Đằng sau khủng hoảng ngoại giao Anh – Nga (*): Nghi vấn từ nội bộ
Chuyện Thủ tướng Anh nhất quyết trừng phạt Nga mà không đưa ra bằng chứng cụ thể đã bị thủ lĩnh Công Đảng đối lập cho rằng quá vội vã và một cựu đại sứ Anh tại Uzbekistan phản đối vì không có cơ sở khoa học.
Ngày 20-3, trong lúc 23 nhà ngoại giao Nga và gia đình lục tục khăn gói lên máy bay về nước theo lệnh trục xuất của Bộ Ngoại giao Anh, ông Jeremy Corbyn – thủ lĩnh Công Đảng đối lập – tiếp tục khẳng định chống lại lệnh trừng phạt của nữ Thủ tướng Theresa May mà ông cho là vội vã. Theo ông, điều cần thiết trong lúc này là phải đưa ra được bằng chứng cụ thể chứ không thể nói khơi khơi.
Novichok đến từ đâu?
Ngay sau khi bà May trình bày quan điểm của chính phủ trước Hạ viện Anh hôm 12-3 quy kết nước Nga – cụ thể là Tổng thống Putin – đứng đằng sau vụ mưu sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bằng chất độc Novichok, ông Corbyn đã tỏ ý không đồng tình.
Ông Jeremy Corbyn (trên) và ông Craig Murray Ảnh: MIRROR – THE DURAN
Theo ông Corbyn, công chúng đáng được nhìn thấy “phản ứng chừng mực và bình tĩnh” từ chính phủ. “Vội vã trước khi có bằng chứng mà cảnh sát đang thu thập, trong bầu không khí quốc hội nóng rực, thì không phục vụ được công lý hay an ninh quốc gia” – ông băn khoăn.
Phát biểu trên đài phát thanh BBC 4, ông Corbyn nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng Nga phải chịu trách nhiệm về chuyện ấy (cha con cựu điệp viên Skripal bị đầu độc) nhưng câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi “nó (Novichok) đến từ đâu” vẫn còn bỏ ngỏ”.
Trước đó, người phát ngôn của Công Đảng nhận định rằng “có thể cơ quan tình báo Anh đã mắc sai lầm. Chủ mưu vụ này cũng có thể là mafia hoặc một nước Đông Âu nào đó từng là thành viên của Liên Xô”.
Phát biểu của ông Corbyn làm bà May “sửng sốt và sốc”. Hai tuần qua, ông Corbyn đã chịu nhiều tiếng thị phi như “không yêu nước” từ các thành viên chính phủ và chính khách Đảng Bảo thủ cầm quyền. Ngay trong nội bộ Công Đảng cũng có người không đồng tình với ý kiến trái chiều của vị thủ lĩnh. Tuy nhiên, ông Corbyn vẫn giữ vững lập trường.
Thế nhưng, sốc nhất là bài viết đề ngày 14-3 của ông Craig Murray – cựu đại sứ Anh tại Uzbekistan, một nhà sử học và một nhà hoạt động nhân quyền có tiếng.
Video đang HOT
“Lừa đảo kiểu WMD Iraq”
Dưới đầu đề “Novichok, một câu chuyện lừa đảo kiểu WMD (vũ khí hủy diệt hàng loạt) Iraq”, ông Murray trích dẫn một bài viết của TS Robert Black, Giám đốc Porton Down – nhà máy vũ khí hóa học duy nhất của Anh, đăng trên một tạp chí khoa học nổi tiếng năm 2016 về chất độc này. Theo vị thành viên Hội Hóa học Hoàng gia Anh này, chứng cứ về sự tồn tại của Novichok rất hiếm và thành phần hóa học của nó vẫn còn bí ẩn.
“Những năm gần đây, có suy đoán rằng Nga đã phát triển thế hệ thứ tư của khí độc thần kinh Novichok như là một phần của “chương trình Foliant” – nghiên cứu điều chế những tác nhân nằm ngoài tầm với của các thiết bị dò tìm. Những thông tin về hợp chất này đã lan truyền rải rác trong công chúng, chủ yếu xuất phát từ một nhà hóa học quân sự Nga bất đồng chính kiến là Vil Mirzayanov. Không hề có sự xác nhận độc lập nào về cấu trúc hoặc tài liệu nào mô tả thuộc tính của nó được công bố” – TS Black cho biết.
Theo ông Murray, ý kiến của TS Black đã được các chuyên gia về vũ khí hóa học quốc tế trên thế giới chia sẻ. Năm 2013, Ban Cố vấn khoa học của Tổ chức Ngăn cấm vũ khí hóa học (OPCW) – Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã công bố một báo cáo tương tự. Ban cố vấn này gồm đại diện chính phủ các nước Mỹ, Nga, Pháp, Đức và Anh, trong đó TS Black đại diện cho chính phủ Anh.
Do nghi ngờ sự tồn tại của Novichok mà OPCW – với sự đồng ý của Anh và Mỹ – đã không đưa nó vào danh mục chất cấm. Vì vậy, khi chính phủ Anh cho rằng có thể xác định ngay lập tức đó là chất độc Novichok, điều mà Porton Down nói chưa hề thấy và biết đến sự tồn tại của nó, là chuyện phi lý. Phi lý hơn nữa, không những xác định mà chính phủ Anh còn chỉ ra cả nguồn gốc của nó.
Ông Murray còn nêu ra một việc bất thường khác: Chính phủ Anh từ chối gửi chứng cứ – mẫu Novichok tìm thấy trên thân thể ông Skripal – cho OPCW để tổ chức này phân tích. Nói về lý, chính phủ Anh có nghĩa vụ phải làm như vậy chứ không đợi nhắc. Moscow cũng đã yêu cầu Anh làm như thế để chứng minh rằng Nga có phải là nơi sản xuất Novichok hay không. Tuy nhiên, yêu cầu của Nga đã không được đáp ứng. Ngay cả khi Nga đưa yêu này ra Hội đồng Bảo an LHQ, Anh đã dùng quyền phủ quyết để bác bỏ.
Chống Nga chưa từng thấy
Từ những nhận xét trên, ông Murray lưu ý mấy điểm sau đây:
Một là, trong các báo cáo của mình, Porton Down xác nhận chưa bao giờ thấy chất kịch độc Novichok của Nga. Chính phủ Anh hoàn toàn không có thông tin “bắt tận tay day tận trán” nào chứng tỏ nó đến từ Nga.
Hai là, các chuyên gia OPCW cũng thừa nhận chất Novichok chưa bao giờ tồn tại.
Ba là, chương trình Novichok thực hiện ở Uzbekistan chứ không phải Nga, cụ thể là tại Viện Nghiên cứu Hóa chất Nukus – nơi ông Murray từng đến hồi còn làm đại sứ Anh. Nukus, thành phố lớn thứ 6 của Uzbekistan, vốn hẻo lánh nên Hồng quân Liên Xô chọn làm nơi nghiên cứu và thử nghiệm vũ khí hóa học. Novichok được nghiên cứu và thử nghiệm tại đây nhưng không thành công.
Năm 2002, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tháo dỡ và tiêu hủy kho vũ khí hóa học của viện này với chi phí 6 triệu USD. Nếu có ai đó thừa hưởng di sản của viện này thì đó là Mỹ chứ không phải Nga. Cho nên, nếu quả quyết chỉ có Nga biết sản xuất Novichok là sai.
Theo ông Murray, Chính phủ và truyền thông Anh đã kết luận quá vội vã và tuyên truyền không đúng sự thật. Nước Anh đang trải qua một bầu không khí hiếu chiến chống Nga chưa từng thấy. So với năm 2003 – khi Mỹ tiến hành cuộc chiến lật đổ chính quyền Saddam Hussein với lý do không có thật là sở hữu WMD, truyền thông Anh còn hung hăng hơn nhiều.
Kỳ tới: Tại sao phải giết?
Đấu khẩu tại Hội đồng Bảo an
Ngày 14-3, Anh đã chính thức đưa vụ cha con cựu điệp viên Skripal bị tấn công bằng Novichok ra Hội đồng Bảo an LHQ. Phó Đại sứ Anh tại LHQ Jonathan Allen tố cáo Nga đứng đằng sau vụ mưu sát này với lập luận: “Không ai có thể ngoài nhà nước điều chế Novichok. Lịch sử cho thấy nó từng được sản xuất thời Liên Xô và sau đó là Nga”.
Đại sứ Nga Vassili Nebenzia lập tức bắt bẻ: “Nếu người Anh có thể đoan chắc đó là Novichok thì họ đã sở hữu mẫu “Novichok tiêu chuẩn”. Có nghĩa là họ có thể tự sản xuất chất kịch độc này”. Ý ông Nebenzia là nếu không như vậy thì làm sao Anh xác định được đó là Novichok?
Theo Nguyễn Cao
Người lao động
Anh không thể 'chơi quá rắn tay' với Nga?
Thủ tướng Anh Theresa May đang triển khai các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi kết luận nước này phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal ngay trên đất Anh. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, Anh không thể đóng chặt cửa với Nga và rằng bà May đang nỗ lực hết sức để giảm thiểu tổn hại đến nền kinh tế dễ đổ vỡ của đảo quốc sương mù.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có các quyết định "ăn miếng trả miếng" đối với các biện pháp trừng phạt mới công bố của Thủ tướng Anh Theresa May.
Hôm 14/3, Thủ tướng May tuyên bố trước Quốc hội Anh về việc London sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và ngưng các liên lạc cấp cao với Moscow. Anh cũng sẽ đóng băng các tài sản của Nga, nếu chúng được dùng để đe dọa công dân Anh hoặc những người cư trú tại nước này.
Tuy nhiên, bà May rõ ràng đã tránh các động thái nhiều khả năng làm phương hại tới các ngành công nghiệp quan trọng của Anh như xe hơi, ngân hàng và năng lượng. Anh và Nga có rất nhiều quan hệ làm ăn trong những lĩnh vực này.
Ngoài ra, nữ thủ tướng Anh cũng không đề cập tới các kế hoạch cấm vận kinh tế rộng hơn hay nhắm và những đại gia Nga đang sống ở Anh. "Có rất nhiều thứ bà May có thể làm, nhưng rốt cuộc chỉ là những hành động rất chừng mực và đôi khi mơ hồ. Đây cũng có thể là ý định của bà ấy", Timothy Ash, một chiến lược gia cấp cao tại công ty tư vấn BlueBay Asset Management, nhận xét.
Gần 2 năm sau cuộc bỏ phiếu ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), nền kinh tế Anh vẫn đang phải đương đầu với sự phát triển yếu kém. Quan hệ thương mại của Anh với Nga tương đối nhỏ bé so với các quốc gia khác như Đức hay Mỹ, nhưng chúng không kém phần quan trọng.
Theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê quốc gia Anh, thương mại hai chiều giữa hai nước ước đạt 14 tỉ USD/năm. Khoảng 1% số hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu của Anh là sang thị trường Nga.
Anh bán xe hơi, hàng hóa sản xuất đại trà, máy móc và hóa phẩm cho Nga. Nước này cũng là một nhà cung cấp dịch vụ lớn. Các lĩnh vực tài chính, công nghệ và tư vấn của Anh đã thu về hàng tỉ USD mỗi năm từ các đối tác Nga.
Trong vài thập niên gần đây, Anh cũng đóng vai trò như thỏi nam châm hút giới nhà giàu Nga và các doanh nghiệp của họ. Một số lượng lớn người Nga đang sở hữu các bất động sản ở London và cũng có rất nhiều đồng bào của họ đang gửi tiền ở nước này.
Sàn chứng khoán London hiện đang niêm yết cổ phiếu của 99 công ty có trụ sở ở Nga hoặc các nước khác từng thuộc Liên Xô cũ. EN , một nhà sản xuất điện và nhôm, đã trở thành công ty lớn gần đây nhất của Nga "lên sàn" ở London hồi tháng 11 năm ngoái.
Ngược lại, Nga đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho Anh, kể cả dầu mỏ, khí đốt và than đá. Theo Bộ năng lượng Anh, chỉ không đầy 1% khí đốt sử dụng tại nước này có nguồn gốc từ Nga. Song, theo tờ Financial Times, một nửa số chuyến khí đốt tự nhiên hóa lỏng vận chuyển đến Anh cho tới thời điểm này trong năm 2018 là từ Nga.
Hơn thế nữa, nhiều đường ống dẫn khí chính trên khắp châu Âu bắt đầu ở Nga. Điều này cho phép các tập đoàn năng lượng quốc gia của Nga như Gazprom kiểm soát các nguồn cung ứng khí đốt của châu lục. Ngoài ra, nhiệt độ dự kiến sụt giảm vào cuối tuần này và đầu tuần sau nhiều khả năng sẽ làm tăng vọt nhu cầu khí đốt để sưởi ấm và chiếu sáng ở Anh cũng như trên khắp châu Âu. Trong khi đó, các nguồn dự trữ khí đốt khắp châu lục đang ở mức thấp kỷ lục do khí lạnh tăng cường và Anh đóng cửa các cơ sở dự trữ.
Một báo cáo của các nhà phân tích S&P Platts cảnh báo, dựa vào Nga có thể là lựa chọn duy nhất cho các quốc gia châu Âu như Anh, nếu họ đột nhiên cần thêm nhiều khí đốt nữa khi các nguồn cung cấp khác hiện dần cạn kiệt hoặc gần tới hạn.
Đại gia dầu mỏ Anh (BP) cũng có các mối làm ăn lớn với Nga. Tập đoàn này hiện sở hữu 20% cổ phần trong công ty năng lượng Nga Rosneft, khiến hãng có thể trở thành mục tiêu trả đũa chính khi căng thẳng Anh - Nga leo thang.
Các nhà đầu tư hiện vẫn chờ xem Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đáp trả ra sao trong vài tuần tới.
"Moscow nhiều khả năng sẽ gây huyên náo về sự tức giận của họ đối với quyết định của Anh. Họ chắc chắn sẽ có động thái ăn miếng trả miếng trước việc London trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Song, có lẽ Moscow cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì mọi thứ không quá trầm trọng như nhiều người dự đoán", chuyên gia phân tích Ash bình luận thêm trên CNN.
Theo Tuấn Anh
Vietnamnet
Vụ điệp viên bị đầu độc thổi bùng nguy cơ chiến tranh Anh, Nga Nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 đang bùng lên sau khi Nga phản ứng mạnh trước lời đe dọa "hành động" của Thủ tướng Anh Theresa May sau vụ một cựu điệp viên Nga và con gái ông này bị đầu độc trên đất Anh. Anh và Nga có nguy cơ chiến tranh vì vụ điệp viên...