Đằng sau cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga
Hôm 6/5, Nga thông báo sẽ tiến hành tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giới chuyên gia nhận định động thái này là phản ứng cứng rắn của Moskva với “những tuyên bố hiếu chiến” của giới chức phương Tây về việc điều quân tới Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm trung tâm huấn luyện bay của Bộ Quốc phòng Nga ở Torzhok, vùng Tver, Nga. Ảnh: Sputnik
Theo đài Sputnik, Bộ Ngoại giao Nga mô tả các cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật sắp tới là nỗ lực của Moskva nhằm “hạ nhiệt những cái đầu nóng” ở các nước phương Tây về việc đe dọa triển khai bộ binh tới Ukraine và thực hiện các bước đi khác có nguy cơ leo thang cuộc chiến ở Ukraine thành một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Cuộc tập trận phải được xem xét trong bối cảnh những tuyên bố gây hấn gần đây của các quan chức phương Tây và hành động gây bất ổn mạnh mẽ được một số nước NATO thực hiện nhằm gây áp lực với Nga bằng vũ lực và tạo thêm mối đe dọa đối với an ninh của đất nước chúng ta liên quan đến cuộc xung đột trong và xung quanh Ukraine”.
Nga nhấn mạnh các mối đe dọa này bao gồm cung cấp các hình thức “hỗ trợ trực tiếp” mới cho Kiev, bao gồm việc chuyển giao vũ khí ngày càng tiên tiến, cũng như quyết định của Mỹ xé bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga nhằm quân sự hóa cả châu Âu và châu Á.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, cuộc tập trận sẽ giúp NATO nhận ra những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra do những rủi ro chiến lược mà họ tạo ra, đồng thời ngăn chặn họ vừa hỗ trợ chính quyền Kiev trong các hành động tấn công vừa bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga.
Moskva cũng cảnh báo rằng họ sẽ coi bất kỳ máy bay chiến đấu F-16 nào mà NATO dự định chuyển giao cho Ukraine là những máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân và coi quyết định cung cấp chúng là hành động khiêu khích có chủ ý.
Video đang HOT
Với việc Ba Lan tuyên bố sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ, thông tin về binh sĩ Pháp chiến đấu ở Ukraine và các hành động khiêu khích khác, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh những nỗ lực của khối phương Tây báo hiệu nỗ lực có chủ ý hướng tới sự leo thang hơn nữa của cuộc khủng hoảng Ukraine, có thể gây ra cuộc đụng độ quân sự công khai giữa NATO và Nga nhằm gây ra thất bại chiến lược đối với Moskva.
“Kiev và những nước ủng hộ ở phương Tây cuối cùng cũng phải nhận ra rằng những bước đi liều lĩnh của họ đang đưa tình thế đến gần hơn bao giờ hết tới sự tích tụ giới hạn bùng nổ”, Moskva cảnh báo.
Nga có thể phóng hệ thống tên lửa Iskander-M trong cuộc tập trận. Ảnh: Sputnik
Cùng ngày đưa ra thông báo tập trận, Bộ Ngoại giao nga đã triệu tập Đại sứ Anh tại Nga Nigel Casey để cảnh báo tác động từ những bình luận của Ngoại trưởng Anh David Cameron trong chuyến thăm Kiev ngày 2/5 về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Anh để thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Nga nhấn mạnh rằng những bình luận này báo hiệu việc London thừa nhận vai trò của mình là một bên trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine và Moskva sẽ phản ứng phù hợp với điều đó.
“Đại sứ được biết rằng phía Nga coi tuyên bố của Ngoại trưởng Cameron là bằng chứng cho thấy sự leo thang nghiêm trọng và xác nhận sự tham gia ngày càng tăng của London vào các hoạt động quân sự của phía Kiev. Đại sứ Casey cũng được cảnh báo rằng phản ứng đối với các cuộc tấn công của Ukraine sử dụng vũ khí của Anh trên lãnh thổ Nga có thể bao gồm bất kỳ cơ sở và thiết bị quân sự nào của Anh trên lãnh thổ Ukraine và hơn thế nữa”, Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Moskva cũng đã triệu tập riêng Đại sứ Pháp tại Nga Pierre Levy “liên quan đến những tuyên bố hiếu chiến của giới lãnh đạo Pháp” và sự can dự ngày càng tăng của Pháp vào cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bình luận về hàng loạt tuyên bố của Quân đội Nga, Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga về kế hoạch của lực lượng tên lửa Nga tổ chức cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Earl Rasmussen, Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, nói rằng đây là tín hiệu gửi tới các nhà lãnh đạo phương Tây rằng Nga rất nghiêm túc.
Theo ông, nếu các nhà lãnh đạo phương Tây leo thang vấn đề này hơn nữa bằng sự can dự trực tiếp, Nga sẽ trực tiếp đối đầu với họ, họ sẽ tấn công lực lượng phương Tây và có khả năng bảo vệ ý chí của nhà nước Nga. Ông Rasmussen cảnh báo điều này có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, khiến tình hình leo thang và cuối cùng dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực.
“Tôi không tin rằng Nga muốn làm điều này. Tôi tin rằng họ đang cố gắng gửi tín hiệu cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây đừng leo thang hơn nữa”, nhà bình luận các vấn đề quân sự và quốc tế từng làm việc trong quân đội Mỹ 20 năm cho biết thêm.
Thật không may, ông Rasmussen cảnh báo trong trường hợp mặt trận Kiev sụp đổ, những tuyên bố thù địch từ các nước phương Tây về việc can dự vào Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp.
“Đây là một hành động khiêu khích rất nguy hiểm, một sự leo thang rất nguy hiểm. Tôi cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây không nên làm điều đó”, ông nói.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, tập trận tấn công hạt nhân chiến thuật
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 31/8 xác nhận, Bình Nhưỡng đã phóng 2 tên lửa đạn đạo vào tối 30/8, đồng thời tiến hành tập trận tấn công hạt nhân chiến thuật nhằm đáp trả các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Hình ảnh Triều Tiên phóng tên lửa hôm 30/8 mà KCNA công bố. Nguồn: KCNA.
Theo KCNA, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành một cuộc tập trận tấn công hạt nhân chiến thuật mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào sở chỉ huy và sân bay của Hàn Quốc tối 30/8. Trong một tuyên bố được KCNA đăng tải sáng 31/8, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) cũng xác nhận, đơn vị này đã bắn 2 tên lửa đạn đạo và thực hiện đúng sứ mệnh tấn công hạt nhân.
Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc tối 30/8 thông tin, cơ quan này phát hiện các vụ phóng tên lửa từ một địa điểm trong hoặc xung quanh khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng, vào khoảng thời gian từ 23h40 đến 23h50 (giờ địa phương). Mỗi quả tên lửa đã bay khoảng 360 km trước khi rơi xuống biển.
Phía Nhật Bản cũng ra tuyên bố tương tự và cho rằng 2 tên lửa nhiều khả năng đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, trong khu vực trải dài khoảng 370 km tính từ bờ biển nước này. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chỉ đạo các bộ và cơ quan hữu quan thu thập thông tin, đảm bảo an toàn cho máy bay và tàu thuyền.
Vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra chỉ 1 ngày trước khi Hàn Quốc và Mỹ kết thúc cuộc tập trận chung Lá chắn Tự do Ulchi (UFS) kéo dài 11 ngày, điều mà Bình Nhưỡng từ lâu đã chỉ trích là một cuộc diễn tập chiến tranh.
Tập trận UFS dựa trên kịch bản cuộc chiến tổng lực, với sự tham gia của hơn 58.000 binh sĩ 2 nước với nhiều nội dung, trong đó có diễn tập chỉ huy mô phỏng trên máy tính, huấn luyện thực địa và diễn tập phòng thủ dân sự Ulchi. Đặc biệt, hôm 30/8, các máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ đã được điều tới khu vực để tập trận riêng với máy bay Hàn Quốc và Nhật Bản.
Dù hứng nhiều chỉ trích từ Triều Tiên, nhưng phía Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nhiều lần khẳng định, các hành động quân sự này hoàn toàn mang tính phòng thủ.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm 29/8, phía Triều Tiên ra thông báo rằng Bình Nhưỡng sẽ sớm trang bị vũ khí hạt nhân cho một số tàu hải quân và cam kết biến hải quân thành trung tâm răn đe hạt nhân của nước này.
Liệu 'Lằn ranh đỏ' của NATO về xung đột Nga - Ukraine có bị phá vỡ? Dù bí mật vạch ra 2 'lằn ranh đỏ' có thể dẫn tới sự can thiệp trực tiếp vào xung đột Nga - Ukraine, nhưng NATO hiện vẫn chưa có bất cứ kế hoạch nào triển khai quân tới hỗ trợ Kiev. Những thất bại của quân đội Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm với Nga đang là điều...