu mới vào phim, Bảo Hân gặp khó khăn vì hơi ngọng và chưa có kinh nghiệm diễn xuất nhưng bù lại cô có sự tự tin mà ít diễn viên trẻ nào có được. Đó là điều rất đáng trân trọng ở Hân. Thứ hai, Hân hội tụ đầy đủ các tài năng như hát, ngoại ngữ và là người có cá tính mạnh. Tất cả những yếu tố đó khiến chúng tôi chấp nhận phiêu lưu một lần khi đặt vai Ánh Dương lên cô gái này. Chỉ sau khoảng 1 tuần, Hân đã bắt kịp nhịp độ của đoàn phim.
- Thế còn Quốc Trường thì sao?
- Quốc Trường là người mà chúng tôi ít gặp nhất. Chúng tôi lựa chọn Quốc Trường cho vai Vũ không thông qua casting mà chỉ xem những phim cậu ấy từng đóng. Cậu ấy rất thông minh. Giống nhiều diễn viên khác trong đoàn, Quốc Trường có đam mê, luôn tìm tòi về cách diễn và cách thể hiện nhân vật.
Các diễn viên trong đoàn phim Về nhà đi con rất gắn kết với nhau. Họ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách thể hiện sao cho các cảnh quay được sinh động, hiệu quả nhất. Cái tôi của mỗi cá nhân sẽ bị gạt sang một bên và đặt cái chung lên hàng đầu.
Đạo diễn Danh Dũng và NSƯT Trung Anh.
“Bộ phim của tôi được khán giả đón nhận là niềm vui cho bà xã”
- ‘V ề nhà đi con’ gây sốt trên truyền hình suốt một thời gian dài. Vợ con anh đón nhận điều đó như thế nào?
- Tôi rất trân trọng gia đình, nhất là bà xã. Chúng tôi có hai đứa con, một đứa con trai năm nay thi chuyển cấp lên lớp 10 còn một đứa mới học lớp 3. Nhà tôi không có người giúp việc vì muốn các cháu phải vận động với công việc gia đình nên khi tôi đi quay, mọi thứ trong nhà đều do bà xã đảm trách. Cô ấy chu toàn việc nhà, lo chuyện học hành, ăn uống cho các con để tôi yên tâm đi làm. Bộ phim của tôi được khán giả đón nhận cũng là niềm vui cho bà xã.
- Các con anh có ý kiến gì khi xem ‘Về nhà đi con’?
- Các con tôi chẳng bao giờ bỏ phim của bố nhưng phim này thì xem thường xuyên hơn. Hai đứa đều thích chị Ánh Dương nhưng đứa nào cũng có chính kiến riêng của mình khi theo dõi phim. Có một cái rất lạ phim này không chỉ thu hút các bác lớn tuổi mà còn tất cả các đối tượng khán giả, nhất là trẻ con. Từ người già đến con trẻ đều yêu thích Về nhà đi con là nguồn động viên lớn với tôi.
Đạo diễn Danh Dũng ở hậu trường phim.
- Anh thấy mình khi làm bố giống và khác ông Sơn thế nào?
- Ông Sơn thì hơi già nhỉ (cười). Tôi hơi nghiêm khắc, nóng lên thì cũng đánh con nhưng làm gì cũng có lý để các cháu tâm phục, khẩu phục chứ không thể lạm dụng đòn roi được. Tôi sinh ra và lớn lên ở quê, trưởng thành, lập nghiệp ở phố nên cuộc đời tương đối nhiều màu sắc, có những trải nghiệm thú vị để dạy cho các con.
- Cuộc sống của anh như thế nào sau khi phim đóng máy?
- Bây giờ là kỳ nghỉ hè của các con nên tôi dành thời gian dạy cho các cháu biết nấu cơm, giặt giũ, lau nhà… Tôi muốn hướng các con cùng tham gia các công việc trong gia đình chứ không để chúng tách ra một mình rồi thành ông phỗng thì chết.
Chi Yên
Theo Ngoisao.net
Ngân Quỳnh: "Tôi thích cảnh đánh ghen hộ con dâu trong Về nhà đi con"
Diễn viên nhập tâm nên chỉ cần quay hai lần ở cảnh bà Giang cảnh cáo Nhã - người xen vào cuộc sống vợ chồng con trai.
- Chị phân tích tâm lý nhân vật thế nào khi vào vai mẹ chồng trong tác phẩm truyền hình của đạo diễn Danh Dũng?
- Tôi rất thích nhân vật của mình. Bà Giang là người sang trọng, quý phái, cư xử điềm đạm. Tôi từng đóng nhiều vai chua ngoa, đanh đá, phản diện. Vì thế, đôi lúc đạo diễn yêu cầu tôi tiết chế để phù hợp với vai này. Mọi hành động của bà Giang đều xuất phát từ mong muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhân vật xuất hiện không nhiều nhưng là một điểm nhấn. Khi Thư có thai ngoài ý muốn với Vũ, bà Giang lẳng lặng đến gặp Thư. Nhìn cách cô chăm sóc, yêu thương bố, bà lập tức cảm mến, muốn Thư làm con dâu của mình. Tôi nghĩ đây là người mẹ tinh tế, hiểu chuyện.
- Cảnh quay nào khiến chị nhớ nhất?
- Ở tập 64, bà Giang sang tận phòng bệnh của Nhã (Quỳnh Nga đóng) - người đang nhập nhằng tình cảm với con trai - để cảnh cáo cô ta không nên phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Đây là cảnh quay khiến tôi mong chờ, bởi thể hiện sự quyết liệt trong tính cách nhân vật. Bà ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự nhưng dứt khoát, sâu cay. Tôi quay hai lần là thành công vì đã nhập tâm kịch bản từ trước. Khi tập phim phát sóng, tôi hạnh phúc vì nhận nhiều phản hồi tốt từ khán giả, được gọi là "mẹ chồng quốc dân".
- Chị thấy mình có điểm gì giống và khác nhân vật?
- Tôi giống bà Giang nhiều điểm, là mẫu người hướng về gia đình. Khi làm việc gì, tôi cũng nghĩ đến tổ ấm của mình đầu tiên. Tôi cũng tự thấy mình khá tâm lý với mọi người xung quanh, luôn chú ý đến cảm xúc của chồng, con. Tôi có con trai, năm nay 27 tuổi, chưa lập gia đình. Tôi nghĩ khi nào trở thành mẹ chồng, mình sẽ tôn trọng con dâu, không can thiệp sâu vào đời sống của các con.
Tuy nhiên, bà Giang thường chọn cách "dĩ hòa vi quý". Tôi thấy mình mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Hồi trẻ, khi mẹ phản đối tôi lấy ông xã, tôi từng trốn nhà ra đi.
Diễn viên Ngân Quỳnh ngoài đời.
- Chị ấn tượng gì về các bạn diễn trong phim?
- Tôi tương tác nhiều với NSND Hoàng Dũng (vai ông Luật, chồng bà Giang), Bảo Thanh (vai Thư), Quốc Trường (vai Vũ). Quá trình đóng phim mang đến cho tôi nhiều kỷ niệm. Nghệ sĩ chúng tôi hay đùa nhau, diễn viên miền Nam nói tiếng Bắc để trêu bạn diễn và ngược lại. Thỉnh thoảng, anh Dũng nhại tiếng miền Nam rất dễ thương để trêu tôi, khiến tôi cười không ngớt. Những lúc nghỉ ngơi, tôi và anh tâm sự nhiều về chuyện nghề, cuộc sống. Anh có nhiều kinh nghiệm hay, đáng để học hỏi.
Với Bảo Thanh, tôi thực sự khâm phục tinh thần làm việc của cô. Nữ diễn viên khi có gia đình thường bị chi phối cảm xúc nhiều. Tuy nhiên, mỗi khi đứng trước máy quay, Bảo Thanh rất tập trung, nhập tâm vào nhân vật. Thanh diễn tự nhiên, nhiều màu sắc. Đôi lúc, tôi quên thoại lúc diễn chung nhưng Thanh luôn kiên nhẫn, không bao giờ tỏ ra khó chịu.
Quốc Trường và tôi từng hợp tác chung trong vài dự án. Ngoài đời, chúng tôi rất thân thiết, xưng hô má - con. Trường đóng nhiều vai chính nhưng đến Về nhà đi con mới nổi tiếng. Tôi cảm thấy vào vai Vũ, Trường như cá gặp nước. Nhân vật có vẻ lãng tử, hào hoa giống Trường ngoài đời. Trường diễn rất sinh động, biểu cảm tốt ở đôi mắt.
- Chị gặp khó khăn gì khi ra Bắc đóng phim?
- Tôi ra Hà Nội bốn đợt để quay, đợt ngắn nhất bốn ngày, dài nhất là gần hai tuần. Ban đầu, tôi gặp khó khăn bởi nhiều thành viên trong đoàn nói khá nhanh, khiến tôi khó nắm bắt. Tôi từng bị một cậu quay phim nạt nộ vì đứng sai vị trí. Lúc đó, tôi khá bực bội vì mình lớn tuổi, có nhiều năm đóng phim. Sau đó, tôi thấy thông cảm bởi áp lực của nghề quay phim rất lớn, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Tiếp xúc nhiều với nhau, tôi thấy cậu đó là người tâm huyết, trách nhiệm, bắt cảm xúc nhân vật rất tốt.
Ê kíp sản xuất rất chu đáo, sắp xếp cho tôi chỗ ăn, nghỉ và phương tiện đi lại. Tôi khá hợp đồ ăn ở Hà Nội nên tăng cân trong quá trình quay. Ông xã tôi - anh Nguyễn Chung - đi cùng vợ ba đợt. Hai vợ chồng tôi rất mê Hà Nội, có nhiều bạn bè ở đây nên hào hứng.
- Chị có kế hoạch gì sau khi hoàn thành phim "Về nhà đi con"?
- Trước đây, tôi đóng khá nhiều phim trong Sài Gòn, được đông đảo khán giả miền Nam biết đến. Sau Về nhà đi con, tôi có thêm nhiều fan ở phía Bắc. Tôi đắt show quay quảng cáo, dự sự kiện hơn. Tuy nhiên, với nghệ sĩ, điều hạnh phúc nhất là sự đón nhận của khán giả, không phải tiền bạc. Tôi cũng lựa chọn để xuất hiện một cách vừa phải, có chọn lọc.
Vài ngày tới, tôi sẽ quay phim truyền hình mới mang tên Lưới trời. Nhiều khán giả hỏi tôi có ý định ra Bắc đóng phim tiếp không. Nếu có kịch bản hay và nhận được lời mời từ các đơn vị ở Hà Nội, tôi sẵn sàng khăn gói lên đường. Tôi thích đi đây đi đó, giao lưu với anh chị em trong nghề, khán giả ở nhiều miền để mở mang đầu óc.
Diễn viên Ngân Quỳnh và ông xã.
Ngoài đóng phim, tôi vẫn ca hát. Những lúc không quá bận, tôi sắp xếp đến biểu diễn ở phòng trà của chị Cẩm Vân ở Sài Gòn. Tôi hát ở đó một phần để thỏa mãn đam mê, phần vì quý mến vợ chồng chị Cẩm Vân. Thỉnh thoảng, tôi cũng biểu diễn ở một số tụ điểm khác. Hiện tại, tôi xác định đóng phim là nghề chính, ca hát là nghề tay trái. Tôi may mắn vì được ông xã ủng hộ mọi quyết định.
Theo Vnexpress.vn
Vừa mới khoe giọng hát vài câu thả thính, Quốc Trường đã bị Bảo Thanh "tát yêu" không trượt phát nào Chả mấy khi Quốc Trường khoe giọng hát ngọt như mía lùi thế này, vậy mà cô vợ đanh đá Bảo Thanh lại tặng cho anh chàng một món quà không thể phũ phàng hơn. Bộ phim "Về nhà đi con" không chỉ là bộ phim truyền hình gây sốt khắp MXH tại Việt Nam hiện nay bởi nội dung hấp dẫn cùng...