Đáng ngại: Cường quốc chăn nuôi nhưng “trắng bảng” sản phẩm chế biến
“Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, nếu Việt Nam không đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu sản phẩm trong chăn nuôi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vào thị trường EU”.
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT) tại Hội nghị triển khai “ Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA): Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý”.
Ông Toản khẳng định: Tác động của EVFTA đối với ngành nông nghiệp là hết sức tích cực. Đây là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Nhiều mặt hàng nông nghiệp được xóa bỏ 100% thuế suất khẩu, nhiều mặt hàng giảm và xóa bỏ theo lộ trình.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đơn cử ở những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như hạt điều gặp khó khăn về truy xuất nguồn gốc bởi phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), chất lượng hạt điều, chế biến thô; hồ tiêu cũng khó khăn về VSATTP, dư lượng bảo vệ thực vật, diệt nấm, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn thấp, kỹ thuật canh tác bền vững…
Nếu Việt Nam không phát triển ngành hàng chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi thì khó cạnh tranh khi EVFTA có hiệu lực.
Hay như nhóm ngành hàng thủy sản, rau quả, chúng ta gặp khó trong nhiều vấn đề cạnh tranh với nhiều nước có thế mạnh như Thái Lan, Ấn Độ, Mexico, Canada…, vấn đề sản lượng đánh bắt giảm bởi địa phận đánh bắt bị thu hẹp, nguồn tài nguyên cạn kiệt…
Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, phải khẳng định Việt Nam là một trong những “cường quốc” về chăn nuôi nhưng nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại gặp quá nhiều khó khăn.
Khi EVFTA có hiệu lực, đặt ra cho ngành chăn nuôi những cơ hội và khó khăn lớn. Đơn cử như đối với thịt trâu bò, thuế suất hiện đang từ 5 – 30% sẽ giảm về 0% trong lộ trình từ 3 – 4 năm. Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu với giá cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng và chế biến.
Video đang HOT
Trong ngành hàng thịt lợn, thuế suất giảm về 0% trong lộ trình 10 năm, Việt Nam có lợi thế giá rẻ để cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề thách thức và yếu thế chính là chúng ta mới chỉ chú trọng và phát triển chăn nuôi và cung ứng sản phẩm thịt tươi ra thị trường mà chưa phát triển mạnh mẽ chế biến sâu trong chăn nuôi.
Trong năm qua, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đã đầu tư hơn 5.000 tỷ được vào chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất sản phẩm chăn nuôi còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Vấn đề VSATTP trong sản phẩm đang là thách thức lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.
“Nếu ngành chăn nuôi không phát triển được nhóm hàng chế biến sản phẩm, ngay vấn đề cạnh tranh trên sân nhà còn khó chứ đừng nói đến nâng cao cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bởi có đẩy mạnh được khâu chế biến mới giải quyết được rào cản kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra được nhiều sản phẩm cạnh tranh”, ông Toản nhấn mạnh.
Còn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đi đôi với việc xúc tiến thương mại, chúng ta phải chú trọng các quy định chặt chẽ của hàng hóa suất khẩu sang EU về truy suất nguồn gốc, VSATTP, công nghệ, đa dạng sản phẩm…, trong đó không thể không đầu tư vào sản phẩm chế biến ngành chăn nuôi.
Bởi, hiện ngoài ngành sữa khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, nhóm chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi hầu như “trắng bảng”. Đây là nội dung rất lớn đặt ra đối với ngành chăn nuôi nói chung, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Theo Danviet
Hà Nội: Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội vừa phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) tổ chức "Hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn và công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản TP.Hà Nội 6 tháng đầu năm 2019".
Trên 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ
Ngày 19/5/2015, Bộ NNPTNT đã ban hành Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội. Theo báo cáo của Sở NNPTNT TP.Hà Nội, sau 4 năm triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP.Hà Nội, đến nay, đã có 727 chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, công tác đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (tăng 184 chuỗi, đạt tỷ lệ 34% so với năm 2018).
Ông Nguyễn Văn Sửu (thứ hai từ trái sang)- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, tham quan các gian hàng tại hội nghị. TTXVN
Đặc biệt, riêng TP.Hà Nội đã duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Trong đó, các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Đã cấp 8 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận để tập trung truyền thông, quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm an toàn theo chuỗi.
Đáng chú ý, thành phố đã xây dựng, hoàn thành "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm TP.Hà Nội với địa chỉ tên miền www.hn.check.vn đã chuyển sang địa chỉ check.gov.vn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội đánh giá, cả nước hiện có khoảng 1.200 chuỗi cung cấp rau thịt an toàn, trong đó, Hà Nội phối hợp với 21 tỉnh đã làm được 727 chuỗi, việc phát triển các chuỗi cung cấp này có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ chứng minh về nguồn gốc và an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển chuỗi rau, thịt an toàn với các tỉnh, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại.
Cụ thể, việc triển khai mô hình liên kết sản xuất còn nhiều khó khăn, tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế; công tác dự báo thị trường tiêu thụ, tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào ra giữa các tỉnh về Hà Nội và ngược lại còn chưa theo kịp với tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; việc tuyên truyền tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố theo địa chỉ hn.check.net.vn và đăng ký mã QR cho sản phẩm của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn...
Sớm đưa chợ thương mại điện tử vào hoạt động
Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019, ông Tạ Văn Tường cho hay, cùng với việc phát triển chuỗi rau, thịt an toàn, Hà Nội sẽ lựa chọn, nhân rộng ra thêm nhiều sản phẩm khác.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối trên địa bàn vì đây là nơi luồng sản phẩm của các tỉnh đi qua rất lớn. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp để có thể sớm đưa chợ thương mại điện tử vào hoạt động.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT) - nhấn mạnh, bên cạnh việc thúc đẩy các chuỗi liên kết thì cần phải đẩy mạnh khâu chế biến, nếu không sẽ không thể vượt qua được các hàng rào kỹ thuật mà các nước đặt ra nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do như hiện nay.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội cho biết: Kết quả thực hiện thời gian qua là rất tích cực, nhưng cần quyết liệt hơn, cụ thể hoá thành hành động. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng nông sản được đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập hiện nay đòi hỏi Hà Nội đã thực hiện nhưng cần tổ chức tốt hơn nữa để đưa nông sản Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung từng bước tiến ra thế giới.
Ông Sửu đề nghị, Hà Nội cần phải đẩy mạnh phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản và chợ thương mại điện tử. Đặc biệt, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu mong muốn các tỉnh, thành phố chung tay cùng Hà Nội quan tâm, thúc đẩy việc cung ứng hàng hoá, phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán cho Thủ đô. Trong đó, chú trọng tìm kiếm các mặt hàng thay thế thịt lợn, đa dạng mặt hàng...
Theo Danviet
Nhiều công nghệ chế biến nông sản trình làng tại Vietnam PFA 2019 Gần 100 doanh nghiệp với 150 gian hàng trưng bày tại Triển lãm quốc tế về công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản thực phẩm - (Vietnam PFA) 2019 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào sáng ngày 24/7. Triển lãm diễn ra trong thời gian 4 ngày (từ 24 - 27/7/2019) do Cục Chế biến...