Đang trông cháu, người đàn ông ngã gãy 2 bên khớp háng cùng lúc
Bệnh nhân có tiền sử uống rượu lâu năm, người bệnh gãy 2 bên khớp háng cùng lúc chỉ với một cú ngã nhẹ.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp người bệnh N.V.T (54 tuổi) đến từ Thường Tín vào viện trong tình trạng chấn thương gãy 2 bên khớp háng. Người bệnh cho biết, ông đã có biểu hiện đau chân được 4 tháng. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám tại một bệnh viện tuyến trung ương, người bệnh được chỉ định điều trị nội khoa, nên về nhà ông tiếp tục bị đau.
Mới đây, khi đang trông cháu ngoại, ông bị ngã phệt xuống sàn và lập tức bị mất vận động 2 chân. Ông đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với biểu hiện gãy cổ xương đùi 2 bên trên nền hoại tử vô khuẩn chỏm.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho người bệnh.
Qua khai thác bệnh nhân, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh – Phó Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Trưởng Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao cho biết: Do người bệnh có tiền sử uống rượu và hút thuốc lá lâu năm là một trong những yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ tiêu chỏm, làm tắc mạch nuôi cho phần chỏm xương đùi, tăng nguy cơ loãng xương nên chỉ với một cú ngã nhẹ, người bệnh đã bị gãy hai bên khớp háng cùng một lúc.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, gãy 2 bên khớp háng là tổn thương rất hiếm gặp và nặng nề, đặc biệt trên nền hoại tử vô khuẩn chỏm thì khả năng xương không thể liền lại được, người bệnh không thể ngồi dậy, đứng dậy hay đi lại được mà phải nằm một chỗ sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như: loét lưng, loét mông, loét gót ở những vùng tì đè; đại tiểu tiện khó khăn, người bệnh phải đặt xông tiểu sẽ nhiễm trùng tiết niệu.
Người bệnh đã được các bác sĩ tiến hành thay cùng lúc cả hai bên khớp háng. Các bác sĩ nhận định, nếu thay từng bên một, người bệnh sẽ phải chờ thêm 1-2 tuần khi một bên sau phẫu thuật đã ổn định. Như vậy thời gian chăm sóc sẽ kéo dài, người bệnh vẫn đau đớn và phải chống chọi với những biến chứng do nằm lâu nên quyết định thay cả hai khớp háng cùng lúc. Việc thay khớp háng cùng lúc đòi hỏi mổ rất nhanh, gây mê hồi sức bảo đảm, trang thiết bị đầy đủ, theo dõi và hồi sức sau phẫu thuật chu đáo và cẩn thận mới an toàn cho người bệnh
Sau phẫu thuật người bệnh tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết, dự kiến sau một ngày phẫu thuật bệnh nhân có thể ngồi dậy được, sau hai ngày phẫu thuật người bệnh có thể tập đi sớm với sự hỗ trợ của nạng/khung trợ đỡ.
Video đang HOT
Bác sĩ khuyến cáo thêm: Nếu người bệnh có biểu hiện đau, nên đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để được phát hiện bệnh và đưa ra hướng điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng.
Nên chườm lạnh hay chườm nóng khi bị đau lưng?
Nên chườm lạnh hay chườm nóng? Khi nào, như thế nào và trong bao lâu để giảm đau lưng là những câu hỏi còn gây nhiều tranh luận và không phải lúc nào cũng có quy tắc.
Lạnh so với nóng
Lạnh hay nóng? Nóng rồi lạnh? Hay lạnh trước rồi mới đến nóng? Chính xác thì nên chườm lạnh hay chườm nóng, khi nào, như thế nào và trong bao lâu để giảm đau lưng?
Đau lưng sẽ tấn công đến 80% số người trong chúng ta tại một thời điểm nào đó trong đời. Theo một nghiên cứu trên Mayo Clinic Proceedings, đây là một trong những lý do phổ biến nhất khiến bạn phải nghỉ làm và là lý do hay gặp thứ ba khiến bạn phải đến bác sĩ, sau các vấn đề về da, viêm khớp và rối loạn khớp.
Theo CDC Mỹ, cơn đau lưng có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn từ 4 đến 12 tuần hoặc mạn tính, nghĩa là kéo dài 12 tuần hoặc hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ra đau thắt lưng: tuổi cao, bệnh lý có sẵn, vận động quá sức, nâng vật nặng sai cách, ngã nặng hoặc thậm chí là trượt chân nhẹ... Và nó có thể ảnh hưởng đến nhiều cấu trúc ở lưng, bao gồm đốt sống, khớp, cơ, gân, dây chằng và đĩa đệm.
Nguyên nhân gây đau lưng và các cấu trúc bị tổn thương đều đóng vai trò quan trọng trong việc nên chọn chườm lạnh hay chườm nóng trong quá trình hồi phục.
Chườm lạnh
Nói chung, hãy chườm lạnh khi đau lưng là cấp tính, chẳng hạn như sau một chấn thương vừa xảy ra. Chườm lạnh sẽ giúp ích trong vòng hai ngày sau chấn thương. (Chườm lạnh cũng hữu ích nếu bạn bị đau lưng sau khi tập thể dục).
Lý do: Hạ nhiệt độ cơ thể sẽ giúp co mạch máu, giảm sưng, giảm viêm và gây tê.
Có thể sử dụng túi chườm mua ở cửa hàng hoặc tự làm túi chườm. Chỉ cần không đặt đá trực tiếp lên lưng - có thể gây tổn thương da. Thay vào đó, hãy giữ một lớp quần áo giữa túi chườm và da hoặc quấn túi đá lạnh trong một chiếc khăn.
Chườm lạnh trong khoảng 10 đến 20 phút một vài lần trong ngày. Nhớ đừng để túi chườm quá lâu và kiểm tra da để đảm bảo không bị tê.
Đôi khi chườm lạnh là đủ để làm giảm đau.
Chườm lạnh, sau đó chườm nóng
Đôi khi, chỉ chườm lạnh không cắt cơn đau được. Trong trường hợp đó, hãy chuyển sang chườm nóng khi chỗ viêm đã dịu đi, khoảng hai ngày sau. Theo các bác sĩ, nên chườm lạnh trước rồi chườm nóng khi bị đau lưng cấp tính. Làm như vậy trong 48 giờ sau khi bị thương để thư giãn cơ và làm dịu vùng bị đau.
Chườm nóng giúp cải thiện sự mềm mại của các mô mềm, cử động của các cơ và hoạt động tổng thể của lưng. Sức nóng kích thích lưu thông máu ở lưng dưới, đưa các chất dinh dưỡng chữa lành các mô bị thương. Nên sử dụng liệu pháp nhiệt ngắt quãng trong vài giờ hoặc vài ngày để cải thiện quá trình chữa lành mô và ngăn ngừa đau tái phát.
Sử dụng túi chườm nóng hoặc một chai nước nóng và lưu ý đến nhiệt độ để tránh bị bỏng. Nhiệt ẩm (như khăn ấm, ẩm hoặc vòi hoa sen ấm) thâm nhập vào các mô sâu nhanh hơn nhiệt khô.
Chườm nóng từng đợt ngắn không quá 20 đến 30 phút mỗi lần. Đặt hẹn giờ nếu bạn sợ mình ngủ quên và luôn đặt tấm sưởi ở mức nhiệt độ thấp hoặc trung bình, không đặt nhiệt độ cao.
Chườm nóng
Với đau lưng mãn tính, liệu pháp nhiệt có thể là tốt nhất. Hãy thử chườm nóng nhiệt độ thấp liên tục để chữa đau lưng mãn tính, ví dụ như quấn một chiếc chăn sưởi quanh vùng thắt lưng.
Đệm sưởi là một lựa chọn điều trị tốt cho một số triệu chứng đau lưng, chẳng hạn như co thắt cơ gây đau có thể xảy ra với một số trường hợp bong gân và căng cơ ở lưng. Sức nóng có thể làm cơ thư giãn.
Khi nào đến gặp bác sĩ
Nếu đau lưng kéo dài, nặng lên hoặc bắt đầu cản trở các hoạt động hàng ngày, hãy đi khám bác sĩ để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra. Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây đau lưng và đề xuất các phương pháp điều trị ngoài chườm nóng và lạnh, bao gồm thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, tiêm corticoid hoặc vật lý trị liệu.
Các phương pháp điều trị khác có thể cần thiết để giảm đau và ngăn cơn đau tái phát. Nói chung, đây là một cách tiếp cận tích cực với mục tiêu đưa bạn trở lại các hoạt động thường xuyên càng sớm càng tốt
Cuối cùng
Chườm nóng và chườm lạnh là những công cụ quan trọng giúp hồi phục sau chấn thương lưng hoặc đau lưng mãn tính. Chườm lạnh ngay sau khi bị thương và chuyển sang chườm nóng hai ngày sau nếu vẫn còn đau. Nếu đau lưng mãn tính, chườm nóng ở nhiệt độ thấp có thể hữu ích. Gọi cho bác sĩ để biết bạn có thể làm gì khác nếu vẫn không khỏe hơn khi nghỉ ngơi, chườm nóng, chườm đá hoặc dùng thuốc không kê đơn.
Bé 14 tháng tuổi bị bỏng bô phồng rộp bàn tay: 2 loại thuốc bố mẹ cần có trong nhà và lưu ý để phòng tránh di chứng bỏng cho trẻ Nhìn vết bỏng to trong lòng bàn tay bé trai, bố mẹ có con nhỏ lại phải tự nhắc nhở bản thân cần cẩn trọng hơn khi trông coi bé, đặc biệt là các bé đang ở giai đoạn tập đi. Bắt đầu biết đi, trẻ sẽ nghịch ngợm và tò mò mọi thứ nhiều hơn, cùng với đó, ông bà, bố mẹ...