Đăng ký tên miền: Kinh doanh kiểu “gom bạc cắc”
Đăng ký tên miền, hình thức kinh doanh theo kiểu “ gom bạc cắc” của các nhà cung cấp dịch vụ, đang chứng tỏ được lợi thế trong thời buổi kinh tế khó khăn này.
Không chê “bạc lẻ”
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm nay có tới hơn 22.000 tên miền được đăng ký mới, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Hải Bình, Tổng giám đốc Công ty Mắt Bão (nhà cung cấp các dịch vụ đăng ký tên miền và website…) cho biết, doanh thu của công ty năm 2011 đạt hơn 120 tỉ đồng (tăng 38% so với năm 2010). Kế hoạch năm 2012, Mắt Bão đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng 35% doanh thu. Theo ông Bình, từ đầu năm đến nay hoạt động kinh doanh của công ty vẫn khả quan và chắc chắn sẽ đạt được kế hoạch đã đề ra. Trong khi đó, dù không cung cấp con số cụ thể, nhưng theo đại diện Công ty Điện toán và Truyền số liệu khu vực 2 (VDC), mức tăng trưởng của mảng kinh doanh này trong 4 tháng đầu năm nay khá tốt, khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, bà Phạm Thị Kim Anh, Trưởng phòng marketing Công ty P.A Việt Nam cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn luôn dẫn đầu thị trường về cả số lượng phát triển tên miền mới cũng như số lượng tên miền đang tồn tại ở Việt Nam.
Video đang HOT
Đăng ký tên miền, hosting (thuê máy chủ để đặt website lên mạng), e-mail, lưu trữ dữ liệu… luôn được xem là một phân khúc rất nhỏ của thị trường công nghệ thông tin. Ông Lê Hải Bình thừa nhận, kinh doanh dịch vụ này được xem là “gom bạc cắc” khi phí đăng ký chỉ ở mức khoảng 1,5 USD (tương đương khoảng 30.000 đồng) và phí duy trì tên miền cũng ở mức tương tự. Cộng thêm với chi phí để hosting, tối thiểu một doanh nghiệp hay cá nhân muốn duy trì một trang web hoạt động cũng chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng/năm. Đây là số tiền không lớn nên ít có doanh nghiệp nào cắt giảm nó. “Chính việc kinh doanh “gom bạc cắc” này lại là lợi thế cho chúng tôi dù kinh tế rơi vào khó khăn. Các doanh nghiệp chỉ cắt giảm những chi phí khác, còn duy trì tên miền và website thuộc dạng chi phí cơ bản nên không thể bỏ”, ông Bình phân tích.
Trong khi đó, VDC và P.A Việt Nam cùng cho biết, họ cũng bị ảnh hưởng đôi chút khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, ngưng hoạt động. Nhưng theo ông Bình, số lượng bỏ tên miền hay website chỉ là con số nhỏ. Bởi đa số những người chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đều muốn giữ lại tên miền của công ty, để “dành” khi khôi phục lại hoạt động nên họ vẫn đóng phí duy trì. Hơn nữa, vẫn luôn có lượng khách hàng đăng ký mới bởi khi họ cho ra đời sản phẩm mới, thay đổi tên thương hiệu… có thể dùng được luôn. Thử hình dung với 220.000 tên miền Việt Nam đang được sử dụng, tổng số thu này là không nhỏ. Bên cạnh đó còn có khoảng hơn 300.000 tên miền quốc tế được các doanh nghiệp trong nước đăng ký sử dụng. Chưa kể với nhu cầu quảng bá, bán hàng qua mạng… nhiều doanh nghiệp phải trả một chi phí cao hơn nhằm thuê dịch vụ trên máy chủ của các nhà cung cấp để có thể lưu trữ nhiều dữ liệu hơn. Điều này lý giải vì sao năm 2002, thời điểm công ty Mắt Bão mới hoạt động, doanh thu chưa đạt được 150 triệu đồng, nhưng đến nay con số này đã tăng trưởng gấp 1.000 lần!
Không có chỗ cho doanh nghiệp đến sau
Trung tâm Internet Việt Nam hiện có 9 nhà đăng ký trong nước và 5 nhà đăng ký ở nước ngoài, nhưng gần 80% thị trường thuộc về 3 doanh nghiệp gồm: P.A Việt Nam, Mắt Bão và FPT (bao gồm cả tên miền quốc tế). Các nhà cung cấp tên miền trong nước hưởng phí hoa hồng khoảng 30% và tên miền quốc tế khoảng 20%. Cộng thêm các dịch vụ đi kèm, doanh số của thị trường này không nhỏ. Trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, cụ thể là đăng ký tên miền, khách hàng khi đã tin tưởng vào nhà cung cấp nào sẽ đăng ký ở đơn vị đó và duy trì hoạt động tại nhà đăng ký, hiếm khi thay đổi.
Dù thế các đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ này cũng thừa nhận, không thể khoanh tay ngồi im dù đang có nhiều lợi thế. Mắt Bão vẫn luôn tăng cường nghiên cứu để đưa ra nhiều tiện ích gia tăng cho khách hàng P.A Việt Nam đưa ra nhiều gói dịch vụ với chi phí thấp để phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Trước đây, phí đăng ký tên miền chỉ là 1 USD (khoảng 15.000 đồng ở thời điểm đó), công ty cung cấp tên miền hưởng có vài ngàn đồng, nhưng với hàng trăm ngàn khách hàng vẫn đang sử dụng và tiếp tục đăng kí mới tên miền, đó là nguồn thu không bao giờ cạn cho các doanh nghiệp này.
Theo ITC news
Chân dung "ông trùm" tên miền thế giới
Trong nhiều năm qua, Mike Mann đã "túm" được nhiều tền miền internet và bán chúng cho người trả giá cao nhất. Trong một ngày, Mann có thể đăng kí tổng cộng... 14.962 tên miền.
Mike Mann được chuyên trang công nghệ Cnet miêu tả là: "hay mặc một bộ trang phục thể thao, rất hợp với khuôn mặt hay đỏ bừng lên của ông". Trong cuộc đời của mình, bạn có thể sẽ đập bôm bốp vào bàn phím bởi tên miền mà bạn muốn mua đã bị thâu tóm, và cái tên sở hữu nó là Mike Mann.
Người đàn ông này có "thâm niên" đầu cơ tên miền, một số ông bán được vài trăm USD, đôi khi là cả trăm nghìn USD. Và trong tuần, trong một thời gian kéo dài 24 tiếng đồng hồ từ thứ ba - thứ 4, Mann đã đăng kí tổng cộng 14.962 tên miền và trong khi chúng ta đang nói về điều này thì Mann đã đăng kí ít nhất 1822 tên miền nữa.
"Tôi thực sự tham lam", cho dù Mann không nói thế thì cũng khó mà mô tả rằng anh ta khiêm tốn, Mann còn quả quyết: "tôi muốn sở hữu cả thế giới".
Ông trùm tên miền 45 tuổi này sống ở tiểu bang Delaware (Hoa Kỳ), đầu tư vào tên miền dot com (.com) tương đối sớm, từ năm 1990 Mann đã tỏ ra là một người thức thời. Vào năm 1998, ông đã được đề nghị nhượng lại tên miền 25.000 USD, ngày hôm sau ông nhận được lời đề nghị 50.000 USD cho tên miền Menus.com.
Mann kiếm được tới 400.000 USD/tháng nhờ kinh doanh tên miền - ảnh: Cnet
"Tôi trả tất cả 70 USD cho tên miền đó", Mann thích thú nói về thương vụ ngon ăn, ông quả là người cơ hội: "ngày hôm sau, tôi bước vào lĩnh vực kinh doanh".
Mann đã trở thành một trong những nhà đầu cơ tên miền có thành tích nhất thế giới, ngay từ khi khái niệm về Marketing Online vẫn còn khá mơ hồ. Trong những năm đầu tên miền được mở bán, nhiều người đăng kí được tên miền tốt và kiếm được cả triệu USD, bây giờ việc săn tên miền ngày càng khó hơn.
Ngày nay, việc gõ tên miền để duyệt web, hoặc gõ từ khoá để tìm kiếm thông tin trên Google, Yahoo, Microsoft càng trở nên phổ biến và rõ ràng một công ty muốn kinh doanh tốt, muốn phát triển toàn cầu thì họ cần sự hỗ trợ rất nhiều từ Internet.
"Ông trùm tên miền" đã xây dựng một doanh nghiệp riêng của mình có tên là BuyDomains vào năm 2005, sau đó ông bán cho công ty Highland Capital có trụ sở tại Boston với giá 80 triệu USD. Công ty này tiếp tục đổi tên thành NameMedia và ngày càng phát triển mạnh mẽ, mặc dù trong năm 2008 NameMedia phải trì hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của mình do khủng hoảng kinh tế.
Tuy đã bán công ty do mình thành lập, nhưng Mann vẫn khôn ngoan sở hữu 15% cổ phần để nhận cổ tức, đồng thời nhảy sang làm việc cho một số liên doanh khách như seo.com và tổ chức phi lợi nhuận Grassroots.org.
Nhưng trong 2 năm gần đây, Mann đã trở lại bằng cách đăng kí 300 tên miền/ngày và bán chúng thông qua công ty riêng của mình với địa chỉ domaninmarket.com, hoạt động kinh doanh này mang lại cho ông 400.000 USD/tháng.
Một ngôi nhà như thế này cũng có thể không có giá trị bằng số lẻ của một tên miền tốt - ảnh: Financial reviews
"Tôi đã không nghe nói về bất cứ ai phô trương như vậy trong nhiều năm qua", Ron Jackson - nhà điều hành của một chuyên trang mang tên "Tạp chí Tên miền" cho biết.
Mann không chọn bừa tên miền, ông có cách riêng của mình để thẩm định giá trị của tên miền, sau đó tính toán số tiền hợp lý để chuyển nhượng nó. Ông tin rằng, không ai có thể nhìn ra giá trị của tên miền nhanh như mình.
Hình như ông rất thích câu: "mua, mua và mua"
Thay vì mua trực tiếp từ tổ chức đăng kí tên miền VeriSign, Mann lại chọn cách đăng kí thông qua các nhà cung cấp tên miền trung gian như Go Daddy và trả chi phí.
Những tên miền vàng mà chúng ta biết như Sex.com, iPhone.com đã được trả giá tới hàng triệu USD đều được đăng kí rất tình cờ. Tuy nhiên, Mann tin rằng những cái tên như CeoHealthClub.com, ChineseFoodCatering.com, BaptistChurchCamp.com và DrugDeveloper.com có thể mang lại lợi nhuận khá, những domain này không phải tình cờ mà có thể nhìn ra được giá trị của nó".
"Có những thằng ngốc đang đặt vài câu hỏi, tuyên bố là tôi không biết việc mà mình đang làm và ném tiền qua cửa sổ", nhưng Mann tin rằng một người chuyên nghiệp sẽ biết những tên miền nào có giá trị tới hàng trăm nghìn USD.
Sự suy thoái kinh tế trong những năm gần đây khiến nhiều công ty quyết định trọn các địa chỉ tên miền mới như là .co hoặc .me để hoạt động kinh doanh, thay vì chọn tên miền .com đã bị sở hữu trước - mà nếu muốn, họ sẽ phải trả giá rất đắt để mua lại nó.
Giá trị lớn nhất phải kể đến các tên miền .com và tên miền thương hiệu định vị vị trí phát triển, ví dụ như một công ty ở Việt Nam thì người ta tin tưởng hơn với những tên miền .com.vn hoặc .vn.
Tại Việt Nam, cũng có những bạn đang hi vọng rất nhiều vào việc kinh doanh tên miền, như Trọng Khoa - người đã thâu tóm tên miền thương hiệu Legendeecoffee.com liên quan đến café Trung Nguyên chẳng hạn.
Với 500 tên miền .com, một năm Trọng Khoa có thể phải trả tới 100 triệu đồng để duy trì, nếu không có ai quan tâm đến những tên miền mà anh đang sở hữu thì thì khoản đầu tư sẽ trở thành gánh nặng cho anh.
Nhưng trong lịch sử tên miền, nhiều thương vụ đã khiến người ta giật mình, và trong những năm tới khi nền kinh tế phát triển, đặc biệt là thương mại điện tử ngày càng bùng nổ thì tên miền sẽ được coi trọng hơn.
Trên thế giới đã có một ông trùm tên miền và ông đã thành công, tại Việt Nam cũng có người gọi mình là "ông trùm tên miền", nhưng thành công hay không lại là một câu chuyện khác.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hãng Motorola đăng ký tên miền lạ "Motorola Turn" Tập đoàn Motorola Trademark Holdings vừa đăng ký hai tên miền quốc tế là MotorolaTurn.com và Motorola-Turn.com. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)Theo Whois, nhà chuyên cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền, MotorolaTurn.com và Motorola-Turn.com đã chính thức thuộc sở hữu của Motorola. Tuy nhiên, hiện Motorola vẫn chưa tiết lộ thông tin của việc đăng ký các tên miền mới này...