“Đánh” thực phẩm bẩn có trọng tâm
Càng gần Tết Nguyên đán, vấn đề ATTP lại “ nóng” hơn bao giờ. Trong khi đó, các kết quả kiểm nghiệm cho thấy, tỷ lệ rau củ quả và thịt, cá nhiễm hóa chất, chất cấm còn ở mức cao.
Nhiều rau quả nhiễm hóa chất vượt ngưỡng
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, qua kiểm tra cho thấy, số cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản xếp loại A, B (tốt và trung bình) chiếm hơn 50%, còn lại là số cơ sở xếp loại C (chưa đạt). Tuy nhiên, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh có sự chuyển biến rất chậm. Tỷ lệ cơ sở giết mổ gia súc gia cầm kiểm tra lần đầu xếp loại C ở mức 39,4%. Song, tái kiểm tra, vẫn còn đến 77,5% số cơ sở này không đạt tiêu chuẩn. Trong năm 2012, Bộ NN&PTNT đã ban hành gần 6.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về chất lượng vật tư nông nghiệp với số tiền hơn 10,7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Như Tiệp cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phân bón kém chất lượng…
Báo cáo từ 46/63 tỉnh, thành cho thấy, trong năm 2012, Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã kiểm tra hơn 12.000 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó có 961 cơ sở vi phạm chiếm 18,7%. Tổng số mẫu nông sản nguồn gốc thực vật đã kiểm tra là 5.330 mẫu, trong đó có 364 mẫu chiếm 6,8% nhiễm dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Kiểm tra 1.434 mẫu thịt, trong đó có 372 mẫu chiếm 26% vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật, 70 mẫu chiếm 4,9% vi phạm chỉ tiêu hóa chất cấm trong chăn nuôi.
Video đang HOT
Trong khi đó, từ tháng 10 đến tháng 12, thực hiện giám sát ATTP đối với rau, củ quả tươi, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã lấy 400 mẫu rau quả tươi tại một số tỉnh phía Bắc để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, 16/400 mẫu chiếm tỷ lệ 4% có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, Cục này đang thực hiện truy xuất nguồn gốc để phối hợp với các địa phương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.
Thành viên BCĐ về ATTP thiếu trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật ATTP đã được ban hành và có hiệu lực từ 12-6-2012, nhưng vẫn còn một số tồn tại, bất cập giữa các bộ, ngành liên quan nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đang trong quá trình xây dựng còn chậm, chưa đủ đáp ứng nhiệm vụ được giao. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa phương còn nhỏ lẻ, nhưng địa phương lại chậm quy hoạch các vùng chăn nuôi, trồng trọt an toàn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong năm 2013, Bộ NN&PTNT đưa ra mục tiêu giảm 10% tỷ lệ rau củ quả, chè nhiễm thuốc BVTV, thịt, thủy sản nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt mức cho phép theo kết quả giám sát trên diện rộng so với năm 2012 giảm 10% xếp loại C đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, công tác đảm bảo ATTP trong năm 2013 cần tìm những điểm trọng tâm để “đánh”, tạo chuyển biến. “Không thể cứ mãi chạy theo các vụ việc khi truyền thông phát hiện, khi dư luận lên tiếng chúng ta mới tập trung vào làm. Năm 2013, Bộ NN&PTNT sẽ chủ động, làm theo chiến dịch, quản lý theo chuỗi, từ con lợn nuôi trong chuồng tới bàn ăn, khâu nào yếu nhất sẽ chấn chỉnh”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh. Ngoài ra, cần khuyến khích những cơ sở làm tốt, xử lý thật nghiêm những cơ sở, cá nhân vi phạm, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng vừa gây tổn thất cho những người sản xuất, kinh doanh nghiêm túc.
“Cũng cần phải nói, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng chưa cao để chủ động phát hiện, nói không với thực phẩm “bẩn”. Ngay trong BCĐ về ATTP cũng thấy sự thiếu trách nhiệm của một số thành viên đi họp thất thường, cử người đi họp thay. Tôi đề nghị, từ sau, không thành viên nào trong BCĐ được vắng mặt hay cắt cử nhân viên đi họp thay”, ông Cao Đức Phát nói. Bên cạnh đó, dù đã sắp hết năm 2012 nhưng cũng mới chỉ có 46/63 tỉnh, thành báo cáo. Ông Cao Đức Phát cho rằng: “Tôi biết, trong số những tỉnh, thành còn lại chưa báo cáo vì không có gì để báo cáo. Cả năm không vào cuộc, không thực hiện thì đâu có gì để báo cáo, hoặc có cũng như không”. Ngoài ra, năm 2013 sẽ hoàn thiện Luật Bảo vệ thực vật, năm 2014 sẽ hoàn thiện và trình Quốc hội Luật Thú y, dần dần hoàn thiện hành lang pháp lý, để bên cạnh sự tự nguyện, sẽ có sự cưỡng chế của pháp luật nếu vi phạm.
Theo ANTD
Bộ trưởng Nông nghiệp yêu cầu truy tận gốc thực phẩm
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa yêu cầu siết chặt kiểm tra thực phẩm, giảm tỷ lệ rau củ nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Chiều 24/12, khi chỉ còn cách Tết Nguyên đán hơn một tháng, Bộ NN&PTNT họp bàn phương án kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm. Theo Cục Bảo vệ thực vật, với 400 mẫu rau, quả tươi đã lấy mẫu thì 16 mẫu có dư lượng thuốc vượt ngưỡng cho phép, chiếm 4%. Cục đang truy xuất nguồn gốc để phối hợp với các địa phương làm rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, khi kiểm định gần 700 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, Cục này phát hiện 11 mẫu nhập khẩu không đạt chất lượng.
Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, tỷ lệ rau nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng còn khá cao so với các nước tiên tiến. "Đến trước Tết, Cục sẽ tăng tần suất lấy mẫu rau củ nội địa lẫn các loại rau nhập khẩu từ các chợ đầu mối, tăng kiểm tra đột xuất và siết chặt hơn khâu kiểm dịch", ông Hồng nói.
Thịt thối bị công an bắt giữ tại cửa ngõ Sài Gòn. Ảnh: An Hội.
Theo Cục Chăn nuôi, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản tràn lan khiến người tiêu dùng hoang mang. Các mẫu kiểm nghiệm cho thấy dư lượng kháng sinh, lượng vi sinh vật còn cao trong thủy sản tươi. Chất kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi lợn dù đã giảm khoảng 4% so với năm ngoái song vẫn không loại trừ các nông hộ lạm dụng chất này...
Hiện, tình trạng này đã được siết chặt hơn, tỷ lệ mẫu kiểm nghiệm cho kết quả khả quan hơn song theo Cục Chăn nuôi, thời điểm giáp Tết có nguy cơ gia tăng bởi đây là lúc nguồn cung phục vụ lượng lớn nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh về gia súc gia cầm do thay đổi thời tiết, việc giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm tăng. Nếu không siết chặt các khâu từ giết mổ đến vận chuyển, nguy cơ bùng phát dịch dịp cận Tết dễ xảy ra.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các cơ quan phải truy tận cùng nguồn gốc các loại rau quả, thực phẩm, đặc biệt là vào thời điểm cận Tết. Với tiêu chí không hô hào, làm có trọng tâm, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan chức năng phải thực hiện triệt để các biện pháp. Trong đó, với khoảng hơn 2.000 mặt hàng đang thuộc quản lý của Bộ, ông Phát yêu cầu tập trung các hàng nông sản thiết yếu như rau củ quả, gà, lợn, hải sản...
Do nguồn lực có hạn nên Bộ trưởng Nông nghiêp yêu cầu tập trung vào khâu chính, từ trang trại đến bàn ăn, cần tìm ra những mắt xích quan trọng để giải quyết; không chỉ dừng lại ở phạt hành chính mà có thể tính đến việc truy cứu trách nhiệm dân sự, kiểm soát ngược đến toàn bộ lô hàng liên quan để truy tận gốc sự việc.
Theo VNE
Việt Nam - Nam Phi hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học Nhằm cùng nhau bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học, sáng qua 10-12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước và Môi trường Nam Phi , bà H.E. Ms. Edna Bomo Molewa đã thay mặt Chính phủ hai nước ký kết bản ghi nhớ (MoU) về bảo tồn và Bảo vệ Đa dạng sinh...