Đảng Cộng hòa nguy cơ thành tội đồ vì chủng Delta
Một tháng trước, hàng loạt thống đốc đảng Cộng hòa gay gắt phản đối các hạn chế chống dịch tại bang mình, trước khi Covid-19 lan như cháy rừng.
Tại Texas, Thống đốc Greg Abbott đã cấm các địa phương trong bang áp dụng yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc, dù ông đã phải xin hỗ trợ y tế khẩn cấp nhằm chống lại đà tăng ca nhiễm nCoV vì biến chủng Delta.
Tại Nam Dakota, Thống đốc Kristi L. Noem vẫn chào đón hàng trăm nghìn người đến dự cuộc Diễu hành Motor Sturgis bất chấp hoạt động này năm ngoái từng trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm.
Ở Florida, Thống đốc Ron DeSantis ký sắc lệnh hành pháp ngăn các trường học bắt buộc học sinh đeo khẩu trang khi đến lớp, trong khi tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 của bang đã vượt qua mức tồi tệ nhất năm 2020.
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis phát biểu tại một cuộc họp báo ở Miami hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.
Ba thống đốc trên là những thành viên trong “đội tiên phong” của đảng Cộng hòa không ngừng chống lại những nỗ lực y tế công cộng nhằm ngăn chặn sóng lây lan chủng Delta, giữa lúc cả nước Mỹ đang cố quay trở lại cuộc sống bình thường.
Họ cùng nhiều quan chức đảng Cộng hòa cấp quốc gia và địa phương khác coi đó như là cách để bảo vệ “tự do cá nhân”. Nhưng giới quan sát cho rằng nếu tiếp tục đà này, đảng Cộng hòa có nguy cơ tự biến mình thành “tội đồ” vì khiến cuộc khủng hoảng Covid-19 trỗi dậy thêm một lần nữa ở nước Mỹ, có thể khiến họ hứng chịu hệ lụy chính trị lâu dài.
“Họ đang chơi một trò đánh cược chính trị bằng chính mạng sống của những người dân họ phục vụ”, cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Michael S. Steele nói.
Christina Pushaw, phát ngôn viên cho Thống đốc DeSantis, đã lên tiếng bảo vệ những hành động của ông, gọi ông là người “ủng hộ vaccine nhưng phản đối các biện pháp ép buộc”.
“Bảo vệ quyền cá nhân là nền tảng của chủ nghĩa bảo thủ”, Pushaw nói. “Nếu một doanh nghiệp hay bất kỳ chính quyền nào đang xâm phạm quyền cá nhân… thì một lãnh đạo phải đứng ra can thiệp để đảm bảo rằng các quyền cá nhân được bảo vệ”.
Tuy nhiên, nhiều đảng viên Cộng hòa, như thượng nghị sĩ bang Lousiana Bill Cassidy hay chuyên gia thăm dò ý kiến Frank Luntz, gần đây đã kêu gọi các thống đốc trong đảng của mình để trường học và chính quyền địa phương tự quyết định về việc bắt buộc đeo khẩu trang hay tiêm vaccine.
“Bất cứ khi nào bị chính trị can thiệp, y tế công cộng sẽ không có kết quả tốt đẹp gì. Cuối cùng, các chính trị gia sẽ hứng chịu hậu quả, bởi người dân Mỹ không muốn sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì”, Cassidy trả lời phỏng vấn CNN tối 8/8.
Video đang HOT
Trong khi đó, đồng nghiệp của Cassidy tại Thượng viện, như nghị sĩ Rand Paul của Kentucky hay Ted Cruz của Texas, lại lên án gay gắt những quy định bắt buộc về y tế. Cruz và thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Bắc Dakota Kevin Cramer hôm 9/8 đã công bố hai dự luật cấm việc bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm vaccine.
Thống đốc Texas Greg Abbott phát biểu tại một hội nghị ở Dallas hồi năm 2018. Ảnh: Reuters.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Đại học Monmouth, 85% đảng viên Dân chủ nói họ ủng hộ việc tái áp dụng các hướng dẫn về đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, trong khi chỉ 24% đảng viên Cộng hòa có quan điểm tương tự. Khảo sát được thực hiện trước khi Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hướng dẫn sửa đổi vào cuối tháng trước, kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại những điểm nóng Covid-19 dù đã tiêm đủ vaccine.
Mặt khác, số đảng viên Dân chủ tiêm vaccine cũng có khả năng nhiều hơn đảng Cộng hòa. Theo kết quả cuộc khảo sát do Washington Post-Schar thực hiện hồi đầu tháng, 90% thành viên đảng Dân chủ nói họ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, so với 54% của đảng Cộng hòa.
Yêu cầu bắt buộc tiêm chủng cho nhân viên chính quyền hay nhân viên tại các trại dưỡng lão cũng chủ yếu đến từ các bang do đảng Dân chủ lãnh đạo.
Thống đốc đảng Cộng hòa bang Arkansas Asa Hutchinson mới đây bày tỏ hối tiếc vì ký một luật cấm bắt buộc đeo khẩu trang trong khi biến chủng Delta khiến số ca nhiễm tại bang tăng vọt. Tuy nhiên, những thống đốc Cộng hòa khác vẫn không lay chuyển quan điểm.
Tại Nam Carolina, Thống đốc Henry McMaster tuần qua cáo buộc các chuyên gia và truyền thông đã “khiến người dân lo sợ một cách không cần thiết” về chủng Delta và rằng các bậc phụ huynh nên tự quyết định có cho con em mình đeo khẩu trang hay không.
Thống đốc Abbott đã phải yêu cầu các bệnh viện ngừng thủ thuật y tế không cần thiết khi hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 tại bang Texas đang phải vận lộn với tình trạng thiếu y tá. Nhưng ông vẫn giữ nguyên lệnh cấm bắt buộc đeo khẩu trang và tiêm vaccine, bất chấp ý kiến phản đối và thách thức pháp lý ngày càng tăng.
Chủ tịch đảng Dân chủ bang Texas Gilberto Hinojosa hôm 9/3 cáo buộc Thống đốc Abbott ngăn chặn các biện pháp chống Covid-19 của địa phương vì “động cơ chính trị” để thu hút lá phiếu của những người bài vaccine và chống khẩu trang trong cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới.
Thống đốc Abbott đang phải đối diện với nhiều đối thủ bảo thủ, trong đó có cựu chủ tịch đảng Cộng hòa Texas Allen West, người từng biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế chống Covid-19 do Abbott ban hành trước đó.
Renae Eze, phát ngôn viên cho Thống đốc Abbott, bày tỏ tự tin rằng mệnh lệnh do ông đưa ra sẽ đứng vững.
“Quyết tâm của Thống đốc Abbott trong việc bảo vệ quyền và tự do cho tất cả người dân Texas chưa bao giờ lung lay”, Eze tuyên bố. “Đã có hàng chục thách thức pháp lý nhằm vào các sắc lệnh hành pháp của Thống đốc, song rốt cuộc, tất cả vẫn được giữ nguyên”.
Bảo vệ ý kiến của mình về việc hoan nghênh cuộc Diễu hành Motor Sturgis, Thống đốc Nam Dakota Noem nhấn mạnh các thống đốc “không có thẩm quyền bảo mọi người rằng họ phải dừng mọi công việc của mình lại hay phải ở yên trong nhà” cũng như không có nghĩa vụ “thông qua các hạn chế chống dịch kiểu bắt buộc”.
Thống đốc Florida DeSantis cũng lấy việc phản đối các quy tắc Covid-19 như một phần quan trọng trong thương hiệu chính trị của mình.
Mùa hè vừa qua, đội ngũ vận động chính trị của ông đã bắt đầu bán áo phông in thông điệp “Đừng Fauci Florida của tôi”, ngụ ý phản đối những ý kiến chuyên môn của tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, cố vấn y tế Nhà Trắng, về Covid-19.
Ông tuyên bố bang Florida chọn “tự do” thay vì các biện pháp phòng ngừa dịch do Fauci đưa ra.
DeSantis không chịu dừng lại dù biến chủng Delta đã khiến số ca nhập viện của Florida chạm mức kỷ lục. Tuần qua, ông còn đe dọa “giam lương” của các quan chức học khu không tuân thủ lệnh hành pháp của ông về việc cấm bắt buộc đeo khẩu trang trong khuôn viên trường.
CDC đã thay đổi hướng dẫn về đeo khẩu trang hồi tháng trước, khi các dữ liệu mới cho thấy những người đã tiêm chủng trong một số trường hợp hiếm vẫn có thể làm lây lan virus.
Tại họp báo hôm 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích một số đảng viên Cộng hòa, song không nêu đích danh, về việc họ phản đối yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang. Theo ông, việc làm này là can thiệp quá mức vào quyết định của hội đồng trường học địa phương.
Một số quan chức đảng Cộng hòa, cả đương nhiệm và đã về hưu, cho rằng khi cuộc khủng hoảng Covid-19 trở nên trầm trọng hơn, những thống đốc phản đối các quy tắc chống dịch cuối cùng sẽ phải thay đổi.
“Tôi nghĩ khi mọi chuyện trở nên xấu đi, thực tế chính trị sẽ thay đổi”, Jim Hendren, thành viên Cộng hòa tại Thượng viện bang Arkansas, nhận định. “Chúng ta rõ ràng đang đối diện một cuộc khủng hoảng”.
Thống đốc bang Nam Dakota Kristi L. Noem phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ hồi tháng hai. Ảnh: NYTimes.
Thống đốc Arkansas Hutchinson trong họp báo hôm 9/8 đã nhắc lại lời cảnh báo từ các lãnh đạo y tế về tình trạng ca nhiễm gia tăng và nhiều người trẻ phải nhập viện vì Covid-19. “Tôi nghĩ chúng ta đang rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn hồi tháng một, đặc biệt là tình trạng thiếu giường ICU”, ông nói.
Tuy nhiên, Hendren không đặt nhiều hy vọng về việc các thành viên nghị viện bang Arkansas sẽ làm theo lời kêu gọi của Thống đốc Hutchinson.
Tại một cuộc họp chiều 9/8, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại nghị viện bang Arkansas vẫn thảo luận về việc cấm các công ty bắt buộc nhân viên tiêm vaccine sau khi Walmart và Tyson Foods, hai tập đoàn có trụ sở ở Arkansas, yêu cầu mọi nhân viên phải tiêm chủng.
“Công việc hiện tại của chúng tôi là tìm cách phòng thủ và ngăn họ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn”, Hendren nói, đề cập đến các đồng nghiệp Cộng hòa trong nghị viện bang Arkansas
Nghiên cứu mới về biến chủng Iota ở Mỹ
Một nghiên cứu mới cho thấy biến chủng Iota, lần đầu được phát hiện ở New York (Mỹ), lây nhiễm nhanh hơn 15-25% so với một số chủng khác. Tuy nhiên, WHO cho biết Iota đã bị chủng Delta áp đảo.
Chủng Iota lần đầu được phát hiện ở New York vào năm ngoái (Ảnh minh họa: Reuters).
Nghiên cứu do cơ quan Y tế thành phố New York và trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia (Mỹ) thực hiện được đăng tải trên trang medRxiv cho thấy, biến chủng B.1.526, hay còn được gọi là Iota, lây lan nhanh hơn 15-25% so với các chủng khác.
Iota lần đầu được phát hiện là ở New York, Mỹ vào tháng 11/2020. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy biến chủng này có khả năng làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở các nhóm tuổi 45-64, 65-74 và trên 75 tuổi lần lượt 46%, 82% và 62%.
Các nhà khoa học cảnh báo, Iota có thể lây lan trong cộng đồng vài tuần trước khi nó có thể bị phát hiện ra. Ngoài ra, nó cũng có nguy cơ "né" phản ứng miễn dịch. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng, việc chuẩn bị kịp thời và theo dõi cẩn thận các biến chủng SARS-CoV-2, đặc điểm dịch tễ học và mức độ nghiêm trọng của chúng là rất quan trọng trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, sau báo cáo của nhóm nhà nghiên cứu Mỹ, Trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove cho biết, các dữ liệu sơ bộ cho thấy chủng Iota không khiến người bệnh có triệu chứng nghiêm trọng hơn và nó cũng không làm tăng rủi ro gây tái nhiễm mầm bệnh hoặc gây ra các ca Covid-19 "đột phá" (chỉ những người đã tiêm chủng đủ liều mà vẫn mắc bệnh). Hiện WHO xếp Iota vào nhóm "biến chủng đáng quan tâm".
Chuyên gia Kerkhove nói thêm, trên thực tế, biến chủng Iota đã không còn phổ biến ở Mỹ và đã bị chủng Delta áp đảo.
"Chúng tôi cho rằng, sự lây lan của chủng Iota ở Mỹ đang giảm và chủng Delta đang tăng. Vì vậy, Delta dường như đã vượt trội ở Iota xét về đặc tính lây lan", bà Kerkhove nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Albert Rizvanov từ Đại học Liên bang Kazan (Nga), chủng Iota không dễ lây lan hơn chủng Delta. "Các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo là Iota dễ lây lan hơn, nhưng nó chỉ đúng với chủng virus ban đầu. Các chủng virus mới có thể được xem là dễ lây lan hơn dựa trên tốc độ chúng áp đảo các chủng trước đó. Trong khi chủng Delta dần chiếm ưu thế so với chủng Alpha trong vài tháng, Iota chưa thể hiện khả năng như vậy. Do đó, tốc độ lây lan của Iota không cao hơn Delta vào thời điểm này", ông Rizvanov nhận định.
Hai xu hướng Covid-19 trái ngược ở Mỹ và Anh Cùng bị chủng Delta tấn công, Anh đang chứng kiến xu hướng dịch giảm dù dỡ hạn chế, trong khi số ca nhiễm ở Mỹ tăng mạnh gần đây. Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Anh, với sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan, đang dần hạ nhiệt. Vào cuối tháng 7, Anh ghi nhận khoảng 43.000 ca nhiễm...