Dân buôn tiết lộ mánh thổi giá sim VIP
“Gặp người bán, nếu bạn thấy dồn dập 2-3 cuộc điện thoại hỏi về đúng số bạn định mua, có thể đó chỉ là chiêu thổi giá “, anh Dương, từng kinh doanh số VIP ở quận 7, TP.HCM nói.
Sim số đẹp hết thời, anh Dương gom góp vốn chuyển sang mở đại lý vé máy bay. Sau khi hạ giá, thanh lý, anh chỉ còn tồn gần 30 số nên không đến mức bị nguy cơ phá sản như nhiều dân buôn khác. Mới đây, cô em họ mua vội một số năm sinh với giá 1,75 triệu đồng chỉ vì “em không mua, người khác lấy mất, kiếm đâu ra” khiến anh bật cười.
Bằng nhiều cách, dân buôn số đẹp có thể biến những chiếc sim bình thường trở nên rất có giá.
Anh Dương cho biết, giá trị của sim số đẹp thực chất dựa trên tâm lý của người dùng. Do đó, dân buôn thường có rất nhiều “chiêu” để kích khách mua nhanh hơn, biến sim thường trở nên sang trọng, thổi giá sim đẹp đến mức khó tin.
“Bạn gọi điện hỏi sim rồi đến gặp người bán, thấy dồn dập 2-3 cuộc điện thoại cùng hỏi về số bạn thích thì đừng vội nghĩ &’mua nhanh kẻo hết’, đó có thể chỉ là chiêu thổi giá”, anh Dương nói. Cách này thường được áp dụng với những sim ngày tháng năm sinh, không quá VIP nhưng khó tìm được số trùng ngày sinh nên khách dễ tiếc rẻ, mua vội, dẫn đến hớ.
Những chiếc sim đẹp thực sự như đuôi lộc phát, gánh đào, tam quý, tứ quý… thường lại không thể áp dụng cách đó vì quý nhưng không hiếm. Khách chọn số loại này cần sự sang trọng theo tâm lý số đông, không “đóng đinh” đuôi sim nhất định. Bởi vậy, “bạn đừng ngạc nhiên khi thấy trong các bảng rao sim 68, tứ quý, comment hỏi mua sim dày đặc, nhưng bao nhiêu trong đó là lượng khách thực thì rất khó nói”, anh Dương nói.
Video đang HOT
Ngoài việc tạo cơn “sốt” ảo để kích khách hàng mua nhanh và đua nhau mua, những người buôn sim còn rất sáng tạo ý nghĩa các con số, khiến nhiều thuê bao “mê mẩn”. Số đẹp ban đầu chỉ hạn hẹp với 68 – lộc phát, 99 – trường cửu, tam hoa, tứ quý, ngũ quý, sau đó dần mở rộng pham vi, sim dễ nhớ – gánh đào, lặp kép, sim năm sinh cũng được liệt kê vào danh sách này, giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Bằng sự sáng tạo, thậm chí “chế” ý nghĩa, dân buôn số VIP đã cùng nhau “hô biến” sim thưởng trở thành siêu đẹp. Đơn cử, sim đuôi 3456, 6789 không chỉ có giá vì là số tiến mà còn nhờ ý nghĩa ghép từ các chữ cái đầu tiên của số – bạn bè nể sợ (3456), san bằng tất cả (6789). Thậm chí, một số sim rất bình thường, không đẹp, không dễ nhớ cũng trở nên siêu đặc biệt nhờ những cách suy luận đó. “Sim đuôi 154078, nghe qua chẳng ấn tượng đúng không, nhưng được rao là &’một năm bốn mùa không thất bát’, khách nhảy vào mua rào rào, giá 3-5 triệu đồng tùy đầu số”, anh Dương kể.
Không riêng người tiêu dùng, dân kinh doanh sim đẹp còn dùng chiêu “thổi giá” với chính đồng nghiệp trong nghề. Anh Trần Xuân Sơn, từng kinh doanh sim online 5 năm, tiết lộ điều đó. Anh cho biết, những người buôn số VIP có 2 nguồn chính để đẩy hàng: bán cho khách lẻ thì số lượng ít nhưng lãi nhiều, bán cho dân buôn thì số lượng lớn nhưng lãi ít. Do đó, bên cạnh việc kích người tiêu dùng mua, giá càng cao càng tốt, dân buôn vẫn phải “làm giá” để bán buôn cho đồng nghiệp.
“Tạo nên cơn sốt ảo về một dòng sim, sau đó tỏ ra khan hiếm để đẩy giá là mẹo khá phổ biến của người trong nghề. Bởi mỗi dân buôn chỉ có một số mối nhập nhất định, mỗi mối lại chia theo khu vực với đầu số và đuôi số trong phạm vi. Vì vậy, để đa dạng mặt hàng, họ phải nhập của nhau, ai đoán được xu hướng thị trường, nhập sớm thì trúng to, còn rơi vào bẫy sốt ảo thì lỗ nặng, đọng vốn”, anh Sơn cho biết. Những tin đồn sáp nhập mạng nhỏ với mạng lớn trước đây cũng khiến nhiều người buôn số VIP chao đảo vì lý dó đó.
Vẫn cho rằng sim đẹp rất có giá trị, nhất là trong việc dễ nhớ và khẳng định đẳng cấp người dùng song chính những người buôn số VIP cũng thừa nhận giá thực chất không thể cao như thời điểm “sốt” cách đây 2 năm. “Đó là kết quả của rất nhiều chiêu thổi giá mà tâm lý khách hàng cũng góp phần vào đó. Suy cho cùng, ai buôn mà không phải dùng mẹo, ngành nào chẳng vậy”, anh Sơn chia sẻ. Còn theo anh Trần Văn Dương, người tiêu dùng vẫn có thể mua những chiếc sim yêu thích nhưng cần cân nhắc kỹ, so sánh nhiều nơi để mua đúng số mình cần với mức giá hợp lý, tránh bị đánh lạc hướng tâm lý.
Theo VNE
Hết thời hốt bạc từ SIM "số đẹp"
Gần đến ngày 31/12/2013, thời điểm các nhà mạng (Vinaphone, Mobifone) thu hồi các SIM/kit chưa kích hoạt, giới buôn SIM thẻ điện thoại di động ở Hà Nội "đứng ngồi không yên" vì đã lỡ "ôm" hàng trăm SIM số đẹp.
Nhà mạng mạnh tay
Theo ông Nguyễn Xuân Trụ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, thị trường hiện có khoảng 10 triệu SIM không phát sinh cước, chủ yếu dùng cho các hoạt động mua đi bán lại. Việc này làm lãng phí kho số, nảy sinh tình trạng tin nhắn rác và gây phiền hà cho các cơ quan quản lí và doanh nghiệp viễn thông. Bộ TT&TT đã nhiều lần yêu cầu các nhà mạng chấn chỉnh và thu hồi số lượng SIM này để tái sử dụng, đồng thời ngăn chặn việc tiếp tay cho các đại lí SIM thẻ "găm" SIM làm giá và trục lợi.
Tuy nhiên, đến thời điểm này hai mạng Vinaphone và Mobifone mới chính thức thông báo sẽ thu hồi các SIM/kit trả trước phát hành trước ngày 1/8/2011 nhưng đến ngày 31/12/2013 chưa kích hoạt để tái sử dụng. Được biết, số lượng SIM Vinaphone và Mobifone chưa kích hoạt và SIM đã kích hoạt nhưng không phát sinh cước là khá lớn, chủ yếu nằm trong tay các đại lí SIM.
Báo cáo kiểm toán mới nhất về Tập đoàn VNPT cho thấy, doanh nghiệp đang có hơn 75,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động hai chiều, trong đó 72,3 triệu là số trả trước nhưng chỉ có 46 triệu SIM phát sinh lưu lượng trong vòng một tháng. Số máy bị khóa một và hai chiều lên đến gần 5,5 triệu. Trong số 111 triệu đầu số VNPT đã phát hành, có gần 16,4 triệu chưa kích hoạt.
Để chấm dứt tình trạng lãng phí tài nguyên kho số, Viettel cũng đang lên kế hoạch "trảm" các SIM chưa kích hoạt, SIM không phát sinh cước. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Viettel cho biết, thời gian và cách thức thu hồi SIM của Viettel có khác đôi chút so với hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone. Thông tin cụ thể sẽ được nhà mạng thông báo tới khách hàng, các đại lí, cửa hàng SIM thẻ trong thời gian tới.
Giới buôn SIM... xả hàng!
Trước việc các nhà mạng lớn mạnh tay thu hồi SIM "chết" sau ngày 31/12, nhiều người dự đoán thị trường SIM thẻ sẽ lại "dậy sóng". Cụ thể, các đại lí trước đây "găm" SIM "đẹp", SIM "Vip" sẽ phải hạ giá để xả lượng SIM tồn, các SIM thường cũng không còn "cửa sống". Anh N.V.Nam - chủ đại lí SIM trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội cho biết, hầu hết các SIM số "đẹp", SIM "Vip" giờ phải xuống giá bằng, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Nhiều SIM số thường phải bán giá thấp hơn giá nhập mà vẫn không có người hỏi mua.
Một "đồng nghiệp" của anh Nam cũng đang "sống dở, chết dở" với lô SIM trị giá hàng trăm triệu đồng. Thời điểm thị trường sôi động, nghề buôn SIM giúp các đại lí kiếm lời chênh lệch dễ dàng, có SIM số đẹp được mua đi bán lại với giá 100 triệu đồng. Nhiều SIM số được "hét" giá 20 - 30 triệu đồng/SIM mà vẫn rất nhiều người hỏi mua. Nhưng nay thị trường ảm đạm, SIM "đẹp", SIM "Vip" cũng khó bán, lại thêm việc nhà mạng siết hạn lưu hành khiến giới buôn SIM đứng ngồi không yên. "Nhiều chiêu thức rao bán SIM đã được vận dụng từ rao bán qua mạng, rao bán trên các trang mạng xã hội, gửi "bom" tin nhắn rác nhưng SIM vẫn... ế" - anh Nam ngậm ngùi.
Phương án cuối cùng là các chủ buôn SIM sẽ phải tự kích hoạt và "nuôi" các SIM chưa bán được để cầm cự kinh doanh dần nếu không muốn bị thu hồi toàn bộ SIM số đã "ôm". Tuy nhiên, phương án này khá tốn kém vì thông thường đại lí nào cũng có hàng trăm SIM số bao gồm cả SIM đẹp, SIM thường, chi phí để kích hoạt và "nuôi" SIM không hề nhỏ.
"Có lẽ tôi chỉ chọn giữ lại một số SIM đẹp và SIM ở mức trung bình khá để bán thu hồi vốn" - anh Xuân Hải - chủ đại lí SIM thẻ ở Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội tính toán.
Có thể thấy, việc nhà mạng đưa ra thời hạn lưu hành SIM/kit đã giúp thị trường SIM thẻ về sát với giá trị thực, chấm dứt tình trạng "găm" SIM để làm giá, ăn chênh lệch trong khi nhà mạng thiệt đơn thiệt kép vì lượng thuê bao ảo gia tăng, khó quản lí, đi cùng với đó là rất nhiều hệ lụy về an ninh mạng và trật tự xã hội.
Theo Kinh tế & Đô thị
Tin nhắn rác quấy rối người dùng, nhà mạng dường như bất lực Người dùng điện thoại di động lại tiếp tục bị quấy rối bởi "dịch" tin nhắn rác vào những ngày bộn bề cuối năm, trong khi các nhà mạng luôn hứa "theo dõi chặt chẽ và có động thái xử lý kịp thời". Cuối năm 2012, Bộ TT-TT đã có nhiều động thái mạnh tay xử lý vấn đề tin nhắn rác. Tình...