Dân cày la ó vì game bị kích động bạo lực
Thật đáng buồn vì chỉ một sai sót nhỏ trong game đã khiến cho bao người chơi Kiếm Thế phải nhận cục tức không đáng có.
Không có gì quá ngạc nhiên khi trong thời gian gần đây, Kiếm Thế luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Vinagame với hàng loạt những đợt event lớn nhỏ. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi ở thời điểm hiện tại, Kiếm Thế chính là tựa game được nhiều người chơi nhất tại Việt Nam và cũng chính là “quân át chủ bài” của NPH này.
Tuy nhiên, sau đợt event 8/3 rất được lòng game thủ thì vào giai đoạn giữa tháng 3 này, một đợt event khác mang tên “Thánh Mẫu” lại nhận được những ý kiến trái chiều từ phía dân cày.
Nếu chúng ta không biết thì Tương truyền ngày xưa Quan Thánh là vị quan thanh liêm chuyên trừng trị bọn Hải Tặc cướp bóc của dân nghèo. Chính vì lẽ đó, tại các thành thị, dân chúng đều dựng tượng để tưởng nhớ Ngài. Và hàng năm, cứ vào các ngày từ 19 đến 25/03, họ lại đến tượng Quan Thánh để cầu phúc. Nếu ai may mắn còn được Ngài chỉ đường đến những kho báu mà ngày xưa bọn Hải Tặc cất giấu.
Vẫn như mọi khi, ngoài việc phải chi ra một số lượng đồng tương đối để tham gia event, gamer còn phải tiến hành thêm một số nhiệm vụ nhỏ nữa để nhận lấy những phần thưởng giá trị, và từ đây rắc rối đã bắt đầu nảy sinh.
Cụ thể, sau khi cầu phúc ở tượng Quan Thánh để nhận được vật phẩm Cây Cuốc, người chơi sẽ tiếp tục tham gia tiến hành đào kho báu ở gần những chú Hải Tặc được quy định. Mọi chuyện có lẽ vẫn sẽ diễn ra tốt đẹp nếu như những người thiết kế ra đợt event này không cho chính chủ (người đào kho báu) được sở hữu số phần thưởng mình đào được.
Video đang HOT
Theo đó, sau khi kho báu được đào, tất cả người chơi đều có thể chạy vào nhặt chứ không chỉ mặc định thuộc về chính người đào như mọi khi nữa. Lợi dụng kẽ hở này, ở khắp các server, những tướng cướp hung tợn thi nhau xuất hiện, đi ngược lại hoàn toàn với ý nghĩa cao cả của đợt event Thánh Mẫu nhằm cầu phúc cho dân chúng.
Hòng chuộc lợi, những gamer hàng khủng thường tiềm phục tại xung quanh những con boss Hải Tặc cố định. Ở đó, sau khi có người tới đào kho báu, ngay lập tức, họ sẽ chuyển sang chế độ đồ sát để thực hiện hành vi giết người cướp của. Lúc này, một bầu không khí u ám đang bao trùm trong khắp các server, những nhân sĩ thấp cổ bé họng, đồ yếu chỉ biết ngậm trái đắng, đành chịu không tham dự đợt event này và nếu có, họ cũng thường phải nhờ các bằng hữu thân cận bảo vệ hộ trong quá trình đào kho báu.
Một gamer với nickname dzui dze đã bức xúc tâm sự trên diễn đàn: “Thấy mất thuần phong mỹ tục của VN ta quá, đồng ý GAME là có đánh nhau, nhưng áp dụng để đi cướp của người khác đây là lí lẽ ngàn đời mà người dân ta áp dụng không? Xin thưa thật sự không phải, dân Việt ta rất thành thật, tôi nhớ không lầm từ cấp mẫu giáo hay cấp I chúng ta đã được học bài học “KHÔNG” tham của rơi, có nhặt hãy trả lại… Nhìn động thái của EVENT này thấy tiếc cho “tầm chiến lược” của VNG, tối thấy rất buồn, thật sự buồn”.
Thậm chí, có một số người mặc dù đã có được Cây Cuốc nhưng vẫn không dám đi đào kho báu. Rút kinh nghiệm từ những lần bị đồ sát, bọn họ nhất quyết “không ăn được thì đạp đổ”, quyết không để cho những kẻ “lòng lang dạ thú” kia có cơ hội chuộc lợi bất chính.
Từ trước đến nay, “Sở Hữu” luôn là một trong những tính năng quan trọng nhất trong Kiếm Thế để mang lại sự bình đẳng giữa các người chơi. Để so sánh với hành động trên, chúng ta dễ dàng liên tưởng đến tính năng đào “tàng bảo đồ”, một hoạt động mà trong đó, người chơi cũng kiếm vật phẩm thông qua việc đào kho báu.
Tuy nhiên, các vật phẩm rơi ra khi đào kho báu đã được mặc định chỉ thuộc về người đào hay những người trong cùng tổ đội. Vậy thì câu hỏi được đặt ra là ở đây, tại sao những người thiết kế event không giữ nguyên tính năng này mà lại tạo điều kiện cho những kẻ đồi bại có cơ hội chuộc lợi phi nghĩa, gây mất lòng tin nơi những game thủ chân chính.
Theo PLXH
Thích đấy, nhưng gamer Việt sẽ không móc tiền cho 3DS
Rất nhiều người vẫn coi Sony mới là số một mà không biết rằng trên thế giới, Nintendo mới là kẻ thống trị cả hai thị trường game console và handheld.
Trong thời gian gần đây, 3DS - thế hệ máy chơi game cầm tay tiếp theo của Nintendo - đã đến Việt Nam. Thế nhưng, cái giá "cắt cổ" lên tới tận 10,5 triệu đồng của thiết bị này đang là rào cản lớn nhất khiến mọi người không mặn mà với nó. Ngay cả bộ phận game thủ ưa thích phong cách vui nhộn, giải trí trong các game của Nintendo từ xưa đến nay cũng đành phải ngán ngẩm nói rằng chờ giá máy hạ rồi sẽ mua.
Tuy nhiên, thực trạng không chỉ đơn giản như vậy. Đối với nhiều người, cái giá ngất ngưởng của 3DS vào thời điểm hiện tại chỉ là một trong các lý do khiến họ không ưa thiết bị này. Trước đó nhiều game thủ cũng đã lưỡng lự trước những chi tiết hấp dẫn của 3DS nhưng sau cùng vẫn thiên vị Sony hơn. Rất nhiều người cho rằng NGP - PSP 2 - của Sony có nhiều điểm thú vị và vượt trội hơn.
Họ nói rằng cái giá của 3DS có thể còn cao hơn cả giá trị của chiếc PC trong một số gia đình và đó không phải một khoản tiền đáng để đầu tư. Một số khác nghĩ một thiết bị với độ phân giải không theo kịp thời đại như thế hệ máy chơi game cầm tay này của Nintendo không thỏa mãn được nhu cầu xem phim nghe nhạc của họ. Về mặt này, NGP tỏ ra có nhiều lợi thế hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số quan điểm khiến cho các fan của Sony cũng phải nghĩ lại. Nếu xem phim HD thì thà ngồi ở nhà xem trên màn hình lớn còn hơn. Để "nhồi" một bộ phim HD vào NGP thì còn phải qua rất nhiều bước convert "lằng nhằng" và kết quả thì lại không đáng để mọi người phải mất thời gian. Họ coi NGP không như một chiếc máy hút bụi kiêm luôn chức năng... rửa bát và vai trò thứ 2 của nó thì không cần thiết.
Các game thủ này cho rằng Nintendo 3DS là một thiên đường giải trí bởi nó được thừa kế đến vài nghìn tựa game từ thời DS và phải có đến khoảng 100 game trong đó được đánh giá cao bởi cả giới phê bình lẫn game thủ. Hơn thế nữa, một trò chơi cho hệ máy cầm tay cũng chỉ cần có tính giải trí là được, họ không thấy cần thiết khi so bì về đồ họa giữa PSP2 và 3DS.
Sức ảnh hưởng của Sony trong phần lớn game thủ Việt vẫn còn rất mạnh. Đặc biệt là từ thời PS2 vẫn còn là số một cho đến thời điểm PSP và PS3 ngày càng phổ biến thì nhiều người chỉ cần biết đến những sản phẩm của Sony. Ngược lại, các thiết bị chơi game của Nintendo tuy có chỗ đứng số một thế giới thì lại không được coi trọng đối với bộ phận game thủ Việt.
Mặc dù vậy, theo kết quả bình chọn thì đến hơn 50% game thủ nói rằng họ sẽ mua 3DS ngay khi giá bán của nó đủ rẻ. Khi thiết bị này được bán với giá như chính hãng công bố là 250 USD thì mọi việc sẽ khác. Hơn 25 phần trăm khác thì lại nhất mực ủng hộ Sony và số còn lại thì vốn đã không tin tưởng vào Nintendo nên càng khó chịu trước cái giá 10,5 triệu.
Ngoài ra, những người có cơ hội tận tay thử nghiệm cả hai thiết bị trên trong một thời gian không có nhiều. Thế nên, phần lớn lí do phản biện của hai phe, đặc biệt là những người ủng hộ NGP của Sony, đều rất giống với những chi tiết được quảng cáo của nhà sản xuất. Nếu nhìn vào thực trạng, những thiết bị như PSP đang ngày càng "thất sủng" bởi chỗ đứng lỏng lẻo của nó trên thị trường.
Một chiếc iPod Touch có thể nghe nhạc và xem phim tốt hơn nhiều so với PSP mà giá thành thì không có chênh lệch nhiều. Những tựa game như God of War trên hệ máy cầm tay của Sony thì cũng hiếm hoi và chúng khiến mọi người phải tự hỏi tại sao Sony lại ra làm một máy chơi game cầm tay mà những game hay trên PlayStation Network thì không chạy được mà game hay thì lại chẳng khác game cho PS2 là mấy?
Các game thủ Việt Nam, nói riêng trong bộ phận những người ưa thích những trò chơi được đầu tư kinh phí lớn và "xôi thịt" đang bỏ lỡ một phần rất lớn của game thế giới. Những trò chơi trên 3DS rất có giá trị giữa một ngành công nghiệp game đang ngày càng "phình to" này bởi nó giống như những trò chơi của 10 năm trước đây - bị giới hạn về công nghệ nhưng lại sáng tạo và trên hết vẫn là vui.
Theo PLXH