Đánh Chu Vĩnh Khang: Sấm động trong đời sống chính trị Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực cấu trúc ban lãnh đạo không tham nhũng.
Ngày 6/12, báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin Chu Vĩnh Khang bị khai trừ khỏi đảng và truy tố với nhiều tội danh, Tân Hoa xã đã liệt kê những lĩnh vực trong đó hai tội danh chủ yếu mà Chu đã vi phạm là nhận hối lộ và làm lộ bí mật quốc gia.
Cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (Ảnh: Getty)
Xã hội Trung Quốc giống như đang trong một “giấc mơ”-ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra bởi tham nhũng.
Thời khắc của gần nửa năm về trước, chiều 29/7, Tân Hoa xã đưa tin, Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc quyết định tiến hành điều tra đối với nguyên Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bởi “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Kể từ vụ Thiên An Môn, sau 25 năm, một cán bộ cao cấp của Trung Quốc, hơn thế nữa đã về hưu bị điều tra trở thành sự kiện rất lớn. Qua vụ Chu Vĩnh Khang thấy Trung Quốc đang tập trung đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng với mục đích xây dựng một đất nước trong sạch hơn.
Tập trung cải cách
Trên thực tế, trước 1989, việc bắt hoặc bãi miễn chức vụ những nhân vật là Ủy viên thường vụ Trung ương đã có nhiều. Sau cuộc Đại cách mạng văn hóa năm 1976, Ủy viên thường vụ trong nhóm “bè lũ bốn tên” bao gồm Giang Thanh – vợ của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng đã bị bắt. Sau đó một số Ủy viên thường vụ khác cũng không thoát khỏi vòng vây của luật pháp.
Từ đầu năm 2014 đến trước thời điểm Trung Quốc công bố khai trừ khỏi đảng, điều tra Chu Vĩnh Khang với nhiều tội danh, dư luận Trung Quốc rộ lên sự nghi ngờ rằng liệu ông Chu có bị điều tra, bao giờ thông tin này sẽ được công bố. Một bộ phận dân Trung Quốc đã tin rằng nếu ông Chu “hạ cánh an toàn” thì Chủ tịch Tập Cận Bình “đã không đấu lại được lại với “con Hổ Chu”. Sở dĩ có góc nhìn đó bởi gần đây với việc Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ quyết tâm chiến đấu với tham nhũng khiến trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc có những xáo trộn.
Theo Nhà báo Trung Quốc Trần Tín, việc điều tra Chu Vĩnh Khang thể hiện nhiều mục đích, trong đó có mục đích mong muốn tăng cường cải cách. Chủ tịch Tập thông qua việc thành lập các Tiểu Ủy ban và kiêm nhiệm Chủ tịch một số Ủy ban, tập trung vào lĩnh vực Đảng, hành chính, quân đội, kinh tế và an ninh thể hiện quyết tâm cao độ trong vấn đề này.
Trong Kế hoạch cải cách toàn diện được thông qua tại Hội nghị lần 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18 cũng đã ghi rõ: Mục tiêu 100 năm lần 2 sẽ không thực hiện được nếu không thực sự tiến hành cải cách. Tuy nhiên, việc cải cách không phải là chuyện dễ dàng, bởi nhiều năm nay kế hoạch cải cách bị kéo dài bởi nạn tham nhũng. Do vậy muốn tập trung cải cách phải tích cực loại bỏ tham nhũng.
Thiết lập ban lãnh đạo không tham nhũng
Trên thực tế, việc điều tra Chu Vĩnh Khang lúc đầu dự định sẽ được công bố tại Hội nghị Trung ương 4 Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18 họp vào tháng 10, nhưng Trung Quốc đã công bố quyết định sớm vào 29/7 và đến 6/12 Ủy ban kỷ luật Trung Quốc ra quyết định khai trừ khỏi đảng, cáo buộc và điều tra đối với nhiều tội danh. Điều này vượt quá mức dự tưởng của nhiều người.
Video đang HOT
Dư luận dân chúng Trung Quốc hoan nghênh sự quyết đoán của ông Tập Cận Bình.
Tổng Bí thư Tập Cận Bình tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh News.cn)
Một câu hỏi lớn nữa được đặt ra không những trong dư luận Trung Quốc mà cả dư luận quốc tế đó là sau ông Chu liệu có nhân vật nào bị điều tra nữa không? Đây không chỉ là sự quan tâm thông thường mà là cả “giấc mơ” của người dân về sự công bằng của cán cân công lý đối với những hành vi tham nhũng làm nghèo đất nước.
Theo hãng tin Nhật Bản thì mục đích của vụ án Chu Vĩnh Khang không đơn thuần chỉ phá vỡ “luật bất thành văn” là “không xử phạt Ủy viên thường vụ Bộ chính trị” mà còn tạo ra uy lực trong việc xử lý những vụ án lớn đặc biệt là những vụ án liên quan tới tham nhũng. Nói cách khác Chủ tịch Tập đang nỗ lực cấu trúc ban lãnh đạo không tham nhũng.
Nhưng dư luận cũng lo ngại rằng với sự mạnh tay của Chủ tịch Tập có thể sẽ phá vỡ sự cân bằng của chính trị-xã hội.
Thể chế chống tham nhũng mới
So sánh với vụ án Bạc Hy Lai cũng có điểm khác nhau. Vụ án xử lý Chu sẽ chuyển sang xử lý tại Tòa án. Trong Đảng cộng sản Trung Quốc có câu: Chức vụ cao, công lao lớn như thế nào, nếu vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật.
Vấn đề là ở chỗ với chủ đề “Trị quốc dựa trên luật pháp”, Hội nghị trung ương 4 vừa qua sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với việc chống tham nhũng, làm thay đổi ra sao hiện trạng tham nhũng của Trung Quốc?.
Công tác phòng chống tham nhũng Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay có hai đặc thù. Thứ nhất là trong vụ án Chu Vĩnh Khang có nhiều quan chức cao cấp có quan hệ mật thiết với Chu Vĩnh Khang, thứ hai, nhiều quan chức cao cấp liên quan tới vụ án đã bị xử lý, song cũng không dám chắc ngăn chặn được sự bùng phát của tham nhũng. Mặt khác nếu chỉ dùng kỷ luật Đảng là vũ khí để chống tham nhũng thì chưa chắc đã mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, trong vụ án này việc xử lý những cán bộ liên quan đã đi được một bước dài, tuy gặp nhiều phản ứng khác nhau. Xã hội Trung Quốc có nhiều bàn luận. Đối với những người phản đối cách làm quá mạnh tay thì tỏ ra lo ngại việc điều tra ông Chu có liên quan tới mục đích chính trị, sẽ tạo ra một cuộc đấu tranh quyền lực. Những người có ý kiến khách quan hơn thì nhận định rằng nếu nhìn từ góc độ tham nhũng có chiều hướng gia tăng thì việc tăng cường biện pháp và hành động chống tham nhũng là cần thiết.
Vụ Chu Vĩnh Khang phản ánh rõ điều này bằng việc sau khi một số quan chức bị xử lý do tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng thực sự chuyển sang một giai đoạn mới tích cực hơn và người ta nghĩ tới sẽ cơ cấu một chế độ mới sau phòng chống tham nhũng. Để giải quyết tận gốc vấn đề thì đồng thời vừa phải thực hiện cùng lúc biện pháp và chế độ liên quan tới phòng chống tham nhũng./.
Theo Bùi Hùng/VOV.VN
Chu Vĩnh Khang từ đỉnh cao quyền lực tới cáo buộc nhiều tội danh
Cáo buộc lớn nhất đối với Chu Vĩnh Khang là tội nhận hối lộ và làm lộ bí mật quốc gia.
Tân Hoa Xã ngày 6/12 của Trung Quốc dẫn lời nhà chức trách nước này cho biết, các công tố viên đã mở một cuộc điều tra chính thức đối với ông Chu Vĩnh Khang, cựu quan chức an ninh, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, người vừa bị bắt giữ và khai trừ khỏi Đảng.
Bị điều tra với nhiều tội danh
Trong nghị quyết được Tân Hoa xã đăng tải nêu rõ: "Các cuộc điều tra cho thấy ông Chu Vĩnh Khang đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về chính trị, tổ chức và bí mật trong Đảng".
Cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (ảnh: AFP)
Nghị quyết có đoạn: "Ông Chu Vĩnh Khang đã lạm dụng quyền hạn của mình để giúp đỡ họ hàng, tình nhân, bạn bè kiếm lợi lớn thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh dẫn đến thất thoát nghiêm trọng tài sản của nhà nước".
Ngoài ra, Tân Hoa xã cho biết ông Chu Vĩnh Khang còn bị cáo buộc những tội danh liên quan tới việc quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ và lợi dụng quyền hạn của mình để ép họ quan hệ hoặc bắt họ phải hối lộ tiền cho mình.
Trước đó ngày 29/7, cũng theo Tân Hoa Xã, ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương Trung Quốc đã bị Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc điều tra vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Kể từ cuối năm 2013, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Trung Quốc đã liên tục đưa tin về cuộc điều tra chống tham nhũng của các nhà chức trách nước này đối với ông Chu Vĩnh Khang.
Chỉ sau khi Tân Hoa xã đưa tin về việc Trung Quốc sẽ điều tra Chu Vĩnh Khang, dư luận trong và ngoài nước đã rúng động và tập trung vào sự việc này. Theo BBC, trang nhất của nhiều tờ báo lớn ở Trung Quốc ngày (30/7) đồng loạt đưa tin về việc giới chức Bắc Kinh chính thức công bố quyết định tiến hành điều tra đối với cựu Uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang do "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Một bài bình luận của Tân Hoa xã có đoạn: "Tuyên bố về việc điều tra cựu quan chức cấp cao Chu Vĩnh Khang đã cho thấy sự can đảm, quyết đoán và quyết tâm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc".
Cơ quan ngôn luận chính thức của Nhà nước Trung Quốc cho rằng, trường hợp của Chu Vĩnh Khang cho thấy Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ thành viên nào của Đảng có các hành vi vượt ra ngoài thẩm quyền, vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng.
Trong khi đó, tờ Nhân dân nhật báo đã xuất bản một loạt các bài bình luận ca ngợi nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình.
Ngày 31/7, tờ "Nhật báo Ma Cao" đăng bài xã luận đánh giá cao quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang. Tờ báo này cho rằng đây là cột mốc đánh dấu hành trình chống tham nhũng, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.
Về tác động của vụ việc đối với đời sống chính trị của Trung Quốc, hãng tin Tân Hoa Xã cho rằng, sự nghiệp đấu tranh chống tham nhũng của Trung Quốc đang bước sang giai đoạn mới, giúp cho nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong sạch hơn, có sức lôi cuốn và đoàn kết hơn 1,3 tỉ dân thực hiện mục tiêu "Giấc mộng Trung Hoa"; đồng thời "chấn hưng" dân tộc Trung Quốc.
Tờ "Thời báo kinh tế" của Hong Kong bình luận, việc mở cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang "là một bước đi quan trọng trong hành trình dài chống tham nhũng của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ có được môi trường chính trị trong sạch và ổn định khi cơ chế chống tham nhũng được cải thiện".
Một điều nữa khiến dư luận quan tâm là sau Chu Vĩnh Khang, sẽ có các "con hổ" lớn khác vị điều tra và cáo buộc hay không?
Khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra bởi việc phá vỡ một quy tắc bất thành văn là các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị động đến sau khi đã nghỉ hưu không đơn thuần là phép thử của ông Tập với "hệ miễn dịch" của các thành viên Bộ Chính trị. Thay vào đó, dường như Trung Quốc đang cố gắng để đưa ra lời cảnh báo đối với các quan chức cấp cao khác cần phải tránh xa tham nhũng.
Chính trị gia với đỉnh cao quyền lực
Ông Chu Vĩnh Khang được coi là một trong những chính trị gia quyền lực nhất ở Trung Quốc trong thập niên vừa qua. Theo hãng tin Reuters, ông Chu chính là người đã bảo trợ cho ông Bạc Hy Lai, một chính trị gia nổi tiếng nhưng đã thất thế khác.
Thông tin vụ Chu Vĩnh Khang tràn ngập trên các mặt báo của Trung Quốc
Theo thông tin trên "Nhân dân Nhật báo" online, ông Chu Vĩnh Khang sinh tháng 12/1942, là người dân tộc Hán, gốc Vô Tích (Wuxi), tỉnh Giang Tô (Jiangsu). Trong giai đoạn 1961-1966, ông theo học chuyên ngành khảo sát và thăm dò địa chất tại Khoa Khảo sát và Thăm dò thuộc Học viện Dầu khí Bắc Kinh. Trong giai đoạn này, ông Chu đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12/1964.
Với tấm bằng cử nhân đại học trong tay, ông Chu Vĩnh Khang được coi là một kỹ sư cao cấp với cấp bậc tương đương một giáo sư. Năm 1967, ông đã khởi đầu sự nghiệp trong ngành dầu khí với tư cách một thực tập sinh và sau đó là kỹ sư tại đội thăm dò địa chất của Nhà máy số 673, mỏ dầu Daqing - một trong những mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hắc Long Giang.
Trong giai đoạn 1967-1985, ông Chu đã liên tục thăng tiến trong ngành dầu khí. Đến giữa những năm 1980, ông đã trở thành Thứ trưởng ngành dầu khí và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) - một trong những doanh nghiệp hùng mạnh nhất tại nước này. CNPC được coi là bệ phóng quan trọng để chính trị gia này tiếp tục thăng tiến trên đường quan lộ.
Năm 1998, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên. Một năm sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan). Sau đó, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khóa 14 và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại khóa 15.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, năm 2002, ông Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an và được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007. Trong giai đoạn 2007-2012, ông giữ chức Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương. Năm 2012, ông Chu đã nghỉ hưu.
Ông Chu Vĩnh Khang đã từng được tạp chí Forbes (Mỹ) đưa vào danh sách những người quyền lực nhất thế giới và ví như "Dick Cheney của Trung Quốc". Trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới năm 2011 của Forbes, ông này đứng ở vị trí thứ 29, cao hơn cả nhà lãnh đạo Tập Cận Bình (xếp ở vị trí 69), người khi đó đang giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc./.
Theo Bùi Hùng/VOV.VN
WTO lần đầu tiên thông qua cải cách thương mại (WTO) Tổ chức Thương mại thế giới WTO vừa thông qua cải cách thương mại đầu tiên trong lịch sử. Với thoả thuận này, hàng rào thuế quan và thủ tục biên giới sẽ được nới lỏng, các quốc gia phát triển là những nước được lợi nhiều nhất, theo Reuters. WTO đạt được thoả thuận cải cách thương mại đầu tiên vào...