Đang đi du lịch, chàng trai kẹt ở Cao Bằng 2 tháng vì dịch
Với Phan Quốc, những ngày ở Cao Bằng giúp anh trải nghiệm cuộc sống yên bình, gần gũi thiên nhiên và có thời gian thực hiện dự án cá nhân để chia sẻ tới mọi người.
“Mình bị kẹt ở Cao Bằng 2 tháng. Nhưng cũng may vì nơi này cảnh sắc rất đẹp, mình đợi đến đầu tháng 9 để ngắm mùa lúa chín mỗi năm chỉ có một lần”, anh Phan Quốc (sinh năm 1992) nói với Zing khi trải qua hơn 60 ngày ở vùng phên dậu của Tổ quốc.
Giữa tháng 5, anh Quốc từ TP.HCM bay ra Hà Nội, thuê xe máy để đi khám phá các tỉnh thành miền Bắc. Mục đích của hành trình là ghi lại cảnh đẹp của các địa danh, hoàn thành video giới thiệu phong cảnh thiên nhiên Việt Nam mà anh ấp ủ hơn một năm qua.
Tới Cao Bằng, anh Quốc dự định ở lại một tháng để thăm thú nhiều địa điểm như thác Bản Giốc, thung lũng Phong Nậm, Ngọc Côn (huyện Trùng Khánh), núi Mắt Thần ( huyện Trà Lĩnh). Tuy nhiên, gần cuối tháng 6, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh quyết định tạm dừng xê dịch để đảm bảo an toàn.
Anh Phan Quốc tự nguyện mắc kẹt ở Cao Bằng vì “phải lòng” phong cảnh thiên nhiên nơi đây.
Cuộc sống ở nơi vắng bóng Covid-19
Trong 2 tháng ở Cao Bằng, anh Quốc lưu trú tại nhiều homestay khác nhau với chi phí khoảng 200.000 đồng/ngày. Nơi anh đang ở là nhà sàn của người dân địa phương tại xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh.
Là vị khách đầu tiên và duy nhất của homestay ở hiện tại, chàng trai 29 tuổi nhờ chủ nhà nấu ăn giúp.
Ban ngày, anh Quốc làm công việc full-time là lập trình viên cho tập đoàn nước ngoài. Chiều tối, anh lấy xe đi dạo, chụp ảnh, ngắm hoàng hôn. Buổi tối, anh chỉnh sửa ảnh, video cho dự án cá nhân, viết blog, review đăng lên mạng.
Ở nơi xung quanh không có đèn đường, bốn bề là tiếng vọng từ nơi hoang dã như dế, ếch kêu, anh có thể thu vào tầm mắt cả bầu trời đêm đầy sao.
“Mình cảm thấy may mắn khi ở lại Cao Bằng, nơi chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào. Từ hôm 24/7, tỉnh dừng đón khách du lịch, tạm dừng các hoạt động không thiết yếu và cơ sở kinh doanh không phục vụ sau 22h nên khá an toàn”, anh kể.
Cảnh sắc thiên nhiên Cao Bằng qua ống kính của anh Phan Quốc.
Điều anh Quốc mong chờ nhất là được tận hưởng mùa lúa chín trải dài trong thung lũng Phong Nậm vào đầu tháng 9. Nếu bỏ lỡ, anh sẽ phải đợi rất lâu vì khung cảnh này chỉ có một lần trong năm. Trước đó, chàng trai dùng flycam ghi lại hình ảnh cánh đồng xanh mướt giữa những dãy núi đá vôi và nhánh sông tự nhiên.
Sau Cao Bằng, anh hy vọng đặt chân tới Mù Cang Chải (Yên Bái) để tiếp tục săn lúa chín, sau đó rong ruổi các tỉnh Tây Bắc.
Ở những chuyến đi trước, anh Quốc từng ghi lại nhiều hình ảnh về các địa danh này nhưng do thời tiết không đẹp, anh chưa hài lòng. Với tâm huyết dành cho dự án video về Việt Nam, anh mong muốn góp phần lan tỏa vẻ đẹp quê hương đến bạn bè quốc tế một cách trọn vẹn nhất.
Dù hành trình chậm lại vì dịch, anh Quốc luôn suy nghĩ tích cực, coi đây là cơ hội để chia sẻ với mọi người nhiều hơn.
Anh Phan Quốc dùng flycam ghi lại nhiều cảnh đẹp ở vùng phên dậu của Tổ quốc.
Từng đặt chân tới 30 quốc gia
“Kẻ du mục” là cái tên anh Phan Quốc tự đặt cho mình, trích từ cụm từ “du mục kỹ thuật số” (lối sống du lịch và làm việc online – digital nomad) mà anh theo đuổi nhiều năm nay.
Trước dịch Covid-19, anh từng đặt chân tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Âu, châu Phi.
Video đang HOT
Sau khi tốt nghiệp đại học ở TP.HCM năm 2014, anh Quốc trở thành lập trình viên cho nhiều công ty trong và ngoài nước, bắt đầu kiếm tiền để thực hiện ước mơ xê dịch.
Bắt đầu từ hành trình 3 ngày tới Campuchia vào năm 2016, chàng trai tiếp tục đặt chân đến nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines.
Sau các chuyến đi gần, ngắn ngày để tích lũy kinh nghiệm cũng như cải thiện khả năng giao tiếp, anh Quốc du lịch nhiều và xa hơn, có khi ở một quốc gia gần 2 tháng.
Chuyến đi “đắt đỏ” nhất của anh là hơn một tháng khám phá nhiều địa danh ở châu Âu với 100 triệu đồng. Anh đặt vé máy bay về Việt Nam khi chi phí sắp hết.
Anh Phan Quốc check-in tại đền thờ Ấn Độ, vùng đất thánh Ấn Độ, Angkor Wat (Campuchia), thành phố cổ Bagan (Myanmar) và Thung lũng các vị vua (Luxor, Ấn Độ).
Vốn thích cảm giác phiêu lưu và không gò bó, anh Quốc không lên kế hoạch cụ thể cho tất cả hành trình. Khi gần khám phá hết một địa điểm, anh mới xin visa, đặt vé máy bay để tới quốc gia khác.
“Hầu hết chuyến bay đều hạ cánh lúc nửa đêm nên mình luôn chuẩn bị tâm lý ngủ ở sân bay, bến xe, nhà ga. Vì chủ yếu độc hành, mình hoàn toàn thoải mái và thích cảm giác bất ngờ, choáng ngợp bởi cảnh quan, văn hóa ở mỗi nơi”, anh kể.
Ưu tiên của anh Quốc là khám phá thiên nhiên, kỳ quan thế giới, tàn tích lịch sử, văn hóa, con người. Anh không chú trọng trải nghiệm về ẩm thực.
Một đất nước chàng trai 29 tuổi có thể quay trở lại nhiều lần để khám phá vùng, thành phố khác.
Anh Phan Quốc trong chuyến đi tham quan Kim tự tháp Giza và đền Karnak (Ai Cập), đỉnh núi tuyết Tây Ban Nha, hồ tại Thụy Sĩ.
Trong số quốc gia đã đi qua, Ai Cập và Myanmar để lại trong anh Quốc nhiều ấn tượng nhất.
“Ở Ai Cập trong 15 ngày, mình có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn mới, để lại nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ là chuyến taxi tới Kim tự tháp cùng cô bạn Đài Loan mới quen. Vì quá mệt, mình ngủ quên trên xe, khi tỉnh dậy thì phát hiện tài xế cố tình đi ngược đường để kéo dài hành trình. Vụ việc dẫn tới ẩu đả nhưng sau đó, 2 nhạc công người địa phương đi qua giảng hòa, đưa mình về lại thành phố. Kỷ niệm này không đáng sợ nhưng đưa tới cho mình người bạn thân”, anh kể lại.
Hay với anh Quốc, chuyến đi 3 ngày quanh thành phố Mathura (Ấn Độ) vào tháng 4/2018 cũng vừa thử thách, vừa thú vị. Đây là nơi có ít hoạt động du lịch, người dân không biết nói tiếng Anh.
Vừa đặt chân tới nơi lúc 3h sáng, anh giật mình vì xung quanh là quân đội cầm súng đi dày đặc, không có sóng Wi-Fi cũng không bán sim cho người nước ngoài. Dù bị một số kẻ lừa tiền, móc túi, chặt chém, anh vẫn thấy may mắn khi gặp được tài xế lái xe tuk tuk tốt bụng, chở anh đi khám phá khắp Mathura và Vrindavan.
Anh Quốc cũng từng lỡ hẹn với một số quốc gia như Ethiopia vì không xin được visa (do chỉ Đại sứ quán ở Bắc Kinh, Trung Quốc, mới có thẩm quyền cấp) hay Jordan khi phải chờ được cấp thị thực quá lâu.
Anh Phan Quốc khám phá ngôi làng cổ tích và sườn núi ở Thụy Sĩ, tỉnh đảo Palawan (Philippines), ngôi đền trong thành Mathura (Ấn Độ).
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Quốc tạm dừng du lịch quốc tế, dành thời gian khám phá trong nước.
Từng đặt chân tới hơn 50 tỉnh, thành của Việt Nam từ thời sinh viên, nhưng sau 5 năm chu du nước ngoài, cảm giác của anh khi trở lại rất khác biệt.
Trong thời gian tới, anh Quốc hy vọng hoàn thành video cảnh đẹp của Việt Nam để đăng tải lên trang mạng xã hội và blog cá nhân cho bạn bè quốc tế biết thêm về dải đất hình chữ S.
Sau dịch, chàng trai có đi dự định đi du lịch vòng quanh thế giới như ước mơ từ thưở nhỏ. Anh có kế hoạch xuất phát từ châu Á qua châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương.
“Với mình, xê dịch là cả cuộc đời. Mình muốn đặt chân tới tất cả quốc gia trên thế giới để ghi lại trải nghiệm và chia sẻ với mọi người qua cuốn sách riêng. Hy vọng dịch sớm qua để có thể thực hiện nhiều điều ấp ủ”, anh Quốc nói.
Anh Phan Quốc ở ngôi đền Hindu lớn nhất Indonesia.
Tận mục kho báu hiếm có ở Công viên địa chất Non nước Cao Bằng
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là một vùng đất hiếm có ở Việt Nam. Các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản..., đặc biệt là các cảnh quan đá vôi là những minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km2 (chiếm gần một nửa diện tích của tỉnh Cao Bằng).
Các nhà khoa học đã phát hiện có trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng (các tháp đá, nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông , hang ngầm...) phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới Bắc Việt Nam.
Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản hình thành ở vùng đất này.
Cảnh quan núi đá vôi trùng điệp, thung lũng, hang động, những dòng sông, hồ nước xanh ngát, các hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản,... tạo nên sự độc đáo hiếm có của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, nơi du khách có thể tìm hiểu địa chất có lịch sử trên 500 triệu năm của Trái Đất.
Hang Pác Bó, suối Lê Nin, thác Bản Giốc, sông Thang Hen, Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít... là những "báu vật" của công viên địa chất đẹp mê hoặc này.
Thác Bản Giốc: Nằm trong công viên địa chất Non Nước Cao Bằng, Bản Giốc - Thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, thuộc địa phận xã àm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác có độ cao trên 30 m với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi.
Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén: Vườn quốc gia này có địa hình phức tạp, với chủ yếu là núi cao, thung lũng nhỏ hẹp, nhiều nơi dốc đứng. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000 m đến gần 2.000m so với mực nước biển, như Phia Oắc cao 1.935 m, Phia Đén cao 1.391 m.
Khu bảo tồn loài-sinh cảnh vượn Cao Vít, Trùng Khánh: Khu bảo tồn có tổng diện tích gần 7.600 ha, trong đó vùng lõi có 1.600 ha. Vượn Cao Vít không đuôi, tay dài, con trưởng thành nặng khoảng 7-8 kg.
Hồ Thăng Hen: Đây là quần thể-hang-sông và hang ngầm. Quần thể hồ Thăng Hen đã ghi nhận đến nay gồm 36 hồ tự nhiên liên thông với nhau qua hệ thống các hang, sông ngầm.
Hang Kỳ Rằng: Đây là hang hóa thạch, dài 417 m, sâu khoảng 34 m, rộng nhất 30 m, hẹp nhất 0,7m, thoải dần từ cửa vào đến cửa ra. Hang có hệ thống nhũ phát triển rất đồ sộ, đẹp và còn đang được bảo tồn tốt.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó: Pác Bó là di tích cách mạng nổi tiếng, trong đó hang Cốc Bó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi khi trở về Tổ quốc (08/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tên Pác Bó còn có nghĩa đen là "miệng nguồn".
Không chỉ có các đặc điểm địa chất độc đáo, đây còn là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán Chay...
Ngày 12/4/2018, UNESCO đã chính thức công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.
Hiện có ba "tuyến đường trải nghiệm" cho du khách khám phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.
Tuyến 1: Khám phá Phia Oắc - Vùng núi của Những đổi thay: Tuyến này các điểm dừng chân như: Di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, Vườn quốc gia Phia Oắc.
Tuyến 2: Tuyến tham quan "Trở về nguồn cội": Các điểm dừng chân của tuyền này gồm Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá, trọng tâm là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Tuyến 3: Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên: Khách du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian, cũng như những món ăn nổi tiếng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ...
Núi Mắt Thần, điểm du lịch cắm trại không thể bỏ qua khi đến Cao Bằng Cắm trại núi thủng cao bằng Nhiều năm gần đây, Núi Mắt Thần (Cao Bằng) trở thành điểm đến yêu thích của các tín đồ du lịch nhờ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Núi Mắt Thần nằm tại xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh trong quần thể 36 hồ Thang Hen. Đây là điểm đến nổi bật của công viên...