Dân buôn giả danh thua độ để bán điện thoại mùa Euro
“Cần bán gấp do thua độ”, “bán gấp để trả nợ”, nhiều người là dân kinh doanh chuyên nghiệp giả thua cá độ bóng đá lên mạng rao bán điện thoại, laptop qua sử dụng.
Một thông tin rao bán iPhone 6S Plus 64GB với lý do “thua độ” trên mạng. Ảnh: chụp màn hình.
Sau trận đấu giữa Pháp – Ireland của giải bóng đá vô địch Châu Âu 2016, anh Huy, một khách hàng tại Hà Nội truy cập vào trang N…com để tìm hiểu thông tin về chiếc iPhone 6S Plus hàng đã qua sử dụng.
Ngay tại trang đầu tiên, anh đọc được thông tin có người rao bán chiếc iPhone 6S Plus 64 GB xách tay được quảng cáo là chất lượng còn 98% với lý do “thua cá độ” với giá 14,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi điền đúng số điện thoại của người rao bán “do thua độ” vào Google để tra, anh Hoàng Huy đã nhanh chóng phát hiện ra đây là người kinh doanh hàng đã qua sử dụng chuyên nghiệp. Tại hàng loạt website như nhattao, chodocu, docugiare, raovatinfo, webmuaban… vẫn còn lưu chính số điện thoại trên trang N…com với rất nhiều thông tin rao bán đủ loại điện thoại từ Oppo, HTC, Samsung cho tới iPhone…
Trường hợp khác, anh Quang Tuấn, một khách hàng tại Hà Nội cho hay cách đây vài ngày, khi lên mạng mua laptop cũ anh cũng phát hiện ra một người là dân buôn laptop giả danh người thua cá độ Copa America để bán lại chiếc laptop HP ProBook.
“Khi tra số điện thoại tôi cũng đã thất vọng khi phát hiện ra đây là một người thu mua máy tính, điện thoại chuyên nghiệp tại phố Khuất Duy Tiến nên không liên hệ để mua nữa”, anh Tuấn nói.
Đến hẹn lại lên, khi các giải bóng đá quốc tế khởi tranh thì cũng là mùa làm ăn nhộn nhịp của giới kinh doanh điện thoại, laptop, máy tính bảng…, những tay săn hàng quảng bá số điện thoại khắp nơi, sẵn sàng 24/24 giờ, có mặt mọi lúc mọi nơi để gom đồ từ những người có nhu cầu bán thực sự. Và nhanh chóng ngay sau khi gom hàng, những người kinh doanh đồ cũ chuyên nghiệp, các cửa hàng điện thoại, thiết bị số tung quân đi khắp nơi, sử dụng nhiều số điện thoại di động khác nhau để rao bán nhằm kiếm được giá hời.
Đây chính là lý do trên nhiều trang web chuyên mua bán rao vặt vào mùa bóng đá như Euro, Copa America xuất hiện ồ ạt các thông tin rao bán điện thoại, laptop, máy tính bảng… giá rẻ do “thua độ”, “thua độ cần tiền trả nợ gấp”.
Video đang HOT
Một người rao bán diện thoại chuyên nghiệp núp bóng người thua độ bị phát hiện.
“Đánh vào tâm lý nhiều người ham hố nghĩ rằng mua được hàng rẻ do người dùng thua cá độ cần tiền gấp bán lại, nhiều người kinh doanh đã núp bóng “thua độ” để tiện bề rao bán những chiếc điện thoại, laptop, máy tính bảng… Đây là chiêu được sử dụng từ nhiều năm nay và không phải người tiêu dùng nào cũng đủ tỉnh táo, ngồi tra số điện thoại để phát hiện ra đó là người kinh doanh đồ cũ chuyên nghiệp”, một chủ cửa hàng thiết bị số tại phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) trao đổi với ICTnews.
Chính vì thế theo những người có kinh nghiệm, người tiêu dùng có nhu cầu mua điện thoại, máy tính bảng, laptop đã qua sử dụng cần thận trọng khi mua hàng từ các cá nhân trên các website mua bán rao vặt, nhất là khi việc giao dịch chủ yếu được thực hiện tại nơi công cộng, quán café…
Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng của những chiếc điện thoại, laptop, máy tính bảng có giá từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng cũng rất khó lường. Trên thị trường xuất hiện tràn ngập những chiếc iPhone, Samsung trị giá hàng chục triệu đồng trở lên là hàng dựng, hàng tân trang lại như mới chất lượng khó lường, do đó nếu không chắc chắn về nguồn hàng và người bán, người tiêu dùng cần tìm đến những địa chỉ uy tín, có bảo hành đầy đủ để mua.
Theo Hải Hà/ICTNews
Giảm giá liên tục, di động xách tay ế vẫn ế
iPhone, Galaxy Note 5 cùng hàng loạt di động xách tay liên tục giảm giá nhưng không cứu vãn được doanh số ảm đạm từ các cửa hàng.
Từ đầu năm, thị trường chứng kiến những màn giảm giá liên tục của các siêu phẩm di động. Từ iPhone cho đến Galaxy Note 5, S6 hay LG V10, tất cả đều không thoát khỏi bão giảm giá.
Giảm giá từng ngày
Trong số những model có mặt trên thị trường, iPhone là sản phẩm phủ sóng mạnh nhất, cũng là model có những màn giảm giá liên tục, chủ yếu ở nhóm máy qua sử dụng.
Chẳng hạn, iPhone 6 Plus 16 GB qua sử dụng hiện có giá hơn 10 triệu đồng, giảm khoảng 2 triệu trong 4 tháng qua, iPhone 6 16 GB cũng niêm yết ở mức hơn 8 triệu đồng. Những model như iPhone 5 hay 5S hiện có giá bán ngang ngửa với một số smartphone giá rẻ, ở mức 3 - 4 triệu đồng.
iPhone giảm giá mạnh từ đầu năm đến nay. Ảnh: Tuấn Anh.
Ở nhóm di động Android, màn giảm giá của di động Samsung gây chú ý nhất. Galaxy Note 5 hiện có giá bán khoảng hơn 11 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều người chọn mua bản qua sử dụng hàng Mỹ với giá 8,5 triệu. So với thời điểm mới về nước hồi đầu năm, giá bán của Note 5 Mỹ cũng giảm 2 triệu.
Trong tầm giá 7 - 8 triệu đồng, người dùng cũng có thể sở hữu model đời mới là Xiaomi Mi 5 - smartphone được chào bán giá hơn 9 triệu hồi tháng 3.
Doanh số ảm đạm
Giảm giá, kích cầu nhưng thị trường di động xách tay chưa thoát khỏi những ngày ảm đạm. "Trước đây mỗi ngày một cửa hàng bán vài chục máy nhưng hiện tại việc duy trì doanh số khoảng 20 máy/mỗi cửa hàng khá khó khăn", đại diện một đơn vị kinh doanh di động xách tay với 3 cửa hàng ở Hà Nội chia sẻ với Zing.vn.
Cửa hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường chững lại.
Vị đại diện này cho biết, thị trường di động xách tay trầm lắng kể từ đầu năm. Doanh số thấp khiến cửa hàng buộc phải giảm giá liên tục các sản phẩm để kích cầu, trong đó iPhone và một số mẫu di động Mỹ được ưa chuộng nhất. Ngoài ra, một số di động của Xiaomi cũng có doanh số khá.
Tuy nhiên, cả 3 nhóm sản phẩm này đều gặp vấn đề. iPhone mặc dù có sức bán tốt nhưng sức cạnh tranh quá mạnh với hàng trăm các đơn vị kinh doanh, từ lớn đến bé. "Miếng bánh tuy ngon nhưng bị chia quá nhỏ. Có những đơn vị sẵn sàng giảm giá iPhone kịch sàn để lấy ưu thế về giá, bỏ qua yếu tố chất lượng sản phẩm và bảo hành", vị đại diện này cho hay.
Trong khi đó, nhóm di động qua sử dụng hàng Mỹ có lợi nhuận tốt nhưng tỷ lệ hàng lỗi cao. Cửa hàng nhập về bán 10 máy, chỉ cần một máy gặp lỗi, coi như hòa vốn, thậm chí lỗ. Riêng di động nội địa Trung Quốc là sản phẩm có tiềm năng, thu hút nhóm người dùng trẻ nhưng hệ số lợi nhuận quá thấp, nhiều khi lãi 200.000 - 300.000 đồng/máy.
Theo dự đoán của các đơn vị kinh doanh, tình trạng ảm đạm của thị trường có thể còn kéo dài. Thông thường các năm trước, giai đoạn giữa năm luôn là thời điểm thị trường xuống thấp nhất.
Làn gió mới ở đâu?
Phải một tháng rưỡi nữa, nửa đầu 2016 mới kết thúc nhưng với giới di động, họ đã bắt đầu nghĩ đến nửa sau của năm. Những di động đáng chú ý nhất đều ra mắt và có mặt trên thị trường. Có thể thấy, gần như không có model này gây được hiệu ứng mạnh mẽ, giúp các cửa hàng cứu vãn doanh số thấp kém. Galaxy S7, S7 edge chỉ bán tốt ở nhóm chính hãng, thị trường xách tay khá mờ nhạt. LG G5 xách tay về nước sớm, sau đó mất hút vì giá cao.
Các cửa hàng chờ đón những làn gió mới.
Ngay ở thời điểm hiện tại, khi giá bán bán của máy giảm xuống mức hơn 13 triệu, cửa hàng nhập về nhiều hơn, vẫn không thấy dấu hiệu cho thấy model này hút khách. Quanh đi quẩn lại, họ vẫn loay hoay tìm kiếm lợi nhuận với những model smartphone đời cũ như iPhone, Galaxy Note 5, S6 hay di động giá rẻ của Xiaomi.
Theo đó, iPhone 7 và Galaxy Note 6 được chờ đợi là những sản phẩm hâm nóng thị trường cuối năm.
Trong kho đó, smartwatch hiện cũng đang chìm dần trên thị trường. Từ chỗ được kỳ vọng là thiết bị của thời kỳ hậu smartphone, nó được xem là những món phụ kiện đắt đỏ không hơn không kém trong khi tiện ích mang lại chưa tương xứng. Trong thời gian tới, các thiết bị IoT (thiết kế thông minh kết nối Internet) có thể mở ra những cơ hội mới cho cửa hàng. Tuy nhiên, đó chưa phải là chuyện của tương lai gần.
Thành Duy
Theo Zing