Đắng cay và hạnh phúc
Cuộc sống với bao điều kỳ diệu, theo tháng năm những dòng ký ức về một thời áo trắng lại hiện về trong nỗi nhớ thương khắc khoải.
Cuộc sống của tôi hạnh phúc khi có một thời học trò đầy thú vị. Tôi sinh ra là một nữ nhi yếu đuối. Theo thời gian tôi yêu bóng đá, môn thể thao chỉ dành cho các đấng mày râu. Tôi long nhong chơi bóng cùng bạn bè con trai trong lớp khi tan các buổi học. Tôi cắt tóc ngắn, để da ngăm đen, đầu trần chân đất hò hét.
Mẹ tôi – một giáo viên mẫu mực, một mực cấm đoán những biểu hiện lạ thường của con gái, vì với người dân quê tôi những năm 1990 đó là điều khó chấp nhận. Tôi vẫn cắp sách đến trường, vẫn đá cầu, bắn bi, chơi bóng trong ánh mắt ngỡ ngàng của đám bạn gái trong lớp.
Tuổi học trò của tôi là học và chơi thể thao. Tôi chơi được gần 10 môn thể thao và tôi có năng khiếu thiên bẩm. Nhận thấy sự khác biệt trong phong cách sống và lối ăn mặc, gia đình tôi một mực cấm tôi theo thể thao, nhưng mọi cố gắng dường như bất lực.
Video đang HOT
Tôi rời trường bước vào đời vận động viên đỉnh cao, rồi giã nghiệp đi học đại học, mà chuyên ngành chính tôi học đó là văn chương, một chuyên ngành khác xa với những biểu hiện trước đây của tôi. Đời thật khéo trêu đùa tôi.
Tôi bước vào đại học khi đã 26 tuổi, bạn bè tôi đã ra trường đi làm. Ấn tượng đầu tiên khi thầy giáo vụ khoa nhận kết quả đăng ký học phần và hỏi tôi. Sao em đi học muộn vậy? Tôi như người được cởi bỏ nỗi niềm. Trong nỗi buồn của cõi lòng, tôi tâm sự với thầy rằng, từ một vận động viên được phong đẳng cấp và được tuyển thẳng vào đại học thể thao, bố mẹ tôi lại yêu cầu tôi thi lại đại học sau 6 năm tôi không động đến sách vở.
Tôi thi đậu đại học mà không ai có thể tin, vì tôi chỉ ôn thi trong vòng 15 ngày mà tôi vẫn đủ điểm vào trường và huấn luyện viên của tôi còn thách thức, em cứ đi thi thầy dám khẳng định rằng em sẽ không đậu khi em bỏ học lâu đến vậy, nhưng tôi đã làm được. Khi kết thúc câu chuyện với thầy giáo vụ, nước mắt tôi đã rơi khi nghĩ về một thời đam mê.
Tôi bước vào học kỳ đầu tiên tại Đà Lạt trong sự bi phẫn của cõi lòng. Tôi chán nản thời gian đầu, nhưng vẫn cố gắng học, để chứng tỏ cho đời, tôi không phải là một kẻ vai u thịt bắp chỉ biết đấm đá mà có thể học tốt và để biết rằng không phải là đứa đầu óc ngu si mà tứ chi phát triển.
Tôi vẫn chăm chỉ học trên lớp, ngoài ra đi học các kỹ năng mềm và ngoại ngữ bổ trợ như tiếng Anh, Trung, Nhật. Ngoài những gì tôi học, tôi là đội trưởng đội bóng đá nữ trường và cùng đội bóng đi thi đấu tất cả các giải của tỉnh Lâm Đồng và vô địch giải Sinh viên nữ Nam trung bộ và Tây Nguyên.
Trong niềm vui vô bờ bến đó, thầy tôi đã vỗ vai tôi nói rằng: Chỉ cần em sống, máu vẫn chảy trong huyết quản, thì niềm đam mê của em vẫn có thể được thắp lên. Tôi đã khóc khi nghe câu đó, chính thầy là người hiểu rõ hoàn cảnh và nỗi đau trong lòng tôi và nỗi buồn quặn lại khi nghĩ về ngày xưa.
Tôi hạnh phúc được các thầy cô quý mến. Tôi học được những điều bổ ích từ những người thành đạt. Tôi tự tin hơn với cuộc sống bước đi đầy kiêu hãnh khi rời xa trường. Tôi ra trường với một tấm bằng khá và ra Hà Nội vừa viết báo vừa làm kinh doanh cho một công ty thể thao.
Ngày đáp máy bay về thăm lại trường trong niềm vui khôn tả, vẫn như xưa, thầy cô đón tôi trong niềm vui của ngày hội ngộ, bồi hồi tình cảm mến thương và tôi đã không bao giờ quên những người đã dìu dắt tôi trong những tháng năm đó.
Theo người lao động
Mỗi năm đến hè...
Có biết bao mùa hè đã đi qua trong tôi. Mỗi mùa hè là một mùa kỷ niệm, mùa của yêu thương, lưu luyến. Và có lẽ, mùa hè chia tay năm lớp mười hai để lại nơi tôi nhiều kỷ niệm nhất.
Tôi còn nhớ buổi liên hoan kết thúc năm học lớp mười một, bốn mươi mấy đứa chúng tôi ăn uống, hò hát rất khí thế. Tôi cũng góp vào một tiết mục. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định hát bài "Nỗi buồn hoa phượng" với câu mở đầu: "Mỗi năm đến hè lòng man mát buồn...". Nhưng vừa hát đến câu thứ hai, tôi đã bị la ó: " Sến quá đi bà ơi!". Thế là tôi cụt hứng luôn. Giận! Thật là mất mặt! Tôi hứa với lòng sẽ không bao giờ hát nữa.
Từ đám đông, một đầu đinh đứng lên tuyên bố dõng dạt: "Bà không hát thì để tôi hát cho". Cả lớp vỗ tay ầm ầm. Anh chàng này hát hò thì số một rồi. Có bài nhạc trẻ sôi động nào mới ra lò mà gã không thuộc đâu. Nhưng hôm nay sao lại xung phong hát nhạc sến? Trời đất ơi! Hắn hát mùi quá đi mất. Ngọt ngào trong từng câu chữ, da diết với cảm xúc dâng tràn. Dường như hắn đã bỏ cả tim mình vào luôn trong bài hát thì phải? Tôi thật sự lắng lòng lại.
Bốn mươi mấy cặp mắt long lanh nhìn lại nhau thật kỹ. Hình ảnh của những năm tháng vừa mới đi qua giờ hiện về thật gần gũi. Tà áo trắng bay bay dưới sân trường đầy bóng phượng. Những giờ ra chơi, tụ ba chụm năm ở căn-tin hùn tiền mua xoài, cốc, ổi rồi tám chuyện linh tinh. Những lúc ngồi học, gió thổi hiu hiu, ngủ lúc nào không biết. Nhớ đến những lúc chờ thầy gọi tên mình lên dò bài mà tim đập, chân rung vì cái tội tối qua lười học bài. Hay những câu trả lời ngớ ngẫn, trên trời, dưới đất của những anh chàng lơ mơ mỗi khi cô giáo dò bài miệng.
Qua bốn mùa hè, chúng tôi lại gặp nhau. Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh... đã cùng hội ngộ giữa một ngày hè đầy tiếng ve và hoa phượng. Rồi cùng nâng cốc, hát hò mừng ngày tái ngộ. Và thật đặc biệt, bài hát của tôi lại được tập thể chọn làm bài hát mở đầu cho ngày họp lớp. Lần này, cả một tập thể hùng hậu cùng hợp xướng. Hát mà lòng cứ nức nở và một lần nữa nước mắt lại rơi. Nhưng bây giờ là nước mắt của những niềm vui, của sự trưởng thành và chiêm nghiệm. Tuy chẳng đứa nào còn được vui tươi, hồn nhiên như ngày xưa nhưng cái tinh thần "Quậy hết sức, chơi hết mình" thì vẫn còn nguyên vẹn.
Mọi thứ đến rồi sẽ đi và không có gì là vĩnh cửu. Hãy giữ lại cho nhau những ký ức đẹp đẽ, hồn nhiên của thời áo trắng với một chút buồn, vui bất chợt nhé các bạn nhé. Để mỗi lẫn nghĩ về nó lòng ta trong sáng hơn...
Theo người lao động
Thương cô... em đã từ bỏ thói xấu Đã hơn ba mươi năm từ ngày em rời xa mái trường yêu dấu, nhưng những kỷ niệm êm đềm thời áo trắng và quãng thời gian sống bên cô đã trở thành một dấu ấn khó phai trong tâm hồn em. Đó là một ký ức tuyệt vời mà mỗi lần nhớ lại, em đều ngỡ như chỉ mới vừa hôm qua,...