Đánh giá WD Blue SN550 1TB: Chiếc SSD NVMe ngon bổ rẻ bất ngờ
Sinh ra để thay thế dòng SN500 trước đây, WD ( Western Digital) SN550 1TB không chỉ có tốc độ cao và dung lượng lớn trong một ổ duy nhất, mà còn đi kèm mức giá rất dễ tiếp cận, chỉ nhỉnh hơn SATA và rẻ hơn đáng kể các ổ NVMe truyền thống.
Ổ cứng thể rắn (SSD) M.2 NVMe (Non-Volatile Memory Express) từng là thứ mà mọi người dùng đều mơ ước. Kích thước nhỏ gọn cùng tốc độ nhanh hơn gấp nhiều lần ổ cứng truyền thống (HDD) và SSD SATA, trở ngại lớn nhất của SSD NVMe đối với người dùng là mức giá đắt và ít tuỳ chọn dung lượng cao, trong khi đa phần các hệ thống hiện nay chỉ có một hoặc nhiều lắm là hai khe cắm M.2, khiến chúng ta buộc phải chọn SSD SATA nếu có nhu cầu lưu trữ lớn, để dành SSD NVMe cho hệ điều hành Windows và các ứng dụng hàng ngày.
Sau khi cho ra mắt dòng SN750 Black hướng tới các gamer và streamer “rủng rỉnh” hồi đầu năm ngoái, Western Digital tiếp tục trình làng dòng sản phẩm SN550 Blue dành cho phân khúc đại trà hơn. Sinh ra để thay thế dòng SN500 trước đây, SN550 bổ sung thêm tuỳ chọn 1TB cho người dùng có nhu cầu lưu trữ lớn, đồng thời được nâng cấp controller nhanh hơn, sử dụng làn PCIe 3.0 x4 thay vì x2 như SN500 và trang bị chip nhớ 3D TLC NAND 96-layer mới của WD.
Trong bài viết này, VnReview đánh giá phiên bản 1TB cao cấp nhất của SN550. Sản phẩm hiện có giá vào khoảng 2,95 triệu đồng, thậm chí còn rẻ hơn một vài mẫu SSD SATA 3 cùng dung lượng hiện đang có trên thị trường, chẳng hạn như SSD Samsung 860 EVO hay Crucial MX500, một điều rất đáng lưu tâm.
Ngoài ra, các phiên bản SN550 250GB và 500GB có giá lần lượt là 1,195 triệu đồng và 1,95 triệu đồng. Thời gian bảo hành của dòng sản phẩm này là 5 năm.
Mở hộp và tổng quan thiết kế
Tên sao thì thiết kế vậy, nếu như SN750 Black có tông màu đen thì SN550 được đóng gói trong hộp màu xanh. Tại đây, bên cạnh thiết kế sản phẩm, chúng ta có thể thấy một vài thông số chính như tốc độ đọc (tuần tự) lên tới 2.400 MB/s, dung lượng 1TB, chip nhớ 3D NAND và thời gian bảo hành 5 năm.
WD SN550 có thiết kế mạch in (PCB design) một mặt, DRAM-less để tiết kiệm chi phí sản xuất. Hai con chip lớn nhất trên sản phẩm là controller SanDisk 20-82-01008-A1 ở ngay cạnh chân tiếp xúc, và chip nhớ 1TB SanDisk 96-layer 3D TLC NAND ở đầu bên kia của PCB.
Với SN750, người dùng có thể lựa chọn phiên bản có tích hợp tản nhiệt nếu có nhu cầu, nhưng SN550 chỉ có tuỳ chọn duy nhất là không có tản nhiệt. Theo WD, SN550 được cải thiện thiết kế tản nhiệt để có thể duy trì hiệu năng trong các tác vụ kéo dài, nhưng với tốc độ không đến mức “nhanh chóng mặt” như đàn anh, tôi dự đoán nhiệt độ sẽ không phải là vấn đề của SSD này.
Về phần mềm, WD có sẵn công cụ chính chủ mang tên SSD Dashboard, và tất nhiên SN550 cũng được hỗ trợ. Tuy nhiên, do không phải sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp như SN750, SN550 không có giao diện thiết kế riêng, cũng như không có chế độ gaming chuyên dụng.Tại đây, người dùng có thể theo dõi tình trạng của ổ, bao gồm dung lượng đã sử dụng/còn trống, sức khoẻ, nhiệt độ,… Tuy không có công cụ “clone” ổ đĩa tích hợp (chẳng hạn bạn muốn chuyển dữ liệu Windows từ ổ cũ sang ổ mới), bạn có thể tải về Acronis True Image WD Edition trên trang chủ của WD.
Hiệu năng và sử dụng thực tế
Là sản phẩm cao cấp nhất của dòng SN550, phiên bản 1TB có thông số khá ấn tượng, với tốc độ đọc/ghi tuần tự tối đa 2.400/1.950 MB/s, dữ liệu ngẫu nhiên lần lượt 410.000 IOPS và 405.000 IOPS, không quá xa so với SN750 trong khi mức giá chỉ bằng gần một phần ba tại thời điểm ra mắt.
Độ bền, tính theo đơn vị TeraByte Written (TBW), của SN550 cũng là 600 tương tự đàn anh flagship. Tuy đây không phải là con số cao nhất mà tôi từng thấy, nhưng nó vẫn là quá đủ để bạn có thể sử dụng một cách thoải mái trong nhiều năm liền. Để độc giả dễ hình dung, 600TB tương đương với việc bạn có thể ghi 320GB mỗi ngày, tương đương khoảng 8 bộ phim Blu-ray Full HD, liên tục trong vòng hơn 5 năm mới hết.
Video đang HOT
Thông tin của ổ trên phần mềm Crystal Disk Info
Giống như SN500, SN550 không được tích hợp tính năng mã hoá phần cứng, nên đối tượng người dùng doanh nghiệp có thể sẽ cần cân nhắc. Nhưng với người dùng phổ thông, đây chẳng phải vấn đề gì cả, đặc biệt khi máy tính của bạn cũng phải hỗ trợ tính năng đó.
Cấu hình thử nghiệm
- CPU: AMD Ryzen 5 3600
- Bo mạch chủ: MSI B450m Mortar Max
- RAM: Corsair Vengeance 2×8GB @3200 MHz
- Card đồ hoạ: Colorful GTX 1660 Super
- NVMe: WD Blue SN550 1TB
- PSU: Antec Edge 750W 80 Plus Gold
- Case: Vitra NEFERTITI X9
Tốc độ hoạt động
Tốc độ khi copy 35GB dữ liệu, trước và sau khi hết bộ nhớ đệm
Tốc độ khi copy dữ liệu dưới 10GB
Thử nghiệm đầu tiên là tốc độ ghi file, tôi thử sao chép khoảng 35GB dữ liệu bao gồm video 4K, phim, ảnh, nhạc và nhiều loại file hệ thống với đủ các kích thước. Khi bắt đầu, SN550 đạt tốc độ dao động 900MB/s – 1GB/s, hết bộ nhớ đệm (cache) sau 15GB rồi về mức 600-700 MB/s. Chuyển sang thử nghiệm với các file dung lượng từ 7-10GB , tốc độ tăng lên mức 1.13GB/s. Có thể thấy, làm việc với các file dưới 10GB sẽ là lúc SN550 phát huy tối đa sức mạnh.
Tốc độ của SN550 (trên) và SN750 (dưới) khi đo bằng Crystal Disk Mark
Sử dụng công cụ Crystal Disk Mark, tốc độ đọc ghi tuần tự (dòng trên cùng) của SN550 sát với tốc độ tối đa công bố của WD, lần lượt 2451 MB/s và 1988 MB/s. Tuy nhiên, như thường lệ, tốc độ mà chúng ta cần quan tâm là 4KiB Q1T1, khi dữ liệu được đọc ghi một cách ngẫu nhiên trên các vùng dữ liệu với Queues = 1 và Threads = 1. Tại đây, SN550 có tốc độ ngang ngửa với flagship SN750, thậm chí tốc độ đọc còn nhỉnh hơn.
Tiếp theo là AS SSD, công cụ benchmark này sử dụng file không nén thay vì nén như Crystal Disk Mark nên kết quả thường thấp hơn và thực tế hơn.
ATTO Disk Benchmark là phần mềm bao gồm một loạt các kiểm thử nhằm xác định tốc độ đọc và ghi dữ liệu của ổ cứng với nhiều gói dữ liệu kích thước khác nhau. Có thể thấy, tốc độ đọc/ghi của SN550 tăng đều, ổn định, dấu hiệu của một controller “xịn”.
AIDA64, công cụ “hành xác” máy tính phổ biến cũng có một chương trình benchmark ổ cứng, đo tốc độ đọc file tuyến tính và ngẫu nhiên, kích thước block từ 4KB đến 8MB. Chương trình này có thể đo cả tốc độ ghi, nhưng vì lý do nào đó mà AIDA64 báo lỗi khiến tôi không thực hiện được.
Về hiệu năng khi chơi game, tựa game Final Fantasy XIV Shadowbringer có công cụ benchmark rất hữu ích, đo được thời gian load màn chơi chuẩn đến từng mili giây. Tổng cộng, SN550 load hết 5 màn chơi chỉ trong 13,323 giây, ngang ngửa với những SSD cao cấp.
Sau khoảng gần một tuần sử dụng, tôi thử đo lại hiệu năng của ổ sau khi đã chứa gần đầy dữ liệu, cụ thể là 856 GB trên tổng số 931GB khả dụng. Kết quả, hiệu năng của ổ có giảm đi một chút, khoảng 3-5%, nhưng với các tác vụ thông thường, người dùng sẽ không thể nhận ra sự khác biệt. Hơn nữa, đây cũng có thể đơn giản là chênh lệch sai số của các phần mềm đo đạc.
Crystal Disk Mark
AS SSD
ATTO Disk Benchmark
AIDA64 Disk Benchmark
FFXIV Shadowbringers
Nhiệt động khi vận hành
Trong điều kiện case đóng kín có quạt tản nhiệt, nhiệt độ phòng dao động 27-28 độ C, nhiệt độ hoạt động của SN550 khi kiểm tra qua cảm biến trên phần mềm SSD Dashboard là 35 độ C khi nghỉ và 50 độ C khi sao chép dữ liệu số lượng lớn. Khi chơi game, nhiệt độ trong case cũng tăng lên, SN550 hoạt động liên tục và chạm ngưỡng tối đa là 70 độ C. Với một sản phẩm không có heatsink, đây là mức nhiệt hoàn toàn chấp nhận được.
Kết luận
Với SN550 Blue, WD đã đi một bước dài trong nỗ lực đưa ổ SSD NVMe ngày càng đại trà hơn. Hiệu năng ấn tượng, dung lượng lớn, tuổi thọ dài lâu cùng chương trình bảo hành 5 năm là những ưu thế rất lớn của sản phẩm. Tuy nhiên, thứ đáng quan tâm nhất chính là mức giá, chỉ 2,95 triệu đồng cho 1TB tương đương khoảng 2.950 đồng cho mỗi 1GB là con số rất hấp dẫn, nên không quá khi nói rằng WD SN550 Blue là một trong những chiếc SSD đáng mua nhất hiện nay.
Theo VN Review
Kingston Technology xuất bán 13,3 triệu ổ cứng SSD trong nửa đầu 2019, đứng thứ ba thế giới
Kingston Technology, công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực giải pháp và sản phẩm bộ nhớ, công bố đã xuất bán hơn 13,3 triệu ổ cứng SSD trong nửa đầu năm 2019, theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu thị trường TrendFocus.
Doanh số bán cao đến "kinh ngạc" đã đặt Kingston vào vị trí nhà cung cấp ổ cứng SSD lớn thứ ba thế giới sau các nhà sản xuất bán dẫn Samsung và Western Digital, thể hiện sức mạnh và vị thế trên thị trường với tư cách là nhà sản xuất SSD bên thứ ba dẫn đầu thế giới. Riêng Kingston đã chiếm tỉ lệ cao vọt 11,3% trong tổng số ổ SSD bán ra toàn cầu nửa đầu năm nay.
Nghiên cứu của TrendFocus cho thấy sự tăng trưởng liên tục trong tổng số lượng ổ cứng SSD xuất bán trong mọi hạng mục năm nay. Ông Don Jeanette, Phó Chủ tịch của TrendFocus cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy SSD dành cho máy cá nhân chiếm phần lớn trong tổng lượng hàng xuất bán trong khi NVMe PCIe cũng cho thấy có sự tăng trưởng do có nhu cầu gia tăng quy mô của các môi trường điện toán. Câu chuyện của nửa đầu 2019 là lượng NAND bán ra tăng và giá đã bật đáy, do đó thúc đẩy nhu cầu SSD".
Ngày 21.10 tới đây, Kingston sẽ tung ra ổ SSD máy tính cá nhân thế hệ kế tiếp KC600 SATA 2,5. Ổ SSD này sẽ gia nhập nhóm các ổ đang được bán rộng rãi như UV500 SATA cũng như KC2000 và A2000 PCIe NVMe SSD để hình thành bộ các giải pháp lưu trữ hiệu năng cao mà hoàn toàn tuân thủ chuẩn an ninh bảo mật TCG Opal 2.0. Các ổ SSD được mã hóa phần cứng 256-bit AES có thể là chiến lược an ninh bảo mật mà cả người tiêu dùng và doanh nghiệp cần trang bị trong một thế giới mà các cuộc tấn công trong không gian mạng và xâm phạm dữ liệu xảy ra quá thường xuyên.
Ngoài mảng máy tính cá nhân, Kingston đang nhanh chóng trở thành một nhà cung cấp có "cân lượng" trong thị trường SSD doanh nghiệp. Vào nửa sau năm nay, Kingston sẽ thêm vào danh mục sản phẩm giải pháp của mình: ổ SSD DC1000M U.2 NVMe dành cho trung tâm dữ liệu và các máy trạm làm việc (workstation) vốn đòi hỏi thông lượng và tốc độ xuất nhập (IOPS) cao.
Theo Một Thế Giới
Trên tay ổ cứng di động đích thực dành cho game thủ WD Black P10: Có thể chứa cả ngàn tựa game chỉ trong một chiếc hộp cầm tay duy nhất! Liệu game thủ có thể làm gì với những chiếc HDD "có vẻ xịn xò" đến từ Western Digital? Tuy rằng, các thiết bị lưu trữ không ảnh hưởng quá nhiều đến những trải nghiệm của game thủ một cách mạnh mẽ như những linh kiện máy tính khác. Làn sóng "Gaming hóa" vẫn tiếp tục trở thành một phần không thể thiếu...