Đánh giá AirTag: Thảm họa với người dùng Android
Phụ kiện giúp tìm đồ “đi lạc” này sẽ thích hợp nhất với những vật đắt tiền, quan trọng. Tuy nhiên, nó có thể bị sử dụng sai cách.
Tôi là người khá gọn gàng. Đồ đạc khi đi về nhà như balo, kính, chìa khóa hay ví tiền đều được cất vào đúng khay trong một chiếc hộp ở cạnh cửa. Nhờ đó, tôi hiếm khi phải đi tìm những đồ vật quan trọng với mình trước khi đi làm.
Tuy nhiên, dù gọn gàng đến mấy thì cũng có lúc tôi thất lạc đồ. Tôi từng đánh rơi chiếc ví trên ôtô của người quen, và bởi chiếc ví rơi xuống khe dưới ghế nên chính người bạn cũng không tìm ra. Nếu như không nhờ người rửa xe tìm thấy, tôi có thể đã phải đi làm lại giấy tờ.
Đó là những tình huống mà một thiết bị tìm đồ thất lạc như AirTag trở nên rất hữu dụng. Tôi đã rất phấn khích khi Apple giới thiệu chiếc AirTag, nhưng khi trải nghiệm thực tế mới thấy nó vẫn còn nhiều điểm bất tiện.
Phụ kiện “giá rẻ” theo cách của Apple
Không tính bộ sạc hay tai EarPods, AirTags là sản phẩm độc lập rẻ nhất của Apple. Phụ kiện này có giá chính hãng khoảng gần 800.000 đồng, và nếu mua bộ 4 chiếc thì giá còn thấp hơn một chút.
Tuy nhiên, với nhiều người đây sẽ không phải là mức giá cuối cùng để có thể sử dụng AirTag. Thiết bị này có kiểu dáng tròn và hai mặt không phẳng, đồng nghĩa với nó rất khó để cố định ở bên trong ngăn của một chiếc túi xách.
Bỏ AirTag trong ví vừa khiến ví cộm, lại vừa giảm âm lượng thông báo của thiết bị.
AirTag cũng khá dày, do đó đặt bên trong những chiếc ví mỏng sẽ làm ví cộm lên khá nhiều. Ngoài ra, nếu AirTag bị đặt trong ví hoặc ngăn quá mỏng thì độ hiệu quả cũng sẽ giảm.
Giải pháp lúc này là mua một chiếc bao đựng bằng da. Tuy chưa có mức giá tại Việt Nam, các bao đựng chính hãng mà Apple bán đều có giá bằng hoặc gấp vài lần bản thân chiếc AirTag (từ 29-449 USD). Bao da của các đơn vị thủ công tại Việt Nam cũng có giá khoảng 200.000 đồng trở lên. Nếu mua thêm phụ kiện này, giá AirTag sẽ gần 1 triệu đồng.
AirTag ghép đôi rất nhanh với iPhone.
Do không kịp mua bao da, tôi đã sử dụng AirTag “trần”, và hiểu ngay tại sao bao da lại cần thiết. Chỉ chưa đầy một ngày sử dụng, để phụ kiện này ở ngăn balo và ví tiền, cả mặt nhôm và nhựa của AirTag đều đã có những vết xước.
Thực ra những vết xước sẽ không ảnh hưởng đến chức năng của thiết bị, nhưng với những người yêu cầu cao về ngoại hình thì những đây vẫn là điểm cần chú ý.
Làm tốt chức năng chính
Việc kết nối AirTag với iPhone rất đơn giản. Chỉ cần đưa phụ kiện vào gần, máy sẽ tự động nhận biết và quá trình thiết lập chỉ mất khoảng 30 giây. Đây là điểm cộng lớn so với các thiết bị tìm đồ khác.
Để tìm đồ gắn cùng AirTag, người dùng có 3 cách. Đầu tiên, họ có thể vào ứng dụng Find My, chọn hiển thị trên bản đồ để xem vị trí được ghi nhận gần nhất. Nếu ở gần như trong cùng căn hộ, bạn có thể bấm nút loa để AirTag phát âm thanh.
Cách thứ ba chỉ áp dụng với iPhone 11 trở đi, cho phép hiển thị cả hướng đi, khoảng cách đến chiếc AirTag ở gần.
Chức năng “tìm chính xác” hoạt động khá tốt, nhưng thỉnh thoảng vẫn báo mất tín hiệu.
Mạng lưới Find My với cả tỷ thiết bị chạy iOS là lợi thế cực lớn của AirTag. Không cần GPS hay kết nối mạng, người dùng vẫn có thể tìm những chiếc AirTag khi nó ở gần một thiết bị iOS bất kỳ. Thử nghiệm ở điều kiện thành phố, tôi nhận thấy vị trí AirTag hiện trên bản đồ khá chính xác.
Thách thức sẽ đến khi bạn muốn tìm AirTag ở gần. “Loa” của AirTag thực tế là mặt nhựa trắng của thiết bị này. Khi bạn chọn tính năng phát tiếng, mặt nhựa sẽ rung lên để tạo ra âm thanh.
Video đang HOT
Âm thanh này chỉ đủ nghe ở trong một căn hộ chung cư, khi tiếng ồn xung quanh khá nhỏ. Nếu tìm kiếm bên trong một ngôi nhà nhiều tầng, hoặc giả sử người nhà đang bật TV khá to, bạn sẽ khó nghe được tiếng phát ra từ AirTag.
Đây là lý do bạn không nên để AirTag bên trong ví quá chật. Khi đó, âm lượng AirTag phát ra sẽ nhỏ đi nhiều, làm giảm sự hiệu quả khi muốn tìm kiếm.
Việc tìm kiếm khi AirTag thất lạc khá hiệu quả, địa chỉ hiển thị chính xác.
Tính năng tìm kiếm chính xác bằng sóng UWB cũng hữu dụng, nhưng độ hiệu quả cũng tùy thuộc vào môi trường. Khi thử để AirTag ở phòng khách trong một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ, chiếc iPhone thường xuyên báo “tín hiệu yếu” khi tôi đi vào một trong các phòng ngủ. Chỉ tới khi khoảng cách còn dưới 4 m, và không có tường chắn giữa iPhone và AirTag, máy mới có thể báo khoảng cách và hướng chính xác.
Kết hợp cả 3 tính năng này, khả năng tìm kiếm đồ vật thất lạc sẽ tăng lên đáng kể khi được gắn với AirTag. Tuy nhiên, vẫn có những môi trường mà AirTag không hiệu quả lắm, như trong một căn hộ lớn, hay giữa một trung tâm thương mại đông đúc. Thiết bị này cũng không phù hợp nếu bạn muốn bỏ ở xe máy để tìm trong bãi xe, bởi những phụ kiện rẻ hơn và kêu to hơn có rất nhiều trên thị trường.
Sẽ là thảm họa nếu bị dùng sai cách
Khi ra mắt, Apple nói rõ AirTag là phụ kiện “để theo dõi đồ vật, không phải theo dõi người”. Hãng cũng tích hợp một số tính năng để người dùng biết được khi có AirTag của người khác đi theo mình.
Tuy nhiên, trong thực tế các tính năng này đều có lỗ hổng. AirTag hiện tại vẫn có thể sử dụng để theo dõi người khác.
Cách đầu tiên AirTag thông báo là âm thanh. Theo Apple, sau “một khoảng thời gian”, nếu một chiếc AirTag bị tách xa khỏi thiết bị của chủ, nó sẽ kêu lên để gây sự chú ý. Hãng không nói rõ khoảng thời gian đó là bao lâu.
Chỉ cần bóp chặt hoặc dán băng dính xung quanh AirTag, âm thanh phát ra sẽ rất nhỏ.
Theo Washington Post , phải sau 3 ngày kể từ lần cuối ở xa chủ, chiếc AirTag mới kêu lên trong khoảng 15 giây, và sau đó cứ vài giờ lại kêu một lần. Khoảng thời gian 3 ngày là khá lâu để chủ AirTag có thể theo dõi những địa điểm mà nạn nhân ghé qua. Bên cạnh đó, việc giảm âm thanh của một chiếc AirTag không khó.
Nếu phát hiện một chiếc AirTag không cùng tài khoản nhưng ở gần trong thời gian dài, thiết bị iOS của người dùng cũng sẽ hiện ra một thông báo cho biết có AirTag lạ. Nạn nhân có thể bấm phát âm thanh để tìm chiếc AirTag lạ, nhưng không thể truy cập bản đồ hoặc tìm chính xác như với AirTag chính chủ.
Tuy nhiên, trong trải nghiệm thực tế khi mang theo chiếc AirTag lạ cả một ngày, tôi không hề nhận được thông báo trên chiếc iPhone của mình. Ngoài ra, nếu nạn nhân sử dụng điện thoại Android thì họ cũng sẽ không nhận được thông báo nào.
AirTag sử dụng viên pin CR2032 quen thuộc, bán ở mọi tiệm đồng hồ.
Đó là chưa kể nếu chủ AirTag theo dõi một người thân và biết mật khẩu iPhone của họ, người đó hoàn toàn có thể vào ứng dụng Find My và tắt tính năng thông báo khi phát hiện AirTag lạ.
Dù Apple hứa hẹn rất hay, AirTag vẫn hoàn toàn có thể sử dụng để làm một thiết bị theo dõi người khác. Trong tương lai, hãng có thể cập nhật để giảm khoảng thời gian báo động hoặc điều chỉnh tính năng thông báo. Ở thời điểm hiện tại, AirTag vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng lớn có thể bị khai thác sai mục đích ban đầu.
Có nên mua AirTag?
Nếu như bạn là một người dùng iPhone và lại có tính hay quên, AirTag sẽ là phụ kiện rất hữu dụng, đặc biệt là với những đồ vật quan trọng. Mức giá gần 1 triệu không phải là cao nếu so với công sức làm lại giấy tờ trong ví, hay đánh một chiếc chìa khóa xe.
Có thể nói AirTag là một lý do rất lớn để những người dùng iPhone tiếp tục gắn bó với hệ sinh thái của Apple. Tuy nhiên, nếu không dùng iPhone thì bạn có nhiều lựa chọn khác trên thị trường, với mức giá thấp chỉ bằng một nửa Samsung SmartTag hay Baseus Intelligent T3.
AirTag sẽ cột chặt bạn với iPhone và hệ sinh thái Apple
Sự tiện dụng của AirTag khi dùng chung với iPhone khiến cho bạn ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hệ sinh thái Apple.
Một trong những tính năng được yêu thích của các sản phẩm đến từ nhà Táo là Find My. Người dùng có thể dễ dàng tìm lại iPhone, iPad, Apple Watch hay tai nghe AirPods bỏ quên ở đâu đó.
Công cụ hữu ích này vừa được Apple mở rộng sang mọi vật dụng thông thường bằng thiết bị theo dõi mang tên AirTag.
Mức phí tham gia hệ sinh thái Apple ngày càng rẻ
Trông gần giống như một chiếc nút áo khoác, AirTag có hình tròn, đường kính 32 mm và nặng 11 g, hỗ trợ chuẩn kháng nước/bụi IP67, kết nối với iPhone bằng Bluetooth Low Energy. Đặc biệt, chip U1 đi kèm cho phép phụ kiện này cung cấp hướng đi, khoảng cách chính xác đến đồ vật trong phạm vi kết nối.
Một chiếc AirTag có giá 29 USD. Apple cũng bán theo bộ 4 chiếc với mức 99 USD. Có thể xem đây là phần cứng rẻ nhất của Táo khuyết.
Apple không phải hãng đầu tiên ra mắt thiết bị tìm đồ vật thông minh. Trên thị trường đã có các sản phẩm tương tự, ví dụ như Tile hay Samsung SmartTag. Tuy nhiên, khả năng kết nối, thiết kế và mức độ tin cậy của phụ kiện này tỏ ra vượt trội so với đối thủ.
Quan trọng nhất, việc AirTag dựa vào iPhone ở gần để thông báo vị trí tạo ra lợi thế mà không sản phẩm nào có được. Tuy nhiên, một khi đã gắn AirTag lên chìa khóa và các vật dụng cá nhân, người dùng cũng khó tránh việc lệ thuộc mãi mãi vào hệ sinh thái của Apple.
Thiết kế đơn giản, kết nối dễ dàng
Tương tự AirPods, hầu như người dùng không cần phải làm gì để thiết lập và kết nối AirTag với iPhone.
Sau khi mở hộp AirTag và đưa đến gần, iPhone của bạn bắt đầu nhận diện thiết bị mới, giúp quá trình thiết lập trở nên dễ dàng, nhanh chóng. Điều này không chỉ tạo nên sự đơn giản, tiện dụng, nó còn giúp kết nối chính xác giữa các thiết bị.
Người dùng chỉ cần mở hộp và đưa AirTag lại gần iPhone để kết nối.
AirTag cũng có ngoại hình khác biệt so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Với kích thước nhỏ gọn, phụ kiện nay trông giống một chiếc nút áo khoác hoặc viên kẹo bạc hà.
Nó mang thiết kế truyền thống của Apple với mặt trước bằng nhựa trắng, mặt lưng bạc sáng bóng, có logo táo khuyết đặc trưng. Khả năng chống nước, bụi theo chuẩn IP67 giúp phụ kiện này bền bỉ khi sử dụng hàng ngày.
Tuy nhiên, AirTag vẫn có khuyết điểm so với đối thủ. Thiết bị của Tile và Samsung đều có lỗ trên thân, cho phép gắn vào vòng chìa khóa một cách dễ dàng, trong khi người dùng phải mua thêm phụ kiện của Apple hoặc bên thứ 3 để treo AirTag lên đồ vật.
Theo dõi và tìm kiếm
AirTag sử dụng bluetooth để giao tiếp với iPhone. Tương tự các thiết bị khác của Apple, sau khi kết nối, tên AirTag nằm trong mục Find My. Tại đây, người dùng có thể xem vị trí trên bản đồ, đường đi đến, kích hoạt tính năng phát âm thanh hoặc bật Lose Mode.
Tuy nhiên, điều làm cho AirTag đặc biệt là người dùng có thể theo dõi vị trí của chúng một cách chính xác ngay cả khi ở ngoài phạm vi kết nối bluetooth, tất cả nhờ vào mạng lưới hơn 1 tỷ chiếc iPhone của Apple.
Tính năng này hoạt động giống như Tìm kiếm ngoại tuyến đối với các thiết bị của Apple: bất kỳ thiết bị Apple nào gần đó đều có thể chuyển tiếp vị trí của AirTag lên đám mây và người dùng có thể xem trong Find My trên máy họ.
AirTag hỗ trợ tìm kiếm vị trí chính xác nhờ kết nối UWB.
Samsung và Tile cũng cung cấp tính năng tương tự. Nhưng số lượng sản phẩm trong hệ sinh thái của 2 hãng này không thể đủ để tạo ra một mạng lưới hoàn hảo như Apple.
Một ưu điểm khác của AirTag là tận dụng công nghệ băng thông siêu rộng (UWB) để dẫn người dùng trực tiếp đến những món đồ bị mất thông qua tính năng Precision Tracking.
UWB là một giao thức truyền thông không dây như bluetooth nhưng chính xác hơn nhiều và hoạt động ở phạm vi ngắn hơn. Nhờ vậy, thiết bị có thể xác định vị trí chính xác trong một không gian nhỏ thay vì chỉ đưa người dùng đến khu vực lân cận đồ vật.
Tuy nhiên, vì Precision Tracking dựa vào UWB nên nó chỉ khả dụng trên iPhone 11 trở đi.
Đảm bảo tính riêng tư
Một trở ngại lớn đối với người dùng khi chọn lựa thiết bị theo dõi đồ vật là tính riêng tư. Trong sự kiện ra mắt, Apple khẳng định AirTag không theo dõi người dùng.
Hãng khẳng định AirTag không hề lưu trữ dữ liệu hoặc lịch sử vị trí bên trong thiết bị. Mọi dữ liệu gửi qua mạng lưới Find My đều được bảo mật hai đầu, và không có ai khác ngoài chủ sở hữu AirTag có thể truy cập vị trí của nó.
Người dùng sẽ nhận được cảnh báo tương tự như thế này khi có AirTag lạ ở gần.
Vấn đề khác được đặt ra là liệu một người có thể theo dõi vị trí người khác bằng AirTag hay không. Đặt giả thuyết nếu ai đó muốn theo dõi bạn, họ có thể bỏ chiếc AirTag vào túi xách hoặc túi áo khoác, và mở Find My để cập nhật vị trí liên tục.
Tuy nhiên, Apple sẽ ngăn chặn kịch bản này. Hãng cho biết tín hiệu định danh bluetooth của AirTag sẽ liên tục thay đổi để tránh tình trạng theo dõi vị trí không mong muốn. Các thiết bị iOS cũng có tính năng cảnh báo người dùng nếu nhận thấy một chiếc AirTag của người lạ bám theo họ sau một thời gian.
Ngoài ra, chiếc AirTag bị tách khỏi thiết bị của chủ đủ lâu sẽ định kỳ phát ra tiếng kêu khi di chuyển. Người dùng phát hiện AirTag lạ có thể dùng iPhone hoặc thiết bị có NFC của mình để tắt định vị của chiếc AirTag này.
Có nên sử dụng AirTag?
Có, nếu bạn đang dùng iPhone và không có ý định đổi sang Android trong tương lai.
Với quy trình thiết lập đơn giản, sự hỗ trợ từ mạng lưới iPhone khổng lồ, thiết kế hấp dẫn và đảm bảo tính riêng tư, AirTag là lựa chọn tuyệt vời cho bất kỳ người dùng iPhone nào, nhất là đối với những ai thường xuyên làm thất lạc chìa khóa hoặc các vật dụng khác.
AirTag có nhiều ưu điểm vượt trội so với đối thủ.
Thiết bị của Tile có nhiều kích cỡ, hoạt động với cả iPhone và điện thoại Android. Một số mẫu còn có keo dính ở mặt sau để gắn vào các đồ vật. Tuy nhiên, nó hạn chế khả năng tìm các thiết bị nằm ngoài phạm vi hoạt động và theo dõi chính xác dựa trên UWB.
Galaxy SmartTag Plus của Samsung về cơ bản là tương đương với AirTag. Điện thoại Galaxy có thể sử dụng thực tế tăng cường và UWB để hướng dẫn người dùng đến vị trí chính xác của đồ vật đã gắn SmartTag.
Các thiết bị Galaxy cũng chuyển tiếp dữ liệu vị trí, giúp bạn tìm thấy món đồ nằm ngoài phạm vi kết nối. Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng SmartTag Plus để điều khiển các thiết bị gia đình thông minh trên nền tảng SmartThings của Samsung.
Tuy nhiên, cả 2 không có được lợi thế đặc biệt nhất của AirTag: số lượng iPhone, iPad khổng lồ trên phạm vi toàn cầu. Điều này cũng khiến cho người dùng ngày càng phụ thuộc hơn vào thiết bị của Apple. Một khi đã có thói quen sử dụng AirTag, thật khó lòng để chuyển sang dùng điện thoại Android.
Trên tay AirTag đầu tiên về Việt Nam: Thông minh, nhỏ gọn nhưng dễ trầy xước, giá bán 900 nghìn đồng AirTag là một trong những thiết bị theo dõi thông minh đầu tiên trên thế giới. Được đồn đoán sẽ ra mắt từ năm 2019, nhưng mãi đến ngày 21/4 vừa qua, trong sự kiện "Spring Loaded" của mình, Apple mới chính thức giới thiệu đến thế giới AirTag, thiết bị theo dõi chống thất lạc thông minh đầu tiên của hãng. Chỉ...