Dân xóm Ruộng bước từ vườn rau lên… xe hơi
Từ một thôn xóm nghèo, nhờ được hỗ trợ kinh phí sản xuất rau an toàn, đến nay người dân xóm Ruộng (phường Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã vươn lên thoát nghèo, có hộ “mua được xe hơi nếu muốn”…
Xóm nghèo “lột xác”
Cách đây chỉ gần 2 năm, muốn vào xóm Ruộng, phường Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc phải chạy xe máy qua những con đường “ruột dê” bụi mù đất đỏ. Nay đường vào xóm nghèo đã được trải nhựa rộng gần 3m với 1 mảng xanh trải dài 2 bên đường của những ruộng rau vào vụ. Đang tất bật chăm sóc những mầm rau giống, anh Nguyễn Văn Dực cho biết: “Nhờ được Hội ND và các cấp thành phố hỗ trợ mà đến nay cả xóm đã thoát nghèo, trung bình thu nhập của mỗi hộ trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Có hộ thậm chí có hộ dư tiền mua xe hơi nếu muốn…”.
Ông Nguyễn Văn Dực (trái) và cán bộ Hội ND TP.Bảo Lộc thăm mô hình rau an toàn VietGAP ở xóm Ruộng, phường Lộc Sơn. Ảnh: Quốc Hải
Kể về những khó khăn của người dân xóm Ruộng cách đây vài năm, anh Dực cho biết, khoảng năm 2010, người dân ở đây chủ yếu trồng rau tự phát nên thường gặp sâu bệnh, đầu ra cũng không có nên bà con rất nghèo.
Giờ đây, cả thung lũng xóm Ruộng đã có nhà lầu mọc lên, trải dài khắp thung lũng là màu xanh tươi non của các loại rau, củ, quả thực phẩm.
Video đang HOT
Xóm Ruộng giờ đây không còn hộ sản xuất manh mún, sơ sài mà đã đầu tư được nhà lưới kín và hệ thống tưới tiêu tự động… Ông Khoa Ngọc Thường – Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Lộc Sơn cho biết: “Tổ hiện có 22 hộ tham gia sản xuất 20ha rau, trong đó có 18 hộ sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Rau trồng quanh năm và phần lớn trồng trong nhà lưới để hạn chế sâu bệnh và hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật”.
Tìm lối ra bền vững cho sản phẩm
Ngày thường, Tổ hợp tác rau Lộc Sơn sản xuất và cung cấp ra thị trường 2,5-3 tấn rau/ngày. Riêng vụ đông xuân, bà con trong tổ có thể cung cấp mỗi ngày 7-8 tấn rau, củ, quả. Hơn 4 năm nay, Tổ hợp tác được quy hoạch thành vùng trồng rau tập trung và đã được cấp giấy chứng nhận là vùng sản xuất rau an toàn VietGAP năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay lượng rau tiêu thụ qua kênh siêu thị còn khá khiêm tốn.
“Thực tế, rau sạch nhìn mẫu mã xấu, nhưng vì lương tâm của nhà nông nên cả xóm vẫn quyết sản xuất rau theo đúng tiêu chuẩn dù giá cả còn thấp…”- ông Khoa Ngọc Thường trăn trở.
Ông Lê Viết Thống-Phó Chủ tịch Hội ND TP.Bảo Lộc cho biết, Tổ hợp tác sản xuất rau Lộc Sơn là tổ hợp tác đầu tiên và là duy nhất trên địa bàn thành phố. Năm 2008, tổ được Hội ND phường Lộc Sơn đề nghị thành lập và Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng tài trợ kinh phí, tổ chức cho bà con ở xóm Ruộng đi tham quan, học tập cách trồng rau theo hướng công nghệ cao, trồng rau trong nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt, huyện Đức Trọng và Đơn Dương.
“Sau khi tham quan, học tập, năm 2009, tổ được các ban, ngành thành phố hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con xóm Ruộng xây dựng 2 mô hình trồng rau trong nhà lưới. Mỗi mô hình rộng 500m2, sản xuất rau theo hướng an toàn. Thấy hiệu quả của 2 mô hình này hơn hẳn bởi năng suất và chất lượng cao, ít sâu bệnh, bà con xóm Ruộng đã mở rộng dần diện tích trồng rau trong nhà lưới và thoát nghèo nhanh. Hiện nay, Hội ND thành phố đang tích cực phối hợp nhằm giúp Tổ sản xuất rau sạch Lộc Sơn tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm”- ông Lê Viết Thống cho hay.
Theo Danviet
Chuối phấn vàng Tân Lập: Thịt quả rắn, ngọt thơm lừng đặc trưng
Chuối phấn vàng Tân Lập là giống chuối cho năng suất trung bình đạt từ 40-45 tấn/ha, khi chín vỏ có màu vàng sáng đẹp nhưng cuống quả vẫn còn xanh, thịt quả rắn, ăn ngọt và có mùi thơm đặc trưng.
Tân Minh nằm trong danh sách những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Thanh Sơn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 44%, đời sống chủ yếu là dựa vào đồi rừng. Trước đây, chuối phấn được trồng lẻ tẻ trên núi. Người dân coi việc trồng chuối khi đó chỉ là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Khi thị trường tiêu thụ chuối phát triển, đặc biệt là thương lái từ Hà Nội, Hòa Bình lên gom chuối đem về xuôi bán, người dân mới thấy hiệu quả và lợi ích từ cây chuối phấn vàng.
Ảnh minh họa
Chuối phấn vàng thuộc nhóm chuối Tây thuộc bà con dân tộc Mường bản địa tỉnh Phú Thọ. Giống chuối này được trồng tập trung chủ yếu ở xã Tân Lập và Tân Minh thuộc huyện miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ. Đây là giống chuối cho năng suất trung bình đạt từ 40-45 tấn/ha, khi chín vỏ có màu vàng sáng đẹp nhưng cuống quả vẫn còn xanh, thịt quả rắn, ăn ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Chuối phấn vàng quả to, già, cong và chin mỏng vỏ ngọt và ăn rất thơm, tốt cho sức khỏe, không độc hại gì vì chuối phấn vàng được trồng tự nhiên trên rừng.
Theo bà con xã Tân Lập đất nơi đây chỉ phù hợp với cây chuối phấn vàng vì đất đồi, núi nhiều đá không trồng được cây gì nên chỉ có thể trồng cây lâm nghiệp xen cây chuối. Để cây chuối phấn vàng ra buồng to, quả to, mã quả đẹp cần lưu ý trong quá trình chăm sóc phải đầu tư phân bón đặc biệt là phân chuồng và chú ý đến khâu chăm bón phải phát quang cỏ chung quanh gốc, cây chuối dễ trồng, dễ sống, là cây sống khỏe ít bị dịch bệnh, không phải đầu tư nhiều và quá trình chăm sóc cũng dễ dàng hơn so với loại cây trồng khác.
Hơn nữa cây chuối phấn vàng ít bị gián đoạn về thời vụ, mùa đông cũng như mùa hè đều cho mức thu hoạch suýt soát nhau nếu như được chăm sóc tốt. Hiện tại trung bình 1ha trồng chuối mỗi tháng cho thu hoạch từ 30-40 buồng chuối, một buồng chuối phấn vàng có trọng lượng trung bình từ 25-30kg/buồng với giá bán tại vườn từ 4.000-5.000 đ/kg tính ra mỗi tháng cây chuối phấn vàng mang lại cho bà con nơi đây thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/ha là nguồn thu không hề nhỏ với bà con dân tộc miền núi Tân Lập còn nhiều khó khăn này.
Khoảng mười năm trở lại đây bên cạnh cây lâm nghiệp thì cây chuối phấn vàng đã trở thành cây trồng giúp phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân sống ở đây. Nhận thấy được hiệu quả và lợi ích từ cây chuối bà con đã mở rộng diện tích trồng cây chuối phấn vàng đến nay toàn xã có trên 300ha cây chuối và trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương.
Nhu cầu thị trường đối với sản phẩm chuối phấn vàng ngày càng tăng vì vậy chuối ngả buồng đến đâu thương lái thu mua tại chỗ đến đó. Để tiện đầu ra hiện nay trong xã đã có các đại lý chuyên thu gom chuối cho bà con, chuối vừa trổ buồng đã được đánh dấu đợi già là gom cho đại lý, bởi vậy bà con không phải lo về khâu tiêu thụ.
Theo ý kiến của ông Đinh Tiến Thanh - Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập: Trong những năm gần đây chuối phấn vàng đã được bà con ở Tân Lập mở rộng diện tích góp phần phủ xanh đồi núi, chống xói mòn đất góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Chuối phấn vàng trở thành đặc sản của vùng và sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh.
Cây chuối phấn vàng là một cây trồng bản địa trồng rất lâu đời trên đồng đất xã Tân Lập là cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương, trong thời gian tới xã Tân Lập tiếp tục có định hướng khuyến khích cho các hộ dân trên địa bàn tiếp tục duy trì và phát triển cây chuối phấn vàng. Đồng thời xã đề nghị với UBND huyện Thanh Sơn và các cấp, các ngành xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho cây chuối phấn vàng. Hiện nay xã Tân lập khuyến khích bà con đang trồng chuối quảng canh sang thâm canh chuối để tạo ra sản phẩm hang hóa cung cấp ra thị trường cũng như thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chuối phấn vàng Tân Lập mà xã đang xúc tiến triển khai.
Giờ đây trên khắp đồng đất của xã Tân Lập đâu đâu cũng thấy sức vươn của chuối phấn vàng, ngoài sản phẩm chính là quả các hộ dân còn thu được sản phẩm từ hoa, thân và lá của cây chuối. Có thể nói cây chuối không có sản phẩm thừa mà giá trị cây chuối đem lại năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhờ cây chuối phấn vàng mà người dân ở xã Tân Lập đang có bảo bối để thoát nghèo./.
Theo Thanh Tuyền (XTTMNNHN)
Thêm nhiều "địa chỉ xanh" để người dân lựa chọn Kết thúc phiên chợ thứ 3 với nhiều hợp đồng được ký kết, là điểm dừng chân quen thuộc của các bà nội trợ Thủ đô, từ ngày 26 đến 31.7, Phiên chợ Nông sản, thực phẩm an toàn và Vật tự nông nghiệp lần thứ 4 do Bộ NNPTNT triển khai sẽ tiếp tục diễn ra tại Khu Hội chợ triển lãm...