Đảng Cộng hòa vật lộn cản bước Donald Trump
Giới lãnh đạo theo đường lối chính thống của đảng Cộng hòa đã bàn nhiều kế sách hòng cản bước Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng đều thất bại, khiến nội bộ đảng này thêm chia rẽ.
Thành công liên tiếp của Donald Trump làm lộ rõ sự chia rẽ và bế tắc trong đảng Cộng hòa. Ảnh: AFP
Phát biểu tại Washington trong một cuộc họp mặt các nhà tài trợ và thống đốc bang là thành viên đảng Cộng hòa hôm 19/2, ông Karl Rove đưa ra một viễn cảnh thật ảm đạm.
Ông Rove, người từng là chiến lược gia trưởng cho chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống George W. Bush cảnh báo, việc Donald Trump ngày càng có cơ hội trở thành đại diện tranh cử của đảng Cộng hòa sẽ gây hậu quả ghê gớm, khiến đảng này chịu thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Nhưng ông Rove cũng một mực khẳng định việc ngăn cản tỷ phú Trump vẫn chưa phải quá muộn, New York Times dẫn lời ba người góp mặt trong cuộc họp, cho biết.
Sáng hôm sau, tại một cuộc họp khác của các thống đốc bang đảng Cộng hòa, Thống đốc bang Maine Paul R. LePage kêu gọi phải hành động. Ngồi bên một chiếc bàn dài tại khách sạn Willard, ông LePage phát biểu đầy giận dữ về tình hình cuộc đua.
Ông cho rằng việc ông Trump giành quyền đại diện cho đảng Cộng hòa sẽ khiến đảng này bị ảnh hưởng sâu sắc. Ông hối thúc đồng nghiệp dự thảo một bức thư gửi “tới nhân dân”, với nội dung chối bỏ ông Trump cùng phong cách chính trị của ứng viên này. Tuy nhiên, không một ai chấp nhận đề xuất.
Và thế là ông Trump ngày càng có thêm sự ủng hộ, với chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại hai bang, cùng tuyên bố hậu thuẫn của Thống đốc bang New Jersey Chris Christie.
Ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Đồ họa: NYTimes
Bế tắc
Video đang HOT
Nhiều người trong đảng Cộng hòa đã công khai kêu gọi đảng đoàn kết để ủng hộ một ứng viên duy nhất. Rất nhiều quan chức dân cử, các chiến lược gia chính trị cùng các nhà tài trợ cũng mô tả về một chiến dịch phút chót, khẩn cấp để chặn bước tiến của Donald Trump. Tuy vậy, sâu trong cánh gà, sứ mệnh hòng chặn đà tiến của tỷ phú bất động sản đang lâm vào bế tắc.
Những nỗ lực nhằm đoàn kết các ứng viên đang tranh cử, hòng dồn sự ủng hộ cho một người, đã thất bại. Lời kêu gọi của Thượng nghị sĩ Marco Rubio gửi tới ông Christie đã khiến vị thống đốc tức giận và cảm thấy bị sỉ nhục. Trong khi đó lời kêu gọi của ông Mitt Romney, cựu thống đốc Massachusetts, gửi tới ứng viên John Kasich cũng bị phớt lờ.
Ít nhất hai ứng viên đang tranh cử đã dự thảo kế hoạch hợp sức công kích Trump, trong khi lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng hòa tại thượng viện, Mitch McConnell, lên kế hoạch vận động các nghị sĩ quay lưng với ông trùm bất động sản này trong cuộc tổng tuyển cử.
Thế nhưng, bất chấp mọi toan tính ngáng đường ông Trump, các cuộc phỏng vấn cho thấy đảng Cộng hòa đang chìm trong bế tắc do thiếu quyết đoán, New York Times nhận xét. Trong khi đó, Trump đã đại thắng tại hai bang South Carolina và Nevada.
Các nhà tài trợ thì lo sợ phải nhận hậu quả nếu ra mặt đối đầu trực diện với tỷ phú. Các quan chức dân cử của đảng Cộng hòa thì không muốn công kích do e ngại vô tình tiếp thêm mồi lửa cho những chỉ trích mang màu sắc dân túy của Trump. Trong khi đó, đảng Cộng hòa thiếu vắng một người đứng ngoài cuộc đua vào Nhà Trắng có thể giúp đưa ra các vấn đề cần bàn luận một cách khách quan.
Việc Thống đốc Christie, một người không mấy sáng giá nhưng vẫn rất được nể trọng trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng hòa, tuyên bố ủng hộ Donald Trump cuối tuần qua chính là đòn chí mạng giáng vào những nỗ lực ngăn chặn ứng viên này. Ông Christie có thể là “ví dụ để noi theo” cho những thành viên đảng Cộng hòa khác muốn gia nhập phe ủng hộ tỷ phú này thay vì đánh bại ông.
Thực tế, chỉ vài giờ sau khi ông Christie tuyên bố hậu thuẫn tỷ phú Trump, Thống đốc Paul LePage đã tuyên bố trên một đài phát thanh rằng ông Trump có thể trở thành “một trong những tổng thống Mỹ vĩ đại nhất”.
Cựu thống đốc bang Utah Michael O. Leavitt, cố vấn hàng đầu của ông Romney trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012, khẳng định đảng Cộng hòa không thể đoàn kết thành một mặt trận để đẩy lùi chiến dịch của ông Trump.
“Không hề có cơ chế nào”, ông Leavitt nói. “Không hề có những cuộc họp kín. Hoặc nếu có thì tôi chưa bao giờ biết đến, và tôi cũng không biết có ai biết đến dự không”.
Thống đốc Christie (phải), người từng trong cuộc đua vào ghế tống thống Mỹ năm 2016, tuần trước công khai ủng hộ Donald Trump. Ảnh: The Source
Thụ động và chia rẽ
Các thành viên đảng Cộng hòa đều đau đớn thừa nhận họ phải đối diện với tình hình hiện tại phần nhiều vì chính sự thụ động của mình. Từng có nhiều cơ hội cho họ cản bước ông Trump, đã có hơn một kế hoạch được vạch ra nhưng lại bị chối bỏ. Những đối thủ đã tấn công tỷ phú này từ sớm, như cựu thống đốc Texas Rick Perry và cựu thống đốc Louisiana Bobby Jindal, ít được hậu thuẫn và nhanh chóng lu mờ.
Mùa thu năm ngoái, các chiến lược gia Alex Castellanos và Gail Gitcho, những người kỳ cựu trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, đã liên hệ với hàng chục nhà bảo trợ hàng đầu của đảng Cộng hòa, trong đó có tỷ phú casino Sheldon Adelson cùng nhà quản lý quỹ đầu cơ Paul Singer. Họ thảo ra kế hoạch hình thành một siêu Ủy ban hành động bầu cử (PAC – một tổ chức tư nhân, được ra đời để quyên góp và ủng hộ cho một chính trị gia hoặc chính sách nhất định) để công kích Trump. Trong các biên bản ghi nhớ bí mật, các chiến lược gia này đã đề ra nhiệm vụ của một nhóm họ đặt tên là “ProtectUS” (Bảo vệ nước Mỹ).
“Chúng tôi muốn cử tri hình dung Donald Trump ngồi trong Phòng Bầu Dục trên chiếc Ghế Lớn, với trách nhiệm phải xử lý các cuộc đối đầu toàn cầu”, bản ghi nhớ có đoạn. Ông Castellanos thậm chí còn in những quảng cáo khắc họa ông Trump không phù hợp làm tổng thống Mỹ.
Hai nhà chiến lược này đề xuất công kích Trump tại bang New Hampshire về những thất bại trong kinh doanh, cùng quan điểm mang màu sắc tự do trước đây. Họ cũng nhấn mạnh mức độ cấp bách của dự án. Vậy nhưng, không có nhà tài trợ lớn nào cam kết với đề xuất, khiến nó bị bỏ rơi.
Những mạnh thường quân quan trọng nhất của đảng Cộng hòa hiện vẫn phản đối ông Trump. Tại một cuộc họp được chủ trì bởi tỷ phú Charles G. và David H. Koch, những người quyên góp nhiều nhất cho đảng Cộng hòa, các cố vấn chính trị của họ vẫn khắc họa ông Trump là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Nhưng gia tộc Koch, cũng giống như ông Adelson, không mặn mà trong việc tác động quyết liệt vào các cuộc bầu cử sơ bộ.
American Future Fund, một nhóm bảo thủ hôm 26/2, công bố kế hoạch đăng tải những quảng cáo chỉ trích ông Trump về vai trò của tỷ phú trong một công ty giáo dục bị tố lừa dối học viên. Nhưng không còn nhiều thời gian cho các quảng cáo như vậy phát huy tác dụng, trước khi bầu cử sơ bộ diễn ra tại các bang lớn nhất vào đầu tháng ba.
Trong khi đó, một nhóm các lãnh đạo cấp cao trong đảng Cộng hòa bắt đầu có những phát biểu hòa giải với Donald Trump. Nghị sĩ Kevin McCarthy, lãnh đạo phe đa số tại hạ viện, nói rằng ông tin ông có thể làm việc với Trump nếu tỷ phú này trở thành tổng thống. Nhiều người trong đảng cũng thừa nhận tâm lý chấp nhận đang lớn dần.
Fred Malek, chủ tịch tài chính của Hiệp hội các Thống đốc đảng Cộng hòa cho rằng, phe chính thống trong đảng đơn giản đã “đi đến giới hạn”.
“Không có một nhà lãnh đạo nào, không có một tổ chức nào có thể khiến một nhóm đầy phân hóa như đảng Cộng hòa đoàn kết lại, ủng hộ một ứng viên duy nhất”, Malek quả quyết. “Điều đó không thể xảy ra”.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Donald Trump mỉa mai đối thủ Rubio là 'con mồi dễ dàng' của ông Putin
Tại cuộc tranh luận ở Texas ngày 26.2, ứng viên Donald Trump nói rằng nếu trở thành tổng thống, Thượng nghị sĩ Marco Rubio sẽ là "con mồi dễ dàng" cho tổng thống Nga Vladimir Putin trong các cuộc hội đàm, theo RIA (Nga).
Màn đối đáp tay đôi giữa ông Marco Rubio (trái) và tỉ phú Donald Trump tại cuộc tranh luận do CNN tổ chức ngày 26.2.2016 ở Houston, Texas - Ảnh: Reuters
Theo ông Trump, khi ra trước công chúng, ông Rubio luôn bồn chồn lo lắng đến mức toát cả mồ hôi. "Hãy hình dung tình huống Putin gặp gỡ tổng thống Mỹ, giả sử là Marco. Putin bước vào Nhà Trắng và nhìn thấy Marco Rubio ướt đẫm mồ hôi từ đầu đến gót. Putin sẽ nghĩ thầm trong đầu: anh chàng này hẳn đang có vấn đề. Tin tôi đi, lúc đó chắc chắn Marco sẽ là con mồi dễ dàng để cho ông Putin mặc sức xoay vần", ông Trump nói trên sóng truyền hình CNN.
Ông cũng chế giễu rằng khi phát biểu đại diện cho đảng Cộng hòa, ông Rubio luôn tỏ ra lo lắng và liên tục uống nước. "Ông Putin chẳng lạ gì về Marco. Khi đảng (Cộng hòa) cử Marco đứng ra phản biện bài phát biểu của Tổng thống Obama, hẳn mọi người còn nhớ tới thảm họa này, ông ấy luôn miệng kêu: Ôi, hãy cho tôi nước, mau đưa nước cho tôi. Nhân viên phục vụ trên sân khấu hoảng loạn hết cả lên, còn khán giả thì cười ầm", ông Trump nói.
Dịp khác, trong một cuộc tranh luận của các ứng viên thuộc đảng Cộng hòa, ông Trump nói rằng Rubio "giống như một chú chó con run rẩy và sợ hãi", rồi ông ta khui một chai nước suối, rảy nước quanh chân mình, làm méo khuôn mặt của mình để diễn tả tâm trạng của ông Rubio, sau đó ném vỏ chai vào hậu trường.
Trump và Rubio được coi là hai ứng cử viên chính của đảng Cộng hòa. Cuộc đua quyết định sẽ diễn ra vào ngày 1.3, được mệnh danh "ngày thứ Ba siêu đẳng", khi 11 bang sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Được biết, trước đó trong cuộc tranh luận ứng cử tại Houston, giữa ông Trump và Rubio đã diễn ra một cuộc đôi co nảy lửa, được phát trực tiếp trên sóng truyền hình CNN.
Ông Rubio nói rằng ông thầu xây dựng Trump đã thuê mướn nhân công là người nhập cư bất hợp pháp. Ông Trump đốp lại ngay: "Trên sân khấu này, tôi là người duy nhất tạo được công ăn việc làm cho người khác" và được khán giả vỗ tay, phấn khích hò reo ủng hộ.
Vài phút sau, hai ứng viên lại lên giọng và to tiếng ngắt lời nhau. Tỉ phú Trump nói: "Ông thì biết gì về kinh doanh!". TNS Rubio đáp ngay: "Tôi biết ít nhất có 4 công ty bị vỡ nợ" (ngụ ý các công ty con của tỉ phú Trump bị phá sản trước đây).
Sau đó, hai bên liên tục gọi nhau là "dối trá, dối trá 100%". Theo phản ứng của khán giả tại trường quay và của giới quan sát, ưu thế có phần nghiêng về phía ông Trump.
Phạm Bá Thuỷ
Theo Thanhnien
Người vợ siêu mẫu của ứng viên tổng thống Mỹ Trump Sinh ra trong gia đình giàu có, biết 4 ngôn ngữ, Melania Trump có thể trở thành đệ nhất phu nhân sinh ở nước ngoài đầu tiên trong lịch sử hiện đại Mỹ, nếu Donald Trump đắc cử tổng thống. Melania Knauss, 17 tuổi, làm mẫu chụp ảnh năm 1987. Ảnh: IPAK Images Theo Bloomberg, Melania Knauss, sinh năm 1971 tại Svenica, Slovenia,...