Đảo Bé – Nơi muốn đến không chỉ một lần
Bất kỳ ai đặt chân đến xã đảo An Bình ( Lý Sơn, Quảng Ngãi), hay thường được gọi với cái tên thân mật là Đảo Bé, đều được chiêm ngưỡng thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng sự yên bình và trải nghiệm những điều lý thú. Chắc chắn, ai rồi cũng muốn có lần tiếp theo.
Bình yên và hoang sơ
Nằm cách Đảo Lớn của Lý Sơn khoảng 3 hải lý về phía Tây Bắc, xã đảo An Bình có diện tích 0,69 km2, dân số gần 400 người thuộc 92 hộ dân sinh sống với nghề đánh bắt hải sản và trồng hành, tỏi. Theo các nhà địa chất, trước đây, Đảo Bé gắn liền với Đảo Lớn. Sau một cơn địa chấn cực mạnh, một phần phía tây Đảo Lớn bị tách ra và hình thành nên Đảo Bé như bây giờ.
Một góc Đảo Bé
Để đến được xã đảo này, từ TP Quảng Ngãi, bạn có thể di chuyển bằng đường bộ đến Cảng Sa Kỳ, từ đây lên tàu cao tốc ra Đảo Lý Sơn (Đảo Lớn) rồi tiếp tục đi ca nô sang Đảo Bé. Thời điểm thích hợp nhất để đến đây là từ cuối tháng 2 dương lịch đến hết tháng 9 dương lịch.
Buổi sáng, cả không gian đảo nhỏ trở nên thơ mông biết bao với những mái nhà nhỏ nhấp nhô; những ruộng tỏi, ruộng hành bậc thang trải dài; bầu trời phủ một màu xanh êm dịu; bên những ghềnh đá trầm tích, từng đợt sóng xô tung bọt trắng xóa.
Đi bộ dọc theo con đường trên đảo ra các bãi tắm, bạn được thỏa thích đắm mình trong làn nước xanh mát, trong vắt, ngắm thiên nhiên hoang sơ và tận hưởng phút giây bình yên giữa biển trời mênh mông. Bạn cũng có thể tham gia lặn biển để ngắm san hô, những đàn cá tung tăng bơi lội, hoặc đi vòng quanh đảo nhặt vỏ ốc, áp vào tai để tận hưởng giai điệu du dương của biển.
Buổi trưa, còn gì bằng khi trong làn gió mát nhẹ thổi về từ phía biển, bạn cùng người thân hay bạn bè thưởng thức các món ăn do chính tay người dân ở đây chế biến như: gỏi ngồng tỏi; ngồng tỏi xào hải sản; gỏi rong biển; các món hải hản hấp, nướng tùy theo sở thích của mỗi người… .
Ở đảo An Bình, bạn còn có thể dạo chơi quanh làng, trải nghiệm chèo thuyền thúng lênh đênh trên biển, ngắm hoàng hôn và trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện, nỗi niềm cùng người dân nơi đây. Đảo không có nhà nghỉ, khách sạn, vì thế bạn có thể chọn cho mình một nhà dân để nghỉ ngơi, để cùng sinh hoạt và tận hưởng cuộc sống của một người dân đảo thực thụ, hay có thể cắm trại, đốt lửa, và ngắm biển về đêm cùng với bạn bè. Nhất là những dịp có trăng, Đảo Bé lung linh như những bức tranh cổ tích.
Độc đáo những bức tranh tường
Video đang HOT
Mới đây, An Bình còn được nhiều người biết đến không chỉ bởi thiên nhiên mê đắm lòng người mà còn là ngôi làng bích họa về chủ đề biển, đảo. Được biết, hoạt động xây dựng làng bích họa do chính quyền huyện đảo Lý Sơn phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Khu bảo tồn biển Lý Sơn thực hiện bắt đầu từ ngày 1 đến 8/6. Đây là dự án vừa nhằm thu hút khách du lịch vừa để tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là loài rùa biển trước nguy cơ tuyệt chủng.
Khách du lịch chụp hình lưu niệm cùng trẻ em xã đảo
Theo đó, với chủ đề “Tôi yêu biển đảo/ Sinh ra để sống hoang dã”, một nhóm họa sĩ trẻ đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã “biến” các ngôi nhà cũ kỹ nơi đây thành các bức tranh sinh động. Từ cổng làng, những bức tranh kích thước lớn, tông màu xanh dương chủ đạo thể hiện cuộc sống dân đảo gắn liền với bảo vệ thiên nhiên đã thu hút người xem. Đi vào bên trong, các ngôi nhà hai bên đường trước đây đã được khoác lên tấm áo mới, rực rỡ và ấn tượng, khiến không gian trên đảo sinh động hẳn.
Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho rằng, việc vẽ những bức bích họa trên Đảo Bé ngoài ý nghĩa từng bước thay đổi nhận thức, thái độ ứng xử mọi người đối với môi trường biển, đặc biệt là động vật hoang dã, còn làm cho đảo có thêm sắc màu. “Người dân rất phấn khởi khi làng quê bỗng trở nên sáng hơn, đẹp hơn. Chúng tôi hy vọng với ý tưởng này sẽ thu hút được nhiều du khách đến với huyện đảo Lý Sơn, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển” – ông Vy nói.
Còn du khách Nguyễn Mỹ Hạnh ở TP Đà Nẵng hào hứng chia sẻ, những bức họa ở Đảo Bé đã tiếp thêm trong chị ngọn lửa tình yêu biển, đảo.
Không ồn ào, nhộn nhịp, đông đúc như những hòn đảo du lịch khác, như chính tên gọi của nó, An Bình mang đến cảm giác thư thái, tự tại và bình yên. Đảo Bé đã tự tạo cho mình nét đẹp riêng mà vẫn có một sức hút lạ kỳ níu giữ bao bước chân của du khách đã từng đặt chân đến nơi này.
Loanh quanh với Đảo Bé
Nghe nói tôi sẽ đi Lý Sơn, một người bạn ở Quảng Ngãi bảo rằng, ra đó phải bỏ chút ít thì giờ đi Đảo Bé. Trong cái kiến thức ít ỏi của mình, tôi lên Google để tìm hiểu về hòn đảo này.
Và thật thú vị vì ngoài cái tên Đảo Bé, hòn đảo chỉ rộng khoảng hơn 1km này còn có tên An Bình.
Cảnh biển ở Đảo Bé
Hỏi người dân tại đây tại sao có tên An Bình? Họ bảo chắc vì sống đơn giản, chẳng cãi cọ nhau. Cả đảo khoảng 116 hộ dân, có nghĩa là toàn đảo chỉ vài trăm người. Hòn đảo nhỏ có điện lưới Quốc gia từ năm 2016, đây cũng là xã cuối cùng trong 184 xã của tỉnh Quảng Ngãi có điện thắp sáng. Theo lịch sử thì cách ngày nay khoảng 25 - 30 triệu năm, một sự kiện địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa ngoài biển và sau đó nguội lần đi đã hình thành đảo Lý Sơn, và có lẽ Đảo Bé cũng hình thành từ đó, chỉ cách Lý Sơn chừng 3 hải lý (7km).
Cầu cảng ở Đảo Bé
Chúng tôi gọi một chiếc ca nô, để đi và về cho tiện. Trong cuộc hành trình 10 phút qua tới đảo, tôi hình dung ca nô sẽ tấp vào một bãi cát trắng xinh đẹp, chúng tôi sẽ bước xuống bãi cát đó và dọc theo bãi biển là những hàng dừa và nhà dân. Sự thật hoàn toàn không phải vậy vì tôi ở Nha Trang nên cứ ngỡ bãi biển nào cũng giống như thành phố mình đang ở.
Ca nô cập vào cầu cảng bằng xi măng để vào bờ, chỉ vừa xuống ca nô thì cả một lực lượng đông đảo các cô gái rộn ràng mời chào đến độ "ngộp thở", đại ý là mời đi xe thồ các cô chở vòng quanh đảo với giá 50 ngàn đồng. Thật ra đây là một dịch vụ tốt, và việc các cô ấy là cư dân ở đây chở khách đi (chỉ chừng 30- 40 phút) để tham quan tiện lợi hơn nhiều. Nhưng chính vì khách thì ít mà đội ngũ chạy xe kiếm sống thì nhiều nên việc níu kéo khiến cho khách hoảng sợ.
Từ cầu cảng đi bộ một đoạn thì gặp hai quán nước rất tạm bợ, nơi đây bán nước mía, nước ngọt và các thứ lặt vặt, cũng là chỗ tập trung chở khách đi dạo Đảo Bé. Nhìn một đổi chẳng biết đi đâu, khách đều lên yên xe một cô gái nào đó để cô ấy chở đi. Riêng chúng tôi vì muốn tự do hơn nên thuê một chiếc xe có sẵn xăng với giá 70.000 đồng... đi không giới hạn (nói cho vui chứ đảo có con đường vòng đi là hết).
Con đường xuyên qua Đảo Bé
Con đường xuyên từ bên này sang bên kia đảo làm bằng xi măng, những ngôi nhà xây cất rất tạm bợ, có thể do vận chuyển vật liệu khó khăn, trước các nhà có những bãi đất san ủi để trồng hành hoặc tỏi. Đi tận cuối con đường là bãi tắm, hai bên bãi tắm đều có quán bán hải sản và một số thức ăn. Họ không níu kéo mà chỉ nói vọng: "Anh chị cứ tham quan đi, tham quan xong thì ghé". Bãi tắm ở đây có những mỏm đá đen và bao quanh Đảo Bé cũng có rất nhiều mỏm đá đen, nước biển xanh, hiện rõ đá và các loài sinh vật biển bên dưới, góc biển nào chụp ảnh cũng rất đẹp.
Một góc của Đảo Bé
Con đường vòng quanh đảo làm bằng xi măng, chủ yếu để phục vụ du khách ngắm nhìn biển. Biển nơi này rất đẹp và có nhiều tảng đá tạo hình dáng khác nhau với một màu đen, tránh tình trạng vào mùa biển động song biển tràn bờ, dọc theo bờ có bờ kè chắn song. Đất đai nơi này mọc rất nhiều cây dứa dại, và cây dứa dại trở thành loại cây xanh gây trồng giữ đất.
Vòng đi phía bên phải đến tận cuối là một cảnh quan đẹp với một vệt đá ngầm, ngay chỗ này có một người dân bán nước giải khát, dựng một chiếc cầu gỗ tạm bợ, lót lên đó mấy tấm thảm nhựa nhiều màu, để bảng tham quan 5.000 đồng. Tất nhiên với giá 5 ngàn thì ai cũng vui vẻ trả, mà nếu không trả thì cũng không bị phản đối.
Cây cầu dẫn ra những mõm đá để du khách có thể chụp hình
Khác với bãi biển bên phải, bãi biển bên trái tập trung khu dân cư, những con đường xen vào những ngôi nhà lô xô. Dừa được trồng rất nhiều như đặc tính của các vùng biển, có cả những lều trại cho khách ở lại đêm ở nơi này, có mấy cây bàng vuông cổ thụ, trái rụng thành "quà" cho du khách nhặt đem về. Bờ kè chắn sóng ở đây được vẽ các sinh hoạt biển cả trở thành điểm đến cho du khách.
Bãi tắm trên Đảo Bé
Việc mưu sinh bằng cách chở khách tham quan của các cô gái ở Đảo Bé nếu khách đông kiếm cũng được vài trăm. Những ngày ế ẩm, khách không tới hoặc biển động thì họ bị thất nghiệp. Khi đó Đảo Bé giống như một chấm nhỏ giữa biển khơi, cứ ở trong nhà mà nghe gió mưa gào thét.
Chúng tôi uống ly nước, rời khỏi Đảo Bé, chỉ có chiếc ca nô chờ sẵn đưa chúng tôi về lại Lý Sơn. Còn đội quân tóc dài chen đợi mời khách đi tham quan đã về nhà của họ.
Tiên Châu Tự - Ngôi chùa cổ nhất ở Vĩnh Long Nằm trên cù lao An Bình bốn mùa cây trái sum suê, Tiên Châu Tự là một trong những ngôi chùa cổ kính và linh thiêng nhất trong đời sống tâm linh của người dân tỉnh Vĩnh Long. Pothi Somron - Ngôi chùa Khmer cổ nhất Cần Thơ Miếu Bà Chúa Xứ - Điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại An Giang...