Đào Bitcoin có thể giảm lượng khí thải từ khai thác dầu mỏ như thế nào?
Hoạt động đào tiền mã hoá luôn được coi là tiêu tốn năng lượng và tác động tiêu cực tới môi trường.
Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ đang chứng minh hoạt động này vẫn có những đóng góp tích cực nếu được vận dụng đúng cách.
Theo CNBC, công ty dầu khí sừng sỏ của Mỹ, ExxonMobil đã hợp tác với Crusoe Energy Systems, công ty năng lượng trụ sở tại Denver, triển khai thí điểm dự án đào Bitcoin sử dụng khí gas dư thừa tại bang Bắc Dakota, tới nay đã kéo dài hơn 1 năm.
Cụ thể, Exxon sử dụng công nghệ của Crusoe biến các năng lượng thừa, thường phải đốt qua các tháp khí đốt (flare-gas) trở thành nguồn tài nguyên có ích.
Tương tự như công ty thăm dò và khai thác dầu khí Conocophillips đang triển khai tại vùng Bakken, cũng thuộc Bắc Dakota, Exxon sử dụng các khí đốt tự nhiên để chạy máy phát điện, chuyển khí thành điện cung cấp năng lượng cho các container chứa hàng ngàn máy đào Bitcoin. Chương trình thí điểm này bắt đầu thử nghiệm vào cuối tháng 1/2021 và được mở rộng sau đó 6 tháng.
Exxon không công bố rộng rãi về dự án này cho công chúng. Tuy nhiên Eric Obrock, một nhân viên có 10 năm làm việc tại công ty, với chức danh cố vấn dự báo lĩnh vực NGL (khí lỏng tự nhiên), “khoe” trên hồ sơ LinkedIn trong giai đoạn tháng 2/2019 tới tháng 1/2022 rằng mình đã “đề xuất và triển khai thành công thương mại và kỹ thuật dự án đầu tiên sử dụng hoạt động đào Bitcoin với cơ chế Proof-of-Work như một giải pháp thay thế khả thi cho việc đốt khí gas tự nhiên trong các mỏ dầu”.
Dự án đào Bitcoin của công ty dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ không thực sự nhằm mục đích kiếm lợi nhuận từ tiền mã hoá. Thay vào đó, công ty hướng tới thực hiện cam kết giảm lượng khí thải toàn ngành, nhằm đáp ứng các yêu cầu cao hơn về môi trường. Đầu tháng 3 vừa qua, Exxon trở thành công ty dầu thứ 53 tham gia ZRF, sáng kiến “Không sử dụng tháp đốt vào năm 2030″ do Ngân hàng thế giới (World Bank) phát động từ năm 2015.
Việc sử dụng công nghệ tận dụng khí dư thừa cho hoạt động đào tiền điện tử, được ước tính làm giảm lượng khí thải CO2 tương đương 63% so với các tháp đốt truyền thống.
Video đang HOT
Theo Bloomberg, công ty này cũng đang xem xét triển khai các dự án thí điểm tương tự tại Alaska, Nigeria, Argentina, Guyana và Đức.
Vấn đề lâu năm đã có lời giải
Giải pháp của Exxon và Conoco hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề đã tồn tại nhiều năm trong ngành dầu khí. Không giống như dầu mỏ, việc vận chuyển khí gas đòi hỏi phải có đường ống. Trong trường hợp khu khai thác gần với đường dẫn, công ty khai thác có thể chuyển nó đi luôn, nhưng nếu đường ống bị quá tải họ sẽ buộc phải đốt bỏ thông qua các tháp đốt. Đó là lý do tại sao mọi người thường thấy các đuốc đốt tại những mỏ khai thác dầu.
Với việc đốt bỏ khí dư thừa, các công ty dầu mỏ không chỉ tác động tiêu cực đối với môi trường, mà còn đang “đốt tiền” của chính mình.
Trong khi đó, hoạt động đào Bitcoin, chỉ yêu cầu kết nối Internet là có thể tiến hành ở bất kỳ địa điểm nào. Không chỉ vậy, chi phí biến đổi chủ yếu của thợ đào chính là năng lượng, do đó họ luôn được khuyến khích tìm kiếm những nguồn năng lượng rẻ nhất.
“Đây quả thực là 1 cách tuyệt vời để xử lý năng lượng dư thừa và giải quyết 2 vấn đề cùng 1 lúc”, Cully Cavness, Chủ tịch Crusoe cho biết. Công ty này được hậu thuẫn bởi Valor Equity Partners, 1 trong những nhà đầu tư lớn nhất của Tesla. “Các hệ thống của chúng tôi đã giúp hơn 10 triệu khí gas không bị đốt hàng ngày”.
Các công ty khai thác dầu thường chọn cách đốt bỏ khí gas dư thừa do ít gây hại cho môi trường hơn so với việc giải phóng khí methane trực tiếp vào không khí, vốn đã được chứng minh gây ra hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 84 tới 86 lần so với lượng khí thải CO2 trong 20 năm.
Mặc dù vậy, ngay cả việc sử dụng tháp đốt, một lượng khí methane vẫn thoát ra ngoài do gió và các yếu tố khác. Khai thác Bitcoin tại chỗ có thể giải quyết triệt để vấn đề này khi 100% khí methane được đốt cháy và không thể rò rỉ vào không khí qua các lỗ thông hơi.
“Sẽ chẳng ai dùng nó để chạy máy phát điện trừ khi nó có thể tạo ra lợi nhuận, vì máy phát điện cũng tốn chi phí mua sắm và bảo trì”, Adam Ortolf, Giám đốc phát triển kinh doanh của Upstream Data, công ty chuyên sản xuất và cung ứng giải pháp đào tiền mã hoá cho các cơ sở khai thác dầu mỏ.
Các hệ thống của Crusoe được xây dựng để đáp ứng tính khả thi về tài chính cho các công ty khai thác. Những thiết bị sẽ được lắp đặt ngay trên bệ dầu, chuyển khí gas dư thừa thành điện, và cung cấp cho mạng lưới máy tính tại khu vực giếng khoan.
“Hệ thống phát điện của chúng tôi có thể đốt cháy tới 99,9% lượng khí methane, từ đó giảm đáng kể lượng khí thải độc hại này thoát ra môi trường”, Cavness khẳng định.
Đào Bitcoin ngày càng gây hại đến môi trường
Chỉ 25% nguồn điện dùng để đào Bitcoin là năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.
Dù các công ty khai thác Bitcoin (BTC) cố gắng ứng dụng năng lượng sạch cho hệ thống của mình, gần 75% điện các thợ đào sử dụng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.
Trung Quốc là quốc gia có lượng máy đào lớn nhất thế giới trước khi lệnh cấm được ban hành. Các xưởng đào thường được lắp đặt gần các nhà máy thủy điện, giúp họ tận dụng được giá điện rẻ. Nhờ vậy, nguồn năng lượng chính được các thợ đào Trung Quốc sử dụng có phần thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, lệnh cấm đào tiền số của chính phủ Trung Quốc vào tháng 5/2021 đã đem đến nhiều hệ lụy, theo CNN. Các thợ đào buộc lòng phải đem máy móc của họ phân tán đi khắp nơi. Các quốc gia được chọn làm điểm đến mới như Kazakhstan, Mỹ đều sử dụng điện từ than đá, hóa thạch khiến cho việc đào BTC một lần nữa trở thành vấn nạn với môi trường.
Lượng máy đào BTC tại Kazakhstan, Mỹ, Nga tăng mạnh sau lệnh cấm tại Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của ông Alex de Vries, nhà nghiên cứu tại Đại học Vrije Universiteit Amsterdam, các xưởng đào tại Kazakhstan sử dụng nguồn than đá thô. Điều này khiến cho hoạt động khai thác coin tại đây thải ra nhiều khí carbon hơn.
Đào BTC là hoạt động sử dụng lượng máy tính để xác thực các giao dịch được thực hiện trên mạng lưới blockchain Bitcoin. Càng nhiều thợ đào tham gia xác thực, mạng lưới sẽ được bảo mật tốt hơn.
Tính đến tháng 8/2021, chỉ 25,1% lượng điện mà các xưởng đào sử dụng có nguồn gốc thân thiện với môi trường như thủy điện, pin mặt trời, theo CNN. Con số này thấp hơn 17 điểm phần trăm so với mức trung bình năm 2020.
"Lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc đã bị phản tác dụng khi năng lượng hóa thạch được sử dụng nhiều hơn. Các xưởng đào tại Mỹ thường sử dụng khí đốt tự nhiên để cấp điện", ông de Vries chia sẻ.
Theo ông de Vries, lệnh cấm đào BTC không đem lại hiệu quả, một phần do xu hướng đào coin tại nhà đang lên ngôi. Theo dữ liệu từ Google Trends, Facebook, Reddit, ngày càng nhiều người tìm hiểu cách khai thác tiền số tại nhà.
Đào coin là chủ đề được tìm kiếm nhiều trong thời gian qua.
Đào Bitcoin đang bùng nổ khắp nơi trên thế giới. Theo CNN, bang Kentucky là trung tâm đào coin của Mỹ. Chính quyền Kentucky đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho các xưởng đào nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác than đá của bang.
Hơn 200 công ty đã tham gia vào hiệp ước khí hậu của giới tiền mã hóa. Họ cam kết sẽ cắt giảm toàn bộ lượng khí thải carbon ra môi trường vào năm 2030. Ngoài ra, các công ty này sẽ chuyển sang dùng năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên theo đánh giá từ Euronews, việc chuyển đổi toàn bộ nguồn điện sang năng lượng tái tạo đang gặp khó khăn. Năng lượng xanh, sạch có giá tiền cao hơn so với điện có nguồn gốc hóa thạch.
"Chính phủ các nước cần thi hành các biện pháp cứng rắn hơn nếu muốn hướng đến mục tiêu không khí thải carbon. Các chính sách hiện có không đem lại hiệu quả", ông de Vries bình luận.
Một quốc gia thiếu điện vì thợ đào Bitcoin Nhiều vùng của Kazakhstan bị thiếu điện vì việc gia tăng khai thác tiền số tại nước này. Matthew Heard, một kỹ sư phần mềm đến từ San Jose bày tỏ sự lo lắng về 33 máy đào Bitcoin của mình ở Kazakhstan. Trong tuần qua, quốc gia này liên tục cắt điện nhằm hạn chế nguồn cung năng lượng cho thợ khai...