Dân dã chè kho Mỹ Độ
Từ xa xưa người dân phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang vẫn duy trì được những bí quyết làm món chè kho, còn gọi là chè đỗ đãi nức tiếng thơm ngon.
Vào ngày lễ tết, món ăn truyền thống này trở thành lễ vật quan trọng dâng lên tổ tiên và cũng là món quà ý nghĩa biếu tặng những người thân.
Chè kho Mỹ Độ tuy dân dã nhưng ai đã một lần được thưởng thức đều khó quên bởi hương vị đậm đà, thanh mát. Chè có màu vàng óng – màu của đỗ với những hạt vừng tấm trắng rang thơm được rắc lên mặt đĩa. Hương đậu xanh, hạt vừng, vị ngọt thanh của đường kính, chất đậm đà của đậu xanh hòa quyện vào nhau đã tạo nên sự đặc trưng cho món ăn.
Video đang HOT
Đĩa chè kho Mỹ Độ.
Theo kinh nghiệm của người dân Mỹ Độ, để có một đĩa chè đỗ đãi thơm ngon như ý phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó việc đầu tiên là phải chọn nguyên liệu tốt, mảnh đỗ phải đều, đẹp. Trước khi nấu chè, đỗ xanh phải được ngâm nước khoảng 3 tiếng rồi đem ra đãi sạch lớp vỏ và tạp chất. Sau đó cho đỗ vào nồi, đổ nước xâm xấp và nấu, lúc này người nấu cần điều chỉnh cho ngọn lửa vừa phải, lửa to nồi chè dễ bén, lửa nhỏ đỗ sẽ sượng, không chín đều cũng coi như hỏng nồi chè. Đun cho đến khi sôi thì vớt hết lớp bọt phía trên bỏ đi, tiếp tục đun tới khi đỗ nhuyễn, đặc sánh thì cho đường, cộng thêm một lượng nhỏ mỡ để chè được ngon và róc khi múc ra đĩa.
Khâu nấu chè quyết định phần lớn đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên để có đĩa chè hấp dẫn, bắt mắt, khâu múc chè ra đĩa đóng vai trò quan trọng không kém, người làm cần thật khéo léo, phải múc khi chè còn nóng, đổ đều tay quay tròn trên đĩa để chè thành khuôn, phẳng tròn và láng bóng. Lúc này người nấu sẽ rắc thêm vừng đã rang chín vàng lên trên mặt đĩa chè, tiếp đó chè sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ hình tam giác. Ngày Tết, thật hạnh phúc biết bao khi sum vầy bên gia đình, cùng nhau thưởng thức món chè đỗ đãi Mỹ Độ thơm ngon, bùi béo.
Chè kho Nam Định Hương vị quê nhà
Cùng với cá kho, bánh gai, cá gỏi, chè kho Nam Định là đặc sản dân dã mà đặc sắc của một vùng đất cổ giầu chất văn hóa. Ai cũng biết chè kho nấu đúng cách rất khó về mặt kỹ thuật.
Đó là thứ chè ăn ngọt, dạng khô dẻo, nấu bằng đậu xanh, được bày trên đĩa nhỏ chứ không phải ăn cốc như những món chè bình thường. Món chè dân dã ấy được người dân Nam Định đãi khách trong những ngày lễ tết, hay cúng rằm. Và giờ đây, nó đã trở nên phổ biến trên đất Bắc ngay cả trong những ngày thường nhật.
Chè kho không cầu kỳ như chè cung đình Huế, không đòi hỏi nhiều loại nguyên liệu như chè miền Nam. Chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, ta đã có những đĩa chè ngon.
Đỗ được chọn làm chè phải ngon, khi nấu lên phải tơi màu vàng ruộm
Từ những hạt đỗ được lựa chọn kỹ càng, cẩn thận ấy, đem ngâm no nước rồi đãi sạch. Sau đó, rắc lên vài hạt muối, để ráo nước rồi đem rang trước khi xay thành bột mịn. Có bột rồi, lấy đường trắng hoặc đường phèn vào nước sôi để nguội đánh tan đường rồi trộn đều với bột và đem đun nhỏ lửa, từ đó khuấy liên tục và phải thật đều tay. Công đoạn này đòi hỏi sự công phu, tỷ mỷ và sự khéo léo của người nấu. Bởi, chỉ cần chểnh mảng một chút thôi là chè sẽ bị khê cháy. Khi thấy tay khuấy nặng dần, bột từ loãng thành đặc phải đợi bột sôi thêm một lúc nữa và từ từ loãng ra thì đó là lúc món chè kho đã hoàn thành. Nhìn nồi chè kho vàng sáng mịn, ăn có vị ngọt đậm, thoang thoảng mùi thơm của đỗ mới thấy được cái tài tình cũng như công sức của người nấu.
Múc chè ra đĩa, để thật nguội, rắc một chút vừng rang rồi nén lại thật chặt. Một đĩa chè như thế có thể để đến 10 - 15 ngày, không cần đến khâu bảo quản nào mà ăn vẫn thơm ngon. Đó là cái độc đáo mà không vị chè nào có được, bởi trong chè đã có một lượng đường khá lớn so với những món ăn ngọt khác.
Ăn miếng chè kho, nhấp một ngụm trà sen, cảm nhận cái dư vị thơm dẻo, ngọt ngào đan quyện trong vị thanh mát, mới thấy được cái tinh túy của đất trời giao hòa trong buổi đầu xuân và tấm chân tình của người chủ mến khách. Chỉ từng ấy dư vị thôi nhưng cũng đủ làm khắc khoải trong ký ức của biết bao người con xa quê. Dân dã mà ấm áp đến lạ thường!
Giờ đây, trên đất Bắc ngay trong những ngày bình thường ta cũng có thể bắt gặp những đĩa chè kho thơm thảo. Nhưng dư vị của đĩa chè ấy chỉ thực sự đọng lại trong không khí ấm áp của ngày lễ, ngày tết, khi cả gia đình ngồi quây quần bên nhau, nhâm nhi chén trà nóng, cùng sẻ chia dự định tương lai.
Những đặc sản "thử là mê" ở xứ vải thiều Bắc Giang Không nhiều các địa danh du lịch nhưng nếu một lần được đặt chân đến xứ vải Bắc Giang, bạn đừng quên thưởng thức món xôi trứng kiến, bánh bút hay cua da hấp. Những món ăn này sẽ khiến bản ngạc nhiên bởi vô cùng độc đáo, ngon và hiếm. 1. CUA DA HẤP BIA Cua sống trong các ghềnh đá ở...