Đánh nhau, móc túi trên metro được xử lý thế nào?
Khi góp ý cho đoàn tàu metro số 1, người dân Sài Gòn lo lắng nếu xảy ra đánh nhau, móc túi, cháy nổ thì không biết xử lý thế nào vì trên toa không có an ninh, nhân viên phục vụ.
Ban Quản lý dự án (BQLDA) metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên tiến hành trưng bày mô hình đoàn tàu do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) thiết kế để người dân tham quan, góp ý kiến.
Trong một tháng (từ 16/3 – 15/4), các ban ngành, đoàn thể và người dân có thể đến bãi đúc dầm trên đường số 11 (phường Long Bình, quận 9) tham quan mô hình và góp ý.
Mô hình metro đặt tại bãi đúc dầm trên đường số 11, quận 9.
Là một trong những người tham quan đầu tiên, ông Hà Ngọc Trường (Phó Chủ tịch Hội Cầu – Đường – Cảng TP HCM) cho biết, tổng quan về tính năng, thiết kế, hình dán, màu sắc đoàn tàu thì rất tiên tiến, không thua kém metro của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Tuy nhiên, ông Trường góp ý: “Phải tăng thêm số tay vịn vì toa tàu chỉ có 48 ghế ngồi, trong khi hơn 250 người phải đứng (mô hình chỉ có 127 tay vịn)”.
Theo ông, độ cao tay vịn phải hạ xuống thêm 10 cm mới phù hợp với người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Hiện các đoàn tàu một số nước đã phân chia khu vực nam và nữ, nhưng Việt Nam thì chưa. Do vậy, chúng ta cũng nên nghiên cứu điều này.
Ông Hà Ngọc Trường tại buổi tham quan, góp ý metro.
Nhiều người thắc mắc, tại sao nhà thầu không chế tạo 4 – 5 mô hình đoàn tàu trưng bày để người dân đối chiếu, so sánh. Ưu nhược điểm của metro nước ta so với các quốc gia có metro thế nào?
Vấn đề này, ông Hoàng Như Cương – Phó giám đốc BQLDA đô thị TP HCM cho biết, đây là tuyến metro đầu tiên của Việt Nam, việc đưa ra lấy ý kiến là điều trước đây các nước có metro chưa làm.
Video đang HOT
Chi phí chế tạo mô hình tương đương với metro thật là khá cao, phải đưa từ Nhật về Việt Nam bằng đường biển. Do vậy, làm 4 – 5 mô hình trưng bày là không cần thiết, vì chúng chỉ khác nhau về màu sắc và một số chi tiết bên trong.
“Trong quá trình thiết kế metro số 1, BQLDA và nhà thầu Nhật Bản tham khảo rất nhiều nước. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các vấn đề mà metro các nơi từng gặp phải, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác vận hành”, ông Cương cho biết.
Sau khi tham quan mô hình, ông Trần Văn Toàn (cán bộ hưu trí, ngụ quận 9) băn khoăn, trên toa chỉ có camera lái tàu quan sát hành khách mà không có nhân viên phục vụ. Trong môi trường đông đúc, nếu xảy ra móc túi, trộm cắp hay đánh nhau thì không có ai can thiệp.
“Nếu trên tàu không có nhân viên thì tại các nhà ga phải có lực lượng an ninh túc trực. Khi lái tàu phát hiện kẻ gian, thì thông báo cho nhân viên an ninh trạm gần nhất tiến hành can thiệp”, ông Toàn nêu ý kiến.
Bên trong mô hình metro số 1.
Đại diện BQLDA giải thích, trên mỗi toa tàu đều có camera an ninh theo dõi. Trường hợp phát hiện kẻ móc túi, cướp giật, đánh nhau thì lái tàu nhanh chóng báo về trung tâm điều độ và nhân viên an ninh tại ga kế tiếp.
Do không ai có thể rời khỏi tàu đang chạy, các nhà ga chỉ cách nhau 1 km nên an ninh can thiệp nhanh chóng. BQLDA sẽ làm việc với công an, lên phương án bảo đảm an toàn cho hành khách khi đi metro.
Theo ông Cương, tàu chạy bằng động cơ điện xoay chiều 3 pha, 380V. Ngoài hệ thống điện lưới nối trực tiếp, còn có 2 trạm dự phòng dành riêng cho các đoàn tàu. Trường hợp mất điện diện rộng, hai trạm này sẽ cung cấp điện cho tàu ít nhất 3 giờ để về ga an toàn.
Trường hợp xảy ra sự cố, thảm họa, cháy nổ nếu tàu đang ở đường trên cao, khách có thể rời tàu bằng các cửa hông. Nếu tàu đang ở trong hầm, khách ra ngoài bằng 2 cửa thoát hiểm ở cabin, rồi đi bộ đến ga gần nhất. Trên tàu cũng trang bị tất cả những phương tiện cứu hộ cần thiết phục vụ cho mọi tình huống.
Vị trí cửa thoát hiểm ở đầu tàu.
Anh Huỳnh Tuấn Tú (ngụ Bình Dương) góp ý, trong tương lai TP HCM có 6 tuyến metro thì mỗi tuyến nên có một màu đặc trưng giúp người dân dễ phân biệt, lâu dần tạo thói quen cho người sử dụng.
“Ví dụ, khi thấy đoàn tàu metro có màu xanh da trời thì người dân sẽ biết đó là tuyến Bến Thành – Suối Tiên, màu xanh lá cây là tuyến Bến Thành – Tham Lương. Từ đó người dân sẽ dễ dàng chọn tuyến mình cần đi”, anh Tú đề xuất.
Người dân thắc mắc, tại sao không đặt mô hình ở trung tâm TP để dễ dàng đến tham quan và góp thay vì phải đi xa như hiện nay.
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng BQL Đường sắt đô thị TP cho biết, đã cân nhắc nhiều vị trí và báo cáo UBND TP. Tuy nhiên, không có nơi nào ở trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn và mặt bằng. Chỉ có bãi đúc dầm ở quận 9 đáp ứng về diện tích, trang thiết bị trưng bày mô hình metro.
Theo Tri Thức
Góp ý đoàn tàu tuyến metro số 1: Lo lắng về an ninh và số tay vịn
Sau 2 ngày mở cửa tham quan, mô hình đoàn tàu metro tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích từ người dân.
Nhiều người góp ý thẳng thắn trên tinh thần xây dựng
Theo ghi nhận của chúng tôi, đa phần người dân đến tham quan mô hình đều tỏ ra hài lòng với hệ thống metro trong tương lai. Bên cạnh đó, vẫn còn một số điểm mà người dân chưa thực sự hài lòng về đoàn tàu metro tuyến số 1.
Lưu ý về tay vịn trên cao và chỗ ngồi
Theo ông Nguyễn Văn Cửu (cán bộ hưu trí ở quận Thủ Đức, TP.HCM), nhìn chung về mặt thiết kế cũng như hình dáng của tàu khá đẹp và hợp lý. Màu sắc trên tàu bắt mắt, dễ chịu. Tuy nhiên, ông Cửu cũng góp ý thêm ở chỗ tay vịn thì nên thiết kế thêm một số chỗ cho phù hợp.
"Tôi cũng có đi tàu điện ở một số nước và thấy chúng ta làm rất tiến bộ. Ở đây tôi chỉ so sánh tàu của mình với Hàn Quốc thì tàu của mình cũng không thua kém gì nước bạn. Còn về chiều cao tay vịn ở nước ngoài tôi cũng không để ý nhưng khi xem xét kỹ tôi thấy thể hình người Việt mình nhỏ hơn thì nên tính toán lại ở chỗ đó. Tuyến Bến Thành - Suối Tiên hành khách đa phần là học sinh, sinh viên nên thể hình của các em còn nhỏ và thấp, khi các em đứng thì khó có thể với tay tới các tay vịn trên cao", ông Cửu nói.
Ông Cửu cũng đóng góp thêm về việc thiếu những bản hướng dẫn về sơ đồ tuyến, theo ông rất cần thiết phải gắn những bản hướng dẫn về sơ đồ tuyến đường, nhà ga lên xuống và nhất là các bãi giữ xe để người dân nắm rõ.
Trong khí đó, anh Nguyễn Tuấn Đạt (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết mô hình tàu Metro như hiện nay khá hiện đại nhưng cũng cần thay đổi một số điểm cho phù hợp. Theo anh Đạt, đầu tàu thiết kế nhìn hơi thô và chưa đẹp lắm, rất giống với đầu xe buýt. Đặc biệt, theo anh Đạt với sức chưa hơn 300 người trên một toa tàu thì việc thiết kế tay vịn như vậy là quá ít, cần lắp đặt thêm những hàng tay vịn ở giữa để đảm bảo có đủ tay vịn cho hành khách trong giờ cao điểm.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng (làm việc tại văn phòng thành đoàn TP.HCM) cũng nêu lên một số điểm chưa thực sự phù hợp cần được thay đổi. Theo ông Hùng, việc thiết kế hàng ghế có những lằn ranh ngăn cách chỗ ngồi của từng hành khách là không hợp lý. Thiết kế như vậy sẽ làm hạn chế số lượng ghế ngồi. Ông Hùng đề xuất nên thiết kế ghế dạng phẳng và thẳng hàng để có thể tận dụng chỗ cho nhiều người được ngồi hơn. Ông cũng lưu ý, việc 8 hành khách chỉ đứng trên khoảng diện tích một mét vuông vào giờ cao điểm là không hợp lý vì như vậy quá chật.
Cũng nhận xét về đoàn tàu, bà Phạm Ngọc Hiền (TP.HCM) cho biết: "Theo tôi thấy thì việc thiết kế hệ thống metro như hình mẫu là tương đối tốt. Tuy nhiên, tôi cũng có một số góp ý. Thứ nhất, về thiết kế hình dáng theo tôi là khá đẹp và phù hợp nhưng tôi lo ngại việc dùng màu trắng cho một số nội thất sẽ không ổn lắm vì màu trắng dễ bẩn khi sử dụng lâu dài. Thứ hai, về hệ thống tay nắm, tôi thì hơi thấp nên với độ cao tay nắm như mô hình thì nắm rất mỏi tay theo tôi nên thiết kế thêm những hàng tay nắm thấp hơn để những người có chiều cao khiêm tốn có thể nắm được".
Lo lắng về an ninh
Bên cạnh những ý kiến về hình dáng và thiết kế của đoàn tàu Metro, nhiều người cũng bày tỏ về vấn đề an ninh trật tự trong quá trình tàu vận hành.
Bà Phạm Thị Kim Bạch, Phó chánh Văn phòng Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, cho biết vấn đề mà bà quan tâm và lo lắng nhất là chuyện an ninh trật tự trên tàu khi vận hành. Theo bà Bạch, do không có nhân viên quản lý trên tàu nên rất dễ xảy ra nhiều điều rắc rối như cướp giật, móc túi hay thậm chí ẩu đả, đánh nhau. Đặc biệt, bà cũng lo ngại việc chị em phụ nữ khi đi tàu vào ban đêm rất sợ xảy ra cướp bóc hay thậm chí những vấn đề nhạy cảm. Ngoài ra, bà Bạch còn lo ngại về giá vé và cách thức phục vụ của hệ thống, tránh tình trạng nhồi nhét hành khách.
Một người dân tên Hòa cũng bày tỏ những lo ngại của ông vấn đề an ninh, mất trật tự sẽ xảy ra ngay trên toa tàu khi không có người quản lý.
Ông Hòa cho biết ngoài việc lắp đặt camera cũng nên cử người trực an ninh ở các ga lên xuống. Nhờ vậy khi xảy ra sự cố khi tàu đang chạy thì người lái tàu sẽ thông báo cho nhân viên ở ga gần nhất để can thiệp. Theo ông Hòa, nên chụp hình lưu trữ thông tin về những đối tượng trộm cắp, quậy phá và cấm đi tàu điện trong khoảng thời gian nhất định. Có như vậy người dân mới thực sự yên tâm để đi tàu điện.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, chị Huỳnh Ngọc (ở Bình Dương) cũng lo ngại về vấn đề an ninh trật tự trên toa tàu. Chị Ngọc nói: "Tôi đi tàu điện ở Singapore có cảm giác rất an toàn, lên xuống tàu có người hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi cho người già, phụ nữ có thai. Nhờ vậy tình trạng chen lấn hay xảy ra tiêu cực cũng giảm đi phần nào".
Chị Ngọc cho biết thêm, ngoài việc gắn camera ở trong toa tàu thì bên ngoài các nhà ga cũng cần phải có. Nhất là camera hướng vào các cửa ra vào để người quản lý có thể nắm rõ tình hình lộn xộn trong và ngoài toa tàu.
Đình Tuyên - Phạm Hữu
Theo Thanhnien
Chiêm ngưỡng các toa tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam Mô hình tàu điện ngầm này được trưng bày tại depot metro (quận 9, TP HCM) để người dân có thể trực tiếp đến xem và đóng góp ý kiến trong 3 tháng. Sau đó, Ban quản lý đường sắt đô thị TP sẽ tổng hợp ý kiến, tiếp thu và đề xuất chế tạo theo yêu cầu. Tuyến metro số 1 nối...