Đan Lê chia sẻ bí quyết giữ dáng khi bầu bí
Bằng việc tập luyện và phân bổ thực đơn ăn uống hợp lý, bà xã Khải Anh đã nhanh chóng lấy lại vóc dáng gọn gàng chỉ vài tháng sau sinh nở.
Đan Lê vốn được công chúng ngưỡng mộ bởi ngoại hình xinh đẹp, quyến rũ, đặc biệt là khả năng lấy lại vóc dáng sau khi bầu bí. Mặc dù là “gái hai con” nhưng thể hình gọn gàng với những đường cong nóng bỏng của nữ MC xinh đẹp khiến những cô gái tuổi đôi mươi phải ghen tỵ. Mới đây, diễn viên Cầu vồng tình yêu đã chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong việc kiểm soát cân nặng khi sinh nở trên Facebook cá nhân. Người đẹp nhấn mạnh rằng: “Lắng nghe cơ thể là điều rất quan trọng vì cơ địa mỗi người không giống nhau, mọi thông tin chỉ là tham khảo và bạn cần sàng lọc để biết cái gì phù hợp với mình”.
Nữ biên tập viên cho rằng cách tốt nhất để không phải giảm cân là đừng lên cân vù vù. Tuy bầu bí đồng nghĩa với việc cơ thể phụ nữ sẽ tăng cân nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được điều này. Bên cạnh đó, quá trình gì cũng cần sự kiên nhẫn, từ từ, việc đột ngột, cấp tốc sẽ dẫn đến tình trạng khó giữ được hiệu quả lâu dài và có thể không tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý theo kinh nghiệm của Đan Lê để vóc dáng không bị “phát tướng” sau khi sinh con:
Chế độ ăn
Trước sinh:
Video đang HOT
Bạn tuyệt đối không nên hiểu kiểm soát cân nặng là ăn kiêng vì lúc mang bầu người phụ nữ cần đầy đủ chất để nuôi dưỡng bào thai, thiếu hay thừa chất gì cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới em bé. Phân bổ cân nặng trong 9 tháng thai kỳ là rất quan trọng, ví dụ: Trong 3 tháng đầu mẹ chưa cần tăng chế độ ăn vì lúc này em bé chủ yếu lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ, các tháng tiếp theo phụ nữ mới cần nạp nhiều dinh dưỡng hơn để đảm bảo sức khỏe cho em bé và lần “vượt cạn” sắp tới. Mức tăng tiêu chuẩn trong cả thai kỳ là từ 8 đến 12 kg. Với chỉ số “vàng” này, bạn không những dễ dàng lấy lại vóc dáng sau sinh mà còn có thể hạn chế được hiện tượng rạn da, da trùng, chảy xệ do tăng, giảm cân đột ngột.
Chế độ ăn của Đan Lê trong quá trình mang thai về lượng không khác lúc chưa có bầu. Về chất thì có một số điều chỉnh nho nhỏ như: Ăn nhiều thịt, cá, trứng gà, các thức ăn giàu canxi như hải sản, canh cua đồng, sữa tươi, sữa chua, phomat tiệt trùng, rau xanh, các loại quả như: đu đủ chín, quả bơ, táo, đặc biệt là bưởi giúp nhuận tràng, hạn chế giữ nước, phù nề, không ăn quá nhiều tinh bột và không uống sữa bầu. Ngoài ra, tiêu thụ đầy đủ các vitamin thiết yếu theo sự hướng dẫn của bác sĩ như: axit folic, canxi và sắt.
Sau sinh:
Chế độ ăn sau sinh cũng rất quan trọng vì lúc này dinh dưỡng chỉ hấp thụ vào cơ thể mẹ để đảm bảo chất lượng sữa. Ngay từ ngày đầu tiên cho đến hết tháng đầu sau sinh tuyệt đối không nên ăn kiêng, thậm chí cần bồi bổ một chút vì lúc này cơ thể đang rất yếu. Sau một tháng đầu, nếu thấy thật sự cần thiết mới dần điều chỉnh thực đơn, chọn các loại thức ăn có lợi cho nguồn sữa mà không khiến mẹ tăng cân quá nhiều, nói “không” với chân giò hầm, uống hơn 3 lít nước ấm/ ngày. 4 tháng sau sinh mới là lúc các mẹ chính thức quan tâm đến chế độ ăn uống và vận động để lấy lại vóc dáng, chuẩn bị trở lại với công việc của mình.
Chế độ vận động:
Trước sinh:
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mẹ và bé mà bạn có thể tìm cách vận động hợp lý. Trong thời gian này, động tác Đan Lê hay thực hiện nhất là vung tay nhẹ nhàng và nằm xoay khớp háng. Đặc biệt phải hạn chế đi máy bay. Thêm vào đó, cô chọn cách massage bầu cho máu huyết lưu thông, xương khớp đỡ đau nhức, giúp người thoải mái hơn hẳn.
Sau sinh:
Giống như thực đơn ăn uống, chế độ vận động sau sinh cũng cần có thời gian mới áp dụng được, đừng sốt ruột với những ngấn mỡ, bạn còn cả quãng đời còn lại để đốt cháy nó. Thế nhưng, sau bầu bí là giai đoạn lớp mỡ thừa chưa “đông cứng” vì thế đây cũng là lúc dễ dàng tiêu mỡ nhất. Do đặc thù công việc và trở lại đi làm khá sớm nên sau 4 tháng bà xã Khải Anh bắt đầu tập luyện một số động tác dưới đây để cơ bụng săn lại:
- Động tác thứ nhất (cho bụng trên): Nằm thẳng trên giường, hai tay đặt sau gáy, bật ngồi dậy, lưng và chân tạo thành góc vuông. Chân giữ nguyên, từ từ ngả lưng xuống, trở lại vị trí ban đầu.
- Động tác thứ hai (cho bụng dưới): Nằm thẳng trên giường, hai tay xuôi theo cơ thể, nâng hai chân nâng cao lên từ từ, gập hết cỡ xuống rồi trả lại vị trí cũ.
- Động tác thứ ba (cho eo): Đứng thẳng, hai chân bằng vai, lắc hông theo hình số 8.
- Động tác thứ tư (tập cả ngày): Hóp bụng. Bài tập này có tác dụng giúp bụng không bị đầy hơi, trướng khí, khoang bụng đang “rỗng” được co lại. Bạn hãy cố gắng tập luyện để bụng lúc nào cũng ở trong tình trạng hóp lại, bất kể đang làm việc gì, lâu dần trạng thái này sẽ trở thành thói quen và bạn sẽ hoàn toàn quên mất mình đang phải thực hiện nó.
Theo VNE