Đâm tàu trên biển: Phút giây sinh tử
“Hơn 25 năm làm nghề đi biển, sóng to, gió lớn tôi đã trải qua, nhưng lần đi biển này là định mệnh nhất và không thể nào quên. Cảnh tượng lúc đó thật kinh hoàng. Tôi nghĩ chắc mình đã chết”.
Ngư dân Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, quê Tiền Giang) kể lại đêm kinh hoàng khi tàu cá bị tàu hàng Sina Saphire (quốc tịch Singapore) đâm chìm.
Đến 0h30 ngày 17/9, 4 trong số 8 ngư dân được cứu sống trên tàu cá Tiền Giang bị tàu hàng đâm gãy đôi vào khuya ngày 16/9 ngoài khơi biển Vũng Tàu đã được tàu Sar 272 đưa về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vũng Tàu).
Tàu Sar 272 đưa 4 ngư dân về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vũng Tàu)
Cả 4 người gồm: ông Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, quê Tiền Giang), anh Nguyễn Văn Hồng (38 tuổi), hai cha con anh Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Bé (13 tuổi, quê Cà Mau) được đưa lên bờ trong tình trạng sốt, bị thương ở tay, chân. Ngay sau được đưa lên bờ, tất cả được chuyển đến bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) để điều trị.
Vẫn chưa hết kinh hoàng, anh Nguyễn Văn Thanh kể lại đêm thoát chết thần kỳ của cha con anh giữa biển khơi: “Trên tàu cá lúc đó có 16 người đã đi biển được 2 tháng. Trước khi gặp nạn, tàu cá đang chạy vào bờ. Rạng sáng ngày 16/9, tôi đang nằm ngủ trên tàu thì bỗng nghe tiếng tông âm ầm, giật mình tỉnh dậy thì thấy mình đang rơi xuống biển, chiếc tàu cá bị gãy đôi. Nhiều ngư dân kêu cứu, la hét. Tôi bị lưới cá bao trùm nên lặn thật sâu cố thoát ra khỏi lưới bủa vây rồi vội gọi tên con trai là cháu Bé”.
“Cảnh tượng lúc đó thật kinh hoàng, chiếc tàu bị gãy đôi, trời tối như mực, sóng biển đập tới liên tiếp. Tôi gọi: Bé ơi, con ở đâu? Khi gọi đến tiếng thứ hai thì nghe con trai trả lời. Nhìn lại thấy con tôi đang đu bám vào anh Hồng, cách tôi vài mét”, anh Thanh vẻ mặt thất thần kể lại.
Ngay lập tức, anh Thanh bơi tới chỗ con trai, rồi bám vào can nhựa và phao. Lúc này, hai cha con anh Thanh cùng anh Hồng gặp được 5 bạn biển ở thuyền khác cũng đang lênh đênh trên biển.
Video đang HOT
Ông Võ Văn Nhiệm, 61 tuổi, hơn 25 hành nghề đi biển, kể lại đêm kinh hoàng khi tàu cá bị tàu hàng đâm chìm
Hai cha con ngư dân Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Bé (13 tuổi, quê Cà Mau).
Em Bé (13 tuổi), con của anh Thanh, ngư dân trẻ tuổi nhất, kể lại với chúng tôi về đêm kinh hoàng: “Con cũng đang ngủ thì tiếng tông nhau chát chúa. Tàu bị gãy đôi rồi nhanh chóng chìm xuống biển. Con cũng bị rớt xuống nước. Lúc đó, con gọi cha con nhưng không nghe cha trả lời. Con sợ chết, nghĩ đến mẹ và anh trai ở nhà. Sau khi bám được sợi dây trên mặt nước, con lại gọi cha. Một lúc sau, mới nghe cha trả lời”.
Ngư dân Nguyễn Văn Hồng nói trong nước mắt: “Lúc tôi cùng 7 ngư dân nổi trên mặt nước thì thấy anh Ba Chiến (người được xác định đến thời điểm này đã tử vong – PV) nổi trên mặt nước. Chúng tôi cố gắng gọi to nhưng anh không trả lời, có lẽ lúc tàu bị đâm anh đã bị va đập mạnh dẫn đến bị thương. Gần 1 giờ sau, tàu hàng Sina Saphire đến vớt chúng tôi lên. Chúng tôi cố gắng chỉ nơi anh Chiến chìm nhưng lúc này đã không tìm thấy anh. Sau khi được đưa lên tàu hàng, chúng tôi được cho ăn uống, lúc đó mới lấy lại bình tĩnh nhưng vẫn hoảng sợ khi nghĩ về đêm kinh hoàng”.
4 ngư dân vẫn chưa hết kinh hoàng về đêm định mệnh trên tàu cá
Ngư dân Võ Văn Nhiệm (61 tuổi, ngụ Tiền Giang) với hơn 25 “ngang dọc” trên biển. Ông từng đối mặt với nhiều sóng to, gió lớn trên biển nhưng chưa bao giờ thấy sợ như thế này. “Lúc đó, khoảng 2h sáng, tôi đang nằm trên võng chuẩn bị ngủ thì nghe tiếng tông ầm ầm rất lớn. Nhìn lại thì thấy tàu cá đã bị chìm. Tôi cố gắng thoát ra ngoài nhưng không được. Chỉ đến khi ca bin đầy nước, tôi mới bơi được ra ngoài.
Dù được đưa vào bờ an toàn, trên người mặt hai chiếc áo dày nhưng lúc trò chuyện với chúng tôi ông Nhiệm vẫn thấy lạnh. Ông Nhiệm nói, trên tàu cá, có 16 người, 8 người được cứu sống. Còn lại 8 người, 1 người là anh Chiến (được xác định đã chết-PV), 7 bạn thuyền còn lại có khả năng bị mắt kẹt trong lưới cá không thoát ra ngoài được lúc tàu chìm.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hàng khu vực III sẽ đưa 4 ngư dân còn lại vào bờ trưa hôm nay ngày 17/9. Công tác tìm kiếm, cứu hộ vẫn được triển khai liên tục.
Sáng nay (17/9), ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực III cho biết, công tác tìm kiếm 7 nạn nhân mất tích vẫn đang tiếp tục. Hiện thời tiết trên biển đang có diễn biến xấu hơn. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực hiện trường vụ đâm tàu đang có gió giật cấp 7, cấp 8. Sóng to gió lớn, tầm nhìn hạn chế làm ảnh hưởng đến công tác cứu nạn. Hiện lưới bao phủ trên mỏm tàu còn nhô lên mặt nước đã được cắt ra nhưng vẫn còn bao quanh phần thân tàu bị chìm gây khó khăn cho các thợ lặn tiếp cận thân tàu.
Theo Hải Âu – Lê Mai (Khampha.vn)
Đâm tàu ở Vũng Tàu: Tìm kiếm trong sóng lớn
Đến 20 giờ tối nay (16/9), công tác cứu nạn, tìm kiếm 7 thuyền viên mất tích trên biển Vũng Tàu phải tạm dừng do sóng to gió lớn. Dù thời tiết không thuận lợi cho việc cứu nạn, song hiện một số tàu hàng, tàu cứu nạn vẫn túc trực tại hiện trường để tiếp tục tìm kiếm khi điều kiện cho phép.
Tối 16/9, thông tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III cho biết, do thời tiết xấu, sóng to gió lớn, công tác tìm kiếm 7 người mất tích của tàu cá TG 92819 TS (Tiền Giang) đã phải tạm dừng. Hai trực thăng tham gia tìm kiếm cứu nạn cũng đã trở về căn cứ, chờ lệnh điều động mới.
Thông tin từ hiện trường cho biết, tàu cá TG 92819 TS bị lật úp, nổi lờ đờ trên biển, theo quan sát của lực lượng cứu hộ, cứu nạn, tàu bị nạn có vết va chạm bên phía mạn phải tàu. Do lưới trên tàu bị nạn bị xổ ra bao quanh tàu lại gặp sóng to gió lớn nên nhóm thợ lặn chuyên nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận tàu, tìm kiếm những người mất tích.
Ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III, cho biết dù thời tiết không thuận lợi cho việc cứu nạn, song hiện một số tàu hàng, tàu cứu nạn vẫn túc trực tại hiện trường để tiếp tục tìm kiếm khi điều kiện cho phép.
Tàu Sima Sapphire (quốc tịch Singapore) dự kiến sẽ vào đến Vũng Tàu lúc 22 giờ tối nay để phục vụ công tác điều tra.
Trong một diễn biên khác, thông tin từ ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, đơn vị này đã yêu cầu tàu container Sima Sapphire và thủy thủ đoàn vào Vũng Tàu để phục vụ công tác điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn hàng hải.
Hiện tàu Sima Sapphire (quốc tịch Singapore) đã chấp hành lệnh triệu tập của nhà chức trách Việt Nam, và dự kiến trước 22 giờ tối nay tàu Sima Sapphire sẽ vào tới phao số 0 vùng biển Vũng Tàu để neo đậu, phục vụ công tác điều tra.
Hiện trên tàu Sima Sapphire đang chở theo 6 ngư dân được cứu sống của tàu cá TG 92819 TS. Riêng 2 thuyền viên được tàu Sima Sapphire cứu sống, do bị thương nặng, đã được bàn giao cho tàu cứu hộ cứu nạn SAR 272 tiếp nhận để chăm sóc y tế, đưa vào bờ để chữa trị.
Trước đó, rạng sáng 16/9, tàu hàng Sima Saphire của Singapore đang trên hải trình từ TP.HCM đi Malaysia đã xảy ra va chạm với tàu cá của Tiền Giang, cách Vũng Tàu khoảng 50 hải lý. Vụ đâm tàu đã khiến tàu cá bị chìm và 16 thuyền viên rơi xuống biển. 8 thuyền viên tàu cá Tiền Giang đã được tàu Singapore cứu sống; vớt được thi thể 1 nạn nhân; hiện còn 7 người đang mất tích. Các lực lượng cứu nạn đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích.
Danh sách 7 thuyền viên mất tích (do ông Nguyễn Văn Hơn, chủ tàu cá mang số hiệu TG - 92819-TS cung cấp), gồm:
1. Đỗ Ánh (SN 1972)
2. Nguyễn Văn Tân (SN 1975)
3. Nguyễn Văn Khánh (SN 1981)
4. Trung Đức Hùng (SN 1968)
5. Đặng Văn Thơm (SN 1964)
6. Nguyễn Văn Hiệp (SN 1963)
7. Một người tên Hòa chưa rõ họ và quê quán.
Riêng một người được xác nhận đã tử vong là Nguyễn Văn Tú (tức Ba Chiến, SN 1962, trú phường 2, thành phố Mỹ Tho).
Theo M.Duy- L.Mai (Khampha.vn)
Ghi nhận nạn nhân còn sống để tìm kiếm nhanh hơn "Toàn bộ tàu và ngư lưới cụ của tàu TG 92819 đã chìm sâu dưới đáy biển. Về các nạn nhân mất tích vẫn được chúng tôi ghi nhận là còn sống để thúc đẩy công tác tìm kiếm nhanh chóng hơn". Chiều tối ngày 16/9, ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực...